Mất mốc 1.500 điểm trong phiên cuối tuần, VN-Index sẽ đi về đâu?

Nhàđầutư
Các công ty chứng khoán cho rằng chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục nhịp điều chỉnh nhẹ trong tuần sau, do vậy nhà đầu tư nên giữ danh mục ở mức cân bằng để tránh rủi ro bất ngờ.
NHẬT HUỲNH
27, Tháng 11, 2021 | 07:23

Nhàđầutư
Các công ty chứng khoán cho rằng chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục nhịp điều chỉnh nhẹ trong tuần sau, do vậy nhà đầu tư nên giữ danh mục ở mức cân bằng để tránh rủi ro bất ngờ.

nhung-rui-ro-trong-dau-tu-co-phieu-va-cach-han-che-1

Ảnh Internet

Sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản giúp chỉ số VN-Index tăng mạnh trong tuần và thiết lập được mức đỉnh mới. Tuy nhiên, áp lực bán tăng mạnh trong phiên cuối tuần đã khiến chỉ số đánh mất mốc 1.500 điểm.

Cụ thể, sau khi ghi nhận mức giảm nhẹ trong ngày thứ hai (22/11), chỉ số dễ dàng vượt qua mốc 1.460 điểm trong ngày thứ ba (23/11) và tiếp tục bứt phá trong các phiên tiếp theo (24 - 25/11). Đặc biệt, chỉ số đã thiết lập mức đỉnh lịch sử mới vượt 1.500 điểm khi kết thúc phiên ngày thứ năm (25/11).

Đến phiên thứ sáu (26/11) dù chứng kiến diễn biến điều chỉnh giảm nhẹ của chỉ số chung sau khi vượt qua mốc 1.500 nhưng VN-Index vẫn giữ vững mốc 1.490 điểm và kết thúc tuần này tăng mạnh so với tuần trước. Thanh khoản không biến động quá nhiều so với tuần giao dịch trước đó và tiếp tục duy trì ở mức cao.

Screenshot (1346)

 

Đóng cửa tuần, VN-Index tăng 2,8% lên mức 1.493,03 còn HNX Index tăng 1,03% lên mức 458.63. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE gần 1,01 tỷ cổ phiếu/phiên, giảm 11,03% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình gần 129 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 32,59%.

Phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu chính đều có sự tăng trưởng trong tuần qua, trong đó cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất với 6,7% giá trị vốn hoá, với các mã tiêu biểu trong nhóm như VCB (+8,1%), BID (+2,4%), CTG (+4,6%), TCB (+3,3%), MBB (+7,1%), VPB (+8,3%), ACB (+3,4%), SHB (+7,3%).

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu tài chính với mức tăng 2,5% giá trị vốn hoá, nhờ đà tăng của các cổ phiếu thuộc ngành bất động sản như VIC (+3,9%), VHM (+3,5%), NVL (+8,3%)...; ngành chứng khoán như SSI (+10,3%), HCM (+4,5%), VCI (+6,2%), VND (+4%), SHS (+9,5%), FTS (+3,8%)...

Nhóm hàng tiêu dùng tăng 1,6% với các trụ cột như VNM (+2,6%), MSN (+6,9%)... Nhóm công nghệ thông tin cũng tăng 1,6% vốn hoá với trụ cột là FPT (+3,8%)... Các nhóm còn lại có mức tăng nhẹ như nguyên vật liệu (+0,9%), dược phẩm và y tế (+0,9%), dịch vụ tiêu dùng (+0,9%). Ở chiều ngược lại, ngành dầu khí giảm mạnh nhất với 4,7% giá trị vốn hóa với các cổ phiếu PLX (-4,4%), OIL (-5,5%), BSR (-2,8%), PVD (-7,7%), PVS (-4,2%), PVB (-3,5%), PVT (-2,7%)... 

Trên góc nhìn kỹ thuật, SHS nhận định VN-Index vẫn đang trong sóng 5 với target theo lý thuyết trong khoảng 1.530-1.550 điểm. Tuy nhiên, trong quá trình đi lên, những rung lắc có thể xảy ra. 

"Nhà đầu tư đã mua vào khi thị trường vượt vùng đỉnh cũ 1.420-1.425 điểm và mua thêm khi thị trường test ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.450 điểm đã chốt lời một phần danh mục trong tuần qua nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải trong thời điểm hiện tại", SHS khuyến cáo.

Tương tự, VCBS đánh giá rằng VN-Index đã chính thức bước vào xu hướng tăng ngắn hạn, tuy nhiên chủ yếu là nhờ lực kéo của các cổ phiếu ngành ngân hàng và đà tăng chưa có sự lan tỏa rộng trên thị trường chung.

“Chúng tôi cho rằng xu hướng của chỉ số trong tuần sau sẽ là kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ quanh ngưỡng 1.490 điểm và chờ đợi sự lan tỏa rộng hơn của sắc xanh ra các cổ phiếu khác trên thị trường trước khi có thể chinh phục các mốc kháng cự mới. Nhà đầu tư theo trường phái “lướt sóng” ngắn hạn vẫn được khuyến nghị tập trung giao dịch ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt trên thị trường, nhưng cần cân nhắc kỹ lưỡng mức định giá của mỗi cổ phiếu cụ thể cũng như không nên nắm giữ các cổ phiếu đầu cơ với tỷ trọng cao để tránh rủi ro trong trường hợp chỉ số bất ngờ điều chỉnh giảm với thanh khoản đột biến nhằm kiểm tra lại vùng 1.500 điểm”, VCBS khuyến nghị.

Còn đối với nhà đầu tư dài hạn, VCBS cho rằng vẫn có thể tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu đang có mức định giá hấp dẫn hơn so với mặt bằng chung trên thị trường và vẫn còn tiềm năng tăng trưởng tích cực trong quý 4/2021 cũng như năm 2022.

Phân tích về diễn biến thị trường tuần qua, theo BOS, thanh khoản trong 4 phiên trở lại đây không có sự bứt phá là yếu tố bất lợi cho động lực tăng điểm của VN-Index. Các chỉ báo RSI, MFI, AD, STO…suy yếu, cảnh báo rủi ro điều chỉnh vẫn đang hiện hữu. Trong kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể test lại vùng 1.460-1.470 điểm trong ngắn hạn để tìm kiếm lực cầu.

“Dù vậy, chúng tôi cho rằng việc VN-Index chinh phục thành công ngưỡng tâm lý 1.500 điểm đã mở ra dư địa tăng mới cho thị trường. Nhà đầu tư được khuyến nghị theo dõi diễn biến thị trường trong các phiên tới, chưa vội mở vị thế ngắn hạn mới”, BOS cho biết.

Với diễn biến giảm điểm phiên cuối tuần, SSI cho rằng chỉ số VN-Index sẽ còn rủi ro tiếp tục nhịp điều chỉnh nhẹ với vùng hỗ trợ gần nhất nằm tại vùng 1.483- 1.470 điểm. Nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ quay lại đà tăng khi lùi về gần vùng hỗ trợ nói trên.

VDSC cũng khuyến nghị nhà đầu tư tạm thời nên chậm lại và chờ tín hiệu tại vùng hỗ trợ 1.480-1.490 để đánh giá lại trạng thái thị trường. Đồng thời cũng nên giữ danh mục ở mức cân bằng, tránh ở mức quá mua, để tránh rủi ro bất ngờ.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ