Những điểm mới trong nghị định về đầu tư theo hình thức PPP

Chính phủ mới ban hành Nghị định 63/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 19-6-2018 để thay thế Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong các dự án hợp tác công - tư (PPP). Những điểm khác biệt chủ yếu của Nghị định 63 so với Nghị định 15 được nêu ra như dưới đây.
TS. PHAN MINH NGỌC
05, Tháng 06, 2018 | 08:04

Chính phủ mới ban hành Nghị định 63/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 19-6-2018 để thay thế Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong các dự án hợp tác công - tư (PPP). Những điểm khác biệt chủ yếu của Nghị định 63 so với Nghị định 15 được nêu ra như dưới đây.

dffc5_nhung_diem_moi_trong_nghi_dinh

 Nghị định mới về dự án PPP có một số điểm mới quan trọng như tăng cường tính phân cấp, tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở các bộ, ngành, địa phương; loại bớt những nhà đầu tư yếu kém về năng lực tài chính... Ảnh: THÀNH HOA

Thứ nhất, về nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư. Theo Nghị định 15, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) có trách nhiệm huy động một số nguồn vốn hợp pháp rồi cấp phát cho các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh. Nhưng theo Nghị định 63, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh phải chủ động việc huy động vốn cho mục đích này. Như vậy, nghị định mới đã chuyển trách nhiệm của Bộ KHĐT trong việc huy động vốn phục vụ cho công tác chuẩn bị đầu tư sang cho các bộ, ngành, UBND, và điều này cũng góp phần tránh được những rủi ro liên quan do làm tăng tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan này trong cùng vấn đề. 

Thứ hai, về vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư, Nghị định 63 đã nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư lên tối thiểu 20% so với mức 15% trong Nghị định 15 đối với dự án có tổng đầu tư đến 1.500 tỉ đồng. 

Nghị định 63 dành hẳn một chương mới cho riêng hình thức hợp đồng BT. Bên cạnh sự rạch ròi, chi tiết của những quy định liên quan đến dự án BT, Nghị định 63 lại gạt ra bên lề quyền lợi của người dân - tối thiểu là quyền được lựa chọn có sử dụng hay không dịch vụ cung cấp bởi dự án BT, vốn là nguồn gốc gây xung đột giữa người dân và chủ đầu tư của nhiều dự án giao thông thu phí hiện nay.

Với dự án có tổng đầu tư trên 1.500 tỉ đồng thì mức vốn chủ sở hữu theo quy định mới cũng được sửa theo hướng nâng cao hơn. Cụ thể, vốn chủ sở hữu tối thiểu là 20% với phần vốn đến 1.500 tỉ đồng và tối thiểu là 10% với phần vốn trên 1.500 tỉ đồng (bằng với mức trong Nghị định 15). Như vậy, có thể thấy quy định mới hướng đến việc lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính vững vàng hơn so với trước, tránh được tình trạng nhà đầu tư dựa phần lớn vào vốn vay ngân hàng để thực hiện dự án, dễ dẫn đến những hệ lụy như mất khả năng thanh toán, “treo” hoặc làm đội vốn dự án, tăng thời gian khai thác dự án...

Thứ ba, về hình thức nhà nước tham gia trong dự án PPP, ngoài vốn góp và vốn thanh toán cho nhà đầu tư, điểm mới trong Nghị định 63 là Nhà nước có thể tham gia dự án PPP bằng cách góp quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng thanh toán cho nhà đầu tư hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ được nhượng cho nhà đầu tư trong dự án áp dụng loại hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).

Cũng theo Nghị định 63, nếu vốn góp của Nhà nước có nguồn từ nguồn vốn đầu tư công thì vốn này không được áp dụng với dự án BT. Ngoài ra, Nghị định 63 còn quy định, đối với dự án do nhà đầu tư đề xuất, Nhà nước chỉ bố trí vốn góp hoặc vốn thanh toán cho nhà đầu tư khi dự án không áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với nhà đầu tư. 

Những quy định mới nói trên vừa mở rộng các hình thức tham gia của Nhà nước vào dự án PPP (có thêm hình thức tham gia bằng đất đai, hạ tầng, quyền kinh doanh...), vừa góp phần làm giảm gánh nặng chi ngân sách cho đầu tư công (không chi cho dự án BT), đồng thời làm giảm rủi ro thất thoát vốn (không góp vốn hoặc thanh toán cho các dự án có chỉ định thầu). 

Thứ tư, về lập kế hoạch vốn đầu tư công làm phần nhà nước tham gia trong dự án PPP, Nghị định 63 đã không còn yêu cầu Bộ KHĐT và Bộ Tài chính tổng hợp kế hoạch sử dụng vốn trong kế hoạch đầu tư công quốc gia như trong Nghị định 15 nữa. Một mặt, điều này cho thấy sự phân cấp hoàn toàn cho các bộ, ngành, địa phương trong việc lập kế hoạch vốn này. Mặt khác, điều này cũng cho thấy khó khăn khi muốn biết Nhà nước sẽ phải bỏ ra bao nhiêu vốn đầu tư vào các dự án PPP trong khắp các ngành, địa phương, vì con số này sẽ không còn được tổng hợp và báo cáo một cách tập trung, thống nhất như trước nữa.

Thứ năm, Nghị định 63 có thêm một mục về chuyển đổi từ dự án đang được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công sang dự án PPP, trừ các loại hình gồm hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M), và dự án đối ứng của dự án BT. Với quy định này, sẽ có thể có nhiều dự án đầu tư công được chuyển đổi và nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư khi rủi ro liên quan đến dự án PPP được giảm thiểu do cơ chế pháp lý rõ ràng và đầy đủ hơn liên quan đến dự án PPP đã được công bố. Nhà nước do vậy cũng bớt đi được gánh nặng do vốn đầu tư công bị dàn trải ở nhiều dự án đầu tư công khác nhau trên cả nước, có thể tập trung vào một số dự án trọng điểm, ưu tiên mà không cần hoặc không có sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân. 

Thứ sáu, Nghị định 63 dành hẳn một chương mới cho riêng hình thức hợp đồng BT. Những điều khoản quan trọng trong chương này gồm các quy định về phương thức thanh toán cho nhà đầu tư hợp đồng BT (gồm sử dụng giá trị quyền sử dụng đất, trụ sở làm việc... và nhượng quyền kinh doanh...); nguyên tắc thực hiện hợp đồng BT theo phương thức sử dụng giá trị quyền sử dụng đất như xây dựng và điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh giá trị sử dụng đất, tiền thuê đất; và nguyên tắc thực hiện hợp đồng BT theo phương thức nhượng quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ cho nhà đầu tư, gồm các nguyên tắc xác định phạm vi và thời hạn nhượng quyền kinh doanh... 

Tuy nhiên, bên cạnh sự rạch ròi, chi tiết của những quy định liên quan đến dự án BT như trên, có một điểm bất cập. Đó là trong nguyên tắc thực hiện hợp đồng BT theo phương thức nhượng quyền kinh doanh khai thác công trình, dịch vụ cho nhà đầu tư, Nghị định 63 quy định rằng “phạm vi, thời hạn nhượng quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ cho nhà đầu tư được xác định trên cơ sở cân bằng lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư”. Quy định như vậy tức là Nghị định 63 đã gạt ra bên lề quyền lợi của người dân - tối thiểu là quyền được lựa chọn có sử dụng hay không dịch vụ cung cấp bởi dự án BT, vốn là nguồn gốc gây xung đột giữa người dân và chủ đầu tư của nhiều dự án giao thông thu phí hiện nay. 

Và cuối cùng, để khắc phục lỗ hổng tạo tham nhũng, thất thoát trong dự án PPP do thiếu thông tin minh bạch, Nghị định 63 đã bổ sung điều khoản về công khai thông tin hợp đồng dự án, gồm thời hạn và nội dung thông tin được công khai. Tuy nhiên, đây là một bước tiến nửa vời vì Nghị định 63 không bắt buộc phải công bố rộng rãi những nội dung thông tin này, thay vào đó là “khuyến khích” việc đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Tóm lại, nghị định mới về dự án PPP có một số điểm mới quan trọng như tăng cường tính phân cấp, tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở các bộ, ngành, địa phương; loại bớt những nhà đầu tư yếu kém về năng lực tài chính; gia tăng hình thức tham gia của Nhà nước vào các dự án PPP, và ngược lại, gia tăng sự tham gia của nhà đầu tư vào các dự án đầu tư công chuyển đổi sang dự án PPP, giúp giảm gánh nặng chi lên ngân sách… 

Nhưng nhìn chung, những điểm mới của Nghị định 63 chủ yếu hướng đến hoặc xoay quanh chủ thể là Nhà nước. Về phía nhà đầu tư và người sử dụng, không có thêm quy định quyền lợi, nghĩa vụ gì khác đáng kể so với nghị định cũ, ngoài việc một số nội dung được trình bày đầy đủ, rõ ràng, chặt chẽ và theo một trình tự hợp lý hơn, tạo cảm giác minh bạch hơn, tuy sự minh bạch về thông tin dự án lại không bị bắt buộc.

Theo The Saigontimes

(*) Giám đốc Công ty Intelligence Service Partners (Singapore)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ