Ngân sách vay gần 284.000 tỷ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc

Nhàđầutư
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước 2017, với tổng mức vay của ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là gần 284.000 tỷ đồng.
THẮNG QUANG
12, Tháng 06, 2019 | 06:33

Nhàđầutư
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước 2017, với tổng mức vay của ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là gần 284.000 tỷ đồng.

Chiều 11/6, với 443/448 đại biểu tham gia tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) hơn 1,68 triệu tỷ đồng, bao gồm số thu chuyển nguồn từ năm 2016 sang năm 2017, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2016, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước cũng hơn 1,68 triệu tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2017 sang năm 2018. Bội chi ngân sách nhà nước gần 137.000 tỷ đồng, bằng 2,74% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.

Nguồn bù đắp bội chi ngân sách trung ương gồm: Vay trong nước hơn 70.000 tỷ đồng; vay ngoài nước hơn 66.800 tỷ đồng. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là gần 284.000 tỷ đồng.

ANMANG_1

Các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước 2017. Ảnh: Bảo Lâm.

Nghị quyết giao Chính phủ công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế được nêu trong Báo cáo thẩm tra số 1526/BC-UBTCNS14 ngày 17/5/2019 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Nhất là trong việc phân bổ, giao vốn, sử dụng, quản lý, quyết toán các công trình, dự án đầu tư công và ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV về quyết toán NSNN năm 2017.

Chính phủ cũng phải chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, UBND các cấp thực hiện nghiêm các quy định về phân bổ, giao dự toán, điều hành chi để hạn chế thấp nhất việc phải chuyển nguồn kinh phí; ứng trước và thu hồi vốn ứng trước dự toán theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước; đẩy nhanh việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm chi thường xuyên và cơ cấu lại ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, UBND các cấp có biện pháp quyết liệt, đồng bộ để chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục triệt để, không để tiếp diễn tình trạng tồn đọng các dự án đầu tư công đã hoàn thành nhưng chậm phê duyệt quyết toán; xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước 31/12/2014;

Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, giám sát và tổng hợp kết quả việc xử lý nợ đọng; cương quyết không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản và xử lý nghiêm các đơn vị, địa phương vi phạm; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí và tham nhũng.

"Kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và báo cáo Quốc hội danh sách, mức độ sai phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước niên độ 2017 khi trình báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018", nghị quyết nêu rõ.

Để giám sát việc thực hiện, Nghị quyết giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Trước khi Quốc hội biểu quyết trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, một số ý kiến đại biểu cho rằng, chính sách tài khóa năm 2017 chưa thực sự hiệu quả, cơ cấu nguồn thu chưa bền vững, tỷ trọng các khoản thu từ đất đai, dầu thô và tài nguyên còn lớn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, mặc dù xét về tổng thể, tỷ trọng thu nội địa chiếm 80,3% tổng thu NSNN, tăng so với 2 năm liền kề  và cao hơn bình quân giai đoạn 2011-2015 (68%); thu ngân sách giảm dần sự phụ thuộc vào thu dầu thô, xuất nhập khẩu (chiếm khoảng 19,1%, thấp hơn bình quân giai đoạn 2011-2015 là 30,4%).

Việc thực hiện chính sách tài khóa theo hướng chủ động, linh hoạt, chặt chẽ và tiết kiệm đã góp phần bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Hải thừa nhận: "Đúng như các vị đại biểu đã nêu, cơ cấu nguồn thu chưa thực sự bền vững, tỷ trọng thu nội địa còn khoảng cách khá lớn so với mục tiêu đề ra trong kế hoạch tài chính giai đoạn 2016-2020 (84-85%), thu tiền sử dụng đất vượt khá cao so dự toán".

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tiếp tục quyết liệt hơn trong việc thực hiện các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị để cơ cấu lại NSNN, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24580.00 24600.00 24920.00
EUR 26295.00 26401.00 27567.00
GBP 30644.00 30829.00 31778.00
HKD 3103.00 3115.00 3217.00
CHF 27002.00 27110.00 27956.00
JPY 159.74 160.38 167.82
AUD 15898.00 15962.00 16448.00
SGD 18065.00 18138.00 18676.00
THB 664.00 667.00 695.00
CAD 17897.00 17969.00 18500.00
NZD   14628.00 15118.00
KRW   17.74 19.37
DKK   3535.00 3666.00
SEK   2297.00 2387.00
NOK   2269.00 2359.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ