Tháo gỡ nút thắt quy hoạch để bất động sản Hải Phòng cất cánh

Ngày 23/4, UBND TP. Hải Phòng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và báo Tiền Phong phối hợp tổ chức hội thảo "Gỡ nút thắt quy hoạch: Hải Phòng đón sóng đầu tư bất động sản". Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, Hải Phòng cần sớm tháo gỡ nút thắt quy hoạch để thu hút nhiều nhà đầu tư BĐS uy tín.
NGUYỄN HƯƠNG
23, Tháng 04, 2022 | 18:41

Ngày 23/4, UBND TP. Hải Phòng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và báo Tiền Phong phối hợp tổ chức hội thảo "Gỡ nút thắt quy hoạch: Hải Phòng đón sóng đầu tư bất động sản". Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, Hải Phòng cần sớm tháo gỡ nút thắt quy hoạch để thu hút nhiều nhà đầu tư BĐS uy tín.

bat-dong-san-hai-phong

Các đại biểu tham dự hội thảo "Gỡ nút thắt quy hoạch: Hải Phòng đón sóng đầu tư bất động sản". Ảnh: Báo Tiền Phong

Hải Phòng sẵn sàng đón các nhà đầu tư

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng chia sẻ: Hải Phòng là một đô thị sớm hình thành gắn liền với sự phát triển của cảng biển, ngành công nghiệp. Với hai điều kiện đó, cư dân của các địa phương khác có sự dịch chuyển về Hải Phòng để sản xuất kinh doanh, làm việc tại các nhà máy, các khu công nghiệp. Chính vì vậy, Hải Phòng có mật độ dân số cao hơn một số địa phương khác.

Trong những năm qua, Hải Phòng là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng phát triển cao. Đặc biệt từ 2015 đến nay, GRDP dao động tăng 14-15%/năm. Thu ngân sách tăng trưởng đột biến so với các năm trước. Trong đó, thu nội địa hơn 30.000 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trên 60.000 tỷ đồng. Từ đó, thành phố có điều kiện đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, cầu đường…, đặc biệt khu vực nội đô.

Thành phố cũng kết hợp với các tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Dương để xây dựng nhiều cây cầu vượt sông. Qua đó tạo sự liên kết vùng kinh tế, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đến làm việc.

Hải Phòng là địa phương có nhiều khu công nghiệp, hiện nay riêng FDI thu hút hơn 23 tỷ USD. Trong đó Nhật Bản, Hàn Quốc là hai quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất.

Địa phương thu hút hơn 500.000 công nhân là người dân các tỉnh lân cận dịch chuyển đến làm việc. Chính vì vậy, nhu cầu nhà ở, phát triển đô thị ở Hải Phòng những năm qua tăng cao và đặc biệt trong những năm tới.

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư lớn đến Hải Phòng đầu tư xây dựng các khu đô thị chất lượng cao ở như khu đô thị ven sông Lạch Tray, ven sông Cấm…

Tuy nhiên, các khu chung cư tại Hải Phòng còn chậm phát triển. "Có lẽ giá đất chưa cao nên nhà chung cư thương mại chưa phát triển tại nhiều địa phương. Hiện có các nhà đầu tư đã về đầu tư xây dựng chung cư kết hợp khách sạn cao cấp như ở phố Trần Quang Khải, đường Lạch Tray… với hàng nghìn căn hộ", ông Tùng nhận định.

Trong phân khúc nhà ở xã hội, Tập đoàn Hoàng Huy đã đầu tư 2 khu với gần 3.000 căn hộ đã đưa vào hoạt động.

Tính đến hết năm 2021, TP. Hải Phòng có tổng diện tích sàn đạt 54.000 triệu m2, bình quân 26m2/người. Những năm tới, cơ hội đầu tư vào bất động sản thành phố còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu. "Hải Phòng sẵn sàng đón các nhà đầu tư về thành phố đầu tư. Thành phố muốn lắng nghe các vướng măc, khó khăn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp để thành phố có những cải tiến nhằm phát triển hơn nữa", ông Tùng nhấn mạnh.

Về định hướng phát triển, thành phố xác định theo ba hướng. Cụ thể, phía Bắc phát triển đô thị Bắc Sông Cấm; phía Nam phát triển khu vực xung quanh hai bên sông Lạch Tray và phát triển quận Dương Kinh, Đồ Sơn; phía Đông phát triển khu vực huyện Cát Hải, quận Hải An.

Thành phố cũng đang tập trung các nhà đầu tư xây dựng các nhà ở xã hội gần các khu công nghiệp, phục vụ cho công nhân, lao động tại các nhà máy, khu, cụm công nghiệp.

Về việc giải quyết vấn đề chung cư cũ, thành phố có chủ trương phát các nhà ở xã hội để phục vụ các hộ ở.

hoi-thao-bat-dong-san-hai-phong

Toàn cảnh hội thảo "Gỡ nút thắt quy hoạch: Hải Phòng đón sóng đầu tư bất động sản". Ảnh: Báo Tiền Phong

Tháo gỡ "nút thắt" quy hoạch

Ông Nguyễn Thành Hưng - Giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng cho biết, đối với Hải Phòng, các vướng mắc đang tập trung vào 3 vấn đề cốt yếu.

Thứ nhất, Hải Phòng đang tồn tại hai loại hình quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ trên cùng một địa điểm, một không gian lãnh thổ trên 15.000 km2, tác động đến hơn 2 triệu người dân. Do đó, nếu không có sự tích hợp, không có sự kế thừa, không có sự chỉ đạo và không có sự phối hợp thì thậm chí những vướng mắc rất nhỏ trong quy hoạch sẽ cản trở đến các nhà đầu tư, làm chậm tiến độ dự án.

Thứ hai, dữ liệu, hồ sơ quy hoạch liên quan, hệ thống cơ sở dữ liệu và dữ liệu số của ngành xây dựng, Tài nguyên và Môi trường chưa tốt, kéo theo việc minh bạch thông tin cho người dân và nhà đầu tư để triển khai xây dựng các chiến lược phát triển bị chậm.

Thứ ba liên quan đến hạn mức sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Điều 28 Luật Quy hoạch đã nêu rõ làxác định chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất, bao gồm chỉ tiêu sử dụng đất do chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia phân bổ và chỉ tiêu sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, và quy mô đến cấp huyện. Những điều này rất phức tạp, bởi hiện mới có duy nhất tỉnh Bắc Giang được phê duyệt, còn lại 61 tỉnh khác đang rất vướng mắc.

Tran-Dinh-Thien

PGS.TS Trần Đình Thiên tham dự hội thảo. Ảnh: Tiền Phong

Trong khi đó, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, có 3 nhóm vấn đề đặt ra cho Hải Phòng. Thứ nhất là phải nhận diện được thế và lực, thực lực của Hải Phòng như thế nào, Hải Phòng cần gì để tiếp tục phát triển. Hai là định hướng phát triển cho Hải Phòng như là một tọa độ phát triển quốc gia như thế nào. Ba là cách tiếp cận tầm vĩ mô.

Cũng theo ông Thiên, điểm hạn chế cần lưu ý hiện nay là: Chất đô thị hiện đại của Hải Phòng chưa thực sự thể hiện rõ, thiếu trường Đại học, thiếu bệnh viện. Trung tâm hàng đầu của khu vực để dẫn dắt kinh tế mà lại rất thiếu. Cần thiết đầu tư để nâng tầm đẳng cấp quốc tế. Điểm hạn chế thứ hai cần lưu ý là sức hấp dẫn dân cư và lao động của Hải Phòng đang rất thấp, Hải Phòng gần như đứng yên tại chỗ về dân số. Di chuyển tăng trưởng dương trong nhiều năm. Số dân di chuyển ra ngoài TP. Hải Phòng tương đương với dân đẻ ra. Người đi khỏi Hải Phòng nhiều thanh niên, trong khi dân số đẻ ra chưa có năng lực lao động. Cân bằng dân số của Hải Phòng được hiểu theo nghĩa số lao động có chất lượng đang bị hút đi.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, vướng mắc nút thắt quy hoạch cần thảo luận tiếp, bởi làm quy hoạch hiện vướng Luật Đất đai. Những nút thắt ở những sự trì trệ, xung đột, chồng chéo của chính sách. Chưa tháo gỡ được, bắt đầu nền tảng những điều cơ bản của Luật chưa thông suốt với thị trường. Khiến quá trình bùng nổ chậm lại.

Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch Tập đoàn Cen Group cho rằng việc quy hoạch của Hải Phòng mặc dù đã được công bố nhiều lần và nhiều lần điều chỉnh nhưng trong quá trình thực hiện, vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là sự chồng chéo giữa các luật.

“Tôi rất mong muốn quy hoạch của Hải Phòng tiếp cận được với quy hoạch của thành phố hiện đại, có thể học hỏi kinh nghiệm, tham khảo các nước trong khu vực và các địa phương trong nước như Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Ninh Thuận,… Đồng thời, các doanh nghiệp cũng rất mong muốn rằng thông tin quy hoạch, triển khai hạ tầng các dự án đã được phê duyệt quy hoạch sẽ được công khai, để thúc đẩy tiến độ dự án", ông Hưng bày tỏ.

Trong khi đó, theo GS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội, Hải Phòng có thuận lợi rất lớn khi Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV đã thông qua Nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù cho bốn tỉnh, thành, trong đó có TP. Hải Phòng. “Như vậy khi đầu tư phát triển công trình, bây giờ thành phố không phải xin ai mà tự mình quyết định. Đây là điều kiện vô cùng tốt để Hải Phòng biến tiềm năng, lợi thế thành hiện thực”, ông Cường cho biết.

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cũng cho hay, bài toán đặt ra với thành phố là: Hải Phòng lựa chọn phát triển cho lợi ích trước mắt hay cho sự phát triển lâu dài trong 30 năm, hay 50 năm tới? Với lợi thế đặc biệt lớn về cảng biển, theo ông Cường, Hải Phòng nên tập trung phát triển các trung tâm logistic, hệ thống hạ tầng, và điều này không chỉ dành riêng cho thành phố mà còn cho cả khu vực phía Bắc. “Khi ưu tiên phát triển lâu dài, giá trị bất động sản sau này càng tăng lên. Nếu đầu tư mà không nghĩ đến các hạ tầng cho 30 năm sau sẽ không có sự phát triển lâu dài. Do vậy, thành phố nên cân nhắc giữa cái trước mắt và tương lai lâu dài, ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực tạo ra tiềm năng phát triển”, ông Cường lưu ý.

Ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng thì cho rằng, Hải Phòng phải làm tốt công tác lập quy hoạch về xây dựng, đất đai và các quy hoạch khác. Sau giai đoạn phát triển, đến nay nhiều điểm quy hoạch của Hải Phòng cần điều chỉnh để tiếp tục thu hút đầu tư, tạo ra sự phát triển mới.

Thứ hai, ông đề nghị thành phố quan tâm, công khai minh bạch, công khai quy hoạch, danh mục tiến độ triển khai các dự án, tránh hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ đẩy giá trục lợi bất hợp pháp như ở một số địa phương vừa qua.

Thứ ba, thành phố cần kiểm soát tốt tình hình bất động sản thị trường để đảm bảo thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.

Dự hội thảo, có lãnh đạo bộ, ngành:

- Ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng

- Ông Lưu Đức Cường - Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia, Bộ Xây dựng

- Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai (Bộ TN&MT)

- GS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội

- Ông Vương Duy Dũng - Trưởng phòng Bất động sản, Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng

Đại diện lãnh đạo TP. Hải Phòng

- Ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng

- Ông Nguyễn Thành Hưng - Giám đốc Sở Xây dựng TP Hải Phòng

- Ông Nguyễn Hoàng Long - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hải Phòng

- Ông Chu Thanh Lương - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hải Phòng

Đại diện các hiệp hội, chuyên gia bất động sản:

- PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

- Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

- Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

- TS. Trần Xuân Lượng - Đại học Kinh tế Quốc dân

- Ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch Tập đoàn Cen Group

- Ông Nguyễn Quang Văn - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng

Ban tổ chức:

- Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Ban Tổ chức hội thảo

- Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong, Phó Trưởng ban Thường trực tổ chức hội thảo

- Ông Nguyễn Thành Hưng - Giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng, Ban Tổ chức hội thảo

- Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, Ban Tổ chức hội thảo.

Cùng đại diện các doanh nghiệp, tổng công ty, tập đoàn.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ