Chuyện chưa kể về nhà tư bản đầu tiên ở Vinh - Bến Thuỷ

Nhàđầutư
Jean Dupuis là người đặt nền móng cho ngành công nghiệp - thương mại rất phát triển ở TP. Vinh vào đầu thế kỷ XX.
PHẠM XUÂN CẦN
09, Tháng 04, 2020 | 10:50

Nhàđầutư
Jean Dupuis là người đặt nền móng cho ngành công nghiệp - thương mại rất phát triển ở TP. Vinh vào đầu thế kỷ XX.

LTS: Dưới thời thuộc Pháp, Vinh - Bến Thủy là một trong những trung tâm kỹ nghệ và thương mại sầm uất bậc nhất Trung Kỳ và Đông Dương. Tại đây có một đội ngũ đông đảo các nhà doanh nghiệp đến từ Pháp và nhiều nơi trong nước. Chính họ là tác nhân quan trọng nhất tạo nên một thời kỳ huy hoàng về công nghiệp và thương mại của Vinh - Bến Thủy.

Nhadautu.vn xin giới thiệu loạt bài viết về chân dung các doanh nghiệp/ doanh nhân ở Vinh - Bến Thủy thời thuộc Pháp của nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần, với mong muốn cung cấp thêm những dữ liệu lịch sử quý giá và hy vọng sự thành, bại và kinh nghiệm của họ sẽ là bài học của chúng ta hôm nay.

Bài 1: Chuyện chưa kể về nhà tư bản đầu tiên ở Vinh - Bến Thuỷ

Năm 1885 Pháp đánh chiếm thành Nghệ An và bắt đầu thiết lập sự cai trị lên mảnh đất này. Ít người biết rằng, ngay từ khi ngưng tiếng súng công thành, một nhà buôn Pháp đã đặt cơ sở buôn bán lâm sản đầu tiên ở Bến Thủy. Đầu tiên, ông ta dựng lên một chiếc lều bằng tranh tre, nứa mét. Chiếc lều này chính là sự khởi đầu cho Bến Thủy, một trung tâm công nghiệp, thương mại lớn nhất Trung Kỳ thời thuộc Pháp. Và, nhà tư bản đó là Jean Dupuis.

Untitled

 

Từ một nhà buôn gan góc, một tên thực dân hiếu chiến

Jean Dupuis sinh ngày 7/12/1829 ở Saint-Just-la-Pendue (Pháp), qua đời ngày 28/11/1912 ở Monaco, được sử sách gọi là nhà thám hiểm và thương nhân người Pháp. Sử nhà Nguyễn chép tên ông là Đồ Phổ Nghĩa (涂普義). Ông bắt đầu sự nghiệp kinh doanh từ năm 1858 tại Ai Cập. Sau đó, năm 1860, ông đến Trung Quốc, vừa buôn bán, kể cả buôn bán vũ khí, vừa thám hiểm các vùng đất phía nam Trung Quốc, tiếp giáp với Việt Nam.

Từ những năm 1864 - 1865, Jean Dupuis đã đặt vấn đề thám hiểm và khai thác sông Hồng cho mục đích thương mại. Câu hỏi mà ông đặt ra là: Từ Vân Nam, Trung Quốc theo sông Hồng có thể ra đến biển Đông hay không. Tàu, thuyền có thể đi lại trên sông Hồng như thế nào. Sau nhiều nghiên cứu, năm 1871 ông đóng bè và thuê thêm một số người Trung Quốc rồi bắt đầu thám hiểm sông Hồng. Mới khởi hành chưa được bao lâu, đoàn của Jean Dupuis đã bị thổ phỉ ở Vân Nam đánh cho tan tác. Không run sợ và nhụt chí, Jean Dupuis lại chuẩn bị cho chuyến đi thứ hai. Chuyến thám hiểm thành công và Jean Dupuis đã rút ra kết luận là hoàn toàn có thể khai thác sông Hồng cho mục đích thương mại. Ông lập tức cho đóng tàu hơi nước ở Hồng Kông và về Pháp mua vũ khí.

Được nhà nước Pháp “bật đèn xanh”, Jean Dupuis đã vận chuyển thành công hai chiếc tàu chứa đầy vũ khí theo đường sông Hồng, từ Hải Phòng lên đến Vân Nam (Trung Quốc), để bán cho quân đội Trung Hoa và mua hàng hóa khác đưa về Bắc Kỳ bán. Thương vụ đầu tiên trót lọt, mang lại món lời lớn, Jean Dupuis lại tiếp tục chuyến thứ hai. Thế nhưng, lần này thì việc lưu thông của Jean Dupuis trên sông Hồng đã bị triều đình Nhà Nguyễn phát hiện và yêu cầu dừng lại. Sau nhiều thủ đoạn hối lộ quan chức các địa phương, ông ta vẫn bị gây khó dễ. Việc tranh chấp giữa Jean Dupuis và chính quyền Nam triều diễn ra căng thẳng. Triều đình nhà Nguyễn yêu cầu người Pháp trục xuất Jean Dupuis, còn phía Pháp lại đòi được tự do thương mại trên lãnh thổ Bắc Kỳ.

Trước tình hình đó, Toàn quyền Nam Kỳ năm 1873 đã cử Francis Garnier đến Bắc Kỳ, danh nghĩa là để hòa giải cuộc tranh chấp. Gây sức ép cho Tổng đốc Hà Nội Nguyễn Tri Phương bất thành, ngày 20/11/1873, Garnier phối hợp cùng đội quân của Jean Dupuis, bao gồm gồm 10 người Âu, 30 người Á, 150 lính đánh thuê đưa từ Vân Nam về, đánh úp thành Hà Nội. Tổng đốc Nguyễn Tri Phương bị trọng thương, bị bắt và đã tuyệt thực cho đến chết. Không chỉ thế, Jean Dupuis cũng chính là người sau đó đã tích cực giúp thực dân Pháp chinh phục vùng đất này.

Thế nhưng, chỉ vài tuần sau khi chiếm thành Hà Nội, trong khi cầm cự với quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc ở gần Cầu Giấy (ngoại ô Hà Nội), Garnier bị giết. Sự việc vỡ lở, người Pháp buộc phải rút khỏi Hà Nội sau khi ký kết hiệp ước với triều đình Huế. Mặc dù đã tổn hao rất nhiều tiền bạc và sức lực, nhưng Jean Dupuis cũng không thể tiếp tục công việc kinh doanh như cũ. Ông trở về Pháp một thời gian, chờ cơ hội mới.

Và, cơ hội mới có thể đã đến với Dupuis khi tiếng súng công thành của Pháp vang lên ở Cửa Hội, ngày 20/7/1885.

Đến chiếc lều Bến Thủy

Là người cổ súy hết mình cho việc đánh chiếm Việt Nam, chắc hẳn J. Dupuis không thờ ơ khi quân Pháp nổ súng đánh chiếm thành Nghệ An, ngày 20/7/1885. Ngay sau khi tiếng súng công thành vừa dứt, J. Dupuis đã lập một trạm thu mua và cưa xẻ gỗ. Chỉ trong ba năm (1885-1887) ông ta đã thu được 5.000 đồng tiền lãi từ buôn bán gỗ và tre nứa. Năm 1887, J. Dupuis đã mua lại được một cơ sở kinh doanh lâm sản và thương mại ở Bến Thủy, để bắt đầu xây dựng nên cơ ngơi của mình ở đây. Sách “Danh bạ tổng quát Đông Dương” (Annuaire General de L'Indochine) xuất bản năm 1912, viết: “Công ty Lâm sản và thương mại An Nam” có trụ sở tại Bến Thủy, năm 1802, sau đó đổi tên thành “Xưởng gỗ và sản phẩm lâm nghiệp”. Nó được chuyển nhượng lại cho ông Jean Dupuis vào năm 1887”.

Untitled1

 

Chúng tôi đã sưu tầm được một bức ảnh trong một album ảnh về Đông Dương chụp từ năm 1887 đến 1892, trong đó có bức ảnh chiếc lều của J. Dupuis. Bức ảnh chú thích là “Khai thác gỗ. Cơ sở cũ của Dupuis ở Bến Thủy, gần Vinh” (Exploitation des bois (soe Mange.) Anciens Etablissements Dupuis a Bến Thủy pres Vinh (Annam). Trong ảnh là chiếc lều được dựng bằng tranh tre nứa mét, rất đơn sơ, tựa lưng vào núi Quyết. Trong lều khá đông người Tây đang ngồi, phía trước lều có vẻ như được cắm mấy lá cờ của Pháp. Theo chú thích ghi dưới bức ảnh, có thể suy đoán, tại thời điểm chụp ảnh, J. Dupuis đã xây dựng được cơ sở mới, đây là cơ sở cũ mà ông xây dựng khi mới đặt chân đến đây.

Không có quá nhiều thông tin về công việc kinh doanh của J. Dupuis tại Bến Thủy, chỉ biết rằng sau năm 1900, khi Pháp khởi công xây dựng đường sắt Hà Nội – Vinh thì ông ta cũng đã tham gia thầu. Nhưng, sự thật là doanh nghiệp của J. Dupuis đã có sự tăng trưởng nhanh chóng. Sách “Danh bạ Tổng quát Đông Dương” nói trên viết tiếp: “Năm 1894, nó được chuyển thành công ty vô danh (Anonyme) với số vốn là 500.000 franc. Nó có mục đích là khai thác thương mại và công nghiệp các khu rừng của An Nam và Bắc Kì và tất cả các hoạt động liên quan đến việc khai thác khác như mua bán, trao đổi, xây dựng… sau khi mở rộng hoạt động, vốn của nó vào năm 1900 đã tăng lên đến 1.000.000 franc. Công ty có: 01 xưởng cưa hơi nước và xưởng mộc, 01 nhà máy diêm”.

Untitled2

Bến Thủy năm 1920

Đến năm 1902, ở tuổi 74, J.Dupuis chuyển nhượng cơ sở kinh doanh của mình cho Công ty Lâm sản và Thương mại Trung Kỳ. Năm 1904, Công ty Rừng và Diêm Đông Dương (SIFA) được thành lập trên cơ sở Công ty Lâm sản và Thương lại Trung kỳ. Từ đó, công ty SIFA đã phát triển thành một đế chế thực sự, với nhà máy gỗ, ba máy diêm, nhà máy điện. Vẫn cuốn sách nói trên cho biết: “Trong năm 1908, một nhà máy mới được thành lập để sản xuất diêm, một số quản lý của Công ty Lâm nghiệp cũng đồng thời là quản lý của Nhà máy diêm. Hai nhà máy này có khoảng 1.000 công nhân. Công ty gỗ tiêu thụ trung bình khoảng 7.000 tấn gỗ mỗi năm. Nó chuyển những lô hàng gỗ lim về Pháp. Nhà máy diêm sản xuất khoảng 2.000 thùng mỗi tháng, mỗi thùng có 7.200 hộp, có nghĩa là mỗi tháng nó sản xuất được 14.400.000 hộp diêm. Chúng được bán tại Bắc Kỳ, An nam và Nam Kỳ”. Diêm Bến Thủy trở thành một thương hiệu nổi tiếng không chỉ ở Trung Kỳ và Đông Dương.

Nhà sử học tài danh

Rõ ràng Jean Dupuis là một nhà buôn, nhà thám hiểm gan góc, đồng thời cũng là một tên thực dân hiếu chiến. Thế nhưng, ở chiều ngược lại ông ta cũng là một nhà sử học tài danh. Ông đã viết bốn cuốn sách về Bắc Kỳ: Khai thông sông Hồng cho thương mại (1879); Nguồn gốc của vấn đề Bắc Kỳ (1896); Bắc Kỳ và can thiệp của Pháp (1898); Bắc Kỳ từ 1872 đến 1886, lịch sử và chính trị (1910). Ông cũng là người đầu tiên vẽ bản đồ Bắc Kỳ năm 1879, trong đó dùng tiếng Pháp để phiên âm một số địa danh mà người bản địa vẫn gọi. Một số địa danh như thế ngày nay đã thành tên gọi chính thức. Ví dụ như tên "Lao Cai" theo tiếng H'Mông là "chợ cũ", được J. Dupuis ghi là "Lao-kai, residence du Chef des Pavillone noirs" (Lao-kai, dinh thủ lĩnh quân Cờ đen). Khi người Pháp thiết lập quyền cai trị thì theo đó "Lao-kai" được dùng làm tên thủ phủ vùng, sau đổi thành "Lao Kay", rồi thành "Lào Cai" như ngày nay.

Năm 1881, J.Dupuis được Viện Hàn lâm Khoa học Paris trao giải thưởng Delalande Guérineau cho công trạng thám hiểm và hỗ trợ chinh phục Bắc Kỳ. Dưới thời thuộc Pháp, tên của Jean Dupuis đã được đặt cho đường phố ở Hà Nội, Hải Phòng và Vinh. Thậm chí một phù điêu mang chân dung ông cũng được dựng ở Hà Nội. Riêng ở Thành phố Vinh, dưới thời thuộc Pháp, tên Jean Dupuis đã được đặt cho một con phố nhỏ, nay là phố Nguyễn Nghiễm, thuộc phường Quang Trung.

Dù sao, vẫn phải ghi nhận Jean Dupuis là nhà tư bản đầu tiên đầu tư vào Vinh - Bến Thủy và có đóng góp quan trọng vào sự phát triển công nghiệp, thương mại của địa phương này vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỉ XX. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

     Annuaire General de L'Indochine), Paris, 1912

    Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, NXB Tri Thức, 2017 (tái bản)

    UBND TP Vinh, Địa chí Thành phố Vinh, NXB Thông tin và Truyền thông, 2015

     Lịch sử Nghệ Tĩnh, NXB Nghệ Tĩnh, 1984

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ