Đà Nẵng: Hàng loạt chỉ tiêu kinh tế không đạt kế hoạch

Nhàđầutư
Kinh tế TP. Đà Nẵng năm 2020 bị bao phủ bởi nhiều gam màu tối, hàng loạt các chỉ tiêu kinh tế không đạt kế hoạch trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm nghiêm trọng do dịch COVID-19 gây ra.
THÀNH VÂN
25, Tháng 11, 2020 | 12:19

Nhàđầutư
Kinh tế TP. Đà Nẵng năm 2020 bị bao phủ bởi nhiều gam màu tối, hàng loạt các chỉ tiêu kinh tế không đạt kế hoạch trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm nghiêm trọng do dịch COVID-19 gây ra.

Nhiều chỉ tiêu không đạt kế hoạch 

UBDN TP. Đà Nẵng vừa có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021. Theo đó, từ đầu năm đến nay, thành phố chịu tác động bởi 2 đợt dịch COVID-19 nên kinh tế thành phố năm 2020 không thể duy trì được mức tăng như những năm trước, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng sụt giảm và có mức tăng trưởng khá thấp.

Theo UBND TP. Đà Nẵng, quy mô GRDP năm 2020 ước đạt 101.233 tỷ đồng (năm 2019 đạt 110.792); GRDP bình quân đầu người ước đạt 87,16 triệu đồng (3.678 USD) giảm 10,2% so với năm 2019. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng “Dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp” với tỷ trọng các khu vực năm 2020 ước đạt: Dịch vụ 65,1%; công nghiệp - xây dựng 22,3%; nông nghiệp 2,2%; thuế sản phẩm 10,4%. 

Đến cuối năm 2020, Đà Nẵng có 8/11 chỉ tiêu kinh tế không đạt kế hoạch, cụ thể : Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) ước giảm 9,26% so với năm 2019; giá trị gia tăng khu vực dịch vụ ước giảm 8%; giá trị gia tăng khu vực công nghiệp - xây dựng ước giảm 10,5%; giá trị gia tăng khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản ước tăng 2,6%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước giảm 13,1%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 21.742 tỷ đồng, giảm 29,7% so với dự toán HĐND thành phố giao. 

da-nang-2214

Đà Nẵng có 8/11 chỉ tiêu kinh tế không đạt kế hoạch đề ra năm 2020.

Cùng với đó, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 25.122 tỷ đồng, giảm 7,5%; tỷ lệ tạo việc làm tăng thêm đạt khoảng 2,9%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%; tỷ lệ giảm sinh ước đạt 0,05‰; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm (chuẩn mới đa chiều) còn 2,04%; gọi công dân nhập ngũ đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch.

Ngành du lịch sụt giảm mạnh

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ngành du lịch sụt giảm mạnh về lượng khách và nhiều thị trường trọng điểm, ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu tăng trưởng về du lịch, nhất là từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại vào cuối tháng 7/2020.

Theo đó, số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ năm 2020 ước đạt hơn 2,7 triệu lượt, đạt 34,3% kế hoạch, giảm 62,6% so với năm 2019, trong đó khách quốc tế giảm 69,2%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành ước đạt hơn 15 ngàn tỷ đồng, đạt 52,6% kế hoạch, giảm 40,7%.

Trong năm 2020, Đà Nẵng đã ban hành và triển khai nhiều đề án, kế hoạch lớn để phát triển du lịch. Đặc biệt, để phát triển kinh tế ban đêm theo chỉ đạo của Chính phủ, thành phố đã chủ động nghiên cứu các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế ban đêm; khởi công giai đoạn 1 dự án Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo, đầu tư Phố du lịch An Thượng giai đoạn 1 và 2… 

IMG_5829

Dịch COVID-19 khiến ngành du lịch Đà Nẵng sụt giảm mạnh về lượng khách và nhiều thị trường trọng điểm.

Chủ động triển khai các giải pháp khôi phục hoạt động du lịch, từng bước cơ cấu lại thị trường khách, trong đó, tập trung khai thác thị trường nội địa, ưu tiên các thị trường gần Đà Nẵng tại miền Trung - Tây Nguyên và thu hút khách từ các địa phương có đường bay đến Đà Nẵng; tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá điểm đến, ứng dụng công nghệ số, điều chỉnh kế hoạch xúc tiến thị trường khách quốc tế, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng khôi phục lại thị trường quốc tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát…

Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu chịu ảnh hưởng nặng nề. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 ước đạt 1.416 triệu USD, giảm 13,1% so với năm 2019, trong đó các mặt hàng chủ lực giảm như: Cao su thành phẩm ước đạt 52 triệu USD, giảm 15%; Thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ ước đạt 13,9 triệu USD, giảm 5,4%; Hàng dệt may ước đạt 338 triệu USD, giảm 5,3%...

Thu hút đầu tư trong nước là điểm sáng

Theo UBND TP. Đà Nẵng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều hội thảo, diễn đàn, các buổi đối thoại với nhà đầu tư, doanh nghiệp không thể tổ chức theo kế hoạch, thay vào đó, thành phố đã tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư dưới nhiều hình thức mới như: gặp gỡ trực tuyến, webminar…để tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng.

Từ đầu năm đến nay (15/11), thành phố đã cấp GCN đăng ký đầu tư cho 1 dự án và Quyết định chủ trương đầu tư cho 6 dự án đầu tư trong nước ngoài KCN với tổng vốn đầu tư 16.373 tỷ đồng, gấp 1,9 lần về vốn so với cùng kỳ 2019 và 13 dự án trong nước trong các KCN, Khu CNC với tổng vốn đầu tư 1.254,5 tỷ đồng, gấp 1,47 lần so với cùng kỳ. 

khu-cong-nghe-cao-1008

Thu hút đầu tư trong nước là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Đà Nẵng.

Đồng thời, Đà Nẵng cũng đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 73 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 123,32 triệu USD, giảm 41% về số dự án và 71,8% về vốn. Đà Nẵng cũng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 3.743 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 19.749 tỷ đồng, giảm 31,3% về số doanh nghiệp và giảm 23,6% về vốn; hoàn tất thủ tục giải thể cho 1.029 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc và 1.936 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động.

Theo UBND TP. Đà Nẵng, thành phố đã tháo gỡ một phần các vướng mắc giúp nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục đầu tư, xây dựng để tái khởi động dự án như: Dự án Khu du lịch biển của Công ty TNHH DAP, Dự án The Nam Khang Resort Residences (Công ty Cổ phần The Nam Khang), Dự án Khu nghỉ dưỡng và biệt thự cao cấp ven biển (Công ty TNHH Khách sạn và Biệt thự Nam Phát), Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô (Công ty Cổ phần Trung Thủy - Đà Nẵng)...

Đối với một số nội dung vượt quá thẩm quyền, các ngành chức năng đã chủ động phối hợp với nhà đầu tư làm việc với Bộ ngành Trung ương xin ý kiến hướng dẫn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án như: điều chỉnh tiến độ Dự án Khu đô thị công nghệ FPT (Tập đoàn FPT), Dự án Khu chung cư cao tầng, Văn phòng thương mại và Nhà ở Tuyên Sơn (Công ty TNHH Phát triển nhà Tuyên Sơn); gia hạn thời gian sử dụng đất của Dự án Khu đô thị Capital Square 2 (Công ty TNHH Mega Assets)…

Ngoài ra, Đà Nẵng hiện có 3 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi do thành phố quản lý đang được triển khai thực hiện và có 1 dự án do Trung ương là cơ quan chủ quản. Tổng vốn đầu tư 4 dự án đạt khoảng 424,3 triệu USD, trong đó vốn ODA và vốn vay ưu đãi là 333,8 triệu USD, chiếm 78,7%, vốn đối ứng đạt 90,5 triệu USD, chiếm 21,3% tổng vốn đầu tư. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ