Nếu Samsung về Triều Tiên làm nhà máy...

Nhàđầutư
Các tập đoàn công nghệ hàng đầu Hàn Quốc như SK, Hyundai và Samsung đang xem xét việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư ở Triều Tiên khi quan hệ hai nước đang "tan băng" với tốc độ đáng kinh ngạc trong thời gian gần đây.
HỒ MAI
30, Tháng 04, 2018 | 02:00

Nhàđầutư
Các tập đoàn công nghệ hàng đầu Hàn Quốc như SK, Hyundai và Samsung đang xem xét việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư ở Triều Tiên khi quan hệ hai nước đang "tan băng" với tốc độ đáng kinh ngạc trong thời gian gần đây.

Sau nhiều năm căng thẳng leo thang do thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa, triển vọng cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đang trở nên sáng sủa hơn lúc nào hết. Vị lãnh đạo 34 tuổi của Triều Tiên - ông Kim Jong-un đã đồng ý gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào ngày 27/4 và sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vài tuần tới để thảo luận về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un đã tuyên bố không cần thiết phải tiến hành thêm bất cứ vụ thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa tầm trung, tầm xa cũng như tên lửa đạn đạo nào khác. Ngoài ra, Bình Nhưỡng sẽ bắt đầu đối thoại với cộng đồng quốc tế để theo đuổi phát triển kinh tế và hòa bình. 

Cuộc gặp lịch sử: Mở cơ hội hợp tác kinh tế liên Triều

Tươi cười bắt tay, cùng dắt nhau bước qua đường phân giới, hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc đã chính thức có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ qua tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Panmunjom).

Mặc dù chưa ký kết hiệp ước hòa bình chính thức nhằm chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, song Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ra tuyên bố chung với những nội dung quan trọng sau cuộc gặp lịch sử ngày 27/4.

trieu tien - han quoc

 Hai nhà lãnh đạo nắm tay thể hiện sự gắn kết. Ảnh: Reuters

Hai bên đã xác nhận mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên trong tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh. Chỉ vài tháng trước đó, đây từng được xem là mục tiêu không tưởng, hoặc ít nhất là khó có khả năng xảy ra.

“Sẽ không còn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và một kỷ nguyên hòa bình mới đã được mở ra”, tuyên bố chung nhấn mạnh.

Cũng theo tuyên bố chung, Hàn - Triều sẽ thiết lập "văn phòng liên lạc chung" tại Kaesong, nơi hai nước từng vận hành khu công nghiệp chung.

Cả hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí tích cực thực hiện các dự án hợp tác kinh tế đã được ký kết vào năm 2007 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng chung của hai bên. Trước hết, hai bên nhất trí thực hiện các biện pháp hướng đến sự kết nối và hiện đại hóa các tuyến đường sắt và đường bộ ở hành lang phía đông bán đảo Triều Tiên cũng như giữa Seoul và thành phố Sinuiju (Triều Tiên).

Trong bài phát biểu ngày 20/4, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã thông báo rằng “chiến lược mới” của Đảng Lao động Triều Tiên sẽ là “xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa” trong đó tập trung mọi nguồn nhân lực và vật lực để nâng cao đáng kể đời sống của người dân. Cụm từ “xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa” đã lặp đi lặp lại 56 lần trong bản tin của KCNA.

Vào năm 2015, Viện Chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc ước tính nếu hai miền Triều Tiên được thống nhất, có thể tạo ra một nền kinh tế trị giá 8,7 nghìn tỷ USD vào năm 2055, gấp 1,7 lần quy mô kinh tế dự kiến của Hàn Quốc.

Các hãng công nghệ Hàn tính đầu tư sang Triều Tiên?

Theo KBS, bản đồ kinh tế mới của bán đảo Hàn Quốc bao gồm một vành đai kinh tế ba trục từ khu phi quân sự tới mạng lưới giao thông dọc theo các khu vực ven biển phía Đông và phía Tây trên bán đảo Hàn Quốc. Tầm nhìn lớn lao trên không chỉ theo đuổi sự tăng trưởng kinh tế của hai miền Nam-Bắc mà còn của cả khu vực Đông Bắc Á. Khi Seoul và Bình Nhưỡng tiến đến một hiệp ước hòa bình trong Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, bản đồ kinh tế mới sẽ được định hình rõ nét hơn và sẽ tạo điều kiện cho các dự án phát triển lớn của Hàn Quốc ở Triều Tiên.

“Một hiệp định hòa bình giữa hai miền Triều Tiên và một mối quan hệ kinh tế được thiết lập giữa Triều Tiên và Mỹ có thể tạo ra sự thay đổi mô hình và một bước đột phá kinh tế cho các tập đoàn Hàn Quốc, cho tổng thể nền kinh tế Hàn Quốc cũng như nền kinh tế toàn cầu”, Lee Byeong-soo, người đứng đầu nhóm luật sư nghiên cứu hợp tác kinh tế liên Triều ở công ty luật Yoon & Yang nói với The Investors.

"Mối quan hệ liên Triều được cải thiện cũng có thể giúp khôi phục nền kinh tế Hàn Quốc đã bị hụt hơi trong những năm gần đây do cung vượt cầu trong một loạt các ngành công nghiệp, tốc độ tăng trưởng chậm và dân số suy giảm", ông Lee nói thêm.

Tờ The Investors cũng dẫn lời ông Jung Seong-jang, người đứng đầu ban nghiên cứu chiến lược thống nhất của Viện Sejong cho biết: “Kể từ khi hai miền Triều Tiên phát tia hy vọng về cải thiện quan hệ song phương vào đầu năm nay, các tập đoàn Hàn Quốc đã bắt đầu tổ chức lại hoạt động để chuẩn bị cho sự phát triển trong tương lai.

Mặc dù ông Jung không nói cụ thể tên của các tập đoàn này, nhưng những tập đoàn có các chi nhánh và công ty con trong lĩnh vực xây dựng, viễn thông và vận tải như SK Group, Hyundai Group và Samsung Group, được cho là đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư có thể được tạo ra sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều.

Tập đoàn Hyundai, vốn đã từng có những dự án hợp tác kinh tế liên Triều, thường xuyên công bố những nghiên cứu về phương hướng cải thiện quan hệ kinh tế giữa hai miền. Công ty con của tập đoàn này là Hyundai Asan - kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng tại khu nghỉ mát núi Kumgang, đã bị tạm dừng hoạt động do các lệnh trừng phạt kinh tế của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Bắc Triều Tiên.

Công ty xây dựng SK E&C, thuộc tập đoàn SK Group, đã tiếp tục dự án của mình nhằm phân tích các vấn đề của Bắc Triều Tiên, từ nền kinh tế đến chính trị thông qua nhóm nghiên cứu SK Research Institute và tổ chức các cuộc hội thảo và diễn đàn hàng tuần.

Tập đoàn Samsung được cho là đang nghiên cứu nhằm khởi động các dự án liên quan đến Bắc Triều Tiên.

samsung 556

Tập đoàn Samsung được cho là đang nghiên cứu nhằm khởi động các dự án liên quan đến Bắc Triều Tiên. 

Nguồn lao động giá rẻ và các trữ lượng khoáng sản dồi dào ở Triều Tiên là yếu tố hấp dẫn đối với giới đầu tư Hàn Quốc và nước ngoài.

Yang Un-chul, Phó chủ tịch Viện Sejong cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài mà ông tiếp xúc tỏ ra quan tâm nhiều hơn đến Bắc Triều Tiên. "Họ dự báo Triều Tiên sẽ là quốc gia tiếp theo ở Đông Á hưởng sự tăng trưởng kinh tế vững mạnh. Lương tháng trung bình của công nhân Triều Tiên hiện được cho là khoảng 3 USD", ông Yang nói.

Không những thế, quốc gia này còn sở hữu 200 loại tài nguyên khoáng sản, bao gồm sắt, vàng, kẽm, than chì... với giá trị được ước tính lên tới 10 nghìn tỷ USD, theo một báo cáo của Học viện nghiên cứu Bắc Triều Tiên ở Seoul.

Với những ưu thế nói trên, rất có thể các tập đoàn công nghệ Hàn Quốc như nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới Samsung Electronics - vốn đang đầu tư mạnh mẽ tại Việt Nam - sẽ xem xét việc đặt các nhà máy sản xuất tại Triều Tiên.

Năm 2008, Samsung bắt đầu hoạt động đầu tư vào Việt Nam với giá trị chỉ 670 triệu USD. Đến nay, tổng giá trị đầu tư của tập đoàn Hàn Quốc này đã lên mức trên 17,3 tỷ USD với 8 nhà máy và 1 trung tâm nghiên cứu phát triển.

Xuất khẩu của Samsung Việt Nam thường xuyên đóng góp một tỷ trọng lớn, trên 20% kim ngạch xuất khẩu của toàn nền kinh tế. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử đạt mức hơn 200 tỷ USD, trong đó chỉ riêng Samsung Việt Nam đóng góp 50 tỷ USD.

Tính đến nay, đã có khoảng 160.000 lao động đang làm việc trong các nhà máy Samsung tại Việt Nam, 20 doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung cấp số 1 cho tập đoàn này. 

Tờ Nikkei của Nhật Bản từng ví von: "Samsung hắt hơi, kinh tế Việt Nam cảm cúm", để thấy vai trò quan trọng và tầm ảnh hưởng của tập đoàn điện tử hàng đầu Hàn Quốc tới "sức khỏe" nền kinh tế Việt Nam.

Samsung không phải là doanh nghiệp Hàn Quốc duy nhất đóng góp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Công ty LG Electronics, Lotte và nhiều công ty khác đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu của Việt Nam kể từ năm 2014. 

Nếu kịch bản dòng đầu tư này từ Hàn Quốc dần chuyển dịch sang Bắc Triều Tiên xảy ra trong tương lai, nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ chịu tác động không nhỏ.

Một trong những ưu thế quan trọng mà Samsung chọn Việt Nam, theo các chuyên gia kinh tế, là nguồn lao động giá rẻ. Tuy nhiên, khi mức lương trung bình của công nhân Triều Tiên mỗi tháng được cho là chỉ có 3 USD thì liệu nhân công giá rẻ của Việt Nam có còn là lợi thế cạnh tranh so với Bắc Triều Tiên?

Trước bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng Việt Nam cần có sự chuẩn bị, nghiên cứu kỹ lưỡng những xu hướng chuyển động mới trong đầu tư, thương mại quốc tế, các vấn đề trong cạnh tranh thương mại, các xu hướng công nghệ, quy tắc quản trị mới để có các cảnh báo kịp thời tới doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ