Đầu tư cao tốc Bắc - Nam: Trông chờ hợp tác công - tư

Trước đây, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông được kỳ vọng sẽ là dự án hình mẫu về hút vốn tư nhân cho hạ tầng giao thông, nên chỉ có 3 đoạn được đầu tư bằng vốn ngân sách (đầu tư công). Tuy nhiên, điều đó không thành hiện thực.
LÊ HỮU VIỆT
24, Tháng 01, 2021 | 08:19

Trước đây, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông được kỳ vọng sẽ là dự án hình mẫu về hút vốn tư nhân cho hạ tầng giao thông, nên chỉ có 3 đoạn được đầu tư bằng vốn ngân sách (đầu tư công). Tuy nhiên, điều đó không thành hiện thực.

Thời gian tới, nhu cầu đầu tư giao thông rất lớn, ngân sách chỉ đảm đương được khoảng 1/3, số còn lại vẫn phải trông chờ huy động vốn xã hội.

Dự án kỳ vọng đảo chiều

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận việc chuyển đổi từ đầu tư BOT sang đầu tư công thêm 2 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Qua đó, nâng tổng số đoạn đầu tư công từ 3 lên 8, trong tổng số 11 đoạn thành phần của dự án này.

Trước đó, vào năm 2017, khi Quốc hội thông qua dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong 11 đoạn chỉ có 3 đoạn đầu tư công nằm xen giữa 8 đoạn kêu gọi đầu tư BOT từ nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư ngoài nước. Tuy nhiên, khi triển khai đấu thầu tìm nhà đầu tư BOT, vì nhiều lý do, Chính phủ đã chuyển từ đấu thầu quốc tế sang đấu thầu trong nước, song đấu thầu trong nước cũng không thành công.

Trong khi theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xây dựng trình các cấp có thẩm quyền, bộ này đề nghị nguồn vốn khoảng 700.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, khả năng cân đối ngân sách nhà nước cho đầu tư giao thông giai đoạn tới chỉ khoảng 230.000 tỷ đồng. Số vốn còn thiếu Bộ GTVT sẽ phải huy động từ xã hội theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

a5_hoa_lac_hoa_binh_2_wadm

Tài xế đỗ xe gây ùn tắc để yêu cầu được giảm phí tại trạm thu phí dự án BOT Hòa Lạc - Hòa Bình năm 2019 Ảnh: Phạm Thanh

Theo các nhà đầu tư, các dự án BOT cao tốc Bắc - Nam phía Đông có sức hút rất lớn với nhà đầu tư trong nước, nhất là khi nhà nước có phần vốn góp (bình quân chiếm 50% tổng vốn đầu tư mỗi đoạn), mặt bằng đã cơ bản giải phóng xong...

Tuy nhiên, hầu hết nhà đầu tư tham gia lĩnh vực làm đường giao thông đều có các dự án BOT, thậm chí nhiều nhà đầu tư đang có dự án gặp vướng mắc nên khó tham gia những dự án mới. Các ngân hàng cho vay đầu tư BOT giao thông cũng mắc kẹt với một số khoản vay, nguy cơ chuyển thành nợ xấu, nên khó cho vay thêm.

PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng, thực tiễn triển khai dự án BOT thời gian qua đã phát sinh nhiều khó khăn về phương án tài chính không đạt; thanh quyết toán công trình có những vi phạm hợp đồng từ phía nhà đầu tư và Nhà nước; huy động tín dụng từ ngân hàng…còn nhiều vấn đề phải bàn.

Do vậy, việc giải quyết được vướng mắc này sẽ đảm bảo sự tin tưởng cho nhà đầu tư và ngân hàng quay trở lại với dự án giao thông. Cùng với đó, Luật PPP có hiệu lực từ năm 2021 có nhiều cơ chế rõ ràng hơn cho hợp tác công - tư, đặc biệt là cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước với nhà đầu tư.

Chờ vốn tư nhân

Trao đổi với báo chí mới đây, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, với 3 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông tiếp tục đầu tư BOT, trong quý 1/2021 đại diện chính phủ sẽ ký hợp đồng với nhà đầu tư đã trúng thầu. Tuy nhiên, những dự án này có triển khai thành công hay không phụ thuộc vào việc nhà đầu tư có vay được vốn hay không. Trường hợp sau 6 tháng ký hợp đồng, nhà đầu tư không kêu gọi được vốn, Bộ GTVT sẽ hủy hợp đồng và báo cáo Chính phủ đề xin ý kiến Quốc hội.

Theo ông Thể, trong 5-10 năm tới, Bộ GTVT sẽ tập trung thu hút vốn tư nhân làm đường cao tốc Bắc - Nam. Hiện tại, Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ KH&ĐT để xây dựng văn bản hướng dẫn luật này.

“Chúng tôi xác định, không có PPP thì không hoàn thiện được hạ tầng giao thông. Theo kinh nghiệm của các nước, kể cả nước phát triển vẫn phải kêu gọi vốn xã hội cho phát triển hạ tầng. Vốn xã hội rất quan trọng với phát triển giao thông”, ông Thể nói.

Về việc giải quyết khó khăn của dự án BOT đang hoạt động, theo người đứng đầu ngành Giao thông, hằng tháng Bộ GTVT đều báo cáo Chính phủ, đưa ra đề xuất, kiến nghị cho vấn đề này, như: dùng ngân sách nhà nước hỗ trợ, tăng phí theo hợp đồng, kéo dài thời gian thu phí...

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay, nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông rất lớn, nên ngoài ngân sách nhà nước cần huy động vốn xã hội.

Để thu hút được vốn xã hội đầu tư vào giao thông, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phải thực hiện quy hoạch và kế hoạch đầu tư tốt hơn nữa, trong đó, xác định rõ nơi làm PPP, nơi đầu tư công. Cùng với đó, bộ, ngành phải sớm hoàn thiện hướng dẫn triển khai Luật PPP, tháo gỡ khó khăn cho các dự án BOT hiện nay, để nhà đầu tư cảm thấy an toàn đầu tư khi Nhà nước đã ký hợp đồng với mình.

Tính đến hết năm 2019, ngân hàng cam kết cấp tín dụng cho các dự án BOT, BT giao thông 173.444 tỷ đồng, dư nợ hơn 110.673 tỷ đồng (chiếm 1,35% tổng dư nợ nền kinh tế), tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,27%. Hiện nay, có nhiều dự án BOT giao thông doanh thu thực tế thấp hơn phương án tài chính.

(Theo Tiền Phong)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ