2 tuần sụt sâu của chứng khoán

Nhàđầutư
Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn điều chỉnh với quán tính giảm vẫn còn, song các nhà đầu tư được khuyến nghị không nên bán tháo nhưng cần khống chế tỷ trọng ở mức vừa phải, tương ứng với mức độ chấp nhận rủi ro.
KHÁNH AN
20, Tháng 04, 2022 | 07:38

Nhàđầutư
Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn điều chỉnh với quán tính giảm vẫn còn, song các nhà đầu tư được khuyến nghị không nên bán tháo nhưng cần khống chế tỷ trọng ở mức vừa phải, tương ứng với mức độ chấp nhận rủi ro.

Screenshot (1563)a

Nhà đầu tư được khuyến nghị cẩn trọng đối với nhóm cổ phiếu có tính chất rủi ro cao. Ảnh Trọng Hiếu.

Việc bất ngờ đảo chiều về cuối phiên 19/4 đã khiến thị trường chao đảo và đánh mất ngưỡng hỗ trợ quan trọng, VN-Index lao dốc mạnh theo chiều thẳng đứng, đánh mất hơn 30 điểm, từ mức đỉnh của ngày 1.442 điểm. Dù nỗ lực trở lại sau đó, nhưng áp lực bán gia tăng mạnh trở lại trong đợt ATC khiến chỉ số chính không thể thoát phiên giảm sâu.

Chốt phiên, VN-Index giảm 26,15 điểm xuống 1.406,45 điểm với 371 mã giảm và 101 mã tăng, VN30 mất 27,6 điểm, xuống mức 1.440,61 điểm, qua đó thổi bay 103.000 tỷ đồng vốn hoá. Tính tổng 3 sàn có 706 mã giảm (164 mã sàn) và 298 mã tăng với tổng thanh khoản ở mức 26.468 tỷ đồng, giảm 12% so với phiên trước đó.

Tính chung từ đầu tháng 4 đến nay, thị trường chứng khoán ghi nhận 8/12 phiên giảm điểm, trong đó có đến 5 phiên chỉ số chính nhúng sâu hơn 20 điểm, nâng tổng số điểm bị "thổi bay" lên hơn 116 điểm, vốn hóa thị trường cũng theo đó bốc hơi 443.000 tỷ đồng, tương ứng 19,2 tỷ USD với hầu hết các nhóm ngành đều đỏ lửa, trong đó giảm mạnh nhất phải kể đến dòng chứng khoán, bất động sản, xây dựng, ngân hàng với rất nhiều mã giảm sàn trắng bên mua.

Các chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân để lý giải cho việc thị trường đi xuống như hiện tượng siết chặt lại thị trường trái phiếu một cách đột ngột khiến dòng tiền trên thị trường tài chính bị đứt gãy hoặc hoạt động bán giải chấp hay còn gọi với cái tên quen thuộc hơn là "call margin" được kích hoạt mạnh đã ảnh hưởng lớn đến các quyết định mua bán của nhà đầu tư. Ngoài ra, các thông tin lãi suất huy động của nhiều ngân hàng tăng trở lại trong thời gian gần đây cũng góp phần gây ra các phản ứng tiêu cực cho thị trường.

"Vì 3 ngành bất động sản, chứng khoán và ngân hàng có liên hệ chặt chẽ với nhau hay còn gọi là "bộ ba tạo tiền của thị trường", nên khi có hiện tượng chỉnh đốn trái phiếu và pháp lý của các doanh nghiệp nhà đất thì tác động không chỉ ở cục bộ một ngành mà nó còn lan ra cả 2 ngành còn lại. Nhà đầu tư đang ở giai đoạn tái cấu trúc thị trường qua việc thanh lọc của cơ quan quản lý, điều này ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư", ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset nêu quan điểm.

Dù với lý do gì thì việc VN-Index lùi sâu xuống ngưỡng 1.400 điểm đã đẩy nhiều nhà đầu tư vào tình trạng bị "kẹp hàng". Trên khắp các diễn đàn, bên cầm cổ phiếu tỏ ra bi quan, thậm chí tuyên bố bỏ chứng khoán khi tài khoản ngày càng “xa bờ”. Dẫu vậy, cũng có không ít nhà đầu tư khác lại cho rằng đây là cơ hội kiếm lãi khi mua cổ phiếu tốt với giá rẻ.

"Năm ngoái GDP chỉ có 2,6%, năm nay dự kiến 6-6,5%, lợi nhuận vẫn tăng tốt ngoại trừ những thông tin không được kiểm chứng được gửi đi khắp nơi, song nhờ vậy những người như chúng tôi mới có cơ hội kiếm lãi. Mua rẻ là mua tốt, còn nếu bạn không phải là người mua rẻ nhất thì cũng chẳng sao cả", ông Vicente Nguyen, CIO của AFC Vietnam Fund chia sẻ.

Đưa ra phân tích, CTCK Tân Việt (TVSI) đánh giá áp lực bán và tâm lý như hiện tại có thể khiến các cổ phiếu bị cuốn theo nhau xuống trong các phiên tới. Do đó, việc cố gắng bắt đáy và sử dụng nhiều vay nợ lúc này là nguy hiểm khi dễ gây ra mất mát nhanh chóng. Ở góc nhìn của đầu tư trung và dài hạn TVSI vẫn coi đây là cơ hội chọn lọc cổ phiếu để gia tăng tỷ trọng nhưng nên chia thành nhiều lần giải ngân theo chiều giá xuống.

Cùng chung quan điểm, VDSC cho rằng với áp lực giảm mạnh như cuối phiên 19/4, dự kiến quán tính giảm sẽ kéo thị trường tiếp tục giảm về vùng hỗ trợ thấp hơn là 1.390 điểm nhưng có thể sẽ nhanh chóng hồi phục trở lại. Do vậy, nhà đầu tư nên tạm ngưng bán tháo nếu danh mục không ở mức rủi ro cao, và chờ nhịp hồi phục của thị trường. Tuy nhiên, vẫn nên cẩn trọng tại nhóm cổ phiếu có tính chất đầu cơ và rủi ro cao.

Ở góc nhìn tích cực hơn, Yuanta Việt Nam và SHS đều nhận định với trạng thái tâm lý như hiện tại, thị trường rất có thể sẽ sớm hình thành đáy ngắn hạn và hồi phục, do đó nhà đầu tư không nên tiếp tục bán ra ở phiên tiếp theo bởi thị trường có thể sớm hồi phục trở lại, nhưng cần khống chế tỷ trọng ở mức vừa phải, tương ứng với mức độ chấp nhận rủi ro.

Đưa ra lời khuyên trong Talk show Phố Tài chính tối 18/4, ông Lê Long Giang, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) nhấn mạnh, bất cứ nhà đầu tư nào cũng cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản chứ không nên đầu tư và mua các sản phẩm tài chính theo trào lưu. Theo ông Long, rủi ro sẽ càng cao nếu lợi nhuận càng lớn, cần tùy nhu cầu đầu tư để phân định ra rằng đây thực sự là giao dịch mua bán hay là giao dịch hợp tác đầu tư. Các nhà đầu tư sẽ góp phần làm cho thị trường trở nên được minh bạch hơn khi những sản phẩm không thực sự tốt sẽ không được lựa chọn.

"Hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có nhiều hàng hóa và có nhiều cơ hội cũng như lượng tiền mặt giao dịch hàng ngày, dễ dẫn đến việc nhiều đối tượng có ý đồ lợi dụng và mong kiếm về không chỉ một vài tỷ mà hàng trăm ngàn tỷ. Bởi vậy việc thanh lọc là rất cần thiết và cần phải có những chế tài thật mạnh tay. Điều này sẽ giúp TTCK Việt Nam ngày càng minh bạch hơn và hạn chế được tối thiểu tất cả những giao dịch làm thị trường và các nhà đầu tư bị thiệt hại", ông Lê Long Giang nói.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ