Thuế tối thiểu toàn cầu: Tác động và giải pháp cho Việt Nam

Nhàđầutư
Dự kiến từ đầu năm 2024, một số quốc gia sẽ áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu. Chính sách thuế này dự kiến sẽ có tác động đến hoạt động đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, mức độ tác động của chính sách này đến các quốc gia khác nhau là khác nhau.
TS. PHAN ĐỨC HIẾU
24, Tháng 02, 2023 | 06:19

Nhàđầutư
Dự kiến từ đầu năm 2024, một số quốc gia sẽ áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu. Chính sách thuế này dự kiến sẽ có tác động đến hoạt động đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, mức độ tác động của chính sách này đến các quốc gia khác nhau là khác nhau.

phan-duc-hieu-ndt-1401

TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: Trọng Hiếu.

Thuế tối thiểu toàn cầu là gì?

Thuế tối thiểu toàn cầu nằm trong Chương trình hành động chống xói mòn thu ngân sách, trốn tránh thuế toàn cầu (BEPS) có sự tham gia của 141 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. Theo đó, các công ty lớn có doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm từ 750 triệu EUR (19.500 tỷ đồng) trong ít nhất hai năm của giai đoạn 4 năm liền kề trước năm soát xét sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%. Nếu đang chịu mức thuế thấp hơn 15% ở quốc gia mà họ đầu tư, các doanh nghiệp này sẽ phải nộp phần ‘thiếu hụt’ còn lại so với mức thuế 15% cho quốc gia nơi họ có trụ sở chính.

Dự kiến từ đầu năm 2024, một số quốc gia sẽ áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu. Chính sách thuế này dự kiến sẽ có tác động đến hoạt động đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, mức độ tác động của chính sách này đến các quốc gia khác nhau là khác nhau.

Tại một quốc gia, thì các nhà đầu tư khác nhau sẽ có tác động khác nhau tùy vào mức độ ưu đãi thông qua biện pháp giảm thuế suất và khấu trừ thuế đến đâu và qui mô doanh thu hợp nhất toàn cầu. Chính sách thuế này được đánh giá có cả tác động tích cực là tăng thu thuế cho quốc gia - như tên Chương trình tư vấn xây dựng chính sách thuế này và cả tác động tiêu cực đến thu hút đầu tư nước ngoài.

Tác động đến thu hút FDI nước ta như thế nào?

Tác động chính sách thuế này đến nước ta là có. Hiện nay, ưu đãi thuế của Việt Nam cho đầu tư gồm phổ biến là: Ưu đãi thời gian miễn, giảm thuế đối với đầu tư mới, đầu tư mở rộng: Miễn 4 năm, giảm 9 năm; miễn 2 năm, giảm 4 năm. Một số tính toán cho thấy trong khi thuế suất phổ thông là 20% thì thuế thực tế với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong kỳ ưu đãi trung bình là 12,3%, trong đó một số tập đoàn lớn chỉ ở mức vài %. Khi thuế suất tối thiểu toàn cầu được áp dụng thì có thể một số tập đoàn lớn sẽ phải nộp thêm một phần thuế bổ sung ở nước khác nơi họ có trụ sở chính. Như vậy, lợi ích trước đây là phần ưu đãi thuế họ được hưởng thì nay sẽ không còn nữa hoặc giảm đáng kể. Hiệu lực chính sách ưu đãi đầu tư sẽ bị giảm hiệu lực trong nhiều trường hợp.

Chính sách thuế này khi được áp dụng sẽ tác động trước hết đến doanh nghiệp FDI đầu tư lớn; tác động động đến thu hút mới các dự án đầu tư. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là tác động cả đến dự án FDI đã, đang hoạt động tại nước ta đang trong thời kỳ hưởng chính sách ưu đãi; và có thể ảnh hưởng đến quyết định mở rộng đầu tư của nhà đầu tư đang hoạt động. Tuy chịu ảnh hưởng chủ yếu là những nhà đầu tư lớn, có quy mô doanh thu hợp nhất trên 750 triệu EUR toàn cầu. Nhưng ở chừng mực nào đó, rất có thể có những nhà đầu tư FDI nhỏ nhưng họ nằm trong chuỗi sản xuất kinh doanh, là một phần trong hoạt động kinh doanh của một tập đoàn đa quốc gia thì họ có thể bị chịu thuế suất thuế tối thiểu, sẽ bị liên đới.

Như trên đã nêu, ngoài tác động tiêu cực, thì chính sách thuế này có cơ hội tăng thu ngân sách và hạn chế trốn tránh thuế, hạn chế tình trạng các quốc gia cạnh tranh thu hút đầu tư theo cách "đưa nhau xuống đáy".

Khi nào thì Việt nam bị tác động?

Thứ nhất, chính sách thuế này đã tác động đến thu hút đầu tư nước ngoài ngay từ bây giờ chứ không phải chờ đến ngày khi mà chính sách thuế này được các nước áp dụng. Bởi vì, ngay từ giờ các nhà đầu tư đã tính toán đến việc thực thi chính sách thuế này để quyết định đầu tư năm nay và năm tiếp theo.

Liệu có giải pháp nào ứng phó với tác động của chính sách thuế này?

Trước hết, về cơ hội, các quốc gia được khuyên rằng nên áp dụng chính sách thuế này để tăng thu quốc gia và tránh việc ưu đãi của mình bị mang sang nộp ở quốc gia khác.

Còn về giải pháp thay thế thì tôi cho rằng cả về trước mắt và lâu dài và quan trọng nhất thì phải thu hút đầu tư bằng môi trường kinh doanh thuận lợi; chi phí gánh nặng về thủ tục hành chính, tuân thủ pháp luật được giảm bớt, minh bạch hơn, nhanh hơn và ít rủi ro – môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn. Như vậy, Chính phủ trước hết cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, coi đây là biện pháp thu hút đầu tư quan trọng nhất, hiệu quả nhất để ứng phó với thách thức từ chính sách thuế này.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng, những biện pháp ưu đãi vẫn có thể tác dụng đối với nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là vừa, nhỏ. Trường hợp, cần thiết tìm kiếm chính sách ưu đãi thuế thì cân nhắc các chính sách ưu đãi về khấu trừ chi phí – có thể đặt được mục tiêu kép – vừa hạn chế được tác động của chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu – vừa giúp thu hút đầu tư có chọn lọc. Ví dụ thay vì giảm thuế suất, có thể cho phép doanh nghiệp khấu trừ nhiều hơn 100% (ví dụ 150%) chi phí mà họ đầu tư vào các hoạt động quan trọng: nghiên cứu phát triển, đào tạo lao động, thuê nhân sự có chất lượng cao,... Chính sách này vẫn tạo được tác động ưu đãi vừa đạt mục tiêu nâng cao chất lượng đầu tư vào hoạt động mà nước chủ nhà mong muốn.

Các giải pháp cần chú ý đến cả giải pháp thu hút mới đầu tư nước ngoài, mở rộng đầu tư của các nhà đầu tư đã và đang đầu tư và cần tính đến giải pháp cho các nhà đầu tư đã đầu tư, đang hoạt động đang trong thời kỳ hưởng ưu đãi. Ngoài giải pháp trước mắt, cần phải tính đến rà soát toàn bộ hệ thống thuế, đồng thời tính đến chính sách thuế dài hạn hơn trong mục tiêu chung chống xói mòn cơ sở thuế và chống chuyển lợi nhuận.

Chúng ta cần làm gì bây giờ?

Trước tình hình này, Việt Nam cần nhanh chóng đánh giá để xác định mức độ bị tác động - bao gồm cả cơ hội và tác động tiêu cực; cần nhanh chóng rà soát toàn bộ quy định hiện hành về chính sách ưu đãi và từ đó cần xác định chính xác phạm vi và mức độ bị tác động theo ngành, lĩnh vực, đối tượng, tác động tích cực - tiêu cực, cơ hội, thách thức. Chỉ khi chúng ta xác định đầu đủ bức tranh tác động thì mới có thể có giải pháp phù hợp. Thách thức lớn nhất lúc này là áp lực thời gian.

Thực tiễn cho thấy để tận dụng cơ hội hay hóa giải thách thức có thể cần hành động chính sách, sửa đổi nội luật - cần thời gian để làm việc này. Chúng ta chỉ có khoảng 10 tháng quý giá để hành động, tận dụng cơ hội,  giữ quyền đánh thuế, tăng thu ngân sách nhà nước vừa đảm bảo chủ trương thu hút đầu tư. Và trong việc này, Chính phủ không thể làm một mình mà phải có sự đối thoại, hợp tác, tham vấn với cộng đồng doanh nghiệp, thậm chí là cả hợp tác quốc tế giữa các quốc gia.

Quan trọng nhất bây giờ là hành động ngay, nhanh chóng, quyết liệt.

Tiếp nối thành công Hội thảo Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 14/6/2022, sáng nay (24/2/2023), Tạp chí Nhà đầu tư sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Giải pháp duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư trong bối cảnh thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu". Hội thảo sẽ cập nhật tiến độ thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu ở các nước, tập trung đánh giá tác động của quy tắc Trụ cột II và giải pháp ứng phó của các nước tiếp nhận đầu tư, trên cơ sở đó đề xuất chính sách và giải pháp đối với Việt Nam. Hội thảo có sự tham gia của các cơ quan hữu quan, các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, các chuyên gia kinh tế.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ