Hai mặt của dòng chảy đầu tư ra nước ngoài

Nhàđầutư
Những năm gần đây, ngoài dòng vốn đầu tư khu vực nhà nước, khối tư nhân ngày càng mạnh dạn tham gia giành “miếng bánh” thị phần ở thị trường quốc tế. Lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài đã đa dạng hơn, không chỉ bó hẹp trong khai thác tài nguyên mà còn vươn ra cung cấp dịch vụ, tài chính, ngân hàng…
HỒ MAI
23, Tháng 06, 2018 | 07:00

Nhàđầutư
Những năm gần đây, ngoài dòng vốn đầu tư khu vực nhà nước, khối tư nhân ngày càng mạnh dạn tham gia giành “miếng bánh” thị phần ở thị trường quốc tế. Lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài đã đa dạng hơn, không chỉ bó hẹp trong khai thác tài nguyên mà còn vươn ra cung cấp dịch vụ, tài chính, ngân hàng…

dau tu ra nuoc ngoai - viettel (1)

 

Những kết quả đáng ghi nhận

Bên cạnh sự sôi động của thu hút đầu tư nước ngoài, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam những năm qua đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Không thể phủ nhận, đầu tư ra nước ngoài giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và tránh những hàng rào bảo hộ thương mại của nước nhận đầu tư.

Ngoài 13 nhà máy sản xuất sữa trải dài khắp Việt Nam, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) còn đầu tư xây dựng nhà máy sữa Angkor tại Campuchia (Vinamilk sở hữu 100%), nắm 22,8% cổ phần tại nhà máy sữa Miraka (New Zealand), sở hữu 100% cổ phần nhà máy Driftwood (Mỹ) và đầu tư công ty con tại Ba Lan làm cửa ngõ giao thương các hoạt động thương mại của Vinamilk tại châu Âu.

Đầu năm nay, Tập đoàn TH đã khánh thành trang trại bò sữa đầu tiên tại Nga, đánh dấu bước đi đáng kể trong việc thâm nhập thị trường Đông Âu với tổng vốn đầu tư dự kiến 2,7 tỷ USD.  

th-khanh-thanh-trang-trai-bo-sua-tai-nga-1619

Bài Thái Hương cùng Ngài Vorobjov Andrey Yurovich - Thống đốc tỉnh Moscow và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Liên bang Nga - Ngô Đức Mạnh tham quan trang trại của TH ở Moscow.

Trên thị trường thực phẩm và đồ uống, chuỗi nhà hàng Wrap & Roll đã khai trương một số cửa hàng nhượng quyền tại Thượng Hải (Trung Quốc). Hay Tập đoàn Masan đang từng bước đưa các dòng sản phẩm nước chấm vào các kệ siêu thị của Thái Lan.

Dấu ấn lớn nhất của người Việt trên sân chơi thế giới có lẽ là Tập đoàn FPT khi chứng kiến lợi nhuận từ các thị trường bên ngoài tăng 29% trong năm 2017. Với việc đóng góp gần 1/3 vào tổng lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn, định hướng toàn cầu hóa tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của FPT sau khi thoái vốn khỏi sân chơi bán lẻ. 

Dù vậy, những trường hợp thành công khi đi ra nước ngoài tương tự như FPT, Vinamilk xem ra vẫn khá hiếm hoi.

Được thành lập từ tháng 10/2016, nhưng đến cuối tháng 6/2017, Thế giới Di động mới có thể khai trương cửa hàng đầu tiên tại Phnom Penh, Campuchia do doanh nghiệp không mua được những nguồn hàng có thuế. BigPhone được dự báo sẽ có lợi nhuận từ cuối năm 2018, nhưng chắc chắn, tỷ suất lợi nhuận chưa thể cao bởi các chính sách thuế cũng như chi phí mặt bằng đắt đỏ.

Với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, dù đã rót hàng tỷ USD vào các dự án nông – lâm nghiệp như các trang trại trồng cao su, bò thịt hay mía đường tại Campuchia và Lào nhưng đến nay, hiệu quả mang lại chưa đáng kể mà tổng nợ phải trả lên tới 1,5 tỷ USD và bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.

Chưa thực sự hiệu quả

Một báo cáo về việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, Chính phủ cho hay, tính đến hết năm 2016, đã có 18 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước có dự án đầu tư ra nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký vượt con số 12,6 tỷ USD.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với tổng số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài 6,68 tỷ USD (chiếm 53% tổng vốn đầu tư của 110 dự án) đứng số 1 về giá trị đầu tư và cũng đứng đầu bảng về số vốn thực hiện lũy kế đến hết năm 2016 là 3,74 tỷ USD (chiếm 49%). 

Số tiền vốn bỏ ra lớn, song dòng tiền thu về rất nhỏ giọt. Số liệu đến 31/12/2016 cho thấy, có đến 46,4% dự án không có báo cáo về doanh thu - lợi nhuận. Số dự án lỗ lũy kế tính đến hết năm 2016 chiếm 29%, còn riêng năm 2016 có 25,5% dự án báo lỗ. Cũng tính riêng trong năm này, lợi nhuận được chia cho phía Việt Nam là 145 triệu USD, chỉ bằng 2% tổng số tiền đã đầu tư ra ngoài nước.

PVN đã thừa nhận “thất bại” bất đắc dĩ ở Venezuela. Sau nhiều năm ký kết hợp đồng, mọi kỳ vọng gửi gắm ở dự án liên doanh khai thác dầu nặng Junin 2 giai đoạn đầu trị giá 8,9 tỷ USD tại quốc gia dầu mỏ này đã phải tạm dừng. Tổng số tiền mà PVN đã rót vào dự án này được cho là 500 triệu USD trong tổng số vốn dự tính góp vào 1,8 tỷ USD.

Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng có không ít thương vụ đầu tư ra nước ngoài bị mất vốn, thua lỗ như: 111 tỷ đồng đầu tư vào Stung Treng ở Campuchia nguy cơ mất toàn bộ vốn; 184 tỷ đồng thăm dò mỏ bauxite ở Campuchia, 77,6 tỷ đồng khi hợp tác vào Công ty Southern Mining Co.Ltd được xác định gần như mất toàn bộ vốn. Chưa kể, khoản thua lỗ 69 tỷ đồng khi đầu tư vào dự án mỏ sắt Phu Nhuon (Lào), 37,9 tỷ đồng vào dự án khai thác mỏ muối ở Công ty TNHH Vinacomin, Lào.

Tổng số vốn mà Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) chi ra hơn 1,4 tỷ USD để trồng hàng chục ngàn hecta cao su tại Lào, Campuchia nhưng hiệu quả mang lại rất thấp do giá cao su tiếp tục diễn biến bất lợi, cũng như năng lực quản trị, dự báo rủi ro còn nhiều hạn chế.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) chỉ một mỏ muối kali với trên 500 triệu USD sau khi khởi công năm 2015 đã bị dừng dài hạn và giờ, lọt trong danh sách những đại dự án nghìn tỷ thua lỗ kéo dài.

Làn sóng mới có là cơ hội mới?

Theo báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), trong năm 2017, hầu hết các dự án đầu tư ra nước ngoài đều không sử dụng vốn nhà nước (chỉ có 1 doanh nghiệp nhà nước là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đầu tư sang Nga, còn lại là 2 doanh nghiệp có vốn nhà nước là Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel và Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí tham gia đầu tư ra nước ngoài), còn lại là các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp FDI. Số lượng các dự án có nhà đầu tư là cá nhân cũng khá lớn, chiếm khoảng 1/3 số dự án cấp mới.

Nếu như những năm trước, đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam ghi đậm dấu ấn với một loạt dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ viễn thông, thì những tháng đầu năm 2018, tài chính ngân hàng đang là một điểm sáng. Tài chính ngân hàng là lĩnh vực dẫn đầu về vốn đầu tư nước ngoài từ Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2018, với tổng vốn đăng ký mới tăng thêm 105,77 triệu USD, chiếm 57,3%.

Ngoài các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước như BIDV, VietinBank, Vietcombank, một số ngân hàng tư nhân như Sacombank, SHB, HDBank… tiếp tục có ý định mở thêm phòng giao dịch, chi nhánh mới hay nâng vốn cho các ngân hàng con hoặc đang xúc tiến mở các chi nhánh tại nước ngoài.

Điển hình như SHB với một ngân hàng con 100% vốn trực thuộc tại Lào và một ngân hàng con tại Campuchia, nguồn thu từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài đóng góp khá lớn (khoảng 10%) vào doanh thu của toàn hệ thống. Trong năm 2017, lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh tại khu vực nước ngoài của SHB là 192 tỷ đồng, bằng 10% tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này.  

Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng mở cửa, không chỉ đón nhận vốn ngoại mà còn thúc đẩy đầu tư ra ngoài lãnh thổ thì việc các định chế tài chính mở rộng hoạt động ra nước ngoài sẽ hỗ trợ rất nhiều không chỉ cho kiều bào mà còn cho các doanh nghiệp Việt kinh doanh ở đây.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đầu tư ra nước ngoài nhằm thu tỷ suất lợi nhuận cao hơn, khai thác thị trường, tiết kiệm chi phí, vận tải,… các chuyên gia kinh tế đều cho rằng cần rà soát lại và có thái độ dứt khoát dự án đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả, dành chỗ cho những dự án có triển vọng, để đầu tư ra nước ngoài không còn mang về nhiều “trái đắng”.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25030.00 25048.00 25348.00
EUR 26214.00 26319.00 27471.00
GBP 30655.00 30840.00 31767.00
HKD 3156.00 3169.00 3269.00
CHF 27071.00 27180.00 27992.00
JPY 159.45 160.09 167.24
AUD 15862.00 15926.00 16400.00
SGD 18109.00 18182.00 18699.00
THB 667.00 670.00 696.00
CAD 17920.00 17992.00 18500.00
NZD   14570.00 15049.00
KRW   17.26 18.81
DKK   3520.00 3646.00
SEK   2265.00 2349.00
NOK   2255.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ