Nhóm ngành nào hưởng lợi từ chính sách tiền tệ của Việt Nam?
Việc đánh giá đúng dư địa chính sách tiền tệ không chỉ giúp tối ưu hóa hiệu quả mà còn mở ra cơ hội cho các nhóm ngành được hưởng lợi từ chính sách này, từ đó tạo ra những điểm sáng về đầu tư trong bối cảnh kinh tế nội địa và trên thế giới còn nhiều thách thức.

Bài viết phân tích bối cảnh kinh tế toàn cầu và Việt Nam, đánh giá dư địa điều hành chính sách tiền tệ giai đoạn tới, đồng thời nhận diện các nhóm ngành hưởng lợi từ chính sách tiền tệ. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và Việt Nam tăng trưởng khả quan, NHNN duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, giảm lãi suất và thúc đẩy tín dụng, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế. Dư địa chính sách tiền tệ giai đoạn tới phụ thuộc vào chênh lệch lãi suất quốc tế, lạm phát, tỷ giá và phối hợp chính sách tài khóa, hướng tới mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và hai con số 2026-2030. Các ngành ngân hàng, bất động sản, công nghiệp, chứng khoán và công nghệ thông tin được hưởng lợi, mang lại cơ hội đầu tư. Từ đó, bài viết đề xuất chiến lược đầu tư và kiến nghị chính sách để tối ưu hóa hiệu quả chính sách tiền tệ.
1. Giới thiệu
Bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay đang chứng kiến những biến động đáng kể, từ sự tăng trưởng không đồng đều giữa các khu vực, căng thẳng địa chính trị leo thang, đến những thay đổi trong chính sách tiền tệ (CSTT) của các nền kinh tế lớn. Năm 2024, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tăng trưởng GDP toàn cầu đạt khoảng 3,2% trong khi lạm phát toàn cầu giảm về 5,8% và dự kiến tiếp tục hạ nhiệt về 4,3% vào năm 2025. Tại Việt Nam, nền kinh tế đang phục hồi tích cực sau những thách thức của đại dịch và biến động toàn cầu, với các chỉ số vĩ mô như tăng trưởng GDP, xuất khẩu và đầu tư FDI cho thấy dấu hiệu khởi sắc. Trong bối cảnh này, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm 2025 và duy trì tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030, hướng tới trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Để hiện thực hóa mục tiêu này, CSTT đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô và tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành nghề phát triển.
CSTT không chỉ là công cụ điều tiết kinh tế mà còn là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng. Trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã duy trì chính sách linh hoạt, giảm lãi suất điều hành và hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, qua đó giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp và kích thích nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, dư địa điều hành CSTT của Việt Nam trong giai đoạn tới phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm chênh lệch lãi suất với thế giới, áp lực lạm phát, biến động tỷ giá USD và khả năng phối hợp với chính sách tài khóa. Việc đánh giá đúng dư địa này không chỉ giúp tối ưu hóa hiệu quả CSTT mà còn mở ra cơ hội cho các nhóm ngành được hưởng lợi từ chính sách này, từ đó tạo ra những điểm sáng về đầu tư trong bối cảnh kinh tế nội địa và trên thế giới còn nhiều thách thức.
Bài viết nhằm mục tiêu phân tích bối cảnh kinh tế toàn cầu và Việt Nam, đánh giá dư địa điều hành CSTT giai đoạn tới, đồng thời nhận diện các nhóm ngành tiềm năng được hưởng lợi từ chính sách này. Đặc biệt, bài viết cũng nhấn mạnh mối liên hệ giữa CSTT và cơ hội đầu tư, qua đó cung cấp cái nhìn toàn diện về cách CSTT có thể định hướng thị trường và hỗ trợ tăng trưởng bền vững. Phạm vi bài viết tập trung vào các yếu tố kinh tế vĩ mô, chính sách lãi suất, tín dụng, tỷ giá, cùng triển vọng của các ngành như ngân hàng, bất động sản, công nghiệp, chứng khoán và công nghệ thông tin. Qua đó, bài viết không chỉ đóng góp về mặt lý thuyết mà còn đề xuất khuyến nghị thực tiễn cho nhà đầu tư và nhà hoạch định chính sách trong thời kỳ kinh tế đầy biến động.
2. Bối cảnh kinh tế toàn cầu
Bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay đang định hình bởi sự phục hồi không đồng đều giữa các khu vực, những thách thức dai dẳng từ lạm phát và chính sách tiền tệ, cũng như các yếu tố địa chính trị và thương mại ngày càng phức tạp. Theo dự báo mới nhất của OECD và IMF, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 ước tính đạt khoảng 3,2%, và dự kiến sẽ duy trì mức tương đương trong năm 2025 (Hình 1). Tuy nhiên, đằng sau con số này là sự phân hóa rõ rệt giữa các nền kinh tế lớn.

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có sự phân hóa.
Mặc dù dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 và 2025 duy trì ở mức tương đối ổn định (3,2%), động lực tăng trưởng giữa các nền kinh tế lớn có sự khác biệt đáng kể. Cụ thể, kinh tế Mỹ đang cho thấy sự phục hồi khá tốt, song vẫn đối mặt với lạm phát và chính sách tiền tệ thắt chặt. Eurozone có triển vọng tăng trưởng thận trọng do các yếu tố địa chính trị và giá năng lượng. Trung Quốc đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng đến chất lượng và bền vững hơn.
Cụ thể, quan sát Hình 2, có thể thấy kinh tế Hoa Kỳ, dù đang cho thấy đà phục hồi khá rõ với tỷ lệ tăng trưởng dự kiến 2,8% trong năm 2024, vẫn đối mặt với áp lực lạm phát có thể kéo dài và tác động từ việc lãi suất duy trì ở mức cao. Eurozone được dự báo tăng trưởng chậm hơn (có thể chỉ đạt 0,8%) do ảnh hưởng từ cuộc xung đột ở Ukraine và giá năng lượng biến động. Trong khi đó, Trung Quốc đang trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, với mục tiêu tăng trưởng chất lượng và bền vững, dự kiến đạt 4,6%, dù có giảm so với các năm trước đó, song vẫn là cột mốc ấn tượng đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp hiện nay.

Thứ hai, áp lực lạm phát dai dẳng và phản ứng chính sách thận trọng
Lạm phát toàn cầu, sau khi đạt đỉnh vào năm 2022 và 2023, đã có dấu hiệu hạ nhiệt song vẫn ở mức cao hơn mục tiêu 2% của nhiều ngân hàng trung ương lớn. Ví dụ, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ năm 2024 vẫn ở mức cao, khoảng 3%, cho thấy áp lực giá cả vẫn còn khá rõ (Hình 3). Thực tế này này buộc nhiều ngân hàng trung ương lớn phải duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt hoặc có lộ trình nới lỏng thận trọng.

Thứ ba, Chính quyền "Trump 2.0" và những bất định gia tăng
Việc Donald Trump quay trở lại chính trường Mỹ (Trump 2.0) mang tới những yếu tố bất định mới cho kinh tế toàn cầu. Các chính sách của chính quyền Trump đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, có thể gây ra xáo trộn lớn. Ví dụ, việc áp đặt thuế quan cao hơn lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và các đối tác thương mại khác có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng chi phí cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời làm giảm khối lượng thương mại quốc tế, vốn được dự báo tăng trưởng khoảng 3,3% theo WTO trong năm 2025. Chính sách liên quan tới đồng USD cũng có thể gây áp lực lên các đồng tiền khác, bao gồm cả VND.
Thứ tư, điều hành lãi suất của FED và các NHTW lớn.
Sự đảo chiều trong chính sách lãi suất của nhiều nền kinh tế lớn, báo hiệu một giai đoạn điều chỉnh quan trọng sau thời kỳ thắt chặt tiền tệ kéo dài. Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã thực hiện ba lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024 (Hình 4). Động thái này phản ánh nỗ lực điều chỉnh CSTT nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh áp lực lạm phát giảm dần. Từ đó, các nhà hoạch định chính sách đã linh hoạt chuyển hướng, từ việc tập trung kiểm soát lạm phát sang thúc đẩy tăng trưởng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người tiêu dùng tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn.

Cùng với đó, tại châu Âu, ECB đã thực hiện bốn lần cắt giảm lãi suất liên tiếp và có khả năng tiếp tục theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ trong thời gian tới. Điều này nhằm ứng phó với tình trạng suy yếu trong sản xuất công nghiệp và tác động từ bất ổn chính trị tại khu vực. Trung Quốc đã chính thức bước vào chu kỳ nới lỏng tiền tệ lần đầu tiên với nỗ lực thúc đẩy thanh khoản trong hệ thống tài chính, kích thích tiêu dùng nội địa.
Thứ năm, về diễn biến thị trường ngoại hối và thương mại quốc tế.

Chỉ số Dollar (DXY) đã có những biến động đáng kể trong năm 2024, phản ánh sự mạnh lên của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác. Theo đó, tỷ giá USD/VND cũng chịu áp lực nhất định, có thời điểm đã lên đến 25.450. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, buộc nhiều công ty đa quốc gia phải xem xét chuyển hướng thiết lập chuỗi cung ứng của mình, và Việt Nam được xem là một điểm đến hấp dẫn trong quá trình dịch chuyển này, với tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong năm 2024 đạt 38,23 tỷ USD và FDI thực hiện đạt khoảng 25 tỷ USD.
3. Tình hình kinh tế Việt Nam và đánh giá dư địa chính sách tiền tệ
3.1. Thực trạng kinh tế Việt Nam
Năm 2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang và kinh tế toàn cầu nhiều biến động. Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 7,1%, vượt mức Quốc hội đề ra, và chỉ thấp hơn mức 8,02% của năm 2022 trong vòng 5 năm qua. Thu nhập bình quân đầu người ở mức 4.700 USD, đạt mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ. Các nhóm ngành vận tải kho bãi, sản xuất và phân phối điện, công nghiệp chế biến - chế tạo và dịch vụ lưu trú - ăn uống dẫn đầu đóng góp với mức tăng khoảng 10%, sau đó tới các ngành kinh doanh thương mại, dịch vụ và tài chính - ngân hàng (tăng khoảng 7-8%). Đáng chú ý, trước những hậu quả nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi) trong tháng 9/2024, tăng trưởng từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có dẫn hiệu chậm lại (3,3%), chỉ cao hơn mức tăng của năm 2020 (Hình 6).

Về thương mại quốc tế, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 ước đạt 786 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 14,3% và nhập khẩu tăng 16,7%, dẫn đến cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD - mức thặng dư ấn tượng trong vòng 5 năm qua (chỉ thấp hơn năm 2023) (Hình 7). Thị trường Mỹ tiếp tục là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với các mặt hàng chủ lực như dệt may, giày dép và đồ nội thất. Tuy nhiên, chính sách thương mại và hàng rào thuế quan tiềm tàng từ Mỹ, đặc biệt dưới thời Trump, có thể đặt ra các thách thức mới cho xuất khẩu trong thời gian tới.
(a) Tăng trưởng xuất, nhập khẩu (%) | (b) Số lượng container (TEU) phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu |

FDI vẫn là một điểm sáng nổi bật của năm 2024: FDI đăng ký đạt 38,2 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ 2023, trong khi vốn giải ngân đạt 25,4 tỷ USD, tăng 9,4%. Dòng FDI tập trung mạnh vào các lĩnh vực công nghệ cao (như Nvidia đầu tư vào công nghệ AI hay Foxconn đầu tư sản xuất chip) và bất động sản, phản ánh sức hút của Việt Nam trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Đầu tư từ ASEAN chiếm khoảng 40% tổng vốn, đặc biệt ở lĩnh vực bất động sản nhờ các chính sách thuận lợi từ Luật Đất đai mới.

Về lạm phát, CPI năm 2024 tăng 3,63% so với cùng kỳ 2023, thấp hơn mục tiêu 4% của Chính phủ (Hình 9). Sự gia tăng CPI chủ yếu xuất phát từ giá lương thực, thực phẩm, nhà ở, điện, nước và các dịch vụ khác, chịu ảnh hưởng từ chi phí sản xuất tăng và thiệt hại do thiên tai. Dù vậy, áp lực lạm phát vẫn tiềm ẩn do giá hàng hóa quốc tế biến động và nhu cầu tiêu dùng nội địa phục hồi chậm, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 9% trong năm 2024 – mức thấp hơn so với các năm trước (2023: 9,6%; 2022: 19,8%).

Tỷ giá USD/VND trong năm 2024 biến động mạnh, chịu tác động từ kỳ vọng cắt giảm lãi suất của FED vào tháng 9 và những lo ngại liên quan đến bầu cử tổng thống Mỹ (Hình 5). Ban đầu, tỷ giá tăng do kỳ vọng FED hạ lãi suất, sau đó giảm dần nhờ có các biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
3.2. Điều hành chính sách tiền tệ tại Việt Nam năm 2024
Trong năm 2024, NHNN đã điều hành CSTT một cách linh hoạt để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá.
Thứ nhất, điều hành lãi suất: NHNN duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp kể từ đợt giảm lãi suất vào tháng 6/2023, với lãi suất chiết khấu ở mức 3%, lãi suất tái cấp vốn 4,5%, và lãi suất cho vay qua đêm 5%. Chính sách này nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư và tiêu dùng trong bối cảnh chênh lệch lãi suất giữa USD và VND khá lớn. Đồng thời, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí hoạt động để hạ lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất lại có xu hướng tăng, phản ánh áp lực trong việc cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và ổn định thị trường tiền tệ.

Thứ hai, điều hành tín dụng và cung tiền: NHNN chủ động giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm và minh bạch nguyên tắc xác định tăng trưởng tín dụng nhằm tăng quyền chủ động cho các TCTD. Đồng thời, bám sát diễn biến kinh tế, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 2 lần trong năm (tháng 8 và tháng 11) để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Tính đến cuối 2024, tín dụng toàn ngành tăng trưởng 15%, cao hơn mức 13,8% cùng kỳ năm trước (Hình 11). Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, công nghệ cao và nhà ở xã hội.

Thứ ba, công cụ can thiệp tỷ giá: Để duy trì sự ổn định của tỷ giá trong bối cảnh biến động quốc tế, NHNN đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả. Các công cụ bao gồm duy trì nguồn cung ngoại tệ thông qua dự trữ ngoại hối, ổn định tâm lý nhà đầu tư bằng các thông điệp rõ ràng, và phối hợp linh hoạt với các công cụ CSTT khác như lãi suất và quản lý thị trường vàng. Những biện pháp này đã giúp giảm thiểu tác động từ biến động tỷ giá toàn cầu, đặc biệt sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu hạ lãi suất từ tháng 9/2024, dẫn đến sự suy yếu của USD. Nhờ vậy, tỷ giá VND/USD được kiểm soát ổn định, hỗ trợ niềm tin vào thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu cũng như thu hút đầu tư nước ngoài.
Thứ tư, về đảm bảo an toàn hệ thống: Năm 2024, Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý cho hệ thống ngân hàng. Luật này đưa ra các quy định mới nhằm tăng cường sự minh bạch và an toàn trong hoạt động tín dụng, bao gồm việc cấm các TCTD bán bảo hiểm không bắt buộc kèm theo khoản vay, qua đó bảo vệ quyền lợi của người vay và giảm rủi ro cho hệ thống tài chính. Đồng thời, NHNN đã tập trung củng cố sự ổn định của hệ thống TCTD thông qua các biện pháp giám sát chặt chẽ vấn đề về sở hữu của cổ đông và người có liên quan, xử lý nợ xấu và đảm bảo thanh khoản, giúp duy trì niềm tin vào hệ thống ngân hàng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức.
3.3. Dư địa điều hành chính sách tiền tệ giai đoạn tới
Dư địa chính sách tiền tệ trong giai đoạn tới chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các yếu tố cụ thể như chênh lệch lãi suất với thế giới, áp lực lạm phát, tỷ giá và khả năng phối hợp với chính sách tài khóa.
Về khả năng tiếp tục giảm lãi suất: Hiện tại, lãi suất điều hành của NHNN đã ở mức thấp, trong khi Fed và các ngân hàng trung ương lớn bắt đầu giảm lãi suất từ cuối 2024, thu hẹp dần chênh lệch lãi suất giữa VND và USD. Điều này tạo dư địa cho NHNN giảm thêm lãi suất để kích thích tăng trưởng, đặc biệt khi mục tiêu GDP 2025 được Quốc Hội đề ra là trên 8% nhằm tạo đà cho giai đoạn tăng trưởng hai con số. Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong nước (CPI 3,88% năm 2024) và rủi ro tỷ giá hạn chế khả năng giảm sâu. Nếu lạm phát được kiểm soát dưới 4-4,5%, NHNN có thể giảm lãi suất thêm, nhưng cần thận trọng để tránh mất giá VND và gia tăng nợ xấu, đặc biệt trong các lĩnh vực rủi ro như bất động sản.
Về khả năng tăng trưởng tín dụng và thanh khoản hệ thống: Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% cho năm 2025, NHNN có thể tiếp tục chính sách linh hoạt, điều chỉnh room tín dụng theo nhu cầu thực tế. Thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn được duy trì ổn định nhờ lãi suất thấp và các biện pháp hỗ trợ của NHNN. Tuy nhiên, việc mở rộng tín dụng nhanh chóng cũng tiềm ẩn rủi ro nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt, khi dòng vốn tín dụng chảy mạnh vào các ngành có độ rủi ro cao như bất động sản hoặc chứng khoán, dẫn đến rủi ro bong bóng tài sản, nguy cơ nợ xấu gia tăng là một mối quan ngại lớn. Do đó, bên cạnh việc thúc đẩy tín dụng, NHNN cần giám sát chặt chẽ các tổ chức tín dụng, tăng cường quản lý rủi ro nhằm đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính
Về dư địa duy trì ổn định tỷ giá: Về dư địa duy trì ổn định tỷ giá, Việt Nam đang sở hữu những lợi thế đáng kể để giữ vững sự ổn định của đồng tiền trong bối cảnh quốc tế biến động. Thặng dư thương mại ổn định và dự trữ ngoại hối vững chắc là những điểm mạnh giúp NHNN duy trì tỷ giá ở mức hợp lý và bền vững. Dù vậy, Việt Nam cũng đối mặt với một số thách thức từ phía Mỹ, đặc biệt liên quan đến các chính sách thuế quan và nhập khẩu có thể thay đổi dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump. Ngoài ra, việc vượt qua hai trong ba tiêu chí mà Mỹ đặt ra về thao túng tiền tệ – thặng dư thương mại song phương vượt 15 tỷ USD và thặng dư cán cân vãng lai trên 3% GDP – đòi hỏi NHNN cần hành động thận trọng khi can thiệp vào thị trường tỷ giá, nhằm tránh bị gắn nhãn thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, với nền tảng kinh tế hiện có, dư địa để điều hành tỷ giá vẫn rất khả quan.
Có thể thấy, dư địa điều hành CSTT của Việt Nam giai đoạn tới còn tương đối lớn nhờ tăng trưởng kinh tế ổn định, lạm phát kiểm soát tốt và vị thế ngày càng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, NHNN cần điều hành linh hoạt, thận trọng để cân bằng giữa hỗ trợ tăng trưởng và ổn định vĩ mô, đặc biệt trước các rủi ro từ lạm phát, tỷ giá và áp lực quốc tế. Việc phối hợp với chính sách tài khóa sẽ là chìa khóa để đạt được các mục tiêu kinh tế dài hạn.
4. Nhận định các nhóm ngành hưởng lợi từ chính sách tiền tệ
4.1. Nhóm ngành ngân hàng - tài chính
Ngành ngân hàng trong năm 2024 đã ghi nhận những tín hiệu tích cực nhờ các yếu tố hỗ trợ như lãi suất giảm, thị trường bất động sản phục hồi và chính sách tiền tệ linh hoạt. Bước sang năm 2025, dù khối ngân hàng đối mặt với những thách thức mới từ áp lực tỷ giá và các yếu tố vĩ mô toàn cầu, nhưng triển vọng tăng trưởng vẫn khả quan nhờ sự phuc hồi sản xuất và tiêu dùng trong nước cũng như các dịnh hướng về hỗ trợ phát triển kinh tế của chính phủ.
CSTT linh hoạt và lãi suất thấp giúp thúc đẩy nhu cầu tín dụng. Trong năm 2024, NHNN duy trì CSTT linh hoạt, lãi suất điều hành thấp (sau 4 lần giảm năm 2023). Mức lãi suất thấp được kỳ vọng tiếp tục duy trì trong năm 2025 theo định hướng giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ. Chi phí lãi suất thấp giúp giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp, cải thiện lợi nhuận, từ đó, thúc đẩy nhu cầu tín dụng trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, bất động sản và tiêu dùng. Biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng trong năm 2024 đạt khoảng 3%, thấp hơn so với năm 2023 nhưng vẫn duy trì ổn định, tránh được tình trạng suy giảm nghiêm trọng. Trong năm 2025, NIM cũng dự kiến sẽ phục hồi từ việc lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động. Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý là áp lực tỷ giá trong năm 2025 có thể đẩy lãi suất tăng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến NIM nếu các ngân hàng không quản lý tốt chi phí huy động vốn.
Chất lượng tài sản ổn định với nợ xấu giảm trong Q4/2024. Dòng tiền các doanh nghiệp cải thiện giảm áp lực nợ xấu cho ngân hàng, đặc biệt từ ngành bất động sản. Tín dụng tăng trưởng tích cực (tăng 11,12% so với cuối năm 2023), tập trung vào sản xuất kinh doanh. Nợ xấu giảm mạnh xuống mức dưới 2% vào cuối năm 2024, cũng là mức thấp nhất kể từ Q2/2023, nhờ chính sách cơ cấu nợ (Thông tư 02). Điều này giúp cải thiện chất lượng tài sản, tăng niềm tin nhà đầu tư. Sang năm 2025, ngân hàng có thể đối mặt với rủi ro thanh khoản và gia tăng nợ xấu trong bối cảnh Thông tư 02 đã hết hiệu lực từ 12/2024. Tuy nhiên, tốc độ hình thành nợ quá hạn chậm lại trong năm 2024 cũng như tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện vào cuối năm, là tiền đề cho việc quản lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại trong năm 2025.

Cổ phiếu ngân hàng có triển vọng tốt với mức định giá tốt so với các ngành. Từ xu hướng lãi suất thấp và tín dụng tăng, cổ phiếu ngân hàng cũng được hưởng lợi. Ví dụ, Vietcombank (VCB) với vốn hóa lớn, có giá cổ phiếu năm 2024 tăng khoảng 14% so với 2023, hay Techcombank (TCB) với chiến lược lãi suất 0%, giá cổ phiếu tăng vượt trội đến mức hơn 50% (Michael Kokalari & Nguyễn Thị Thúy Anh, 2025). Hiệu suất đầu tư của cổ phiếu ngân hàng năm 2024 cho thấy, mặc dù trải qua nhiều đợt điều chỉnh do bị khối ngoại bán ròng dai dẳng, song cổ phiếu ngành này vẫn ghi nhận mức tăng 23%, cao hơn đà tăng của chỉ số VN-Index (tăng 12,1%) (Gia Miêu, 2025). Lợi nhuận của các ngân hàng được kỳ vọng tăng khoảng 15-17% cho năm 2025, với động lực chính vẫn đến từ thu nhập lãi thuần NII và tăng hiệu quả hoạt động (Mirae asset, 2025).

4.2. Nhóm ngành bất động sản - xây dựng
Ngành bất động sản trong năm 2024 đã cho thấy dấu hiệu phục hồi nhờ lãi suất cho vay thấp và các chính sách hỗ trợ từ chính phủ. Sang năm 2025, ngành này được kỳ vọng tiếp tục hưởng lợi từ các yếu tố vĩ mô, nhưng cũng đối mặt với thách thức từ niềm tin tiêu dùng thấp và áp lực lãi suất.
Mặt bằng lãi suất giảm mạnh hỗ trợ thị trường bất động sản. Mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2024 giảm mạnh, với các ngân hàng quốc doanh như Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV áp dụng mức 5-7%/năm cho vay mua nhà, kéo dài từ 12 đến 36 tháng (Lục Giang, 2024). Các ngân hàng thương mại khác như Sacombank, ABBank, MSB cũng triển khai lãi suất ưu đãi từ 5-8%/năm, giúp tăng thanh khoản cho thị trường bất động sản. Lãi suất cho vay trung bình giảm từ 10-12% (năm 2023) xuống còn 8-10% (năm 2024), tạo điều kiện cho người mua nhà và nhà đầu tư tiếp cận vốn giá rẻ. Sang năm 2025, mặc dù áp lực tỷ giá có thể đẩy lãi suất tăng, nhưng nếu đầu tư công được giải ngân hiệu quả, thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ được hỗ trợ, giúp duy trì lãi suất ở mức thấp tương đối, qua đó tiếp tục hỗ trợ thị trường bất động sản.
Chính sách hỗ trợ thị trường của Chính phủ tiếp tục là đòn bẩy cho thị trường bất động sản. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội tiếp tục được đẩy mạnh, với tỷ lệ giải ngân dự kiến đạt 30-40% trong năm 2024. Nếu chính phủ duy trì và mở rộng các chính sách hỗ trợ tương tự trong năm 2025, nhu cầu mua nhà sẽ được kích thích đáng kể. Tuy nhiên, Báo cáo Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng niềm tin tiêu dùng vẫn ở mức thấp, có thể làm chậm quá trình phục hồi của thị trường bất động sản dân cư. Bên cạnh đó, lãi suất của các gói vay vẫn còn ở mức tương đối cao (8%/năm) (Hình 10), tiến gần sát lãi suất vay thương mại thông thường, có thể ảnh hưởng tới nhu cầu vay mua nhà của người dân. Một điểm sáng cho thị trường BĐS là việc Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được ban hành đã cải thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch bất động sản trong dài hạn.
Lĩnh vực bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng trong năm 2024 và được kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025. Các nhà sản xuất toàn cầu như Samsung, LG và Foxconn đã công bố kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đẩy lượng giải ngân vốn FDI đạt mức kỷ lục hơn 25 tỷ USD (ANTV, 2025). Theo CBRE, giá thuê đất công nghiệp dự kiến tăng 4-8%/năm ở phía Bắc (Hải Phòng, Vĩnh Phúc) và 3-7%/năm ở phía Nam (Bình Dương, Đồng Nai, Long An) trong ba năm tới. Các khu công nghiệp mới tại những khu vực này sẽ tiếp tục thu hút đầu tư, tạo động lực tăng trưởng cho phân khúc bất động sản công nghiệp.

4.3. Nhóm ngành công nghiệp - sản xuất
Ngày 02/05/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành CSTT năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai tích cực các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp từng phân đoạn khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp (Thảo Duyên, 2024).

Những chính sách trên của Chính phủ đã có tác động đáng kể đến hoạt động của các doanh nghiệp trong nhóm ngành công nghiệp - sản xuất. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong cả năm 2024, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước đó, đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay, trong đó tập trung vào điện tử, dệt may, ô tô. Lãi suất thấp hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn mở rộng sản xuất, giảm chi phí tài chính.
Nhờ những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, hai ngành công nghiệp có triển vọng tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2024-2025 là Năng lượng và Logistic. Trong đó, đối với ngành năng lượng, nhu cầu điện phục vụ cho hoạt động sản xuất gia tăng trong bối cảnh Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng GDP. Điển hình là Tập đoàn REE với các khoản đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo tăng mạnh bắt đầu đem lại thu nhập từ 2023 (Hình 15) (DNSE, 2024). Đối với Logistic, bất ổn địa chính trị và chính sách bảo hộ thương mại làm gia tăng nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên thế giới. Công ty Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) là một ví dụ với việc mở rộng quy mô đội tàu, hưởng lợi từ xu hướng và chính sách như trên, giúp doanh nghiệp này tăng trưởng lợi nhuận vững vàng (Hình 16) (DNSE, 2024).
Nhìn chung, ngành công nghiệp - sản xuất sẽ được hưởng lợi đáng kể từ CSTT trong năm 2025, do dư địa vẫn lớn để tiếp tục hỗ trợ ngành này. Triển vọng đầu tư của ngành trong năm 2025 sẽ tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng, logistics, điện tử, dệt may, ô tô với lợi thế về lãi suất thấp để hỗ trợ các dự án đầu tư dài hạn, nhu cầu tăng cao, chính sách bảo hộ thương mại, và nguồn vốn FDI gia tăng.
4.4. Nhóm ngành chứng khoán - đầu tư
Các nhà kinh tế cho rằng CSTT đóng một vai trò quan trọng trong biến động của giá chứng khoán. Smirlock & Yawitz (1985) lập luận CSTT ảnh hưởng đến lãi suất thị trường và từ đó sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu thông qua hai kênh chính: lãi suất chính sách và sự mong đợi của dòng tiền trong tương lai. Khi mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp, trong khi lạm phát có dấu hiệu tăng, nhà đầu tư thường ưu tiên đổ tiền vào các tài sản có khả năng sinh lời cao và giúp phòng ngừa trượt giá. Tại Việt Nam, một trong hai kênh hưởng lợi rõ rệt chính là chứng khoán. Cụ thể, dòng tiền có xu hướng chuyển dịch từ kênh gửi tiết kiệm (lãi suất thấp) sang cổ phiếu. Song song đó, kế hoạch nâng hạng thị trường, cùng dòng vốn ngoại (FDI, FII) tiếp tục đổ vào, giúp nhiều cổ phiếu và nhóm ngành triển vọng thu hút thêm nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế. Ở góc độ doanh nghiệp niêm yết, trong môi trường lãi suất thấp, chi phí vốn giảm sẽ cải thiện lợi nhuận, tạo đà cho giá cổ phiếu và sự phục hồi của thị trường nói chung. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm vừa qua, lãi suất thấp nhờ CSTT nới lỏng đã kích thích dòng tiền đầu tư vào chứng khoán. VN-Index tăng hơn 12%, từ khoảng 1.200 điểm vào đầu năm 2024 lên gần 1.300 điểm vào cuối năm (Hình 17), thanh khoản trung bình đạt 20.000 tỷ đồng/phiên.
Dư địa CSTT trong năm 2025, với khả năng giảm thêm lãi suất nếu lạm phát được kiểm soát dưới 4-4,5%, sẽ tiếp tục tạo động lực cho thị trường chứng khoán. Cổ phiếu của các công ty chứng khoán như SSI, VND ghi nhận mức tăng giá 20-30% trong năm 2024 nhờ giao dịch sôi động. Xu hướng này có thể tiếp diễn trong năm 2025, đặc biệt trong quý 3-4, khi thị trường hưởng lợi từ kế hoạch nâng hạng. Trong quý 1-2/2025, cổ phiếu ngân hàng sẽ vẫn hấp dẫn nhờ tăng trưởng tín dụng và nợ xấu giảm. Sang quý 3-4, cổ phiếu BĐS và công nghiệp sẽ thu hút dòng tiền khi các ngành này phục hồi rõ nét. Ngoài ra, tăng trưởng GDP cao (mục tiêu 8%), hoạt động kinh doanh sôi động và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ duy trì tâm lý thị trường lạc quan, thúc đẩy VN-Index tiếp tục tăng trưởng.
4.5. Nhóm ngành công nghệ thông tin (IT)
Tại Việt Nam, lãi suất thấp đã hỗ trợ các doanh nghiệp IT vay vốn đầu tư công nghệ, nghiên cứu phát triển (R&D). Theo định hướng của NHNN, chuyển đổi số là một trong những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu khi triển khai các chính sách tín dụng. Trong bối cảnh CSTT tạo điều kiện thuận lợi tối đa để thúc đẩy phát triển kinh tế, nhiều doanh nghiệp ngành công nghệ đã đạt được những kết quả kinh doanh khả quan. FPT hưởng lợi trong xu hướng AI toàn cầu nhờ hợp tác với Tập đoàn NVIDIA, cùng với đó đây là doanh nghiệp đầu ngành có tỷ lệ sinh lời (ROE) trên 20% (DNSE, 2024). CMC Corp hưởng lợi từ dự án chuyển đổi số chính phủ, lợi nhuận tăng khoảng 15% trong năm vừa qua. Cùng với đó, với nhu cầu về AI và điện toán đám mây tăng mạnh, thị trường chip và bán dẫn tiếp tục được dự báo tăng trưởng 11%-19% trong năm 2025 (DNSE, 2024). Ngoài ra, Việt Nam thu hút đầu tư từ Mỹ, Nhật, doanh thu ngành IT trong năm 2025 dự kiến tăng hơn 11% so với năm 2024 theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông (Ngô Huyền, 2025).
Ngoài ra, ngành ngân hàng luôn có những chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao. NHNN đã ban hành Quyết định 813/QĐ-NHNN chỉ đạo các NHTM triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Đến cuối năm 2024, kết quả cho vay đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, đến cuối tháng 8/2024, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đạt gần 27 nghìn tỷ đồng, trong đó, doanh số cho vay trong 8 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 15 nghìn tỷ đồng.

Dư địa CSTT trong năm 2025, với khả năng duy trì lãi suất thấp và mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho ngành IT phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực AI, điện toán đám mây, chip và bán dẫn. Cũng trong năm 2025, các doanh nghiệp đầu ngành như FPT và CMC Corp là những lựa chọn đầu tư hàng đầu nhờ vị thế dẫn đầu và tiềm năng tăng trưởng từ xu hướng AI, chuyển đổi số. Nhu cầu toàn cầu tăng mạnh, cùng với đầu tư từ Mỹ và Nhật Bản, sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp liên quan đến sản xuất chip và bán dẫn tại Việt Nam, do đó đây cũng là các doanh nghiệp cần nhận được nhiều sự chú ý trong năm nay. Cùng với nông nghiệp công nghệ cao cũng sẽ tiếp tục là lĩnh vực đầy triển vọng với ngày càng nhiều chính sách và cơ chế hỗ trợ phát triển của Chính phủ.
5. Kiến nghị chính sách và chiến lược đầu tư
5.1. Kiến nghị đối với điều hành CSTT
Thứ nhất, điều chỉnh lãi suất phù hợp với mục tiêu tăng trưởng. NHNN nên duy trì chiến lược lãi suất thấp trong ngắn hạn để kích thích đầu tư và tiêu dùng, nhưng cần điều chỉnh linh hoạt dựa trên tín hiệu từ thị trường nội địa và quốc tế. Nếu lạm phát trong nước được kiểm soát dưới mức 4-4,5% như mục tiêu đề ra, NHNN có thể xem xét giảm thêm lãi suất trong năm 2025 nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lên mức 16%, đặc biệt hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. Ngược lại, nếu áp lực lạm phát gia tăng do giá hàng hóa toàn cầu hoặc chi phí sản xuất tăng, NHNN cần sẵn sàng nâng lãi suất một cách từ tốn để tránh rủi ro mất giá đồng VND và duy trì niềm tin vào thị trường.
Thứ hai, ổn dịnh kinh tế vĩ mô. Ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng để CSTT phát huy hiệu quả. NHNN cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ lạm phát bằng cách phối hợp các công cụ như điều chỉnh cung tiền và quản lý tín dụng, tránh tình trạng kích thích kinh tế quá mức dẫn đến bong bóng tài sản, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Đồng thời, NHNN cần xây dựng các kịch bản ứng phó với biến động quốc tế, chẳng hạn như thay đổi chính sách thương mại từ Mỹ dưới thời Donald Trump. Một giải pháp là tăng cường truyền thông chính sách để ổn định tâm lý nhà đầu tư, kết hợp với việc phát hành trái phiếu chính phủ bằng VND nhằm hút dòng tiền dư thừa và kiểm soát áp lực lạm phát. Ngoài ra, cần tăng cường giám sát chất lượng tín dụng để hạn chế nợ xấu, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng mạnh.
Thứ ba, kết hợp với chính sách tài khóa. Để tối ưu hóa hiệu quả kinh tế vĩ mô, đạt mục tiêu tăng trưởng bứt phá như Chính phủ đã đề ra (8% năm 2025 và hai chữ số giai đoạn 2026-2030), chinh sách tiền tệ cần phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa.. Trong khi NHNN duy trì lãi suất thấp và cung ứng vốn đầy đủ, Chính phủ nên đẩy mạnh chi tiêu công, đặc biệt là giải ngân nhanh các dự án hạ tầng lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam (67 tỷ USD), nhằm tạo động lực tăng trưởng dài hạn. Sự đồng bộ này không chỉ kích thích tổng cầu mà còn hỗ trợ các ngành kinh tế trọng điểm như xây dựng, công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, cần tránh tình trạng chồng chéo hoặc xung đột giữa hai chính sách bằng cách thiết lập cơ chế phối hợp rõ ràng, chẳng hạn như tổ chức các phiên họp định kỳ giữa NHNN và Bộ Tài chính để điều chỉnh kế hoạch chi tiêu và tín dụng. Điều này sẽ giúp cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và ổn định vĩ mô, đồng thời giảm thiểu rủi ro lạm phát hoặc nợ công gia tăng trong tương lai.
5.2. Chiến lược đầu tư theo từng nhóm ngành:
CSTT nới lỏng của NHNN trong năm 2024, với lãi suất điều hành thấp và tín dụng tăng trưởng tích cực, đã tạo ra môi trường thuận lợi cho các nhóm ngành hưởng lợi. Để tối ưu hóa lợi nhuận, chiến lược đầu tư cần dựa trên ba trụ cột: phân bổ tài sản theo chu kỳ lãi suất, tận dụng cơ hội trung và dài hạn, đồng thời quản trị rủi ro trong bối cảnh kinh tế biến động.
Đối với nhóm ngân hàng - tài chính, đây là lĩnh vực hưởng lợi trực tiếp từ CSTT linh hoạt. Lãi suất thấp giúp giảm chi phí vốn, tăng nhu cầu tín dụng và cải thiện biên lãi ròng. Nhà đầu tư nên ưu tiên các ngân hàng lớn như Vietcombank (VCB) hoặc Techcombank (TCB), với kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực. Trong ngắn hạn, cổ phiếu ngân hàng là lựa chọn an toàn khi nợ xấu giảm xuống dưới 2% và tín dụng phục hồi. Trong trung hạn, nên theo dõi các ngân hàng có chiến lược hỗ trợ bất động sản như BIDV để tận dụng đà tăng trưởng từ thị trường này.
Nhóm BĐS - xây dựng đang phục hồi chậm nhưng chắc, đặc biệt ở phân khúc công nghiệp. Lãi suất vay giảm cùng gói tín dụng cho nhà ở xã hội đã thúc đẩy thanh khoản. Nhà đầu tư trung hạn nên tập trung vào BĐS công nghiệp tại các khu vực như Hải Phòng, Vĩnh Phúc (phía Bắc) hoặc Đồng Nai, Long An (phía Nam), nơi giá thuê đất dự kiến tăng 4-8%/năm trong 3 năm tới theo CBRE. Các doanh nghiệp lớn như Vinhomes hoặc các công ty KCN có tiềm năng sinh lời tốt nhờ dòng vốn FDI kỷ lục.
Nhóm công nghiệp - sản xuất là động lực tăng trưởng dài hạn, được hỗ trợ bởi Chỉ thị 14/CT-TTg và vốn FDI tập trung vào năng lượng, logistic, điện tử, dệt may, ô tô. Nhà đầu tư nên tập trung vào các doanh nghiệp lớn, có vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu và hưởng lợi từ các chương trình tín dụng ưu đãi. Đây là lĩnh vực đầu tư dài hạn, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số giai đoạn 2026-2030. Đối với ngành chứng khoán - đầu tư, đây là lĩnh vực phù hợp cho chiến lược ngắn hạn và trung hạn. Nhà đầu tư nên tận dụng các đợt điều chỉnh để mua vào cổ phiếu tài chính, ngân hàng trong nửa đầu năm 2025, sau đó chuyển sang ngành công nghiệp và BĐS khi thị trường phục hồi mạnh hơn vào nửa cuối năm. Nhóm IT, với FPT và CMC Corp đều có lợi nhuận tăng cao, là lựa chọn đầu tư dài hạn nhờ xu hướng chuyển đổi số và gia tăng đầu tư R&D. Nhà đầu tư nên tập trung vào các doanh nghiệp lớn, có hợp tác quốc tế và tiềm năng mở rộng sang các lĩnh vực mới như AI, bán dẫn.
Để quản trị và kiểm soát rủi ro, nhà đầu tư cần theo dõi sát lạm phát, biến động tỷ giá, và rủi ro quốc tế như thuế quan của Hoa Kỳ. Đa dạng hóa danh mục, tránh tập trung vào các ngành rủi ro cao như bất động sản dân dụng, đồng thời duy trì tỷ lệ tiền mặt hợp lý sẽ giúp giảm thiểu tác động từ biến động thị trường.
(*)Viện NCKH Ngân hàng, Học viện Ngân hàng
- Cùng chuyên mục
Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh được phép huy động vốn hơn 14.700 tỷ
Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh (tại TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) do liên danh CTCP Đầu tư Cam Ranh, CTCP Vinhomes, CTCP Giải pháp năng lượng VinES làm chủ đầu tư, đã đủ điều kiện huy động vốn.
Đầu tư - 26/03/2025 14:49
Cầu vượt hơn 1.500 tỷ qua sông Hương được thông xe kỹ thuật
Ngày 26/3, UBND TP. Huế đã tổ chức lễ thông xe kỹ thuật cầu vượt bắc qua sông Hương với tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.
Đầu tư - 26/03/2025 14:19
Những 'con gà đẻ trứng vàng' của Singapore tại Việt Nam
Tại Việt Nam, những khoản đầu tư trực tiếp và gián tiếp đã và đang đem lại doanh thu lớn cho các doanh nghiệp Singapore.
Đầu tư - 26/03/2025 11:34
Bất động sản thành phố mới Thủ Đức: Hướng tới phân khúc cao cấp
Với định hướng trở thành trung tâm tài chính của cả nước và tương lai sẽ phát triển thành một trung tâm tài chính khu vực, thị trường bất động sản TP. Thủ Đức đang được định hình với những khu chung cư và trung tâm thương mại cao cấp…
Bất động sản - 26/03/2025 11:00
Doanh nghiệp nào đứng sau dự án chế biến cát hơn 2.100 tỷ ở Huế ?
Dự án nhà máy chế biến cát thạch anh công nghệ cao creanza do CTCP vật liệu công nghệ cao Creanza làm chủ đầu tư với quy mô 2.187 tỷ đồng.
Đầu tư - 26/03/2025 09:43
Mỹ mạnh tay về thuế quan thời Trump 2.0, Việt Nam có thể làm gì?
Giới quan sát nhận định Việt Nam có thể trở thành mục tiêu tiếp theo trong chính sách thuế quan của Washington, đồng thời đưa ra các khuyến nghị để tránh kịch bản bị áp thuế.
Đầu tư - 26/03/2025 09:39
Đạt Phương xây dựng nhà máy kính hoa siêu trắng đầu tiên ở Huế
Tập đoàn Đạt Phương khởi công Nhà máy kính hoa siêu trắng đầu tiên ở TP. Huế với có quy mô 12,18ha, tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng.
Đầu tư - 25/03/2025 20:29
Vĩnh Phúc: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2 con số
Để năm 2025 kinh tế tăng trưởng 2 con số, tỉnh Vĩnh Phúc đang tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đầu tư - 25/03/2025 15:46
Thủ tướng chấp thuận dự án khu đô thị hơn 260.000 tỷ ở Khánh Hòa
Dự án Khu đô thị mới Cam Lâm (tại Khánh Hòa) có tổng vốn hơn 260.000 tỷ đồng vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đầu tư - 25/03/2025 15:18
Liên danh Dacinco thi công dự án 280 tỷ ở Đà Nẵng
Liên danh Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Dacinco, Công ty TNHH Xây Dựng và Thương mại Nhất Huy, CTCP Xây dựng Công trình Thủy Hà Nội và CTCP Chiếu sáng công cộng sẽ thi công dự án hơn 280 tỷ ở Đà Nẵng.
Đầu tư - 25/03/2025 10:00
Đề xuất đầu tư hơn 152.000 tỷ đồng mở rộng 1.144km cao tốc Bắc - Nam
Bộ Xây dựng vừa đề xuất Chính phủ cho phép đầu tư hơn 152.000 tỷ đồng mở rộng 1.144km các đoạn tuyến trên cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Đầu tư - 25/03/2025 07:02
Sáp nhập tỉnh thành: Nhà đầu tư muốn đặt cược vào bất động sản?
Sáp nhập các tỉnh thành có thể tạo "cú hích" lớn cho thị trường bất động sản, là cơ hội cho những nhà đầu tư muốn đặt cược vào thị trường. Nhưng, "cuộc chơi" này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, để lại những thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.
Đầu tư - 24/03/2025 13:03
Đà Nẵng hoàn thành chung cư xã hội hơn 220 tỷ cho người có công
Chung cư xã hội cho người có công với cách mạng tại đường Vũ Mộng Nguyên có tổng mức đầu tư hơn 223 tỷ đồng, đã hoàn thành và đang thực hiện các thủ tục để bàn giao đưa vào sử dụng.
Đầu tư - 24/03/2025 10:27
Khi Việt Nam là đích đến của các nhà đầu tư nước ngoài
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là "đích đến". Nhưng quan trọng là làm sao để các kế hoạch đó được hiện thực hóa, qua đó tiếp thêm động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam.
Đầu tư - 24/03/2025 09:05
3 động lực giúp thị trường bất động sản bước vào chu kỳ tăng trưởng mới
Tiếp nối đà phục hồi từ năm 2024, thị trường bất động sản (BĐS) năm 2025 được dự báo dần thiết lập một chu kỳ tăng trưởng mới nhờ trợ lực từ 3 động lực chính: Kinh tế phục hồi; Môi trường pháp lý được cải thiện; Đầu tư công tăng mạnh...
Bất động sản - 24/03/2025 06:45
Hưng Yên đấu giá 178 suất đất, cao nhất 30 triệu đồng/m2
178 suất đất tại huyện Yên Mỹ và Tiên Lữ sẽ được tổ chức đấu giá quyền sử dụng trong tháng 4 tới. Giá khởi điểm cao nhất 30 triệu đồng/m2 và thấp nhất 10 triệu đồng/m2.
Đầu tư - 23/03/2025 15:06
- Đọc nhiều
-
1
Thủ tướng dự khánh thành đập dâng 'hình chiếc lá' 738 tỷ ở Bình Định
-
2
Loạt cổ phiếu ‘vượt đỉnh’ trong tuần VN-Index điều chỉnh
-
3
Đón ‘sóng’ nâng hạng, loạt công ty chứng khoán đặt mục tiêu tăng vốn trong năm 2025
-
4
FPT lãi gần 1.900 tỷ đồng sau 2 tháng
-
5
'Bơm' tiền vào nền kinh tế, bất động sản liệu có 'nhảy múa'?
Đáng đọc
- Đáng đọc
'Bối cảnh mới mở ra những cơ hội đầu tư chưa từng có'
Tài chính - Update 4 day ago
Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng
Sự kiện - Update 1 week ago
Điểm tên nhóm ngành hưởng lợi từ thương chiến
Đầu tư thông minh - Update 1 week ago
Khi nào cổ phiếu VNM đảo chiều?
Tài chính - Update 1 month ago