Sức hút phát triển kinh tế ban đêm - Bài 3: Nước Mỹ và biểu tượng 'Thành phố không bao giờ ngủ'

Nhàđầutư
Nước Mỹ hiện sở hữu một trong những nền kinh tế ban đêm hàng đầu thế giới, với sự phát triển nhanh chóng tại các thành phố lớn trên toàn quốc. Trong đó, nền kinh tế ban đêm của New York lại nổi bật hơn hẳn khi được cả thế giới biết đến với biểu tượng "Thành phố không bao giờ ngủ".
THANH TRẦN
12, Tháng 08, 2020 | 06:45

Nhàđầutư
Nước Mỹ hiện sở hữu một trong những nền kinh tế ban đêm hàng đầu thế giới, với sự phát triển nhanh chóng tại các thành phố lớn trên toàn quốc. Trong đó, nền kinh tế ban đêm của New York lại nổi bật hơn hẳn khi được cả thế giới biết đến với biểu tượng "Thành phố không bao giờ ngủ".

630x355

New York - Thành phố không bao giờ ngủ.   Ảnh: usatoday

LTS: Khái niệm "kinh tế ban đêm" (Night-time economy) hiện có khá nhiều định nghĩa, nhưng phổ biến nhất là tất cả những hoạt động dịch vụ diễn ra sau 17h tối hôm trước cho đến 6h sáng hôm sau, bao gồm: mua sắm tại các chợ đêm, cửa hàng tiện lợi 24/24, ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, cho tới các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm. Hiện tại, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang đẩy mạnh phát triển hình thức kinh tế này. Đặc biệt là đối với những nước có thế mạnh về du lịch cũng chủ động mở cửa ngành dịch vụ về đêm để tối đa hóa nguồn thu. Tại Việt Nam, khái niệm này bắt đầu được chú ý khi mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu chính sách hỗ trợ kinh tế đêm của Trung Quốc. Từ hôm nay, Nhadautu.vn sẽ đăng loạt bài về sự phát triển kinh tế ban đêm của các nước với mong muốn rút ra được những bài học quý giá cho Việt Nam. Kính mong bạn đọc theo dõi và ủng hộ.

Khái niệm kinh tế ban đêm đã quen thuộc ở nhiều quốc gia. Do đặc thù nên hoạt động này thường gắn với các sự kiện văn hóa - nghệ thuật, các dịch vụ vui chơi, giải trí, ẩm thực, mua sắm…

Trong vài thập kỷ qua, ngày càng nhiều các nhà học thuật và các nhà quy hoạch đô thị đã hướng sự chú ý của họ sang hệ sinh thái giải trí và cuộc sống về đêm, hay còn được gọi là nền kinh tế ban đêm.

Ở nhiều "cường quốc du lịch", kinh tế ban đêm mang lại giá trị lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, giá trị thặng dư và thu hút ngoại tệ.

Tại nước Mỹ, nhiều khách du lịch đã nói rằng, khi mặt trời lặn, màn đêm dường như mang đến cho tất cả các trung tâm đô thị một quần thể hoàn toàn khác với những đặc điểm rất khác nhau. Với những giá trị vượt bậc của nền kinh tế ban đêm, các thành phố lớn tại Mỹ đang thể hiện rõ sự nghiêm túc của mình nhằm thu lợi triệt để từ mô hình này.

Trong những năm gần đây, Seattle là một trong số các thành phố lớn của Mỹ đã đi đầu trong việc chỉ định một thị trưởng về đêm. Kể từ tháng 12/2016, thành phố này đã liên tục tuyển dụng một người phù hợp cho vị trí này với trách nhiệm hỗ trợ các cơ sở giải trí về đêm điều hướng quy trình cấp phép và quy hoạch cũng như duy trì hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, San Francisco cũng đã thành lập Ủy ban Giải trí đầu tiên ở Mỹ. Ủy ban Giải trí bao gồm bảy thành viên và chịu trách nhiệm làm việc với các địa điểm tổ chức lễ hội và sự kiện, cũng như cộng đồng địa phương để điều chỉnh, quảng bá và tăng cường hoạt động giải trí và cuộc sống về đêm trên toàn thành phố.

Một báo cáo gần đây của chính quyền San Francisco về tác động của cuộc sống về đêm đã nêu bật tầm quan trọng của nền kinh tế về đêm tại thành phố này. Theo báo cáo, các cơ sở giải trí về đêm đã tạo ra 6 tỷ USD trong năm 2015. Trung bình, các du khách khi đến thành phố này đã chi khoảng 120 USD cho một đêm vui chơi.

Là nơi có một số trường đại học tốt nhất của quốc gia, quán rượu lâu đời nhất và hệ thống giao thông công cộng rộng rãi nhất, thành phố Boston đang sở hữu khá nhiều yếu tố có lợi cho một nền kinh tế mạnh về đêm. Theo các chuyên gia, hệ thống phương tiện công cộng hiệu quả sẽ là một thế mạnh giúp kết nối các cơ sở giải trí về đêm và thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế ban đêm tại đây.

Trong khi đó, nhằm thúc đẩy nền kinh tế ban đêm, Washington, D.C. đã thành lập Văn phòng Văn hóa và Đời sống về đêm, một bộ phận của văn phòng thị trưởng. Nhóm này bao gồm một Ủy ban về đêm với năm thành viên và do Giám đốc Văn phòng ban đêm đứng đầu.

Từ năm 2008 đến năm 2016, số lượng giấy phép kinh doanh rượu đang hoạt động cho các quán bar, câu lạc bộ và nhà hàng ở D.C. đã tăng từ khoảng 800 lên hơn 1.300. Trong khi ở đa số các bang, các quán bar được yêu cầu đóng cửa trước 2 giờ sáng, thì tại các quán bar ở D.C. lại được phép phục vụ rượu đến 3 giờ sáng vào các ngày cuối tuần. Thậm chí, các quán bar có thông báo trước bằng văn bản và kế hoạch an toàn công cộng sẽ được phép phục vụ rượu đến 4 giờ sáng vào một số ngày lễ nhất định trong năm.

Tuy nhiên, khi nhắc đến các thành phố lớn có nền kinh tế ban đêm phát triển, không thể không kể đến New York, một biểu tượng cho cả nền kinh tế ban đêm của nước Mỹ, một địa điểm được cả thế giới biết đến là "Thành phố không bao giờ ngủ".

Không có gì ngạc nhiên khi cuộc sống về đêm là một động lực kinh tế cũng như văn hóa chính của New York, với hơn 25.000 cơ sở giải trí về đêm trên toàn thành phố. Năm 2016, ngành công nghiệp giải trí về đêm đã tạo ra 299.000 việc làm với tổng sản lượng kinh tế đạt 35,1 tỷ USD. Tác động kinh tế hàng năm này cũng mang lại 697 triệu USD tiền thuế cho thành phố New York.

Các nghiên cứu thống kê cho thấy, trong nền kinh tế ban đêm của New York, chuỗi các nhà hàng và cửa hàng kinh doanh thực phẩm về đêm đóng vai trò quan trọng nhất khi mang về 12 tỷ USD và tạo ra trên 140 nghìn việc làm mỗi năm. 

Tuy nhiên, điều đặc biệt đi cùng với danh hiệu "Thành phố không bao giờ ngủ" của New York lại là việc thành phố này đã có được một nguồn thu lớn từ nghệ thuật vào ban đêm.

Vào năm 2018, các quán bar tại New York đã thu về 2 tỷ USD, trong khi các cơ sở nghệ thuật, từ bảo tàng, phòng tranh, cho đến sân khấu kịch, đã tạo ra hơn 18 nghìn việc làm và thu về 3,1 tỷ USD. 

Tức là mỗi đêm, New York thu về hơn 8 triệu USD từ trình diễn và triển lãm nghệ thuật. Các chuyên gia cho rằng nếu các quán bar và nhà hàng đứng đầu cơ cấu của kinh tế ban đêm, thì đó là chuyện thường tình của mọi nền kinh tế, nhưng khi nghệ thuật trong đêm thu về hơn 3 tỷ USD, thì đó chính là một thành tựu tạo nên sự khác biệt.

Thực tế, kinh tế ban đêm tại New York mang đến cho thành phố này nhiều hơn thế.

Ngoài ngành kinh doanh nghệ thuật, ngành cho thuê sân khấu ban đêm cũng mang về cho họ 1,2 tỷ USD/năm. Tức là, chỉ khai thác khía cạnh tinh thần, New York đã có 4,3 tỷ USD/năm. Tính cả ngành thể thao, bar và ẩm thực, tổng cộng New York thu về khoảng 19 tỷ USD mỗi năm sau khi hoàng hôn buông xuống.

Có thể khẳng định rằng, nước Mỹ đang có một nền kinh tế ban đêm vững mạnh do hầu hết các thành phố lớn trên toàn quốc ngày càng đẩy mạnh phát triển hình thức này. Và chắc chắn, nó sẽ còn đạt được những thành tựu và chỉ số ấn tượng hơn nữa khi ngành công nghiệp về đêm trên toàn cầu cũng đang tăng trưởng vượt bậc.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24470.00 24480.00 24800.00
EUR 26425.00 26531.00 27697.00
GBP 30900.00 31087.00 32039.00
HKD 3089.00 3101.00 3202.00
CHF 27541.00 274652.00 28529.00
JPY 162.60 163.25 170.97
AUD 16032.00 16096.00 16584.00
SGD 18149.00 18222.00 18767.00
THB 676.00 679.00 708.00
CAD 17986.00 18058.00 18596.00
NZD   14966.00 15459.00
KRW   17.86 19.52
DKK   3552.00 3685.00
SEK   2363.00 2458.00
NOK   2321.00 2415.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ