Dòng tiền có quay lại cổ phiếu 'vua'?

Hiện vẫn còn sớm để khẳng định dòng tiền sau khi rời khỏi nhóm midcap và penny sẽ xoay vòng, quay trở lại nhóm cổ phiếu ngân hàng!
ĐĂNG LINH
28, Tháng 11, 2021 | 07:00

Hiện vẫn còn sớm để khẳng định dòng tiền sau khi rời khỏi nhóm midcap và penny sẽ xoay vòng, quay trở lại nhóm cổ phiếu ngân hàng!

co-phieu-ngan-hang-den-thoi-lao-doc

Ảnh: Internet.

Giá cổ phiếu vua “ngại” nợ xấu

Do tác động của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư, kết quả kinh doanh quý III/2021 của nhiều ngân hàng sụt giảm so với quý trước đó song lũy kế chín tháng đầu năm, lợi nhuận của hầu hết các ngân hàng vẫn tăng. Trong đó, không ít ngân hàng sớm cán đích lợi nhuận chỉ sau ba quý hoạt động. Mặc dù vậy, diễn biến giá của nhóm cổ phiếu “vua” trên sàn chứng khoán lại không mấy tích cực khi so với đầu tháng 7/2021. Hiện nhiều cổ phiếu ngân hàng đã giảm không dưới 10% như BAB, BID, MB, LPB, VCB… Thậm chí, nhiều mã còn giảm 15-20%, như VIB, CTG, EIB…

Những lo ngại về nợ xấu được cho là rào cản lớn nhất, khiến tâm lý nhà đầu tư không thật sự tự tin với nhóm cổ phiếu ngân hàng. Số liệu từ báo cáo tài chính quý III/2021 của các ngân hàng công bố cho thấy, nợ xấu tại 27 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán đã tăng lên con số 113.000 tỷ đồng, tăng 26% so với thời điểm đầu năm. Nếu xét tới cả nợ tiềm ẩn, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng lớn hơn nhiều những gì thể hiện trên báo cáo tài chính trong bối cảnh sau làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư, nhiều doanh nghiệp đang ở tình trạng rất khó khăn, kéo theo khả năng trả nợ không được đảm bảo.

Báo cáo trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại phiên thẩm tra về tình hình kinh tế – xã hội diễn ra ngày 29/9, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 dự kiến ở mức từ 7,1-7,7%. Đây là kết quả được dự báo khi các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn nợ theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14. Theo đánh giá của NHNN, hiện tại có khoảng từ 3,5-4 triệu tỷ đồng dư nợ đang gặp khó khăn bởi COVID-19 trong tổng số 9,8 triệu tỷ đồng dư nợ của toàn nền kinh tế.

Còn theo Báo cáo chiến lược công bố đầu tháng 10/2021 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nợ xấu và nợ được cơ cấu lại của ngành ngân hàng được dự báo sẽ tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm 2021, ảnh hưởng lên tốc độ và độ lớn của trích lập dự phòng.

Tuy nhiên, nợ xấu sẽ có độ trễ trong việc hình thành, đồng thời có sự lệch pha giữa tốc độ tăng nợ xấu của các ngân hàng. Trên cơ sở đó, kỳ vọng điểm rơi về nợ xấu chủ yếu ở quý cuối năm nay, nhưng các ngân hàng sẽ chủ động trích lập dự phòng, nhất là trong quý III/2021, tùy tình hình và năng lực tài chính của từng ngân hàng.

Cùng với đó, theo các chuyên gia, lợi nhuận ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn khi ngân hàng đang còn những khoản lãi dự thu, là những khoản dù quyết toán rồi nhưng không thu được thì tương lai sẽ phải thoái thu.

Tiền có quay lại cổ phiếu “vua”?

Trong quý 3, dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng cùng các biện pháp giãn cách xã hội ở các trung tâm kinh tế và sản xuất chính đã khiến tín dụng tăng trưởng không đáng kể. Tuy nhiên, khi Chính phủ bắt đầu thực hiện nới lỏng các biện pháp giãn cách từ đầu tháng 10 và nền kinh tế bước vào trạng thái “bình thường mới” thì tín dụng đã dần cho dấu hiệu tăng trưởng trở lại.

Số liệu từ Công ty Chứng khoán SSI cho biết ước tính trong tháng 10, có khoảng gần 78.000 tỷ đồng tín dụng được bổ sung vào nền kinh tế, cao gần gấp đôi so với tháng 9. Trong đó, lĩnh vực thương mại và dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất (khoảng 34.900 tỷ đồng được cấp vay mới), tiếp theo là lĩnh vực công nghiệp, xây dựng (15.600 tỷ đồng). Tính đến hết tháng 10, tăng trưởng tín dụng ước đạt 8,72% so với cuối năm ngoái, cao hơn nhiều so với con số 6,5% cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, sau một thời gian điều chỉnh thì giá nhiều cổ phiếu ngân hàng đang dần trở nên hấp dẫn hơn khi chỉ số P/E (giá thị trường/thu nhập một cổ phiếu) trung bình của nhóm này ở mức dưới 16 lần. Nợ xấu của các ngân hàng dù tiềm ẩn nguy cơ tăng cao trong các tháng cuối năm, nhưng nhiều ngân hàng dự kiến sẽ gia tăng nguồn thu từ dịch vụ và đầu tư tài chính. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp quay lại hoạt động kinh doanh cũng giúp gia tăng nhu cầu tín dụng và góp phần xử lý nợ xấu.

Những ngân hàng có hoạt động ổn định và có vị thế trong ngành được đánh giá là đang có lợi thế lớn trong việc thu hút dòng tiền đầu tư. Ngoài ra, những ngân hàng có câu chuyện bán cổ phần, đổi chủ, hay một số ngân hàng đã xử lý, thanh lý được tài sản sẽ tạo được sự chú ý hơn và cổ phiếu dễ hút dòng tiền hơn.

Điển hình như thương vụ bán 49% vốn điều lệ Công ty Tài chính FE Credit trong tháng 10-2021 dự kiến đem về cho VPBank khoảng 1,4 tỷ đô la Mỹ, qua đó giúp vốn chủ sở hữu của VPBank kỳ vọng đạt mức hơn 96.000 tỷ đồng vào cuối năm 2021. Hệ số an toàn vốn (CAR) của VPBank dự kiến đạt 17%, giúp ngân hàng này có thể được phê duyệt hạn mức tín dụng cao từ NHNN. Đây là yếu tố cốt lõi cho sự tăng trưởng của VPBank trong tương lai.

Về các tín hiệu ngắn hạn, sau một thời gian dài điều chỉnh giảm thì trong phiên giao dịch cuối tuần qua, giá nhóm cổ phiếu ngân hàng đã đồng loạt tăng. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/11, cổ phiếu HDB giữ ở giá trần 30.200 đồng/cổ phiếu, hàng loạt cổ phiếu khác cũng đóng cửa trong sắc xanh như PGB, BVB, EIB, TCB, LPB, ACB…, chỉ số ít cổ phiếu đóng cửa tham chiếu hoặc giá đỏ như MBB tham chiếu, trong khi BID giá đỏ 44.400 đồng/cổ phiếu…

Hiện vẫn còn sớm để khẳng định dòng tiền sau khi rời khỏi nhóm midcap và penny (có vốn hóa trung bình và nhỏ) sẽ xoay vòng, quay trở lại nhóm cổ phiếu blue-chip (có vốn hóa lớn) như ngân hàng. Liệu nhóm cổ phiếu “vua” có trở nên hấp dẫn trong mắt của nhà đầu tư hay không phụ thuộc khá lớn vào triển vọng của ngành này trong quý cuối năm. Điểm mấu chốt là tăng trưởng tín dụng sẽ bứt tốc đến đâu và việc kiểm soát, xử lý nợ xấu sẽ ở mức thận trọng thế nào? Mọi thứ dường như vẫn rất khó đoán định, nhất là trong bối cảnh sự phức tạp của dịch bệnh có thể khiến các hoạt động kinh tế bị ngưng trệ trở lại bất cứ lúc nào.

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ