Năm 2017, hầu hết các dự án đầu tư ra nước ngoài không sử dụng vốn nhà nước

Nhàđầutư
Năm 2017, hầu hết các dự án đầu tư ra nước ngoài đều không sử dụng vốn nhà nước, chiếm phần lớn là các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp FDI. Số lượng các dự án có nhà đầu tư là cá nhân cũng khá lớn, chiếm khoảng 1/3 số dự án cấp mới.
ANH MAI
29, Tháng 05, 2018 | 07:34

Nhàđầutư
Năm 2017, hầu hết các dự án đầu tư ra nước ngoài đều không sử dụng vốn nhà nước, chiếm phần lớn là các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp FDI. Số lượng các dự án có nhà đầu tư là cá nhân cũng khá lớn, chiếm khoảng 1/3 số dự án cấp mới.

"Thiên đường thuế" Marshall Islands - điểm đến số 1 vốn đầu tư ra nước ngoài

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) cho 130 hoạt động đầu tư sang 27 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký ĐTRNN là 268,5 triệu USD (giảm 10% số dự án và 84% vốn đăng ký so với năm 2016); cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký ĐTRNN để thay đổi vốn cho 25 hoạt động với tổng số vốn điều chỉnh tăng thêm 81,5 triệu USD. Tính tổng số vốn cấp mới và tăng thêm trong năm 2017 là 350 triệu USD (giảm 64% so với năm 2016).

Về địa bàn đầu tư, xét về quy mô dự án, hoạt động ĐTRNN tập trung vào các địa bàn quần đảo Marshall - Marshall Islands (56,9 triệu USD, chiếm 16,3% tổng vốn đăng ký), Mỹ (56,5 triệu USD, chiếm 16,2%), Campuchia (56,5 triệu USD, chiếm 16,1%), Úc (48,2 triệu USD, chiếm 13,8%), Uganda (35 triệu USD, chiếm 10%).

Marshall Island

"Thiên đường thuế" Marshall Islands là dẫn đầu về quy mô vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam năm 2017.

Xét theo số lượng dự án, các hoạt động đầu tư mới tập trung chủ yếu vào thị trường Myanmar (20 dự án chiếm 15,4% tổng số dự án mới), Mỹ (19 dự án, 14,6%), Úc (13 dự án, chiếm 10%), Singapore (12 dự án, chiếm 9,2%), Campuchia (10 dự án, chiếm 7,7%).

Về lĩnh vực đầu tư, xét theo quy mô vốn, hoạt động ĐTRNN tập trung vào bất động sản (66,8 triệu USD chiếm 19,4% tổng vốn đăng ký), hoạt động dịch vụ chuyên ngành (62,7 triệu USD, chiếm 17,9%), thương mại (50,8 triệu USD, chiếm 14,5%), tài chính-ngân hàng (36,3 triệu USD, chiếm 10,4%), khai khoáng (35,8 triệu USD, chiếm 10,2%).

Một số dự án đầu tư mới có vốn đăng ký lớn trên 10 triệu USD có thể kể đến như: đầu tư góp vốn đầu tư, kinh doanh kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu khí (FPSO) cho Talisman Vietnam 07/03 B.V. Limited thuê phục vụ phát triển mỏ Cá Rồng Đỏ thuộc lô 07/03 ngoài khơi Việt Nam của Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam tại (công ty thành lập ở Marshall Island) (56,9 triệu USD); đầu tư khai thác, chế biến tinh quặng ra vàng và kim loại màu tại Uganda của Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình (35 triệu USD); đầu tư, xây dựng nhà để bán và cho thuê thương mại tại Úc của Công ty Cổ phần Đầu tư IMG (34,5 triệu USD).

Ngoài ra còn một số dự án khác như đầu tư mua lại trung tâm thương mại và cho thuê mặt bằng kinh doanh, văn phòng tại Mỹ của Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Điền Phúc Thành (15 triệu USD); đầu tư trồng 939 ha chanh leo và 150 ha bơ tại Lào của Công ty Cổ phần Hưng Thắng Lợi Gia Lai (12,5 triệu USD); đầu tư kinh doanh gỗ và các sản phẩm từ gỗ tại New Zealand của ông Nguyễn Hồng Chuyên (10,23 triệu USD).

Các hoạt động đầu tư tăng vốn có vốn tăng thêm trên 10 triệu USD bao gồm: Ngân hàng TMCP Quân đội  (MBBank) tăng vốn cho chi nhánh ngân hàng tại Campuchia (tăng vốn 36 triệu USD); Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tăng vốn cho hoạt động đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm sữa tại Campuchia (10,78 triệu USD); Công ty TNHH Đầu tư giáo dục Hoàng Quân tăng vốn cho hoạt động đầu tư kinh doanh cho thuê nhà tại Mỹ (10 triệu USD).

Tiền chuyển về nước: 1,8 tỷ USD

Theo báo cáo của các nhà đầu tư, tổng vốn chuyển ra nước ngoài trong năm 2017 để thực hiện các hoạt động đầu tư là 359,6 triệu USD, giảm 34% so với năm 2016.

Vốn chuyển ra nước ngoài lũy kế hết 2017 là khoảng 7,51 tỷ USD. Lao động Việt Nam đưa ra nước ngoài hết năm 2017 là 5.031 người. Tổng số tiền đã chuyển về nước hết 2017 là 1,8 tỷ USD, bao gồm lợi nhuận/lãi được chia đã chuyển về nước lũy kết hết 2017 là 966,9 triệu USD, vốn thu hồi là 841,1 triệu USD. Lợi nhuận lũy kế giữ lại chưa chuyển về nước/để tái đầu tư là 249,5  triệu USD.

Chuyển dịch từ vốn nhà nước sang vốn tư nhân

Đánh giá về hoạt động đầu tư ra nước ngoài năm 2017, Cục Đầu tư nước ngoài cho nhận xét, đầu tư ra nước ngoài năm 2017 tiếp nối xu hướng của hai năm gần đây là không biến động nhiều về mặt số lượng dự án nhưng giảm mạnh về quy mô vốn đầu tư; hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nhà nước ít dần; đầu tư của doanh nghiệp phi nhà nước, cá nhân và doanh nghiệp FDI đều có xu hướng tăng; địa bàn đầu tư cũng như lĩnh vực đầu tư có sự chuyển dịch.

Hoạt động ĐTRNN đang bắt đầu dịch khỏi hai thị trường truyền thống là Lào và Campuchia. Hai địa bàn Úc và Myanmar ngày càng thu hút nhiều dự án đầu tư từ Việt Nam với quy mô vốn nhỏ. Các thị trường như Singapore và Hoa Kỳ vẫn duy trì là các thị trường có số lượng dự án đầu tư ra nước ngoài cao.

Về lĩnh vực, các dự án tập trung nhiều nhất vào buôn bán thương mại, xuất nhập khẩu, tiếp theo là hoạt động dịch vụ các loại (xây dựng, vận tải, nhà hàng, quảng cáo, du lịch). Hoạt động kinh doanh bất động sản (chủ yếu là môi giới bất động sản, ngoài ra còn có kinh doanh trung tâm thương mại, đầu tư phát triển bất động sản) cũng xuất hiện nhiều.

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, hầu hết các dự án đều không sử dụng vốn nhà nước (chỉ có 01 doanh nghiệp nhà nước là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đầu tư sang Nga, còn lại là 02 doanh nghiệp có vốn nhà nước là Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel và Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí tham gia ĐTRNN), còn lại là các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp FDI. Số lượng các dự án có nhà đầu tư là cá nhân cũng khá lớn, chiếm khoảng 1/3 số dự án cấp mới.

Quy mô vốn của các dự án thường là nhỏ từ vài chục ngàn đến vài triệu USD; trừ các dự án khai khoáng, trồng cây công nghiệp, phát triển bất động sản (có vốn từ 12-35 triệu USD).

Centana-Thu-Thiem-01

Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Điền Phúc Thành - chủ đầu tư dự án Centana Thủ Thiêm tại TP.HCM - đầu tư mua lại trung tâm thương mại và cho thuê mặt bằng kinh doanh, văn phòng tại Mỹ (15 triệu USD).

"Riêng đối với xu hướng chuyển dịch dòng vốn ĐTRNN từ vốn nhà nước sang vốn tư nhân thì đây là sự thay đổi phù hợp với quy luật phát triển của nền kinh tế và nhận thức ngày càng tăng của xã hội về kênh ĐTRNN", đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết. 

Theo Cục này, hoạt động ĐTRNN ngày càng thu hút các nhà đầu tư tư nhân/cá nhân, giảm bớt hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, sẽ giảm rủi ro đối với việc sử dụng vốn nhà nước, tăng cường cơ hội mở rộng cơ hội kinh doanh, mở rộng thị trường cho sản phẩm Việt.

Tuy nhiên, một bộ phận nhà đầu tư thực hiện ĐTRNN là doanh nghiệp nhà nước/có vốn nhà nước chưa thật sự hiệu quả, phát sinh khó khăn, vướng mắc, dẫn đến nguy cơ không bảo toàn được vốn nhà nước.

Nhiều hoạt động ĐTRNN chậm triển khai, tạm ngừng, dừng hoạt động do khó khăn về vốn, kinh nghiệm và các yếu tố khách quan và các yếu tố thuộc môi trường nước đầu tư.

Ngoài các vấn đề nêu trên và không tính đến yếu tố chính trị, an ninh quốc phòng, hoạt động ĐTRNN chưa thể hiện dấu hiệu tác động/ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội trong nước (bao gồm cả các vấn đề: cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối, vốn đầu tư trong nước, thị trường, giá cả sản phẩm...).

Trên cơ sở tổng hợp nhu cầu đầu tư của nhà đầu tư và tình hình thực hiện các dự án đầu tư ra nước ngoài, Cục Đầu tư nước ngoài dự kiến, vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài năm 2018 (gồm cả mới và điều chỉnh) là 300 triệu USD, vốn chuyển ra nước ngoài năm 2018 dự kiến là khoảng 400 triệu USD.

Cũng theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, quý I/2018, cả nước có 23 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký ĐTRNN với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam là 123,62 triệu USD, có 5 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam tăng thêm là 25,88 triệu USD. Tính chung trong quý I năm 2018, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm 149,5 triệu USD.

Trong quý I/2018, lĩnh vực tài chính ngân hàng dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 105 triệu USD, chiếm 70,2% tổng vốn đầu tư, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 19,9 triệu USD, chiếm 13,3% tổng vốn đầu tư.

Các dự án còn lại chủ yếu thuộc lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với 7 dự án, tổng vốn đầu tư bên Việt Nam là 8,5 triệu USD, chiếm 8% tổng vốn đầu tư. Một số ít dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ lưu trú ăn uống, dịch vụ lưu trú và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, thông tin truyền thông, xây dựng và vận tải kho bãi.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25030.00 25048.00 25348.00
EUR 26214.00 26319.00 27471.00
GBP 30655.00 30840.00 31767.00
HKD 3156.00 3169.00 3269.00
CHF 27071.00 27180.00 27992.00
JPY 159.45 160.09 167.24
AUD 15862.00 15926.00 16400.00
SGD 18109.00 18182.00 18699.00
THB 667.00 670.00 696.00
CAD 17920.00 17992.00 18500.00
NZD   14570.00 15049.00
KRW   17.26 18.81
DKK   3520.00 3646.00
SEK   2265.00 2349.00
NOK   2255.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ