Thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu: Tăng nguồn thu, chống trốn thuế và chuyển giá

Nhàđầutư
Việt Nam đã tham gia ký kết Hiệp định nhằm ngăn ngừa xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (MLI) vào 2/2022, do đó, Việt Nam cần rà soát, điều chỉnh và ban hành các quy định về thuế của mình phù hợp với những nội dung đã cam kết để có thể thực hiện từ năm 2024.
GIA ANH
21, Tháng 02, 2023 | 14:00

Nhàđầutư
Việt Nam đã tham gia ký kết Hiệp định nhằm ngăn ngừa xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (MLI) vào 2/2022, do đó, Việt Nam cần rà soát, điều chỉnh và ban hành các quy định về thuế của mình phù hợp với những nội dung đã cam kết để có thể thực hiện từ năm 2024.

Tăng nguồn thu, chống chuyển giá

Theo TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, khi có hiệu lực, Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động cả tích cực và tiêu cực đối với kinh tế Việt Nam. Theo đó, việc tham gia triển khai Thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế nói riêng.

thue-toi-thieu-toan-cau

Các đại biểu tham dự Hội thảo "Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam" sáng 14/6/2022, tại Hà Nội do Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn tổ chức. Ảnh: Trọng Hiếu.

Việc tích cực tham gia, thực hiện các công cụ, khuôn khổ pháp lý của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ góp phần cải thiện hình ảnh của Việt Nam trong mắt các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài. Điều này cũng sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý về thuế của Việt Nam và thúc đẩy sửa đổi chính sách thu hút FDI của Việt Nam theo hướng giảm ưu đãi về thuế và tăng cường cạnh tranh bằng môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, nhân lực...

Nếu Chính phủ có thể trình Quốc hội sửa các luật liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý thuế vào tháng 10 này, thì năm 2024 có thể thực hiện được. Nếu không kịp, Quốc hội có thể ra nghị quyết cho Chính phủ ban hành các quy định dưới luật để thực hiện. 

GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE

Cùng đó, Thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá… của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Việt Nam có thể tận dụng nguồn thu tăng thêm từ việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu (nếu có) để tăng cường đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện các yếu tố về môi trường đầu tư chi phối quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực...).

Về trốn, tránh thuế, chuyển giá, theo Bộ Tài chính, số doanh nghiệp FDI báo lỗ trong năm 2021 là 14.293, chiếm 55% tổng số doanh nghiệp FDI của cả nước, trong đó nhiều doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp song các doanh nghiệp FDI này vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

OECD ước tính, hơn 220 tỷ USD lợi nhuận dự kiến sẽ được phân bổ lại cho các quốc gia mỗi năm và Việt Nam có thể hưởng lợi 1 phần từ sự phân bổ này. Tuy nhiên, quy mô lợi nhuận phân bổ có thể thấp hơn ước tính hoặc không đáng kể vì để thực hiện được cần có một hệ thống quản lý thuế hiệu quả và nỗ lực, hiệu quả phối hợp giữa các quốc gia.

Có thể thực hiện được trong năm 2024

Về ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu, sức cạnh tranh trong thu hút FDI của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi chính sách ưu đãi thuế thay đổi. Châu Á hiện nay là khu vực có mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thấp nhất so với các khu vực khác trên thế giới và dự kiến có thể chịu tác động nhiều nhất khi các doanh nghiệp đa quốc gia phân bổ lại hoạt động, đầu tư của mình nhằm tối ưu về thuế.

OECD ước tính, hơn 220 tỷ USD lợi nhuận dự kiến sẽ được phân bổ lại cho các quốc gia mỗi năm và Việt Nam có thể hưởng lợi 1 phần từ sự phân bổ này.

Ví dụ, việc Hàn Quốc áp dụng mức thuế TNDN tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024 sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, Samsung là doanh nghiệp FDI lớn của Việt Nam có thể sẽ là đối tượng chịu sự điều chỉnh của các quy định luật mới của Hàn Quốc. Tuy nhiên, các chính sách ưu đãi thuế hiện tại của Việt Nam vẫn có thể đem lại lợi ích cho các công ty không nằm trong phạm vi điều chỉnh như các công ty trong nước hoặc các công ty con của các Tập đoàn đa quốc gia có doanh thu dưới ngưỡng 750 triệu EUR.

Hiện nay, mặc dù thuế TNDN trung bình ở mức 20% song Việt Nam đang áp dụng cơ chế ưu đãi thuế dựa trên địa bàn, lĩnh vực được khuyến khích đầu tư và quy mô dự án với.

Mức thuế suất ưu đãi (thay đổi giữa các lĩnh vực, hạng mục) và thời gian ưu đãi (thời gian miễn thuế và thời gian được giảm thuế suất) khiến thuế suất thực tế có thể thấp đến 5%. Các ưu đãi bao gồm: ưu đãi thuế suất (10% lên đến 15 năm và 20% lên đến 10 năm); miễn, giảm thuế có thời hạn (tối đa đến 9 năm); cho phép chuyển lỗ (trong vòng 5 năm); miễn đánh thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (không áp dụng đối với công ty được đầu tư có lỗ luỹ kế); hoàn thuế cho lợi nhuận tái đầu tư; cho phép được khấu hao nhanh...

Các ưu đãi về thuế, giảm tiền thuê đất... đã góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng năng lực cạnh tranh cho các nhà đầu tư, đồng thời thu hút mạnh mẽ vốn FDI vào Việt Nam thời gian qua. Theo Tổng Cục thuế 1, các ưu đãi thuế khiến cho thuế TNDN thực tế của các doanh nghiệp FDI chỉ là 12,3%, trong đó các tập đoàn lớn nước ngoài chỉ chịu thuế thu nhập doanh nghiệp là 2,75%-5,95% (nhiều doanh nghiệp FDI lớn được áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong cả đời dự án, miễn thuế TNDN 4 năm đầu, giảm 50% thuế suất trong 9 năm tiếp theo...).

Do đó, khả năng cạnh tranh trong thu hút FDI của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng đáng kể khi khung thuế ưu đãi thay đổi. Các công ty đa quốc gia lớn đầu tư vào Việt Nam có thể sẽ phải chịu một số hình thức “thuế bổ sung” tại quốc gia nơi đặt trụ sở chính nếu được hưởng mức thuế suất tại Việt Nam thấp hơn 15%. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của thỏa thuận này đến Việt Nam còn phụ thuộc vào phạm vi và đối tượng mà Thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu điều chỉnh. Đối với những đối tượng nằm ngoài phạm vi điều chỉnh, nội luật vẫn sẽ được áp dụng.

Một tác động nữa đó là, việc áp dụng các quy tắc GloBE có thể làm phát sinh các chi phí cải cách hệ thống quản lý thuế, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư và tiến độ triển khai phụ thuộc vào năng lực quản lý của các bộ, ngành, địa phương liên quan. Điều này đòi hỏi đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cơ chế thu hút đầu tư của Việt Nam để phù hợp hơn với quy tắc Chống xói mòn cơ sở toàn cầu (GloBE) trong thời gian tới.

Ngoài ra, các nội dung về thuế tối thiểu toàn cầu được thống nhất về mặt nguyên tắc song một số nội dung vẫn được bảo lưu và chưa được quy định, hướng dẫn chi tiết có thể khiến hoạt động của các tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia bị ảnh hưởng. Theo Hiệp định MLI mà Việt Nam đã ký kết, Việt Nam có quyền không áp dụng toàn bộ một số nội dung về áp dụng phương pháp xóa bỏ thuế hai lần, áp dụng các thỏa thuận thuế để hạn chế quyền đánh thuế của tổ chức/cá nhân cư trú bên mình.

GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, thực tế, năm 2022, khi tình hình dịch bệnh ổn định, Chính phủ đã bắt đầu cho nghiên cứu về quy tắc thuế mới này. Tháng 6, VAFIE đã tổ chức hội thảo đầu tiên và trình Thủ tướng đề xuất các giải pháp thực hiện thuế thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Cũng theo GS. Mại, ngay sau đó, Thủ tướng đã thành lập tổ công tác để tư vấn cho Chính phủ. Tổ công tác gồm các chuyên gia đầu tư, chuyên gia kinh tế, chuyên gia tài chính, chuyên gia thuế, và có sự tham gia của các công ty kiểm toán "Big 4".

"Chúng ta đang làm một cách thận trọng. Hơn thế, việc này liên quan đến các nhà đầu tư lớn. Chính phủ muốn tham vấn ý kiến của họ, cũng như ý kiến của những nước/lãnh thổ đầu tư nhiều vào Việt Nam như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan", GS. Nguyễn Mại nói.

Đồng thời khẳng định, nếu Chính phủ có thể trình Quốc hội sửa các luật liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý thuế vào tháng 10 này, thì năm 2024 có thể thực hiện được. Nếu không kịp, Quốc hội có thể ra nghị quyết cho Chính phủ ban hành các quy định dưới luật để thực hiện. 

Mặc dù, MLI đã được 141 quốc gia ký kết, song để hiệp định này có hiệu lực thì cần có sự phê duyệt và triển khai tại mỗi quốc gia. Hiện tại, theo báo cáo tiến độ mới nhất về triển khai BEPS của OECD công bố tháng 9/2022 đối với Chương trình hành động số 6 về đối phó gian lận thuế có liên quan tới thuế TNDN tối thiểu toàn cầu, đã có 2.300/2.400 hiệp định thuế được ký kết và được các quốc gia phê duyệt.

OECD hiện chưa có báo cáo chính thức về tiến độ triển khai tại từng quốc gia. Tuy nhiên, theo truyền thông quốc tế ngày 15/12/2022, Liên minh Châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch áp thuế suất tối thiểu 15% từ năm 2024. Thêm vào đó, ngày 23/12/2022, Quốc hội Hàn Quốc cũng đã thông qua Đạo luật Điều chỉnh Thuế quốc tế, áp dụng mức thuế TNDN tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024.

Một số quốc gia khác cũng đang trong quá trình triển khai như Nhật Bản đang xây dựng dự thảo Luật Thuế sửa đổi 2023 với các nội dung triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Thụy Sỹ dự kiến sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu này vào tháng 6/2023...

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24900.00 24920.00 25240.00
EUR 26183.00 26288.00 27459.00
GBP 30590.00 30775.00 31725.00
HKD 3138.00 3151.00 3253.00
CHF 26916.00 27024.00 27854.00
JPY 159.28 159.92 167.24
AUD 15962.00 16026.00 16515.00
SGD 18096.00 18169.00 18702.00
THB 665.00 668.00 695.00
CAD 17894.00 17966.00 18490.00
NZD   14679.00 15171.00
KRW   17.38 18.92
DKK   3516.00 3644.00
SEK   2267.00 2354.00
NOK   2263.00 2352.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ