[Café cuối tuần] Hóa giải nỗi lo thiếu điện

Nhàđầutư
Sau năm 2020, Việt Nam có thể lâm vào cảnh thiếu điện do nhiều nhà máy nhiệt điện chậm tiến độ. Trong khi đó, việc thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này vẫn còn nút thắt.
LƯƠNG BẰNG
02, Tháng 05, 2020 | 06:11

Nhàđầutư
Sau năm 2020, Việt Nam có thể lâm vào cảnh thiếu điện do nhiều nhà máy nhiệt điện chậm tiến độ. Trong khi đó, việc thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này vẫn còn nút thắt.

Nhiều dự án chậm tiến độ

Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 công suất 1.200 MW có vốn đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng là dự án do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, dự án vận hành vào năm 2017-2018.

Nhưng đến nay, hơn 32 nghìn tỷ đã “rót” vào, dự án vẫn lâm cảnh thi công cầm chừng, chỉ đạt trên 84% khối lượng công việc. Sau nhiều lần điều chỉnh tiến độ, PVN dự kiến đưa Tổ máy 1 vào vận hành tháng 12/2020 và Tổ máy 2 vận hành quý I/2021. Tuy nhiên, mốc thời gian này tế vẫn chưa thể xác định do có nhiều khó khăn vướng mắc cần giải quyết. Thiếu tiền là một trong số các lý do. Vì thế, PVN đã có nhiều báo cáo đề nghị được sử dụng vốn chủ sở hữu để hoàn thành dự án, nhưng vấn đề này vượt thẩm quyền của PVN, Bộ Công Thương cũng như Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Do đó, khúc mắc này đang phải báo cáo để trình Bộ Chính trị cho ý kiến.

2

 

Nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong số nhiều dự án điện chậm tiến độ theo quy hoạch điện VII và điện VII điều chỉnh. Báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực ngày 31/1/2020 đã cập nhật tình hình thực hiện các dự án trong quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia (quy hoạch điện VII) điều chỉnh. Báo cáo cho thấy: Trong số 62 dự án nguồn điện lớn có công suất trên 200 MW, chỉ 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ so với tiến độ nêu trong quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Riêng về nhiệt điện than và khí, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy trong 5 năm tới (2019-2023), theo quy hoạch cần đưa vào vận hành 30 dự án nhiệt điện than, khí với tổng công suất khoảng 28.800 MW. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 8 dự án với tổng công suất gần 8.500 MW đang triển khai xây dựng. Như vậy, còn 22 dự án với tổng công suất 20.000 MW chưa được xây dựng nên không thể hoàn thành trong 5 năm tới. Các nguồn nhiệt điện than miền Nam dự kiến vào năm 2018-2021 đều chậm trễ như Long Phú 1, Sông Hậu   I, Sông Hậu II, Long Phú III, nhiệt điện Ô Môn III và các nhà máy điện sử dụng khí từ mỏ Cá Voi Xanh có nguy cơ trễ tiến độ so với quy hoạch do chưa thể xác định chính xác thời điểm khí từ lô B và mỏ Cá Voi Xanh cập bờ… Cùng với đó, Việt Nam đã quyết định dừng đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận giai đoạn đến 2030.

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hệ thống điện từ chỗ có dự phòng xấp xỉ 20% trong các năm 2015-2016, đến nay hầu như không còn dự phòng và giai đoạn 2021-2025 xảy ra tình trạng thiếu điện, nhất là khu vực phía Nam. Bộ Công Thương tính toán, khả năng thiếu hụt nguồn điện lớn sẽ xảy ra từ năm 2021 đến năm 2025 với dự kiến mỗi năm thiếu hụt khoảng 7-8 tỷ kWh nếu các nhà máy điện đang chậm tiến độ vẫn tiếp tục chậm, không thể hoàn thành, và công tác sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả không được triển khai thực chất.

Tiến độ các dự án điện càng trở nên bấp bênh trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 hoành hành. Đánh giá tình hình khó khăn về cung ứng điện là rõ ràng, tại cuộc họp ngày 20/3 Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: Hiện nay - đặc biệt trong ngành năng lượng chúng ta có rất nhiều dự án đầu tư lớn để đáp ứng cho nhu cầu năng lượng của đất nước trong thời gian tới do dịch bệnh Covid đã ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ đầu tư của các dự án. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhà thầu nước ngoài đã đưa ra những đề xuất rất cụ thể để một mặt chúng ta kiểm soát được dịch bệnh nhưng mặt khác chúng ta cũng hạn chế được tối đa những tác động tiêu cực tới tiến độ đầu tư.

Chính vì vậy, lãnh đạo Bộ Công Thương phải thúc giục các đơn vị liên quan nghiên cứu xem xét giải pháp các nhà đầu tư đưa ra để giảm thiểu được tác động tiêu cực của dịch bệnh covid tới việc đầu tư xây dựng dự án, đáp ứng nhu cầu lâu dài về năng lượng.

Hút tư nhân đầu tư vào điện

“Thiếu điện” là từ được cảnh báo mạnh mẽ trong suốt năm 2019. Thủ tướng Chính phủ không ít lần nhắc đi nhắc lại thông điệp cứng rắn “Nếu để mất điện, một số đồng chí sẽ bị mất chức”. Trong phiên chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước Quốc hội, khi nhiều đại biểu đặt vấn đề về tình hình điện năng, Thủ tướng đã nói thẳng: Điện bây giờ không phải chỉ là kinh tế, mất điện ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất của nhân dân. Tôi có lần đã nói, cơ quan nào, đơn vị nào có chức năng sản xuất, cung ứng điện mà không đảm bảo cấp điện liên quan đến vấn đề mất chức chứ không phải bình thường.

Để không xảy ra thiếu điện, có hai điều quan trọng cần làm. Một là nhanh chóng đưa các dự án nguồn điện mới vào vận hành. Hai là đẩy mạnh việc tiết kiệm điện.

Việc đưa các nguồn điện mới đang là vấn đề khó khăn. Bởi thủy điện gần như đã cạn, nhiệt điện than bị phản đối ở nhiều địa phương, nhiệt điện khí giá cao, trong khi điện mặt trời và điện gió lại không ổn định, điện hạt nhân đã dừng triển khai. Tính đến thời điểm hiện nay, việc thu hút đầu tư tư nhân vẫn còn chưa được như mong đợi, chủ yếu nút thắt ở cơ chế giá. “Cơn sốt” điện mặt trời, điện gió là minh chứng cho việc giá điện bao nhiêu luôn là ưu tiên hàng đầu của nhà đầu tư khi ra quyết định.

Trên nhiều diễn đàn, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng tỏ ra trăn trở về cơ chế giá đối với các nguồn điện. “Khi điện gió, điện mặt trời có tín hiệu tốt về giá là đầu tư bùng nổ, còn điện truyền thống thì chưa thấy. Các nguồn vốn FDI dồn vào Việt Nam cũng đầu tư vào các lĩnh vực khác chứ không đầu tư vào ngành điện. EVN sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ tháo gỡ cơ chế để có thêm nhiều nhà đầu tư đầu tư vào nguồn điện”, ông Võ Quang Lâm khẳng định.

Nhưng, giá điện là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, chi phí của doanh nghiệp. Các nguồn điện giá rẻ gần như đã đạt giới hạn, giai đoạn tới phải dựa vào các nguồn điện giá cao hơn như điện khí (2.300-2.800 đồng/kWh), điện mặt trời (2.100 đồng/kWh), điện gió (gần 2.000/kWh). Nếu tỷ trọng các nguồn điện đắt đỏ này tăng lên, sẽ ảnh hưởng đến giá bán lẻ điện.

Nhưng mỗi lần giá điện tăng luôn vấp phải phản ứng của dư luận. Đó là “nút thắt” khiến việc huy động tư nhân vào đầu tư hạ tầng điện chưa như mong đợi.

Giải pháp thứ hai là tiết kiệm điện. Mỗi năm, tăng trưởng nhu cầu điện vẫn duy trì ở mức 10%, đây được coi là con số rất lớn bởi các nước sử dụng điện hiệu quả thường chỉ tăng 1-2%. Tiêu hao năng lượng/đơn vị sản phẩm trong nhiều ngành còn cao đặc biệt là ngành công nghiệp cao hơn 1,3-1.6 lần các quốc gia trong khu vực. Do đó, dư địa để tiết kiệm điện vẫn còn. Nếu mỗi năm, tiết kiệm được 10% nhu cầu sử dụng điện thì cả năm đã tiết kiệm được khoảng gần 4.000 MW, tương đương công suất của 3 nhà máy nhiệt điện lớn.

Vậy nên, giải pháp căn cơ và hiệu quả nhất cho tương lai ngành điện là đưa giá điện gần hơn với thị trường, phản ánh đúng chi phí, giá thành như nhiều hàng hóa khác. Trong đó, việc hình thành và hoàn thiện thị trường phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh, bán lẻ điện cạnh tranh là hướng đi cần thiết để “một mũi tên trúng hai đích”: Vừa không lo thiếu điện, vừa sử dụng điện tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ