Thất thoát tài sản công: Vì chưa lượng hóa được các nguyên tắc

Vấn nạn thất thoát tài sản công, nhất là đất đai, được bàn thảo rất nhiều và một số nguyên nhân cốt lõi đã được chỉ ra. Trong số đó, có thể kể đến như vấn đề kiểm soát quyền lực (công tác cán bộ), định giá và công khai, minh bạch.
VÕ ĐÌNH TRÍ
06, Tháng 06, 2018 | 15:01

Vấn nạn thất thoát tài sản công, nhất là đất đai, được bàn thảo rất nhiều và một số nguyên nhân cốt lõi đã được chỉ ra. Trong số đó, có thể kể đến như vấn đề kiểm soát quyền lực (công tác cán bộ), định giá và công khai, minh bạch.

that-thoat-tai-san-cong

 Cần phải có những người trong nhóm những người giỏi nhất làm việc cho Nhà nước, vì những người này mới đủ khả năng “cạnh tranh” và “thích ứng nhanh” với thị trường. Ảnh: THÀNH HOA

Nhưng mấu chốt, phải chăng là do các nguyên tắc quản lý tài sản công chưa được lượng hóa cụ thể? 

Không thiếu nguyên tắc và quy trình

Nổi cộm trong vấn nạn thất thoát tài sản công thời gian qua là việc cơ quan nhà nước chuyển quyền sử dụng đất cho tư nhân với giá thấp nhiều lần so với thị trường. Có hai con đường phổ biến để tài sản công vào túi các nhóm tư bản thân hữu: hình thức đầu tư BT (xây dựng, chuyển giao) mà phổ biến nhất là đổi đất lấy hạ tầng và chuyển nhượng quyền sử dụng của Nhà nước (qua cổ phần hóa hay chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp). 

Có thể nói rằng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này không hề thiếu. Luật Đất đai, Luật Đấu thầu đã có từ năm 2013 và dưới đó là các nghị định, thông tư hướng dẫn. Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp ra đời năm 2014, và theo đó là Nghị định 91/2015/NĐ-CP. Mới đây nhất, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 91 (có hiệu lực từ ngày 1-5-2018).

Thất thoát chủ yếu là do khâu định giá, và công khai minh bạch thông tin dự án với công chúng, dù các quy định về chuyển nhượng đều đòi hỏi nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch. 

Thực tế đã cho thấy, việc định giá nếu không được giám sát hữu hiệu, có hiện tượng dàn xếp công ty “chân gỗ”, có sự cấu kết giữa người ra quyết định và tư nhân thì dù đúng quy trình thì bên thiệt thòi chắc hẳn là Nhà nước. Bởi lẽ, hiện vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa giá đất theo quy định của Nhà nước và giá thị trường, đặc biệt ở các đô thị lớn. Từng có một tập đoàn tư nhân ở Hà Nội, sau dự án BT, chỉ cần bán lại 10% đất được đổi đã hoàn được vốn, phần còn lại là lợi nhuận kếch xù. 

Nguyên tắc công khai, minh bạch được thực hiện nhưng bị bóp méo, không đạt được mục tiêu ban đầu đề ra là để công chúng, mọi thành phần kinh tế tiếp cận được thông tin và có sự cạnh tranh bình đẳng. Chẳng hạn, một thông tin về dự án quan trọng mà chỉ được đăng trong một khung nhỏ của một trang báo phụ của báo địa phương trong một thời gian ngắn thì không thể coi là minh bạch, công khai được.

Làm sao lượng hóa được các nguyên tắc? 

Việc xác định giá trị của đất đai được chuyển nhượng, để đảm bảo sự khách quan độc lập, trước hết cần được thực hiện bởi một tổ chức thẩm định giá có uy tín, sau khi có mời thầu công khai để tránh trường hợp “chân gỗ”. Và đương nhiên, kết quả của việc định giá không thể thấp hơn giá trung bình của thị trường trong một khoảng thời gian trước đó (ba năm chẳng hạn). Đối với các dự án BT, vì lý do triển vọng của dự án trên khu vực đất được chuyển nhượng là điều không chắc chắn, nên có thể định giá theo hai phần: phần cố định và phần thay đổi theo kết quả của dự án. Ví dụ, giá trị cố định tính theo thời điểm định giá và phần thay đổi là phần trăm lãi/lỗ của dự án mà doanh nghiệp cùng Nhà nước chia sẻ với nhau.

Đối với yêu cầu minh bạch, công khai, cần lượng hóa cụ thể qua các tiêu chí, chỉ số. Chẳng hạn, thông tin phải được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng tối thiểu (tốp ba báo có lượng độc giả cao, có chỗ trên trang chính cổng thông tin điện tử của các cơ quan liên quan...), quy định cụ thể về kích thước và vị trí đặt thông tin... Điều này đã được các nhiều nước thực hiện trong việc mua sắm công, trong các quy định về quảng cáo, giới thiệu dịch vụ tài chính. 

Thêm vào đó, các nguyên tắc được lượng hóa phải được giám sát, cập nhật bởi những công chức, viên chức mẫn cán, có trình độ chuyên môn cao. Việc các cơ quan quản lý nhà nước tuyển dụng những sinh viên thuộc tốp 5% trong một chương trình nào đó là việc rất phổ biến. Phải có những người trong nhóm những người giỏi nhất làm việc cho Nhà nước, vì những người này mới đủ khả năng “cạnh tranh” và “thích ứng nhanh” với thị trường. Nhà nước cũng nên tuyển dụng những chuyên gia giỏi trong lĩnh vực từ khu vực tư nhân, vì kinh nghiệm và hiểu biết thị trường của họ giúp cơ quan quản lý nhà nước có khả năng dự báo tốt hơn khi đề ra chính sách. 

Cuối cùng, việc giám sát những người được Nhà nước ủy quyền ra quyết định cũng cần được lượng hóa, kèm trách nhiệm cá nhân. Việc đánh giá hiệu quả của những cán bộ công chức cũng cần dựa trên các bộ chỉ số đánh giá, để vừa tạo được động lực, vừa phòng ngừa rủi ro lạm dụng chức quyền.

Theo The Saigontimes

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26797.00 26905.00 28111.00
GBP 31196.00 31384.00 32369.00
HKD 3185.00 3198.00 3303.00
CHF 27497.00 27607.00 28478.00
JPY 161.56 162.21 169.75
AUD 16496.00 16562.00 17072.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 673.00 676.00 704.00
CAD 18212.00 18285.00 18832.00
NZD   15003.00 15512.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3598.00 3733.00
SEK   2304.00 2394.00
NOK   2295.00 2386.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ