'Chaebol' Minh Phú: Thấy gì từ mô hình 'con ông cháu cha' ở gia đình giàu nhất ngành thuỷ sản Việt Nam?

Nhàđầutư
Ít người biết rằng, Tập đoàn Minh Phú của ông Lê Văn Quang được quản lý và điều hành tương tự mô hình Chaebol tại Hàn Quốc...
ANH MAI
14, Tháng 11, 2017 | 10:45

Nhàđầutư
Ít người biết rằng, Tập đoàn Minh Phú của ông Lê Văn Quang được quản lý và điều hành tương tự mô hình Chaebol tại Hàn Quốc...

Những góc khuất 'lắm tài nhiều tật' của chaebol Hàn Quốc

Từ chaebol trong tiếng Hàn dịch ra là “tài phiệt” hay “gia tộc giàu có”. Trong văn hóa Hàn Quốc, chaebol là những triều đại hùng mạnh. Các chaebol đóng góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế Hàn Quốc mà chủ tịch của họ là nhân vật quyền lực nhất.

Hàn Quốc có khá nhiều chaebol, song quyền lực và giàu có nhất vẫn là "bộ tứ" Samsung, Hyundai, LG, SK Group cùng những tên tuổi có tiếng khác như Hanjin, Kumho, Lotte,...

Những vị trí quản lý quan trọng bên trong các chaebol luôn có mối quan hệ họ hàng với chủ tịch – vị tộc trưởng của đế chế. CEO hiện tại của LG Electronics Koo Bon-joon là người con trai thứ của Chủ tịch LG Group là Koo Bon-moo. Người đang chèo lái Samsung hiện tại là Lee Jae-young, con trai duy nhất của chủ tịch Lee Kun-hee.

samsung 12

 Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee (giữa) và con gái (trái). 

Vai trò của các tập đoàn chaebol trong phép lạ kinh tế Hàn Quốc là thực tế khó phủ nhận. Sau cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên (năm 1950-1953), Hàn Quốc nhanh chóng xóa bỏ hậu quả chiến tranh, từ một nước nông nghiệp thành một quốc gia công nghiệp ngay từ những năm 1970.

Chiếc đũa thần kinh tế này chính chủ yếu nhờ vào vai trò then chốt của những tập đoàn công nghiệp như Hyundai, Samsung,... Các doanh nghiệp này tạo ra hàng triệu công ăn việc làm không chỉ với Hàn Quốc mà còn nhiều quốc gia khác.

Tuy nhiên, đằng sau mỗi câu chuyện thành công luôn là những góc khuất và cuộc khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc xảy ra hồi đầu năm 2017 là minh chứng rõ nét nhất cho thấy chaebol là một mô hình phát triển dù “lắm tài”, nhưng cũng rất “nhiều tật”.

Từ đầu năm đến nay, chính trường Hàn Quốc đã chao đảo với vụ tai tiếng gây chấn động bộ máy nhà nước, mà hệ quả là nữ Tổng thống Park Geun-hye bị truất phế và tống giam khi ở 2/3 nhiệm kỳ. Liên đới trực tiếp trong sự kiện này chính là việc người thừa kế của tập đoàn Samsung Lee Jae-yong bị kết án tù 5 năm vì các tội hối lộ, biển thủ và một số tội khác.

Lee cùng các cộng sự của ông bị buộc tội hối lộ cựu Tổng thống Park và một trong những người bạn của bà này lo trót lọt vụ sáp nhập hai công ty đại chúng của Samsung - thương vụ sẽ làm củng cố thêm quyền kiểm soát của ông Lee tại đế chế Samsung.

Các gia tộc sáng lập các chaebol Hàn Quốc đều nỗ lực bằng mọi cách duy trì quyền kiểm soát doanh nghiệp hoặc chuyển giao cho thế hệ con cháu.

Sở hữu chéo chồng chất trong những công ty thành viên là một trong những đặc trưng của các chaebol. Đỉnh điểm năm 1999, việc sở hữu chéo giữa các chi nhánh trong chaebol chiếm 43% theo thống kê của Ủy ban Hội chợ thương mại Hàn Quốc. Tất cả nhằm duy trì quyền kiểm soát của gia đình nhà sáng lập.

“Rất khó để tìm ra một mô hình ở nước ngoài giống với các chaebol của Hàn”, theo Park Sang-in – Giáo sư tại Đại học Seoul. “Tại những quốc gia sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh, thật sự không có bất kỳ tập đoàn hay doanh nghiệp tư nhân nào lớn như các chaebol và sở hữu 100% các chi nhánh như vậy”, ông nói.

Mặt khác, theoo vị giáo sư này, chaebol là tổ chức đa doanh nghiệp được kiểm soát bởi chỉ một người duy nhất, nắm trong tay quyền lực tối cao đó là Chủ tịch – người đóng vai trò vừa nhà nhà quản lý, vừa là người chủ sở hữu, tộc trưởng của toàn bộ đế chế.

Nhờ nắm quyền điều hành các tập đoàn do gia tộc sáng lập ra nên các ông chủ chaebol toàn quyền hành động mà không ngại bị các cổ đông bên ngoài cản trở vì xét cho cùng, cổ đông bên ngoài chỉ là thiểu số, họ có thể phản đối nhưng không ngăn chặn được quyết định của ban lãnh đạo do gia tộc kiểm soát.

Tới 'chaebol' Thủy sản Minh Phú

Ở những quốc gia đang phát triển, nhiều công ty thành công cũng có nguồn gốc từ các doanh nghiệp gia đình, điển hình là Wal-Mart, Bertelsmann và Bombardier ở Bắc Mỹ và châu Âu; các “chaebol” ở Hàn Quốc và “grupo” ở châu Mỹ La Tinh.

Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân thành công hiện nay đều là xuất thân từ những doanh nghiệp gia đình, chẳng hạn như tập đoàn Kinh Đô, Vạn Thịnh Phát, Thành Thành Công, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), gia đình ông Đỗ Minh Phú vàTập đoàn Doji, Ngân hàng Tiên phong,...

Công ty Cổ phần Tập đòa Thủy sản Minh Phú (mã: MPC) cũng là một công ty gia đình điển hình. Thành lập từ 1992, Minh Phú không chỉ được mệnh danh là “vua tôm” tại Việt Nam, mà còn nằm trong số các nhà xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới. Thủy sản Minh Phú hiện đứng vị trí thứ 23 trên 100 doanh nghiệp thủy sản lớn nhất thế giới, theo đánh giá của Tạp chí Thủy sản Undercurrent.

Giữa lúc triển vọng kinh doanh tích cực, kế hoạch kinh doanh 2015 đặt ra đầy tham vọng với mục tiêu doanh thu lên tới 19.333 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.452 tỷ đồng thì cuối tháng 3/2015, Minh Phú chính thức rời Sàn giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) theo nội dung được thông qua 1 năm trước đó.

Thế nhưng, “đen đủi” cho Minh Phú ở chỗ, không bao lâu sau khi Minh Phú hủy niêm yết với lý do dễ hợp tác với đối tác ngoại thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép “nới room” của nhà đầu tư nước ngoài với một số ngành.

le xuan quang

Ông Lê Văn Quang là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. 

Sau khi rời sàn, Minh Phú không những chưa hút được tiền của khối ngoại mà hoạt động kinh doanh của công ty còn rơi vào thảm cảnh.

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý IV/2015 của Minh Phú đã cho thấy kết quả kinh doanh tụt dốc mạnh. Tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt khoảng 12,472 nghìn tỷ đồng, sụt giảm tới 2,752 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ 2014 (đạt khoảng 15,224 nghìn tỷ đồng). Con số gây bất ngờ nhất đối với cổ đông và hầu hết những nhà đầu tư chứng khoán là khoản lỗ gần 7 tỷ đồng – lần báo lỗ đầu tiên kể từ năm 2008 đến nay.

Năm 2016, Minh Phú đặt mục tiêu thận trọng hơn với 16.300 tỷ đồng doanh thu và gần 550 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, đến hết năm, hoạt động của công ty vẫn chưa thoát khỏi khó khăn khi doanh thu đạt 11.963 tỷ đồng, lợi nhuận vỏn vẹn 82 tỷ đồng.

Cho đến nay, dù hoạt động kinh doanh của Minh Phú đã có sự cải thiện. 6 tháng đầu năm 2017, Minh Phú có mức tăng trưởng doanh thu thuần tăng 34,5%, lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ 144 tỷ đồng. Dù vậy, so với kế hoạch lợi nhuận sau thuế hợp nhất 841 tỷ đồng thì con số phải thực hiện trong 6 tháng còn lại là một thách thức rất lớn.

Đến nay, khi đã trở lại sau hơn hai năm huỷ niêm yết, Minh Phú vẫn không có nhiều thay đổi. Công ty vẫn chưa tăng vốn so với lúc trước khi rời sàn, cơ cấu cổ đông cũng không có gì thay đổi và đặc biệt chưa cho thấy động thái nào trong việc tìm đối tác chiến lược. 

Dù đã cổ phần hóa và niêm yết cổ phiếu MPC nhưng Minh Phú vẫn được xem là công ty gia đình vì gia đình ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Minh Phú, hiện vẫn nắm giữ lượng cổ phần rất lớn tại công ty.

6 thành viên HĐQT của Minh Phú hiện nay đều là người nhà của ông Lê Văn Quang. Bà Chu Thị Bình, vợ ông Quang hiện là Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng giám đốc Minh Phú. Bà Lê Thị Dịu Minh, con gái ông Quang, đang nắm vị trí Phó Tổng giám đốc.

Em trai ông Quang là ông Lê Văn Điệp và ông Chu Văn An - anh trai của bà Chu Thị Bình cùng giữ chức Phó tổng giám đốc.

Đến nay, Minh Phú vẫn đang là "ông vua" ngành tôm tại Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 532 triệu USD năm 2016. Tuy nhiên, từ vị thế "muốn lời bao nhiêu là quyền của Minh Phú" như Chủ tịch Lê Văn Quang nói trước cổ đông trong năm lợi nhuận đột biến 2014, dường như giờ đây đang cho thấy một kịch bản đang đi ngược.

Khi được hỏi về sự trượt dốc này của Minh Phú, ông Quang “đổ” cho tỷ giá. Đúng là có thời gian tỷ giá ảnh hưởng mạnh tới doanh nghiệp, nhưng Minh Phú không phải công ty thủy sản duy nhất xuất khẩu. Trên sàn chứng khoán, hai “ông lớn” thủy sản khác là công ty Hùng Vương và công ty Vĩnh Hoàn vẫn duy trì được mức lợi nhuận cao. Tỷ giá chưa hẳn đã là nguyên nhân khiến Minh Phú lận đận đến như vậy.

Việc các thành viên trong gia đình nắm giữ lượng cổ phiếu lớn và các chức vụ quan trọng nhất công ty nên công ty gia đình thường có xu hướng "cá nhân hoá", thống nhất quyền lực vào tay người chủ gia đình. Quyền lực này cho phép công ty gia đình có thể thực thi một tầm nhìn dài hạn, tập trung đầu tư tạo ra những ưu thế cạnh tranh dài hạn mà những công ty chỉ chạy theo kết quả ngắn hạn trên thị trường chứng khoán không thể đạt được.

Tuy nhiên, với việc không giảm tỷ lệ sở hữu và không chia sẻ quyền lực cho “người ngoài”, rất có thể công ty không tận dụng được nguồn lực của xã hội.

Mặt khác, các công ty gia đình do ít người kiểm soát, không phải chịu sức ép từ bên ngoài và thiếu cơ chế phản biện hợp lý nên có nguy cơ trì trệ về mặt tổ chức và chiến lược kinh doanh không phù hợp thực tiễn thị trường.

Kinh nghiệm các công ty gia đình thành công ở Việt Nam cũng như trên thế giới cho thấy ở các công ty này có sự tách biệt rõ ràng giữa quyền sở hữu và quyền điều hành, thừa nhận vai trò của một HĐQT độc lập đồng thời xác định rõ ràng trách nhiệm của chủ sở hữu với hội đồng quản trị và bộ máy điều hành.

Trong thời kỳ lao đao của Minh Phú, nhiều người đặt ra câu hỏi phải chăng chính việc gia đình ông Lê Văn Quang vừa nắm quyền sở hữu vừa nắm quyền điều hành, không chia sẻ quyền lực và tận dùng nguồn lực bên ngoài đã khiến "gã khổng lồ" ngành thủy sản Việt lận đận.

Chưa biết những chiến lược cụ thể tiếp theo của Minh Phú khi quay lại sàn chứng khoán là gì khi ông chủ "vua tôm" cho biết vẫn đang đợi “gió đông”, tức là lúc thị trường thủy sản thế giới hồi phục như năm 2014.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ