Một thời huy hoàng rồi lụi tàn ở Vinh - Bến Thuỷ của SIFA

PHẠM XUÂN CẦN
07:00 20/05/2020

SIFA là một trong những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam thời Pháp thuộc.

1

Nhãn hàng Diêm Kim Long của Cty Lâm nghiệp và Thương mại trung Kỳ

Mời đọc trước: Gia tộc người Pháp và đế chế kinh doanh số 1 Vinh - Bến Thuỷ

Khởi đầu suôn sẻ

Sự phát triển nhanh chóng của Công ty Lâm nghiệp và Thương mại Trung Kỳ đã giúp nó nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường khai thác, thu mua và chế biến lâm sản. Từ chỗ đứng vững chắc đó, họ bắt đầu lấn sân sang một lĩnh vực đương thời được coi là chế biến sâu, đó là sản xuất diêm. Tại Bến Thủy, trước năm 1903 họ đã xây dựng một nhà máy sản xuất diêm, với nhãn hiệu Diêm Kim Long. Thế nhưng, nhận thấy nếu đơn độc sẽ khó cạnh tranh với các nhà máy sản xuất diêm của người Hoa và của Nhật Bản khi đó, nên công ty Lâm nghiệp và Thương mại Trung Kỳ đã tính đến việc liên doanh với một tổ chức khác.

Ngày 17/12/1903, Công ty Diêm Đông Dương đã được thành lập. Đây là công ty liên doanh giữa công ty Lâm Nghiệp và Thương Mại Trung Kỳ và Nhà máy diêm Hà Nội (thuộc công ty Diêm Trung Ương (l’Usine de Hanoï de la Société Centrale des Allumettes). Vốn thành lập là 1.600.000 Franc Pháp. Trong đó ông Frédéric Mange và em là Emile Mange đều nằm trong Hội đồng quản trị.

Công ty Diêm Đông Dương có hai nhà máy ở Hà Nội và Bến Thủy, trong đó Nhà máy Diêm Bến Thủy có cơ sở vật chất và thiết bị rất hiện đại. Nhà máy Diêm Bến Thủy có 6 bộ phận chính: Nhà Đẽo có nhiệm vụ vớt gỗ dưới sông lên đo cắt và chở vào nhà máy. Nhà máy đã lắp đặt một dàn cẩu hiện đại để cẩu gỗ từ dưới bến sông lên, đưa vào xưởng cưa, xẻ. Từ đây lại có hệ thống đường ray đưa gỗ vào các xưởng chế biến; Nhà Kẽm là phân xưởng bóc gỗ, chặt que, nấu, sấy và sàng que cho vào khay; Bộ phận cầm bàn là phân xưởng rải que thành lối, nhúng thuốc gom que; Bộ phận sấy vỏ bao diêm; Bộ phận bỏ que vào bao; Bộ phận quét phấn và dán tem

Ngoài ra còn có một số bộ phận nhỏ làm nhiệm vụ sửa chữa nhà cửa, phân xưởng.

Mặc dù đã được trang bị những máy móc, thiết bị hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ, nhưng các công đoạn sản xuất diêm tại Nhà máy Diêm Bến Thủy vẫn cần đến một số lượng công nhân rất lớn, dao động từ 700 đến 1.000 người. Ngoài một số công nhân kỹ thuật được đào tạo, nhà máy Diêm Bến Thủy cũng thu hút nhiều lao động phổ thông, nhất là lao động nữ và kể cả lao động trẻ em. Tính ra trong nhà máy, lao động nam chỉ chiếm 25%; lao động nữ chiếm 50%; lao động trẻ em chiếm tới 25%.

Trong nhiều năm liền giám đốc kỹ thuật của nhà máy Diêm Bến Thủy là kỹ sư Frédéric Walthert, con rể của ông chủ F. Mange. Việc trực tiếp quản lý sản xuất được giao cho người Việt, trong đó nhiều năm làm việc này là doanh nhân Trương Đắc Hạp, sau đó là con trai ông, Trương Đắc Du.

Nhờ có công nghệ hiện đại, sản phẩm của Công ty Diêm Đông Dương mau chóng được thị trường chấp nhận. Nhà máy sản xuất 500 đến 600 hộp diêm mỗi tháng (một hộp chứa 7.200 bao diêm), tức là xấp xỉ - bốn triệu bao diêm mỗi tháng. Diêm Bến Thủy được bán rộng rãi ở Bắc Kỳ, Annam và Nam Kỳ.

Ngay trong năm đầu tiên, lợi nhuận mang lại đã là 150.000 Fr, tỷ suất lợi nhuận lên tới 9,5% trên vốn.

Sự phát triển của Diêm Bến Thủy, với công nghệ hiện đại, chất lượng cao đã đe dọa đến sự sống còn của hàng chục xưởng sản xuất diêm của người Hoa khắp cả ba kỳ. Lúc này sự cạnh tranh mạnh nhất mà Diêm Đông Dương gặp phải hầu như chỉ còn là của các cơ sở sản xuất diêm của người Nhật ở Nam Kỳ. Do cuộc khủng hoảng kinh tế xẩy ra ở Đông Dương, cộng với tình hình lũ lụt, mất mùa, nên sức mua bị hạn chế. Kết quả của năm tài chính 1906 sụt giảm đáng kể so với những năm trước đó. Trong nửa cuối năm 1906, thậm chí đã phải tạm ngừng sản xuất trong vài tuần.

Để nâng cao sức cạnh tranh với diêm của người Nhật, trong năm 1907 Công ty Diêm Đông Dương đã tiếp tục đầu tư nâng cấp công nghệ, xây dựng kè bờ sông và lắp thêm điện, đồng thời tăng cường quản lý, giảm giá thành. Năm 1908, nhà máy Diêm Bến Thủy tiếp tục được lắp đặt một lò hơi mới và xây dựng một ống khó cao 30 mét. Do đó, tài sản cố định của công ty Diêm Đông Dương lúc này đã vượt quá 1.800.000 Fr. Sau khi gần như đã đảm bảo độc quyền thị trường diêm với toàn bộ vùng Viễn Đông, năm 1907 Công ty cũng đã thực hiện thử nghiệm xuất khẩu một số lô hàng ra nước ngoài, đến một số nước châu Phi và đã mang lại kết quả đáng khích lệ.

Năm 1908 Nhà máy Bến Thủy sản xuất ra 36.000.000 bao diêm, một phần trong đó được xuất đi các nước châu Phi (Madagascar, Obock, Aden, Djibouti et l'Algérie.). Doanh thu và lợi nhuận các năm 1907, 1908 tiếp tục tăng.

Hoạ vô đơn chí: Hỏa hoạn thiên tai…

Thế nhưng, năm 1910, nhà máy Diêm Bến Thủy đã phải đối mặt với hai sự cố lớn. Vào những ngày cuối tháng 1/1910 một trận cháy lớn đã phá hủy hoàn toàn máy sấy que và gây thiệt hại năng nề cho nhiều máy công cụ khác. Mùa lũ lụt năm đó, vào ngày 26/9, một cơn bão và lũ lụt đã làm ngập hoàn toàn nhà máy trong nhiều ngày liền.

Việc khắc phụ hậu quả của hỏa hoạn và thiên tai đã tiêu tốn của nhà máy Diêm Bến Thủy khoản tiền lên tới 66.050 Fr. Đồng thời cũng phải chi tiếp 21.000 Fr để thay thế một số máy công cụ.

Thiên tai và hỏa hoạn đã gây thiệt hại khá nặng nề cho sản xuất, kinh doanh của nhà máy. Bên cạnh đó, quy định mới của chính quyền về việc thắt chặt lao động ban đêm cũng gây không ít bất lợi cho doanh nghiệp. Doanh thu và lợi nhuận của công ty năm 1910 đã giảm sút đáng kể. Đó là chưa kể, trong năm này ông F. Mange cũng gặp phải rắc rối lớn với ngân hàng, có nguy cơ phải phá sản Công ty Lâm nghiệp và Thương mại Trung Kỳ, một đối tác quan trọng nhất của Công ty Diêm Đông Dương.

Hoạn nạn và khó khăn đã thử thách ý chí và tài năng của F. Mange và các cộng sự. Trước hết, mặc dù vẫn có lợi nhuận, nhưng để khắc phục hậu quả và lập quỹ phòng chống rủi ro, F. Mange đã thuyết phục được các cổ đông chia sẻ. Và, năm 1910 là năm đầu tiên mà cổ tức đã không được chia cho các cổ đông của Công ty Diêm Đông Dương. Công ty cũng đã giành một số tiền lớn để khắc phục hậu quả hỏa hoạn, thiên tai, mua sắm thêm máy móc thay thế số bị hư hỏng và lạc hậu. Đồng thời kiện toàn lại bộ máy quản lý, siết chặt kỷ luật lao động, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất và hạ giá thành. Nhờ vậy doanh thu các năm 1911, 1912 của công ty từng bước được cải thiện. Tỷ suất lợi nhuận cổ phiếu trở lại mức trên dưới 6%, như những năm trước.

Tháng 3/1912, Toàn quyền Đông Dương Albert Saraut đã đến thăm Công ty và Nhà máy Diêm Bến Thủy.

2

Nhãn hiệu diêm Con Voi của công ty Diêm Đông Dương

Những năm sau đó, nhà máy Diêm Bến Thủy cùng với công ty Diêm Đông Dương tiếp tục ổn định và phát triển. Ông F. Mange đã chèo lái công ty vượt qua những khó khăn mới, nhất là khi chính sách thuế của nhà nước đánh vào diêm thay đổi theo hướng tăng lên.

Thế nhưng, do những trục trặc về vốn vay với với ngân hàng Đông Dương, đến năm 1922 liên doanh giữa Công ty Lâm nghiệp và Thương mại Trung Kỳ của ông F. Mange và Công ty Diêm Trung Ương (l’Usine de Hanoï de la Société Centrale des Allumettes) phải kết thúc. Nhưng chính biến cố này đã mở ra cho anh nhà F. Mange một cơ hội mới, theo đó cái tên SIFA (Société Indo-Chinoise Forestière et des Allumettes) chính thức ra đời.

SIFA và Nhà máy điện SIFA ra đời

Liên doanh với Công ty Diêm trung ương chấm dứt, Công ty Lâm nghiệp và Thương mại Trung Kỳ của anh em nhà Mange sáp nhập công ty Diêm Đông Dương vào doanh nghiệp của mình.

3

Trụ sở SIFA ở Bến Thủy

Ngày 17/11/1922, các bên liên quan đã thống nhất sáp nhập hai công ty với tên gọi mới là Công ty Lâm nghiệp và Diêm Đông Dương, viết tắt là SIFA (Société indo-chinoise forestière et des allumettes). SIFA đã có số vốn lên tới 2.276.000 Fr, trong đó vốn góp của Frédéric Mange đại diên cho công ty Lâm nghiệp và Thương mại Trung Kỳ là là 6.276 cổ phần trị giá 100 Fr/cổ phần.

Báo Tiếng Vọng An Nam (L’Écho Annamite) số ra ngày 24/5/1923 có viết: “Như vậy, sự hợp nhất này làm tăng lên khả năng cạnh tranh ở thị trường nội địa Đông Dương. Thực chất lúc này (năm 1923) chỉ còn là sự cạnh tranh giữa 2 công ty diêm lớn nhất: Công ty Lâm nghiệp và Diêm Đông Dương của người Pháp ở Bến Thủy, Trung Kỳ với công ty diêm Hợp Thành của người Hoa ở Chợ Lớn Nam Kỳ”.

4

Gian trưng bày sản phẩm của SIFA

Nhưng do sự cạnh tranh nên từ năm 1922 trở đi, SIFA phải tăng vốn rất nhiều lần.

Ngày 22/5/1922, Hội đồng quản trị đã quyết định đã tăng vốn lên 4.552.000 Fr, tức là thêm 22.760 cổ phần mới với nhiều thành viên hội đồng quản trị mới. Mục đích tăng mới là xây thêm một trạm phát điện riêng cho nhà máy và thay thế những máy móc cũ để tăng năng suất lên gấp đôi.

Năm 1923, SIFA quyết định đầu tư lớn để xây dựng một nhà máy điện, cung cấp điện cho Vinh - Bến Thủy. Một nhà máy hiện đại, với công nghệ của hãng Toshi (Italia) đã được xây dựng dưới chân núi Quyết. Với công suất 3.500kw, nhà máy điện SIFA khi đó có công suất lớn hơn cả nhà máy điện Chợ Lớn và nhà máy điện Hà Nội. Lượng điện sản xuất ra được cung cấp trước hết cho các cơ sở sản xuất và thương mại tập trung khá dày đặc ở khu vực Bến Thủy. Những năm sau đó, SIFA giành được một hợp đồng chiếu sáng đô thị cho Vinh, Trường Thi, Bến Thủy. Một đường dây truyền tải điện dài 5km được xây dựng đưa điện từ Bến Thủy lên Vinh. 227 bóng đèn công cộng và 550 bóng đèn chiếu sáng riêng đã được nhà máy điện SIFA cấp nguồn.

5

Nhà máy điện của SIFA ở Bến Thủy

Sự ra đời của nhà máy điện không chỉ nâng cao đẳng cấp cho SIFA trên thương trường, mà còn góp phần nâng cao vị thế cho đô thị Vinh - Bến Thủy ở Trung Kỳ và Đông Dương. Điện không chỉ thúc đẩy sản xuất, thay đổi bộ mặt đô thị, mà còn làm cho Vinh - Bến Thủy trở thành một trung tâm sản xuất và tiêu thụ điện lớn nhất Trung Kỳ. Công suất của nhà máy điện SIFA bằng một nửa tổng công suất của 22 nhà máy và cơ sở phát điện ở Trung Kỳ cộng lại. Đến năm 1936, sản lượng điện tiêu thụ ở Vinh - Bến Thủy gấp đôi ở Đà nẵng, gấp 10 lần Hội An, gấp 5 lần Quy Nhơn…

Thuyền to sóng lớn, việc tiếp tục mở rộng, nâng cấp nhà máy gỗ có từ trước, cùng với việc nâng sản lượng nhà máy Diêm lên gấp đôi và xây dựng nhà máy điện đã buộc SIFA phải tiếp tục tăng vốn.

Tháng 1/1925, tăng lên tới 9.104.000 Fr Pháp, tức lại tăng gấp đôi với tỷ lệ pha loãng cổ phần cao. Điều này môt mặt nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của SIFA, nhưng mặt khác cũng đặt ông F. Mange trước nguy cơ mất dần sự kiểm soát.

Tuy nhiên, cho đến năm 1924, lợi nhuận vẫn đạt tới 1.532.000 Fr Pháp và anh em nhà Mange vẫn chi phối hội đồng quản trị của SIFA:

Fréderic Mange : Tổng Giám Đốc

Louis Mange : Giám Đốc Kỹ Thuật

Roger Manger : Trợ lý kế toán

Guiomard và Walthert (Vợ chồng con rể): Giám đốc công ty.

Mất quyền kiểm soát

Mặc dù đã phát triển thành một tập đoàn lớn, nhưng SIFA tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn và thử thách mới. Trong những năm 1920, sự ra đời của chiếc bật lửa dùng dầu hỏa hoặc xăng đã thực sự là một thách thức lớn cho tất cả các hãng diêm trên thế giới. Bên cạnh đó, năm 1924, chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương lại tăng thuế tiêu thụ lên tới 40% cho sản phẩm diêm. Thị trường khó khăn, cộng với máy móc cũ đã hết năng suất, đã dẫn tới sự sụt giảm đáng kể lợi nhuận của SIFA, dẫn tới lợi nhuận hàng năm chỉ còn 5-6 %.

Thế nhưng, thách thức lớn nhất đối với gia đình F. Mange và SIFA chính là một sự kiện chính trị long trời lở đất: Xô viết Nghệ Tĩnh 1930- 1931. Khu vực Bến Thủy nói chung, các nhà máy của SIFA nói riêng là nơi tập trung rất đông công nhân. Những năm 1930, khu vực Bến Thủy có tới trên dưới 4.000 công nhân, trong đó SIFA có khoảng 1.200, đông nhất là Nhà máy Diêm. Từ cuối những năm 1920, nhà máy Diêm đã là cái nôi của Tân Việt. Khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, đa số những đảng viên Tân Việt ở đây cũng trở thành đảng viên cộng sản. Nhà máy Diêm Bến Thủy lúc đó hầu như có đủ mặt những nhân vật chủ chốt của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh ở Vinh Bến Thủy: Lê Mao, Lê Viết Thuật, Lê Doãn Sửu, Nguyễn Lợi, Nguyễn Thị Duệ, Nguyễn Phúc, Nguyễn Viết Lục…Đó chính là nguyên nhân khi sự kiện Xô viết Nghệ Tĩnh xẩy ra thì nơi phong trào công nhân mạnh nhất chính là Nhà máy Diêm Bến Thủy và các nhà máy khác của SIFA. Việc đình công, bãi công nhiều tháng trời, một số máy móc bị phá hủy, đường ray đưa gỗ từ xưởng cưa vào nhà máy cũng bị lột đã khiến cho nhà máy bị thiệt hại nặng nề. Sản xuất của nhà máy diêm và các nhà máy khác cũng bị đình trệ. Một lần nữa, năm 1930 các cổ đông của SIFA không được chia lợi tức.

6

Lao động nữa và trẻ em trong Nhà máy Diêm Bến Thủy

Trước tình hình đó, một sự thay đổi lớn đã xẩy ra vào tháng 4/1931, ông Georges Maspero, Cựu Khâm Sứ Nam Kỳ, Giám đốc Hội đồng tư vấn Ngân hàng Pháp Hoa được bổ nhiệm làm chủ tịch Công ty Lâm nghiệp và Diêm Đông Dương (SIFA).

Ngày 27/12/1932, hội đồng lãnh đạo (ở Pháp) đã công bố vì lý do đã làm hao hụt lượng tiền mặt lớn, cũng như lợi nhuận đi xuống của SIFA, đề nghị ông Frédéric Mange từ chức. Và, ông cũng đã từ chức ngay sau đó. Hai năm sau, 1934, Frédéric Mange qua đời, sau hơn 50 năm đưa cả gia đình dấn thân vào chiến trường đầu tư ở Vinh - Bến Thủy.

Sau khi thay đổi bộ máy quản lý, hoạt động của SIFA có một số chuyển biến tích cực. Sản xuất gỗ và điện tiếp tục được duy trì ổn định. Thế nhưng, sản xuất diêm vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Cầm cự được một thời gian, đến năm 1935, nhà máy Diêm Bến Thủy chính thức đóng cửa, kết thúc một thương hiệu nổi tiếng. Các nhà máy khác cũng không phát triển thêm, chỉ duy trì cho đến năm 1945 và bị phá hủy hoàn toàn trong tiêu thổ kháng chiến năm 1947.

Từ đây, ở Vinh - Bến Thủy, cái tên SIFA chỉ còn trong sách sử và kí ức người già...

  • Cùng chuyên mục
Hàng loạt sàn giao dịch bất động sản 'rút lui' khỏi Phú Yên

Hàng loạt sàn giao dịch bất động sản 'rút lui' khỏi Phú Yên

Đã có tới 6/7 sàn giao dịch bất động sản (BĐS) ở Phú Yên tạm dừng hoạt động hoặc không còn hoạt động. Nguyên nhân chính vẫn là thị trường đang rơi vào tình trạng trầm lắng, nguồn cung không nhiều.

Đầu tư - 16/05/2024 06:30

Hà Nội tìm nhà đầu tư cho siêu dự án 35.183 tỷ đồng

Hà Nội tìm nhà đầu tư cho siêu dự án 35.183 tỷ đồng

Dự án khu đô thị thông minh - sinh thái tại các xã Tàm Xá, Vĩnh Ngọc, Xuân Canh, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội có diện tích khoảng 268 ha, với tổng mức đầu tư 35.183 tỷ đồng.

Bất động sản - 16/05/2024 06:30

Lãi suất rục rịch tăng

Lãi suất rục rịch tăng

Dù đã có khoảng 14 ngân hàng tăng lãi suất trong nửa đầu tháng 5 với mức tăng từ 0,1 – 0,5 điểm %/năm nhưng đa số các nhận định cho rằng, mức tăng sẽ không lớn do nhu cầu tín dụng chưa đủ mạnh.

Tài chính - 16/05/2024 06:30

SHS đặt mục tiêu lợi nhuận hơn ngàn tỷ đồng, chào bán 813 triệu cổ phiếu

SHS đặt mục tiêu lợi nhuận hơn ngàn tỷ đồng, chào bán 813 triệu cổ phiếu

SHS đã thông qua mục tiêu tổng doanh thu năm 2024 đạt 1.844,7 tỷ đồng, tăng 25,9% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng trưởng 51,3% so với năm trước, đạt 1.035,3 tỷ đồng.

Tài chính - 16/05/2024 06:30

NHNN: Doanh nghiệp dè dặt đấu thầu vàng vì lo không cạnh tranh nổi SJC

NHNN: Doanh nghiệp dè dặt đấu thầu vàng vì lo không cạnh tranh nổi SJC

NHNN cho biết, qua 6 phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC, chỉ có 3 phiên đấu thầu thành công với khối lượng 14.900 lượng vàng, chủ yếu do các tổ chức lo ngại rủi ro biến động giá và không có lượng khách hàng đến mua vàng miếng SJC như tại Công ty SJC. 

Tài chính - 15/05/2024 17:47

Khởi công xây dựng Trường Tiểu học Bình Đông do Hòa Phát tài trợ

Khởi công xây dựng Trường Tiểu học Bình Đông do Hòa Phát tài trợ

Ngày 13/5, tại tỉnh Quảng Ngãi, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất và các nhà thầu đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng Trường Tiểu học Bình Đông, với tổng kinh phí đầu tư dự kiến hơn 40 tỷ đồng.

Doanh nghiệp - 15/05/2024 17:28

CEO SHS: Chưa có văn bản chính thức mô tả hệ thống KRX

CEO SHS: Chưa có văn bản chính thức mô tả hệ thống KRX

Chia sẻ tại AGM năm 2024, ông Nguyễn Chí Thành – CEO SHS đánh giá chưa nên triển khai hệ thống giao dịch mới khi chưa vận hành đồng bộ các bộ phận.

Tài chính - 15/05/2024 16:45

Chủ tịch VSC Bùi Minh Hưng từ nhiệm

Chủ tịch VSC Bùi Minh Hưng từ nhiệm

Sau khi từ nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT, ông Bùi Minh Hưng vẫn tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng Viconship trên một cương vị mới là Chủ tịch Hội đồng chiến lược kinh doanh.

Tài chính - 15/05/2024 16:45

Ai sở hữu Cây xanh Công Minh?

Ai sở hữu Cây xanh Công Minh?

Cây xanh Công Minh đã tham gia 228 gói thầu tại khắp các tỉnh thành với tỷ lệ trúng thầu cao, với tổng giá trị trúng thầu lên đến 1.991 tỷ đồng, trong đó giá trị trúng thầu với vai trò độc lập là 1.201 tỷ đồng.

Tài chính - 15/05/2024 15:28

Nhiều cơ hội cho ngành lương thực, thực phẩm của Việt Nam

Nhiều cơ hội cho ngành lương thực, thực phẩm của Việt Nam

Ngành lương thực, thực phẩm Việt Nam đang xuất hiện nhiều cơ hội mới từ tiềm năng xuất khẩu, tham gia các FTA hỗ trợ giảm thuế, tận dụng công nghệ tối ưu chuỗi giá trị.

Thị trường - 15/05/2024 15:27

TS.Võ Trí Thành: Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị đáng sống đẳng cấp Châu Á

TS.Võ Trí Thành: Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị đáng sống đẳng cấp Châu Á

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Võ Trí Thành, sự dẫn dắt của những doanh nghiệp top đầu sẽ sớm đưa Đà Nẵng trở thành thành phố đáng đến, đáng sống, đáng đầu tư vươn tầm khu vực, trở thành "Singapore thứ hai của châu Á".

Doanh nghiệp - 15/05/2024 14:35

Dấu ấn nửa thập kỷ làm đẹp Sầm Sơn của Sun Group

Dấu ấn nửa thập kỷ làm đẹp Sầm Sơn của Sun Group

Những bãi biển mùa hè chật kín du khách là hình ảnh "thương hiệu" của Sầm Sơn. Nhưng "thủ phủ du lịch miền Bắc" chưa từng mơ tới các lễ hội hút trọn "biển người" vui chơi xuyên đêm. Ngày nay, viễn cảnh ấy đã thành hiện thực, với sự đồng hành của nhà đầu tư chiến lược Sun Group nửa thập kỷ qua.

Doanh nghiệp - 15/05/2024 14:34

'Ông trùm' vụ Thuduc House bị công an TP.HCM truy nã

'Ông trùm' vụ Thuduc House bị công an TP.HCM truy nã

"Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" với lãi suất 180%/năm, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng, Trịnh Tiến Dũng vừa bị công an TP.HCM phát lệnh truy nã. Đối tượng này cũng đang bị Bộ Công an truy nã do liên quan đến vụ án sai phạm tại Công ty nhà Thủ Đức (Thuduc House).

Pháp luật - 15/05/2024 13:09

Lợi thế gạo Việt Nam tại quốc gia nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới

Lợi thế gạo Việt Nam tại quốc gia nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới

Bộ Nông nghiệp Mỹ đánh giá Philippines sẽ là nước nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới, với lượng nhập khẩu trong năm nay tăng lên 4,1 triệu tấn, tăng 5,1% so với mức 3,9 triệu tấn vào năm ngoái. Báo cáo cũng nhận định Việt Nam sẽ vẫn là một trong những nhà xuất khẩu gạo hàng đầu tới Philippines.

Thị trường - 15/05/2024 12:50

Đằng sau phán quyết cuối cùng của tòa án Mỹ đối với các tỷ phú tiền điện tử (P.2)

Đằng sau phán quyết cuối cùng của tòa án Mỹ đối với các tỷ phú tiền điện tử (P.2)

Bỏ ngoài tai lời khuyên của các cố vấn, Bankman-Fried đã rầm rộ truyền thông về sự sụp đổ của đế chế tiền điện tử. Nhiều tuyên bố trong số đó đã xuất hiện như những bằng chứng trong phiên tòa xét xử của Chính phủ Hoa Kỳ chống lại ông trùm tiền điện tử này vào các tháng 10 và tháng 11 năm 2023.

Phong cách - 15/05/2024 12:37

Xiaomi trở thành công ty xe điện mới nổi lớn thứ 8 tại Trung Quốc sau khi ra mắt thành công SU7

Xiaomi trở thành công ty xe điện mới nổi lớn thứ 8 tại Trung Quốc sau khi ra mắt thành công SU7

Theo dữ liệu của ngành sản xuất ô tô, nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Xiaomi (1810.HK) đã trở thành hãng xe điện mới nổi lớn thứ tám của đất nước này sau khi bán được hơn 7.000 chiếc thuộc mẫu xe điện đầu tiên (sedan SU7), vào tháng 4 vừa qua, Reuters đưa tin.

Thị trường - 15/05/2024 11:34