[CAFÉ Cuối tuần]: Dự án mỏ sắt Thạch Khê và quyết định khôn ngoan của lãnh đạo Hà Tĩnh

Nhàđầutư
Giữa lúc các địa phương đang ra sức thu hút đầu tư thì việc lãnh đạo Hà Tĩnh kiến nghị dừng dự án lớn như mỏ sắt Thạch Khê sau 10 năm “treo sự thống khổ lên đầu dân” được bộ ban ngành và dư luận ủng hộ, xem đây là quyết định khôn ngoan.
PHONG CẦM
25, Tháng 11, 2017 | 11:12

Nhàđầutư
Giữa lúc các địa phương đang ra sức thu hút đầu tư thì việc lãnh đạo Hà Tĩnh kiến nghị dừng dự án lớn như mỏ sắt Thạch Khê sau 10 năm “treo sự thống khổ lên đầu dân” được bộ ban ngành và dư luận ủng hộ, xem đây là quyết định khôn ngoan.

sat-thach-khe-nha-dau-tu-1423

Nếu tiếp tục triển khai dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê hậu quả sẽ khôn lường (Ảnh: Việt Hương) 

Bài học từ sự cố môi trường Formosa

Có lẽ, người dân cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng vẫn chưa quên sự cố môi trường xảy ra tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung vừa qua. Nguyên nhân sau đó được xác định là do Formosa. Do đó, hơn ai hết, lãnh đạo Hà Tĩnh là những người “thấm” nhất trong câu chuyện thu hút đầu tư bền vững, lâu dài, gắn với bảo vệ môi trường. Không thể đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư bằng mọi giá sẽ là việc được ưu tiên vì “không có cái giá nào vừa đủ” cho việc huỷ hoại môi trường.

Trở lại dự án mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà - Hà Tĩnh), ban đầu người ta thêu dệt thành một “bức tranh màu nhiệm” tại vùng quê nghèo Thạch Đỉnh (huyện Thạch Hà). Tác giả bài viết còn nhớ, tại thời điểm cách đây 10 năm, các doanh nghiệp đầu tư mạnh miệng hứa rằng “người dân quanh đây sẽ được hưởng lợi lớn”.

Thế nhưng, 10 năm trôi qua, hàng ngàn người dân nơi đây đã phải trả giá đắt về tình trạng nghèo tái diễn, ô nhiễm môi trường trầm trọng... Từ một vùng đất màu mỡ bỗng trở thành vùng đất "chết' khi nguồn nước ô nhiễm, hoa màu chết héo, đời sống người dân khốn đốn. Trong suốt 8 năm triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê, người dân địa phương đang phải gánh chịu những hệ lụy nặng nề từ việc dự án này bị “đắp chiếu”.

Thực tế, khi các bộ ngành đang bàn cãi việc ngưng hẳn hay tiếp tục để mỏ sắt Thạch Khê “tái sinh” lần nữa, thì tại Thạch Đỉnh và các vùng lân cận, hàng ngàn hộ dân đã và đang rơi vào cảnh tận khổ, khốn cùng. Thực tế, khi người dân đến khu tái định cư và phải sống cảnh nhồi nhét 3 thế hệ trong một ngôi nhà chật chội, họ lại trở về chốn cũ. Vì không có việc làm ổn định, thiếu ăn trầm trọng nên nhiều người lại phải quay về nhà cũ tại bãi sa mạc mỏ sắt để sinh sống trong cảnh 5 không (không điện, đường, nước, thuốc và đất sản xuất).

Nếu lãnh đạo Hà Tĩnh tổ chức trưng cầu dân ý xem có nên dừng hẳn dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê hay không, chắc chắn câu trả lời của 100% người dân nơi đây sẽ là “ủng hộ”!

Theo thông tin, dự án có chủ đầu tư là Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC). Tổng mức đầu tư điều chỉnh là hơn 14.517 tỷ đồng, trong đó giai đoạn I là 6.777 tỷ đồng, giai đoạn II là 7.740 tỷ đồng. Tuổi thọ mỏ là 52 năm. Công suất khai thác mỏ giai đoạn I là 5 triệu tấn/năm, giai đoạn II là 10 triệu tấn/năm. Tổng diện tích đất sử dụng cho dự án là 4.821 ha, gồm 3.898 ha trong đất liền và 923 ha lấn biển, nằm trên 6 xã của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, trước thực trạng ngưng hoạt động vì hiện tượng bỏ hoang nhiều năm (chính thức từ năm 2011), chủ đầu tư mất năng lực tài chính, nơi đây đã trở thành một bãi sa mạc hóa. Khi PV Nhadautu.vn về khảo sát, khu vực này xuất hiện nhiều hố nước sâu hàng chục mét do khai thác quặng để lại, đường sá tan hoang, cây cối trơ trọi. Vùng đất trù phú Thạch Đỉnh ngày xưa giờ còn lại là những cái bẫy chết người…

Chính vì quá “thấm” từ sự cố môi trường biển do Formosa gây ra cùng với những gì đang diễn ra tại vùng dự án mỏ sắt Thạch Khê và ý kiến của nhiều chuyên gia cảnh báo về hệ luỵ môi trường khủng khiếp nếu tiếp tục thực hiện dự án, nên lãnh đạo Hà Tĩnh kiên quyết kiến nghị dừng dự án, không dám mạo hiểm vì bài học "Formosa" vẫn còn đó.

sat-thach-khe-1424

Người dân Thạch Hà - Hà Tĩnh 10 năm qua khốn khổ vì nguồn nước ô nhiễm do dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê gây ra (Ảnh: Việt Hương)

Quan điểm người đứng đầu

Ngày 19/11 vừa qua, tại số 11 Lê Hồng Phong (Hà Nội), diễn ra lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Hội đồng hương Hà Tĩnh. Trước đó 1 ngày - vào chiều Thứ 7 (18/11), ít ai biết lãnh đạo Hà Tĩnh đã có cuộc làm việc “dậy sóng” với Bộ Công Thương.

le-dinh-son-bi-thu-ha-tinh-nha-dau-tu-2333

 

Sau sự cố môi trường biển, dư luận rất nhạy cảm và lo lắng trước một số dự án có quy mô đầu tư vào Hà Tĩnh. "Quan điểm của tỉnh nhà, việc đầu tư kinh tế không mang ra để đánh đổi với môi trường, đầu tư phải đi đôi với môi trường và đảm bảo nó. Khi mà các bộ ngành đang bàn về sự mất còn của đại dự án mỏ sắt Thạch Khê, địa phương cũng phải có trách nhiệm sát sao với người dân quanh vùng dự án và nhất định sẽ tìm hướng giải quyết sáng suốt hơn.

Ông Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh

Tại buổi làm việc này, thêm lần nữa, Hà Tĩnh đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng xem xét, giải quyết nguyện vọng dừng khai thác tại dự án mỏ sắt Thạch Khê.

Trước đó, nhiều lần Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - ông Đặng Quốc Khánh đã lên tiếng cho biết, qua thực tiễn triển khai dự án, ghi nhận quá trình nghiên cứu của các nhà khoa học, Hà Tĩnh nhận thấy việc triển khai dự án có rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến môi trường, hiệu quả KT-XH thấp, tác động lớn đến đời sống của người dân vùng bị ảnh hưởng.

Theo ông Khánh, cân nhắc nhiều mặt cả về lợi ích trước mắt và lâu dài, UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo và đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho kết thúc dự án, chỉ đạo giải quyết tồn đọng, hoàn trả nguyên trạng, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân và chỉ nghiên cứu khởi động lại dự án khi đủ các điều kiện nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững.

Ông Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh khẳng định, Hà Tĩnh xác định thấy những rủi ro, hệ lụy, bất cập nếu triển khai Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê như: về quy hoạch ngành thép và thị trường tiêu thụ quặng sắt, độ an toàn và đảm bảo môi trường, phương thức vận chuyển quặng, hiệu quả KT-XH...

Theo ông Sơn, sau sự cố môi trường biển, dư luận rất nhạy cảm và lo lắng trước một số dự án có quy mô đầu tư vào Hà Tĩnh. "Quan điểm của tỉnh nhà, việc đầu tư kinh tế không mang ra để đánh đổi với môi trường, đầu tư phải đi đôi với môi trường và đảm bảo nó. Khi mà các bộ ngành đang bàn về sự mất còn của đại dự án mỏ sắt Thạch Khê, địa phương cũng phải có trách nhiệm sát sao với người dân quanh vùng dự án và nhất định sẽ tìm hướng giải quyết sáng suốt hơn”, ông Sơn khẳng định.

Được biết, tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Hà Tĩnh và Bộ Công Thương ngày 18/11, lãnh đạo Bộ Công Thương hứa sẽ chỉ đạo các đơn vị đầu mối của tập hợp các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Hà Tĩnh; đồng thời đánh giá, rà soát lại toàn bộ dự án, đặc biệt là vấn đề môi trường, hiệu quả KT-XH để có quyết định cuối cùng trước khi đề xuất Thủ tướng.

Trước đó, như Nhadautu.vn đã thông tin, Bộ KH&ĐT đã cảnh báo về những rủi ro lớn với dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê và kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương cho phép Công ty CP sắt Thạch Khê dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê và dừng cả dự án sản xuất phôi thép công suất 2 triệu tấn/năm tại đây.

Lý do, theo Bộ KH-ĐT, năng lực tài chính của Công ty CP Sắt Thạch Khê không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư Tổ hợp dự án theo tiến độ, cho dù tổng mức đầu tư của dự án 3 năm có tơi 2 lần điều chỉnh giảm...

Sau khi UBND tỉnh Hà Tĩnh và Bộ KH&ĐT có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, PV Nhadautu.vn đã trở lại 6 xã vùng bị ảnh hưởng, ghi nhận ý kiến của người dân xung quanh kiến nghị này. Đại đa số ý kiến bà con đều cho rằng nên dừng dự án và mong muốn Chính phủ sớm có quyết định về vấn đề này để người dân có định hướng cho tương lai, ổn định cuộc sống. 

“Tiền tươi, thóc thật” của nhà đầu tư sẽ ra sao?

Một vấn đề nan giải, hiện đang “vướng” và chưa có câu trả lời thoả đáng là nếu dừng dự án, quyền lợi của nhà đầu tư sẽ thế nào? Đây cũng là lý do mà khi bàn thảo, giữa các bộ vẫn có độ “vênh”. 

Trao đổi với PV Nhadautu.vn, quan điểm của đại diện nhà đầu tư cho rằng dự án mỏ sắt Thạch Khê vẫn hiệu quả và khả thi. Nếu buộc phải dừng thì phải hoàn trả ít nhất là toàn bộ vốn đã góp cộng lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, đến nay, các bên liên quan vẫn chưa có câu trả lời xác đáng để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Theo ông Phạm Lê Hùng, cổ đông sáng lập Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long, nếu dừng dự án, quyền lợi nhà đầu tư xử lý theo hai hướng.

Thứ nhất, nếu dừng dự án phải hoàn trả lại ít nhất là toàn bộ vốn đã góp cộng lãi suất ngân hàng. Thứ hai, cấp thẩm quyền phải đóng dấu chứng nhận Công ty Thăng Long đã nộp đủ 12,5% vốn góp vào dự án và đã nộp tiền (cơ bản đủ, 235 tỷ đồng). Có thể 5, 10 năm nữa làm cũng không sao, nhưng 12,5% phần vốn điều lệ của cổ đông sáng lập Thăng Long phải được đảm bảo.

Theo ông Phạm Lê Hùng, “đó là tiền tươi thóc thật, mồ hôi nước mắt của nhà đầu tư”. 

Thực tế, không đơn giản để lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và Bộ KH&ĐT kiến nghị dừng dự án. Xét về các góc độ từ kinh tế, chính trị, xã hội…, nhiều chuyên gia cho rằng nên dừng dự án. “Việc dừng dự án là nên làm vì hệ luỵ quá lớn. Cái này, các nhà khoa học đã nói nhiều rồi. Vấn đề là khi dừng dự án, các bên liên quan cần cân nhắc thêm quyền lợi của nhà đầu tư đã bỏ công sức, tiền của vào đây”, một chuyên gia lâu năm nói với Nhadautu.vn.

Theo Bộ KH&ĐT, năng lực tài chính của Cty TIC không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư tổ hợp dự án theo tiến độ; dự án điều chỉnh phê duyệt năm 2014 chưa tính đủ chi phí vào tổng mức đầu tư và chưa dự báo giá quặng sắt trong dài hạn nên không đủ cơ sở tính toán hiệu quả dự án. Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cũng nêu lên một số quan ngại về vấn đề môi trường của dự án như cạn kiệt nguồn nước ngầm; xâm nhập mặn; sa mạc hóa; sạt lở bờ moong tầng khai thác, bãi thải; ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong vùng…

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ