'Thuế tối thiểu toàn cầu là cơ hội vô giá cho Việt Nam nâng cấp chiến lược và mô hình thu hút FDI'

Nhàđầutư
"Quy tắc Trụ cột II về Thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực vào cuối năm 2023 là một thời cơ vô giá cho Việt Nam nâng cấp chiến lược và mô hình thu hút FDI. Việt Nam đứng trước cơ hội có nguồn lực bổ sung lên tới hàng tỷ USD mỗi năm từ quy tắc này", GS-TS. Vũ Minh Khương nhấn mạnh.
ĐÌNH VŨ
22, Tháng 02, 2023 | 06:50

Nhàđầutư
"Quy tắc Trụ cột II về Thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực vào cuối năm 2023 là một thời cơ vô giá cho Việt Nam nâng cấp chiến lược và mô hình thu hút FDI. Việt Nam đứng trước cơ hội có nguồn lực bổ sung lên tới hàng tỷ USD mỗi năm từ quy tắc này", GS-TS. Vũ Minh Khương nhấn mạnh.

Ngày 24/2, Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn sẽ tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Giải pháp duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư trong bối cảnh thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu".

Hội thảo nhằm cập nhật tiến độ thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu ở các nước, tập trung đánh giá tác động của quy tắc Trụ cột II và giải pháp ứng phó của các nước tiếp nhận đầu tư, trên cơ sở đó đề xuất chính sách và giải pháp đối với Việt Nam.

Đây là hội thảo lần 2 do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức về vấn đề Thuế tối thiểu toàn cầu và đặt ra bài toán duy trì, nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư của Việt Nam trong bối cảnh mới.

Để có thêm góc nhìn về tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu và một vài khuyến nghị với Việt Nam, Nhadautu.vn đã trao đổi với GS-TS. Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore.

vu-minh-khuong

GS-TS. Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore. Ảnh: CafeF. 

Với vị thế của Việt Nam hiện tại, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là gì?

GS-TS. Vũ Minh Khương: Lợi thế cạnh tranh hiện tại của Việt Nam khá cao trên cả ba góc nhìn: Tiềm năng, thế năng và động năng.

Về tiềm năng, Việt Nam có lợi thế đặc biệt về con người và vị trí chiến lược. Với các lợi thế này, đặc biệt là dân số lớn (gần 100 triệu dân) và lực lượng lao động dồi dào, có ý chí vươn lên mạnh mẽ, khả năng hội nhập cao, Việt Nam có thể thu hút nhiều nhà đầu tư lớn vào các ngành công nghiệp chiến lược, không chỉ cho xuất khẩu mà cả thị trường nội địa và khu vực.

Về thế năng, sau gần bốn thập kỷ cải cách, Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ hội nhập quốc tế rất sâu với tỷ lệ thương mại trên GDP xấp xỉ 200%. Trong đó, thương mai dựa trên các sản phẩm chế tạo và với các nền kinh tế hàng đầu chiếm tỷ trọng rất cao. Lợi thế này giúp Việt Nam nâng cao khả năng thu hút các nhà đầu tư chiến lược, chọn Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.

Về động năng, Việt Nam đang bước vào giai đoạn cất cánh với quyết tâm cải cách và  phát triển rất lớn để đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 khi Việt Nam kỷ niệm 100 năm độc lập. Với tầm nhìn này, quy mô kinh tế của Việt Nam sẽ tăng từ 400 tỷ USD năm 2022 lên trên 1.500 tỷ USD trong 20-25 năm tới. Vì vậy, đầu tư vào Việt Nam hôm nay sẽ mang lại những giá trị rất lớn cho các nhà đầu tư trong tương lai, khi các lợi thế truyền thống như nhân công rẻ và thuế ưu đãi chuyển thành nguồn lao động trình độ cao dồi dào, hiệu năng cộng hưởng mạnh mẽ của hệ sinh thái kinh tế, và nền tảng vững chắc cho xây dựng lòng tin chiến lược.

Đối tượng và lĩnh vực mà Việt Nam nên tập trung thu hút đầu tư tại thời điểm hiện nay (các nhà đầu tư lớn, R&D,...)?

GS-TS. Vũ Minh Khương: Việt Nam nên chú ý đặc biệt đến các đối tượng sau trong thu hút FDI.

Thứ nhất, đó là các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ số và công nghệ xanh vì các ngành này đang có những bước tiến rất nhanh về công nghệ và nhịp độ tăng trưởng.

Thứ hai, là các tập đoàn đa quốc gia muốn chọn Việt Nam làm nơi đặt đại bản doanh cho khu vực (châu Á hoặc ASEAN).

Thứ ba, là các nhà đầu tư cho phát triển hệ thống tài chính. Điều cần chú ý là chiến lược thu hút FDI của Việt Nam nên chú trọng thực hiện ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp bản địa, đặc biệt trong các ngành chế tạo và dịch vụ dựa trên công nghệ số và công nghệ xanh.

Ông nghĩ thế nào về các công cụ ưu đãi dựa trên chi phí? Trong bối cảnh thực thi các nguyên tắc Thuế tối thiểu toàn cầu, các công cụ ưu đãi miễn giảm thuế không còn phát huy tác dụng, Việt Nam nên có những điều chỉnh như thế nào về chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư?

GS-TS. Vũ Minh Khương: Theo tôi, việc quy tắc Trụ cột II về Thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực vào cuối năm 2023 là một thời cơ vô giá cho Việt Nam nâng cấp chiến lược và mô hình thu hút FDI. Nó không chỉ giúp Việt Nam có tư duy và tầm nhìn mới mà còn có nguồn lực dồi dào và khả năng gắn kết sâu sắc hơn với các nhà đầu tư chiến lược trong giai đoạn mới.

Điều đặc biệt là khu vực doanh nghiệp FDI 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam hoạt động rất hiệu quả. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, khu vực này có mức lãi trước thuế lên đến 20 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng lãi của các doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam.

Vì nhiều doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có quy mô rất lớn và được hưởng ưu đãi thuế thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu 15% nên Việt Nam đứng trước khả năng có nguồn lực bổ sung lớn, có thể lên tới hàng tỷ USD mỗi năm để đầu tư phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và đem lại lợi ích thiết thực cho tất cả các doanh nghiệp đang và sẽ hoạt động tại Việt Nam.

Đồng thời, để giữ chân các nhà đầu tư và thu hút các nhà đầu tư chiến lược này, Việt nam cần xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ để tăng sự gắn kết và sức cộng hưởng và của Việt Nam với các nhà đầu tư trong nhiều thập kỷ tới.

Cụ thể, Chính phủ có thể cân nhắc xác định các nhà đầu tư chiến lược là các nhà đầu tư lớn, có hoạt động R&D và công nghệ cao để đưa ra các phương án ưu đãi, hỗ trợ hiệu quả như hỗ trợ trực tiếp để các nhà đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực ở các địa phương mà các nhà đầu tư đó hoạt động; hỗ trợ nâng cấp các ngành công nghiệp bản địa phụ trợ cho các nhà đầu tư chiến lược đó; hỗ trợ nâng cao năng suất và khả năng sáng tạo quốc gia.

Theo ông, chính sách hỗ trợ bằng tiền có phù hợp với điều kiện hiện nay của Việt Nam hay không?

GS-TS. Vũ Minh Khương: Tôi nghĩ là phù hợp nhưng cần được thiết kế thông thái. Nó giúp kiến tạo giá trị không chỉ hiệu quả (lợi ích kinh tế) mà cả hiệu lực (lòng tin và sự phấn chấn); không chỉ trước mắt và lâu dài. 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ