Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đang triển khai ra sao?

Nhàđầutư
Đoạn tuyến trên cao về cơ bản đã hoàn thành, tuy nhiên vướng mắc lớn nhất của dự án đang nằm ở 4km đi ngầm và dự kiến đến 2025 mới có thể khai thác toàn tuyến.
MY ANH
08, Tháng 12, 2021 | 14:00

Nhàđầutư
Đoạn tuyến trên cao về cơ bản đã hoàn thành, tuy nhiên vướng mắc lớn nhất của dự án đang nằm ở 4km đi ngầm và dự kiến đến 2025 mới có thể khai thác toàn tuyến.

Duong sat Metro Nhon ga H

Đoạn tuyến trên cao tiến hành chạy thử từ tháng 7/2021. Ảnh: Trọng Hiếu

Thông trên, tắc dưới

Mới đây, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB)  đã tiến hành chạy thử tuyến trên cao từ ga S1 đến ga S8 (Nhổn - Cầu Giấy) với quãng đường khoảng 8,5 km. Ông Lê Trung Hiếu, Phó giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho hay, tốc độ đạt được tối đa của đoàn tàu lần chạy thử này là 80 km/h.

MRB cho biết, việc chạy thử nhằm kiểm tra tính đồng bộ giữa hệ thống thông tin, tín hiệu của đoàn tàu và hệ thống điều khiển. Đây là một trong những bước quan trọng thuộc quy trình dự án.

Theo quy trình dự án, các đoàn tàu và hệ thống thông tin, tín hiệu sẽ được kiểm tra nghiệm thu tĩnh trong Depot (không điện và có điện), chạy thử trên tuyến chính, liên động tích hợp với các hệ thống thiết bị của dự án; kiểm tra chạy thử và nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng.

Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 783 triệu euro, đến nay điều chỉnh lên 1,176 tỉ euro, trong đó: vốn vay ODA là 957,99 triệu euro từ Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp, Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Ngân hàng Phát triển châu Á; vốn đối ứng từ ngân sách TP Hà Nội là 218,01 triệu euro.

Hiện tiến độ đoạn tuyến trên cao đã đạt 89,5% và TP. Hà Nội dự kiến sẽ đưa vào khai thác vận hành đoạn trên cao vào tháng 12/2022.

Tuy nhiên, trái ngược với đoạn tuyến trên, trên công trường 4 ga ngầm và đoạn tuyến ngầm dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nôi đều im ắng, không có hoạt động thi công trên thực địa.

MRB xác nhận, từ tháng 7/2021 đến nay, Liên danh nhà thầu Hyundai - Ghella đã thông báo tạm dừng thi công gói thầu trên để giải quyết xong mặt bằng.

Vướng mắc chưa có tiền lệ

Theo chủ đầu tư dự án, hiện phạm vi gói thầu ga ngầm và đoạn tuyến ngầm chỉ còn 0,3% diện tích đất chưa thu hồi xong (58/186.522m2). Việc giải phóng mặt bằng (GPMB) các ga ngầm cũng rất đặc thù, gần như chưa có tiền lệ. Đến nay vẫn chưa có chính sách đền bù nên chưa giải quyết dứt điểm được.

Ngay kể cả với đoạn tuyến trên cao, dù được xem là gần như đã hoàn thành nhưng trước đó, chủ đầu tư cũng không thể GPMB hơn chục công trình xây dựng nằm trong chỉ giới đường đỏ xây dựng một số cầu thang (ga S4, S7 có móng nhà chồng lấn với móng trụ bản đỡ cầu thang bộ, hộp thang máy) dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế.

“Do không giải phóng được mặt bằng nên một số nhà ga trên cao cuối cùng phải điều chỉnh thiết kế, nắn chỉnh, thu hẹp đường dẫn cầu thang lên sảnh nhà ga”, lãnh đạo MRB cho biết.

Theo đại diện MRB, khi thi công các ga ngầm mới phát sinh việc các hộ dân chỉ có móng nhà xung đột với tuyến hầm. Trong đó có 43 trường hợp phải tạm cư và 7 trường hợp phải tháo dỡ công trình, không thu hồi đất.

Trong khi đó, nhà tài trợ vốn Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) yêu cầu, trước khi đào tuyến ngầm, phải có chính sách và quy trình bồi thường được phê duyệt. Đây là hình thức GPMB chưa có tiền lệ và chưa được hướng dẫn theo các quy định pháp luật hiện hành.

Do công tác GPMB kéo dài trong suốt quá trình triển khai dự án và chậm trễ giải quyết các phát sinh nêu trên, Liên danh nhà thầu ngoại Hyundai - Ghella đã gửi 3 khiếu nại bồi thường, đề nghị thanh toán 114,7 triệu USD (hơn 2.500 tỷ đồng), nếu không sẽ không thể tiếp tục thi công.

Phản hồi về khiếu nại này, phía MRB cho biết, nhà thầu chỉ mới cung cấp được hồ sơ, tài liệu chứng minh cho một phần khiếu nại với giá trị rất nhỏ (chiếm khoảng 2-3% tổng giá trị nhà thầu khiếu nại). Phần lớn giá trị khiếu nại của nhà thầu chỉ dựa trên các bảng tính sơ bộ, khái toán, thiếu căn cứ pháp lý cũng như các hồ sơ, tài liệu chứng minh cần thiết. Do đó, bên phía tư vấn (Systra - Pháp) cũng như chủ đầu tư chưa thể đánh giá chính xác để làm cơ sở giải quyết các tranh chấp. 

Tư vấn và chủ đầu tư đã có nhiều văn bản hướng dẫn nhà thầu, nhưng cho đến nay nhà thầu chưa thực hiện các yêu cầu này. MRB cho biết đang thực hiện đúng các quy trình để từng bước xử lý các tranh chấp, khiếu nại của nhà thầu.

Empty

Tại ga ngầm S11 (theo hướng Quốc Tử Giám về ga Hà Nội), chủ đầu tư đã tiến hành phá dỡ những căn hộ cuối cùng để bàn giao mặt bằng sạch. Ảnh: Trọng Hiếu

Phải khai thác toàn tuyến chậm nhất vào năm 2025

Để gỡ khó cho dự án, mới đây Bộ KHĐT đã đề nghị Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng sớm triệu tập họp để xem xét, đưa ra phương án giải quyết các nội dung liên quan tới tiến độ thi công, và vấn đề giải ngân vốn dự án metro Nhổn – ga Hà Nội.

Với các vướng mắc liên quan tới sự khác biệt giữa quy định của hợp đồng FIDIC (mẫu hợp đồng quốc tế theo yêu cầu của nhà tài trợ vốn) và quy định của pháp luật Việt Nam, Bộ KHĐT kiến nghị giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp giữa các bên liên quan nghiên cứu gỡ vướng theo hướng xây dựng đồng bộ các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá trong lĩnh vực đường sắt đô thị.

Về phía Hà Nội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã ra chỉ đạo dự án phải bám sát tiến độ đã được nêu trong tuyên bố chung của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp. Theo đó, đến năm 2022 hoàn thành đưa vào vận hành phần đi nổi 8,5km. Đến năm 2025 hoàn thành phần đi ngầm 4km và đưa vào vận hành toàn tuyến. “Phải coi đây là mốc thời điểm có tính pháp lệnh để tổ chức thực hiện”, Bí thư Hà Nội chỉ đạo

Liên quan đến vướng mắc giải phóng mặt bằng đoạn đi ngầm của dự án, Bí thư Đinh Tiến Dũng lưu ý, đây là lần đầu tiên giải phóng mặt bằng liên quan đến công trình ngầm, nên chưa có cơ chế cụ thể.

Do vậy đề nghị Ban Cán sự đảng UBND TP. Hà Nội báo cáo Thường trực Thành ủy xem xét cho ý kiến, trình HĐND cho phép ban hành cơ chế đặc thù để tiến hành giải phóng mặt bằng đoạn đi ngầm dự án Nhổn - ga Hà Nội, phấn đấu ban hành cơ chế này trong tháng 12/2021 để tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, trong lịch làm việc kỳ họp thứ 3 HĐND TP. Hà Nội khóa XVI không thấy đề cập đến nội dung trên. Vì vậy, thời điểm có thể bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu để tiếp tục thi công đến nay vẫn là dấu hỏi.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ