Đề nghị hủy án ly hôn vợ chồng cà phê Trung Nguyên: Tình huống pháp lý như thế nào?

Nhàđầutư
LS. Trần Đức Phượng cho rằng, nếu căn cứ theo điều 358 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, việc Viện KSND tối cao đề nghị Hội đồng TPTAND Tối cao xem xét lại quyết định Giám đốc thẩm trong vụ án hôn nhân và gia đình giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo là hoàn toàn phù hợp.
LÝ TUẤN
14, Tháng 01, 2022 | 13:17

Nhàđầutư
LS. Trần Đức Phượng cho rằng, nếu căn cứ theo điều 358 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, việc Viện KSND tối cao đề nghị Hội đồng TPTAND Tối cao xem xét lại quyết định Giám đốc thẩm trong vụ án hôn nhân và gia đình giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo là hoàn toàn phù hợp.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Viện KSND tối cao) vừa có văn bản kiến nghị về việc xem xét lại quyết định Giám đốc thẩm số 01/2021/HNGĐ-GĐT ngày 11/3/2021 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân (TPTAND) tối cao giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo theo hướng hủy quyết định Giám đốc thẩm số 01/2021/HNGĐ-GĐT.

Đồng thời, hủy bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 39/2014/HNGĐ-PT ngày 5/12/2019 của TAND Cấp cao tại TP.HCM và bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 291/2019/HNGĐ-ST ngày 27/3/2019 của TAND TP.HCM về phần chia tài sản chung; giao hồ sơ cho TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Kiến nghị xem lại bản án là phù hợp

Trao đổi với Nhadautu.vn, LS. Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, theo điều 358 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng TPTAND tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng TPTAND tối cao, đương sự đã không thể biết được khi ra quyết định đó thì khi có yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND tối cao hoặc đề nghị của Chánh án TAND tối cao thì Hội đồng TPTAND tối cao xem xét lại quyết định đó.

Do đó, nếu căn cứ theo điều 358 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, việc Viện KSND tối cao đề nghị Hội đồng TPTAND tối cao xem xét lại quyết định Giám đốc thẩm trong vụ án hôn nhân và gia đình giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo là hoàn toàn phù hợp, khi đó, Hội đồng TPTAND tối cao sẽ mở phiên họp xem xét kiến nghị, đề nghị được quy định tại khoản 3 điều 358 với sự tham dự của Viện trưởng VKSND tối cao.

Bên cạnh đó, nhận định về kiến nghị của Viện KSND tối cao là cần tăng tỷ lệ % tài sản bà Lê Hoàng Diệp Thảo, LS. Trần Đức Phượng cho rằng, việc phân chia tài sản cho ông Vũ là 60% trong khi bà Thảo chỉ được 40% là chưa phù hợp, vì quyền lợi giữa hai vợ chồng có sự chênh lệch rất lớn (20%), không đảm bảo được tính công bằng trong nguyên tắc chia tài sản.

"Do đó, việc Viện KSND Tối cao kiến nghị tăng tỷ lệ % tài sản cho bà Thảo là hoàn toàn hợp lý", LS. Trần Đức Phượng nêu quan điểm.

Trong khi đó, nói về kiến nghị của Viện KSND tối cao đối với quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng TPTAND Tối cao trong vụ án trên, LS. Nguyễn Tri Đức, Giám đốc Công ty Luật 360 (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, kiến nghị sẽ được giải quyết căn cứ theo Điều 358, 359, 360 của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành.

Cụ thể, khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng TPTAND tối cao trong vụ án này có vi phạm pháp luật hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định Giám đốc thẩm trước đây như nội dung kiến nghị đã nêu thì trong thời hạn 1 tháng Hội đồng TPTAND tối cao phải mở phiên họp xem xét lại quyết định đó.

Tiếp đó, trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên họp xem xét kiến nghị nói trên Hội đồng TPTAND tối cao gửi cho Viện KSND tối cao, văn bản thông báo về việc Hội đồng TPTAND tối cao nhất trí hoặc không nhất trí với kiến nghị của Viện KSND tối cao.

"Nếu Hội đồng thẩm phán nhất trí với nội dung kiến nghị của Viện KSND tối cao trên cơ sở  phải được ít nhất 3/4 tổng số thành viên của Hội đồng TPTAND tối cao biểu quyết tán thành thì đơn vị này sẽ ra quyết định: Hủy quyết định của Hội đồng TPTAND tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các cấp để giao hồ sơ vụ án cho tòa án cấp dưới giải quyết theo quy định của pháp luật", LS. Nguyễn Tri Đức cho hay.

Bản án có nhiều sai sót

Tại văn bản kiến nghị, Viện KSND tối cao cho rằng, các chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá của Công ty TNHH thẩm định giá Sài Gòn đối với 7 công ty của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ được phát hành trung tuần tháng 6/2018, đều có hiệu lực trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày ký phát hành.

Đến ngày xét xử sơ thẩm 20/2/2019, các chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá nói trên đều hết hiệu lực. Chưa kể, báo cáo tài chính một số năm của một số công ty chưa được kiểm toán.

dang-le-nguyen-vu-1625

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Nguyên.

Bên cạnh đó, Viện KSND tối cao cũng cho biết, tại bản kiểm kê, đánh giá lại tài sản cố định vô hình kèm theo chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá của các công ty nêu trên, Công ty TNHH thẩm định giá Sài Gòn chưa thẩm định giá trị quyền sở hữu trí tuệ (giá trị thương hiệu) của các công ty là thiếu sót. Tuy vậy, tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm vẫn sử dụng kết quả thẩm định giá trên để làm cơ sở chia tài sản chung của bà Thảo và ông Vũ  là không đúng.

Theo Viện KSND tối cao, các chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá đã hết hiệu lực và nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo không đồng ý kết quả thẩm định giá nên tòa án cấp phúc thẩm phải tiến hành định giá lại tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật Tố tụng Dân sự, nhưng tòa án cấp phúc thẩm không định giá lại mà sử dụng kết quả thẩm định giá tại cấp sơ thẩm để giải quyết vụ án.

"Tại bản ý kiến của bà Thảo ngày 21/2/2019 và trong thời gian chuẩn bị xét xử phúc thẩm cũng như tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự không yêu cầu định giá lại nên tòa án cấp phúc thẩm không định giá lại. Đây là nhận định không đúng với nội dung kháng cáo phúc thẩm và ý kiến của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bà Thảo tại phiên tòa phúc thẩm", văn bản Viện KSND tối cao nêu rõ.

Tăng tỷ lệ % tài sản cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo

Văn bản của Viện KSND tối cao cho rằng, bà Thảo là doanh nhân, quá trình giải quyết vụ án bà Thảo luôn có yêu cầu được chia (nhận) tài sản bằng hiện vật đối với cổ phần và phần vốn góp tại các công ty để tiếp tục thực hiện việc kinh doanh.

Tuy nhiên, tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm không xem xét đánh giá toàn diện về số cổ phần, phần vốn góp và nhu cầu sử dụng của đương sự mà chia toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho ông Vũ, giao cho bà Thảo giá trị số cổ phần, phần vốn góp trong các công ty bằng tiền là vi phạm quyền được kinh doanh của bà Thảo theo quy định của pháp luật.

55443381_2075133779451347_6788567055416164352_n-0835

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Đối với việc các công ty, cổ phần và phần vốn góp trong các công ty đều có thể chia được bằng hiện vật, Viện KSND tối cao cho rằng, không có tài liệu chứng minh cho việc nhận định "Nếu để bà Thảo tiếp tục là cổ đông cùng quản lý, điều hành các công ty của Tập đoàn Trung Nguyên sẽ dẫn đến những khó khăn cho sự tồn tại, ổn định và phát triển của Tập đoàn Trung Nguyên, ảnh hưởng đến sự ổn định, việc làm cho hàng ngàn công nhân đang hoạt động sản xuất tại các công ty của Tập đoàn Trung Nguyên" như trong quyết định Giám đốc thẩm.

Do đó, việc chấm dứt hoạt động kinh doanh bình thường của bà Thảo trong 7 công ty là không phù hợp với quy định về quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng nam, nữ và nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi đưa vào kinh doanh.

Cũng theo Viện KSND tối cao, mặc dù các bên thừa nhận, trước khi ông Vũ kết hôn với bà Thảo, ông Vũ và một số người bạn đã kinh doanh cà phê. Tuy nhiên, thời gian kinh doanh được khoảng 2 năm thì ông Vũ kết hôn với bà Thảo. Sau khi kết hôn với bà Thảo, việc kinh doanh của ông Vũ bắt đầu có sự phát triển và hình thành Tập đoàn Trung Nguyên hiện nay.

Mặt khác, các công ty có tranh chấp đều được đăng ký doanh nghiệp lần đầu từ năm 2006 trở đi, sau rất nhiều năm kể từ khi ông Vũ, bà Thảo kết hôn (năm 1998). Bà Thảo đã nhiều năm tham gia điều hành hoạt động của Tập đoàn Trung Nguyên, nhất là thời gian ông Vũ không trực tiếp điều hành hoạt động của tập đoàn.

Tuy nhiên, tòa án hai cấp xem xét việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung của vợ chồng là cổ phần trong Tập đoàn Trung Nguyên chia cho bà Thảo ít hơn ông Vũ 20% giá trị tài sản tại ngân hàng, cổ phần, phần vốn góp trong Tập đoàn Trung Nguyên là không bảo đảm quyền lợi của bà Thảo (bà Thảo kém ông Vũ hơn 1.440 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, Viện KSND tối cao cũng cho rằng, việc Tòa án các cấp xác định ông Vũ đóng góp công sức nhiều hơn và chia cho ông Vũ được hưởng 60%, bà Thảo được hưởng 40% giá trị cổ phần và phần vốn góp trong các công ty, tài sản tại các ngân hàng là chưa phù hợp.

Bà Thảo là người làm vợ, làm mẹ trong gia đình, nuôi dạy các con trưởng thành, duy trì, giữ gìn hạnh phúc gia đình trong nhiều năm. Chưa kể, bà Thảo đã trực tiếp kinh doanh, góp phần tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung của vợ chồng, góp phần vào sự ổn định và phát triển các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Trung Nguyên.

"Trong việc mâu thuẫn dẫn đến ly hôn, Tòa án các cấp chưa xem xét đầy đủ trách nhiệm của ông Vũ trong việc thực hiện nghĩa vụ của người chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Do đó, cần tăng tỷ lệ % tài sản bà Thảo được chia trong khối tài sản chung nêu trên để bảo đảm công bằng quyền lợi cho bà Thảo", Viện KSND Tối cao kiến nghị.

Vụ án ly hôn kéo dài hơn 6 năm 

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo kết hôn hơn 20 năm trước và có 4 người con chung. Năm 2015, bà Thảo đơn phương ly hôn. Sau nhiều lần hòa giải bất thành, cuối tháng 3/2019, TAND TP.HCM xử sơ thẩm chấp thuận cho bà Thảo ly hôn, ông Vũ cấp dưỡng nuôi con 10 tỷ đồng/năm, tính từ năm 2013 đến khi các con học xong đại học.

Đồng thời, tòa sơ thẩm tuyên chia số cổ phần của hai vợ chồng tại Tập đoàn Trung Nguyên theo tỷ lệ 6/4 tương ứng cho ông Vũ và bà Thảo. Ông Vũ được sở hữu toàn bộ cổ phần, nắm quyền điều hành Tập đoàn Trung Nguyên và trả số tiền tương đương với số cổ phần bà Thảo sở hữu.

Tuy nhiên, bà Thảo không đồng ý với bản án sơ thẩm và đã kháng cáo xin đoàn tụ, còn ông Vũ cũng kháng cáo đòi chia tài sản theo tỷ lệ 7/3. VKS kháng nghị hủy án.

Đến tháng 12/2019, TAND Cấp cao xử phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm. Không đồng ý với phán quyết này, theo đó, bà Thảo đã làm đơn yêu cầu cấp Giám đốc thẩm hủy toàn bộ bản án. 

Ngày 11/3/2021, Hội đồng TPTAND Tối cao đã có quyết định Giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm số 39/2019/HNGĐ-PT ngày 5/12/2019 của TAND TP.HCM và Bản án sơ thẩm số 291/2019/HNGĐ- ST ngày 27/3/2019 của TAND TP.HCM về vụ tranh chấp hôn nhân giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Theo quyết định giám đốc thẩm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên là ông Vũ thanh toán cho bà Thảo số tiền chênh lệch về giá trị tài sản thực nhận so với giá trị tài sản được chia là 1.318 tỷ đồng (nhiều hơn 127 tỷ đồng so với bản án phúc thẩm). 

Như vậy, sau ly hôn, tổng tài sản chung giải quyết phân chia của bà Thảo và ông Vũ là hơn 7.900 tỷ đồng. Trong đó, bà Thảo được chia tổng số tài sản hơn 3.245 tỷ đồng, còn ông Vũ được chia tổng số tài sản hơn 4.655 tỷ đồng.

Tòa đồng ý để bà Thảo sở hữu tiền, vàng, ngoại tệ đang sở hữu tại các ngân hàng trị giá hơn 1.551 tỷ đồng; giao ông Đặng Lê Nguyên Vũ được sở hữu toàn bộ số cổ phần đang ghi tên ông Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại các công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên, tương đương số tiền khoảng 5.655 tỷ đồng.

Về bất động sản, tòa giao bà Thảo được sở hữu, quản lý, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất gồm 7 bất động sản trị giá 375 tỷ đồng; ông Vũ được quản lý đất và tài sản gắn liền với đất tương đương 6 bất động sản trị giá 350 tỷ đồng.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ