9 giải pháp thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Nhàđầutư
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang chững lại đáng kể sau khi cơ quan quản lý có các động thái mạnh tay, quyết tâm làm sạch thị trường. Về trung, dài hạn, cần có các giải pháp đồng bộ, đột phá để thúc đẩy thị trường nợ rất quan trọng này.
N.THOAN
20, Tháng 05, 2022 | 08:49

Nhàđầutư
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang chững lại đáng kể sau khi cơ quan quản lý có các động thái mạnh tay, quyết tâm làm sạch thị trường. Về trung, dài hạn, cần có các giải pháp đồng bộ, đột phá để thúc đẩy thị trường nợ rất quan trọng này.

HT-TPDN

Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp.

Thị trường TPDN chững lại

Ngày 19/5, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức Hội thảo Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả và bền vững.

Phát biểu đề dẫn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết: Trong 5 năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm. Tính đến cuối năm 2021, thị trường có gần 1,2 triệu tỷ đồng được doanh nghiệp huy động qua thị trường trái phiếu, chiếm khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tương đương khoảng 15% GDP (sau điều chỉnh).

Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP). Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có dấu hiệu hạ nhiệt vì một số chính sách mới.

Chia sẻ thông tin tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, cấu trúc thị trường vốn Việt Nam lâu nay vẫn phần lớn phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng. Cụ thể, tính đến hết quý I/2022, tổng tài sản ngân hàng vẫn chiếm 58,4%/tổng quy mô vốn toàn thị trường; cổ phiếu chiếm 28,6% và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chiếm khoảng 12%.

"Một nền kinh tế phụ thuộc quá lớn vào vốn ngân hàng sẽ có nhiều rủi ro do hệ thống ngân hàng về bản chất là cho vay ngắn hạn nhưng vẫn phải gồng mình cho vay trung dài hạn (khoảng 45-55% tổng cơ cấu tín dụng), trong khi đa số nguồn huy động là ngắn hạn", ông Lực nói.

Về sự phát triển của thị trường TPDN, ông Lực nhấn mạnh đây là kênh dẫn vốn trung dài hạn quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, kênh này mới chỉ phát triển mạnh, tập trung trong khoảng gần chục năm trở lại đây. Điều này cho thấy, việc huy động vốn trên thị trường trở nên thuận lợi hơn, nhà đầu tư đang quan tâm nhiều hơn tới TPDN, cơ chế chính sách cũng thông thoáng, tạo điều kiện hơn cho kênh vốn này.

Theo ông Lực, dấu hiệu tăng nóng của thị trường TPDN (có năm tăng trưởng trên 200%) vừa cho thấy dấu hiệu tích cực nhưng cũng cho thấy dấu hiệu cần được kiểm soát rủi ro.

Bốn tháng đầu năm 2022, số lượng TPDN được phát hành giảm đi rõ rệt, đặc biệt các DN bất động sản phát hành TP chỉ bằng 1/2 so với cùng kỳ năm 2021 thể hiện thị trường đã cảm nhận được sự kiểm soát của cơ quan quản lý với hoạt động phát hành trái phiếu. 

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 153 về phát hành TPDN riêng lẻ. Theo đó, 3 điều kiện với tổ chức phát hành gồm: Kết quả kinh doanh năm trước có lãi; tổng dư nợ trái phiếu không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu; có tài sản bảo đảm nếu tổng dự nợ trái phiếu vượt quá vốn chủ sở hữu. Doanh nghiệp phát hành TPDN không được phát hành để đảo nợ, góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp khác và cho doanh nghiệp khác vay vốn.

Theo ông Tuấn, quy định nêu trên có nhiều điểm bất cập. Thứ nhất, các quy định này có thể sẽ tạo ra nguy cơ khóa chặt kênh huy động vốn bằng trái phiếu riêng lẻ. Doanh nghiệp, nhà đầu tư có nguy cơ chuyển sang các hình thức khác chưa có quy định chặt chẽ: kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ vay vốn… hoặc các hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư với tổ chức. Cùng với đó sẽ hạn chế hoạt động M&A doanh nghiệp hoặc không phù hợp với mô hình công ty mẹ con mà nhiều tập đoàn đa quốc gia đang áp dụng.

Ông Tuấn cho rằng, sửa Nghị định 153 do có trục trặc trong phát hành TPDN riêng lẻ với một số nguyên nhân như tiêu chuẩn doanh nghiệp phát hành chưa cao, thiếu minh bạch, nhà đầu tư cá nhân chủ yếu quan tâm tới lãi suất. Nhưng cũng cần thấy rằng, thời gian qua luật chơi sơ bộ đã có, chỉ là vấn đề tuân thủ chưa thực sự tốt và nền tảng thị trường TPDN phát triển chưa đầy đủ, chuyên nghiệp. Vì vậy, muốn phát triển thị trường bền vững cần có những quy định phù hợp, đi cùng mở rộng, phát triển thị trường theo chiều sâu, tăng tính minh bạch, tuân thủ.

9 giải pháp thúc đẩy thị trường

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho khẳng định, mục tiêu của Việt Nam là hướng tới thị trường TPDN phát triển tương đương 20% GDP vào năm 2025. Ngay từ bây giờ, Quốc hội và Chính phủ đang xây dựng cơ chế, chính sách để hiện thực hoá mục tiêu này.

"Đây là thời điểm để thiết kế khung thể chế bền vững cho thị trường TPDN đạt 20% GDP như mục tiêu đã đề ra. Điều này đặt các nhà làm chính sách hướng tới bức tranh toàn cảnh, dài hạn về huy động vốn trên thị trường và năng lực của doanh nghiệp", ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cho rằng, có 2 vấn đề được đặt ra là huy động vốn và năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Khi vốn chảy vào doanh nghiệp, vấn đề đặt ra là dòng vốn ấy đi đâu? Thị trường vốn không thể như con "tỳ hưu", cứ thu hút vào rồi bỏ đấy. Vì vậy, muốn phát triển thị trường vốn, phải tính tới rất nhiều vấn đề, ngay cả luật phá sản cũng cần được tính tới để tăng tính hiệu quả. Vì một doanh nghiệp phá sản kịp thời cũng giúp giảm rủi ro cho thị trường.

Theo đó, về dài hạn, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, muốn có một thị trường vốn mạnh, cần những doanh nghiệp có chất lượng. Và điều này cần có cách thức để đánh giá được năng lực của doanh nghiệp như xếp hạng tín nhiệm; cần có cách thức nâng cao chất lượng doanh nghiệp thông qua nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.

Chốt lại các vấn đề, ông Phạm Ngọc Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp nhấn mạnh 9 vấn đề:

Một là cần sớm xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trên thị trường vừa qua; Hai là cần củng cố hành lang pháp lý chặt chẽ hơn nhưng cũng phù hợp, sát gần doanh nghiệp, theo cơ chế thị trường, đề cao vai trò tiền kiểm; Thứ ba cần nâng cao chất lượng, số lượng nhà đầu tư tổ chức, cá nhân; Thứ tư, tăng cường quản lý thị trường thứ cấp; đẩy nhanh xây dựng thị trường thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tập trung, rút ngắn thời gian ra mắt thị trường này (Theo kế hoạch dự kiến của cơ quan quản lý Nhà nước là cuối năm nay).

Thứ năm, phát triển thị trường dịch vụ đánh giá tín nhiệm giúp trái chủ đánh giá được rủi ro khi quyết định đầu tư; Thứ sáu, có giải pháp tăng chất lượng TPDN được phát hành, xem xét quy định cụ thể hơn về quy mô, tần suất, điều kiện phát hành, tiêu chuẩn phát hành; Thứ bảy, hoàn thiện cơ chế và nâng cao chất lượng quản lý và giám sát thị trường; Thứ tám, về phía doanh nghiệp, thúc đẩy quản trị doanh nghiệp tốt, nâng cao chất lượng doanh nghiệp; Cuối cùng cần tăng cường vai trò và phát huy hiệu quả của công tác truyền thông trong tuyên truyền chính sách, quy định, phổ biến pháp lý, cập nhật khách quan trung thực thị trường, góp sức tăng cường mức độ tiếp cận thông tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, chủ thể phát hành…

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ