Trần Đình Long: 'Vua thép' không sợ Formosa

Nhàđầutư
Sau hơn 20 năm gia nhập ngành thép, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát do ông Trần Đình Long sáng lập và làm Chủ tịch HĐQT đã trở thành doanh nghiệp thép số 1 Việt Nam, nắm giữ khoảng 1/4 thị phần thép xây dựng.
ANH MAI
28, Tháng 04, 2018 | 11:09

Nhàđầutư
Sau hơn 20 năm gia nhập ngành thép, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát do ông Trần Đình Long sáng lập và làm Chủ tịch HĐQT đã trở thành doanh nghiệp thép số 1 Việt Nam, nắm giữ khoảng 1/4 thị phần thép xây dựng.

Tháng 3/2018, vị doanh nhân 57 tuổi này đã được tạp chí Forbes xếp vào danh sách những tỷ phú USD của thế giới.

Với tổng tài sản ước tính khoảng 1,3 tỷ USD, đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Việt Nam có một người làm trong ngành công nghiệp lọt vào top người giàu của thế giới.

Ông bầu tỷ phú USD

Ngày ra quyết định thưởng "nóng" 1 tỷ đồng cho ban huấn luyện và các cầu thủ U23 Việt Nam sau trận bán kết gặp U23 Qatar cũng là ngày khối tài sản của ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát vượt ngưỡng 1 tỷ USD.

Với khối tài sản này, ông Long là doanh nhân Việt thứ 4 sở hữu lượng cổ phiếu có trị giá từ 1 tỷ USD trở lên trên sàn chứng khoán. Giá cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát đã tăng mạnh ngay trước thềm trận đấu chung kết giữa U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan diễn ra ngày 27/1, một diễn biến càng có ý nghĩa to lớn với một ông bầu bóng đá như ông Long.

tran dinh long

 Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát.

Chủ tịch Hòa Phát không chỉ nổi tiếng trong ngành thép mà ông từng là ông bầu đội bóng Hòa Phát Hà Nội trong vòng 7 năm. 

Ông Long cùng với ông Nguyễn Đức Kiên (còn được biết đến với tên gọi ‘Bầu Kiên’) đã từng có một thời gian dài thân thiết, cùng nhau làm bóng đá. Tháng 9/2011, khi bầu Long quyết định ngừng đầu tư vào bóng đá và giải thể đội bóng Hòa Phát Hà Nội thì câu lạc bộ Hà Nội ACB của Nguyễn Đức Kiên đã tiếp nhận đội bóng này.

Khi được hỏi có trở lại với bóng đá hay không, trả lời trên báo Thanh niên trong bài viết đăng ngày 5/2/2018, ông Long cho biết thời điểm này thì chưa nhưng vì là người ham mê bóng đá nên "có thể đóng góp gì thì chúng tôi sẽ làm".

'Vua' thép tham vọng

Ngược về khoảng thời gian cách đây 26 năm, năm 1992, ông Trần Đình Long cùng người bạn thân thiết của mình là ông Trần Tuấn Dương (hiện là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát) thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ Tùng Hòa Phát, chủ yếu buôn bán đồ cũ từ Nga về.

Song chuyện thành lập công ty đầu tiên không hề dễ dàng, phải qua Phòng Thương mại và Công nghiệp quận Hoàn Kiếm làm hồ sơ, chứng minh tài sản, mượn tiền, góp vài chục triệu vào ngân hàng để phong tỏa tài khoản rồi xin giấy phép xác định nhận thân từng người.

Công ty lúc đó phải mượn nhà ông Long làm địa điểm vì doanh nghiệp thành lập phải có địa chỉ đăng ký, vốn pháp định, phải chứng minh vốn bằng cách đóng tiền vào ngân hàng, thậm chí đi mượn tiền người khác để đóng vào làm vốn pháp định.

Tới năm 1996, Hòa Phát bắt đầu gia nhập ngành thép bằng việc thành lập Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát. Đó là giai đoạn mà theo ông Trần Đình Long kể lại tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2015 là hỏi 9 người thì 10 người cho rằng “Hòa Phát sẽ thất bại”.

Thậm chí, tới giờ ở Hòa Phát vẫn lưu truyền câu chuyện ông Long bước vào ngành thép từ câu nhận xét phũ phàng “biết gì về thép mà làm” của một trùm buôn thép thời điểm cuối những năm 90 của thế kỷ XX. Khi ấy, ông Long chỉ là người mới, còn những “ông trùm” trong giới buôn thép ngày ấy đều nằm tại đất Thái Nguyên.

Năm 2017, Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long tròn 25 năm thành lập. Hòa Phát từ chỗ không tên tuổi đã trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam nhờ lấy thép làm lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.

Bước vào lĩnh vực sản xuất thép, một lĩnh vực được cho là độc tôn của các doanh nghiệp nhà nước, đến thời điểm này, Hòa Phát đã trở thành doanh nghiệp thép lớn nhất cả nước với tổng tài sản gần 40.000 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 15.000 tỷ đồng, vốn hóa thị trường gần 4 tỷ USD.

hoa phat

Hòa Phát đã trở thành doanh nghiệp thép số 1 Việt Nam, nắm giữ khoảng 1/4 thị phần thép xây dựng.

Năm 2016 cũng là lần đầu tiên Hòa Phát vượt qua Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) và chiếm ngôi “vua” thị phần tiêu thụ thép và ống thép trong cả nước. Năm 2017, tổng sản lượng của Hòa Phát đạt 3 triệu tấn thép thành phẩm các loại, tăng 25% so với năm 2016. Trong đó, thép xây dựng chiếm 2,2 triệu tấn, ống thép đóng góp 600.000 tấn và còn lại là tôn mạ kẽm. Hai dòng sản phẩm chủ lực của Hòa Phát là thép xây dựng và ống thép đều dẫn đầu thị trường, với thị phần lần lượt là gần 24% và 26,4%.

Tính riêng 10 năm qua, doanh thu Hòa Phát đã tăng trưởng hơn 9 lần. Nếu năm 2007, doanh thu của công ty ở mức 5.734 tỷ đồng thì tới năm 2017 công ty đạt doanh thu trên 46.000 tỷ đồng, lợi nhuận cao kỷ lục hơn 8.000 tỷ đồng. Những năm trước đó, doanh thu của Hòa Phát đều đạt trên 20.000 tỷ đồng và lãi ròng đều trên 3.000 tỷ đồng.

Năm 2017 được xem là điểm nhấn trên hành trình của Hòa Phát khi tập đoàn được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho triển khai dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất. Đây được coi là bàn đạp tăng trưởng vượt bậc để Hòa Phát cán đích những kế hoạch đầy tham vọng.

Chỉ trong vòng 1 năm, Hòa Phát đẩy mạnh triển khai và dự kiến quý III năm 2018 dây chuyền cán thép giai đoạn 1 sẽ đi vào hoạt động. Ông Long tự nhận Hòa Phát giống xe lu, cứ đi là tới, nhưng với Dung Quất, Hòa Phát đang tiến với tốc độ tên lửa bởi trước đó, nhà đầu tư Đài Loan đã phải tháo chạy sau 10 năm nhận dự án mà không thể triển khai. Công việc của khu liên hợp gang thép Dung Quất là khổng lồ, vì ngoài việc lắp đặt nhà máy thép, Hòa Phát còn phải xây cảng, nhà máy nước, nhà máy điện để tạo thành một tổ hợp khép kín với suất đầu tư chỉ bằng 1/3 của Formosa.

Không sợ Formosa

Đại hội đồng cổ đông năm 2018 diễn ra vừa qua đã cho thấy sự tự tin hiện rõ của ban lãnh đạo Hòa Phát. Không dưới 3 lần ông Trần Tuấn Dương khẳng định trước cổ đông Hòa Phát đủ sức cạnh tranh với Formosa, đủ sức cạnh tranh với thép Trung Quốc và không bị ảnh hưởng nhiều bởi lệnh áp thuế của Mỹ.

"Chắc chắn ra đến đâu hết đến đấy, không phải lo" là câu trả lời của Tổng giám đốc Hoà Phát về tình hình tiêu thụ thép của Dung Quất. Thậm chí, tùy điều kiện thị trường, Hòa Phát xin Chính phủ tiếp tục mở rộng gấp đôi công suất của Dung Quất, và đưa tập đoàn này vượt Formosa trở thành trung tâm thép của khu vực và thế giới.

Ban lãnh đạo dự tính, 15 năm tới nhu cầu tiêu thụ thép của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi hiện tại. Ông Trần Tuấn Dương cho rằng lợi nhuận của Tập đoàn ngoài 2020, sau khi dự án Dung Quất đi vào ổn định sẽ đạt "mười mấy ngàn tỷ" mỗi năm. Khi hỏi về triển vọng giá cổ phiếu, ông Dương cho rằng "tôi rất ít khi đoán giá cổ phiếu vì thời gian còn phải đi đoán giá quặng, giá than"!

Một số nguồn tin cũng nhắc tới câu chuyện Hòa Phát sẽ không dừng lại ở các dự án luyện gang, cán thép. Mỏ sắt Thạch Khê - được định giá 35 tỷ USD trữ lượng hơn 500 triệu tấn - có thể là đích ngắm mới của Hòa Phát nhằm tự chủ nguồn nguyên liệu, bớt phụ thuộc vào giá quặng của thế giới.

Năm 2007, Công ty Cổ phần Khai thác mỏ sắt Thạch Khê (TIC) ra mắt với 9 cổ đông sáng lập, trong đó Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) góp 5%. Được biết, Hòa Phát đã mua lại 5% cổ phần của BIDV. Đại gia này cũng không giấu tham vọng sẽ nắm được phần lớn vốn trong công ty vận hành mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á này. Tuy nhiên, tương lai của mỏ sắt Thạch Khê còn chưa nói trước được nên cũng khó đoán định kế hoạch này.

Dù vậy, với các dự án đầy tham vọng đang triển khai, Hòa Phát chắc chắn sẽ còn tiếp tục hành trình dài với ngành thép.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25100.00 25120.00 25440.00
EUR 26325.00 26431.00 27607.00
GBP 30757.00 30943.00 31897.00
HKD 3164.00 3177.00 3280.00
CHF 27183.00 27292.00 28129.00
JPY 159.58 160.22 167.50
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18186.00 18259.00 18792.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 17956.00 18028.00 18551.00
NZD   14666.00 15158.00
KRW   17.43 19.02
DKK   3535.00 3663.00
SEK   2264.00 2350.00
NOK   2259.00 2347.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ