Gia tộc người Pháp và đế chế kinh doanh số 1 Vinh - Bến Thuỷ

Nhàđầutư
Jean Dupuis là nhà tư bản Pháp đầu tiên đầu tư vào Vinh – Bến Thủy. Nhưng nhà đầu tư lớn nhất và thành công nhất ở địa phương này phải là Frédéric Mange. Anh em và các con ông đã dựng nên ở đây một đế chế kinh doanh thực sự: SIFA (Société Forestière et des Allumettes de L'Indochine).
PHẠM XUÂN CẦN
30, Tháng 04, 2020 | 07:00

Nhàđầutư
Jean Dupuis là nhà tư bản Pháp đầu tiên đầu tư vào Vinh – Bến Thủy. Nhưng nhà đầu tư lớn nhất và thành công nhất ở địa phương này phải là Frédéric Mange. Anh em và các con ông đã dựng nên ở đây một đế chế kinh doanh thực sự: SIFA (Société Forestière et des Allumettes de L'Indochine).

Khi tiếng súng công thành vừa dứt

Frédéric Mange (1859 - 1934), nguyên gốc là người Thụy Sĩ. Trước khi sang Việt Nam kinh doanh, ông là một thương nhân buôn bán vải, địa chỉ số 41 đường Magenta, Paris.

Năm 1885, Pháp tấn công chiếm thành Nghệ An, bắt đầu áp đặt sự cai trị lên mảnh đất này. Ngay từ năm đó, Jean Dupuis cũng đã dựng lều, lập cơ sở kinh doanh lâm sản ở đây. Chỉ trong ba năm 1885- 1887, J. Dupuis đã thu lợi từ buôn bán gỗ và tre nứa được hơn 5.000 đồng. Năm 1887, J. Dupuis chính thức được cấp phép lập công ty.

Chậm chân hơn Jean Dupuis một chút, ngay khi vừa ngưng tiếng súng công thành, cùng với hai người anh em của mình là Émile và Francois, Frédéric Mange đã đặt chân lên Bến Thủy. Năm 1888, họ lập tại đây một xưởng cưa và bắt đầu kinh doanh gỗ. Có thể nhận thấy cạnh tranh với anh em nhà Mange là không có lợi, hoặc vì lý do khác, năm 1892, J Dupuis đã bán lại doanh nghiệp của mình cho chính anh em nhà Mange. Trên cơ sở này, F. Mange đã lập Công ty Lâm nghiệp và Thương mại Trung Kỳ (Société Forestière et Commercia le de L’Annam). Nhận thấy tiềm năng to lớn của vùng nguyên liệu gỗ ở Trung Kỳ và Lào, cũng như lợi thế của Vinh - Bến Thủy trong việc thông thương với các vùng khác và nước ngoài, anh em nhà Mange đã chủ trương đầu tư lớn, không chỉ vào khai thác, kinh doanh gỗ, mà còn chế biến để xuất khẩu.

Hai năm sau khi khởi nghiệp ở Bến Thủy, vào ngày 28/3/1890, Công ty đã tổ chức khánh thành nhà máy cưa gỗ, chạy bằng máy hơi nước. Buổi lễ được chủ trì bởi Công sứ Vinh, ông Lemire, và sự tham dự của các quan chức người Âu. Tổng đốc Nghệ An (lúc bấy giờ là ông Đào Tấn) và các quan chức Nam triều tại tỉnh cũng đến dự. “Các xưởng cưa bắt đầu hoạt động với sự kinh ngạc của các quan chức An Nam, những người lần đầu tiên nhìn thấy những mảnh gỗ lớn được tách ra một cách nhanh chóng, mà không cần đến sức người”. Các quan chức tây, nam tham dự buổi lễ đều cho rằng việc đưa máy móc vào phục vụ chế biến gỗ sẽ thúc đẩy ngành khai thác gỗ, tạo công ăn việc làm và thu nhập tốt hơn cho những người dân làm nghề này.

1

Cẩu chuyển gỗ của Công ty Lâm nghiệp và Thương mại Trung Kỳ

Đến năm 1900, mỗi năm Công ty khai thác khoảng bảy ngàn khối gỗ. Trong đó phần lớn gỗ Lim được xuất khẩu sang Pháp.

Cổ phần hoá công ty gia đình

Hoạt động của công ty nhanh chóng được mở rộng. Ngày 23/9/1893, một xưởng cưa khác của Công ty lại được khánh thành. Công sứ Vinh Dufrénil và các quan chức khác đã đến dự. Các xưởng có diện tích 2.600 mét vuông. Máy có động cơ 50 mã lực và nhiều thiết bị hiện đại khác, cho phép cưa xẻ được gỗ có nhiều kích thước khác nhau.

2

Một xưởng cưa ở Bến Thủy

Đồng thời, để tăng cường khả năng huy động vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, năm 1894, Công ty Lâm nghiệp và thương mại Trung Kỳ được chuyển thành công ty cổ phần, với số vốn lên tới 500.000 franc. Công ty xác định mục đích là khai thác thương mại và công nghiệp các khu rừng của An Nam và Lào. Hoạt động của công ty bao gồm cả khai thác, thu mua, chế biến gỗ và lâm sản các loại. Sau khi mở rộng kinh doanh, năm 1900 số vốn của công ty đã lên đến 1.000.000 franc. Công ty bao gồm: Một xưởng cưa hơi nước, một xưởng mộc và một nhà máy diêm.

3

Nhãn hàng Diêm Kim Long của Công ty Lâm nghiệp và Thương mại Trung Kỳ

Trong chuyến xuyên Việt để khảo sát mở đường sắt Bắc – Nam, Toàn quyền Đông Dương Pual Doumer đã ghé Bến Thủy và thăm công ty của Mange. Ông viết: “Đây là điểm trung chuyển gỗ quý từ các rừng thượng nguồn xuôi theo dòng sông. Chúng được xẻ trong một xưởng cưa máy lớn của những thương nhân người Pháp, anh em ngài Mange; từ đó họ đã tạo ra những súc gỗ cứng tinh chất và nhiều sản phẩm khác để xuất khẩu sang Châu Âu. Đến gần đây người ta đã mở thêm xưởng cưa và sản xuất cả diêm, đáp ứng nhu cầu của Đông Dương. Những sản phẩm được thị trường châu Âu rất ưa chuộng là gỗ súc và gỗ ván sàn.

Tuy đã trở thành công ty cổ phần, nhưng trên thực tế anh em và các con của F. Mange vẫn nắm những vị trí trọng yếu trong doanh nghiệp, kể cả những năm về sau:

Frédéric Mange: Người sáng lập và chủ tịch công ty

François Mange : Anh trai, cùng quản trị công ty Lâm Nghiệp và Thương Mại An Nam sau này là Công ty Lâm nghiệp và Diêm Đông Dương (SIFA)

Emile Mange : Em gái, cùng quản trị công ty Lâm Nghiệp và Thương Mại An Nam sau này là SIFA

Louis Mange : Con trai, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Diêm Bến Thủy

Guiomard Mange: Con gái, Đốc công SIFA

Frédéric Walthert: Con rể-Kỹ Sư, Thành viên Hội Đồng Quản Trị công ty Diêm Đông Dương, Trợ lý đại diện cho Lapicque trong liên doanh Lapicque ET CIE (Palco), Doanh nhân sáng lập Nông trường Cà phê Phủ Quỳ

Roger Manger : Trợ lý kế toán SIFA 

Có thể nói hầu như cả đại gia đình F. Mange đều tham gia quản lý và điều hành các hoạt động của đế chế SIFA ở Bến Thủy và cả Nghệ An nói chung suốt gần 50 năm từ cuối thế kỷ 19, đến những năm 1940.

Cá lớn nuốt cá bé

Tháng 5/1900, công ty Lâm sản và Thương mại Trung Kỳ tham gia cuộc đấu thầu thực hiện cung cấp gỗ cho dự án đường sắt Đông Dương và đã trúng thầu ở gói thứ hai. Trúng thầu cung cấp gỗ cho đại dự án Đường sắt Đông Dương rõ ràng là một cơ hội cực kỳ lớn cho việc mở rộng khai thác và kinh doanh gỗ của Công ty.

Với những lợi thế về công nghệ và thị trường, lại được chính quyền hỗ trợ, Công ty Lâm nghiệp và Thương mại Trung Kỳ đã trở thành một thế lực đe dọa sự tồn tại của các doanh nghiệp và đầu nậu kinh doanh gỗ người bản xứ ở Vinh - Bến thủy. Doanh nghiệp của Bạch Hưng Nghiêm phải chuyển sang kinh doanh bách hóa và đại lý bán ô tô và săm lốp ô tô. Trương Đắc Lạp và sau này là Trương Đắc Du, con trai, cũng phải bỏ doanh nghiệp của mình để về làm quản lý cho anh em nhà Mange trong Nhà máy diêm. Lê Viết Lới, tuy vẫn bám trụ với nghề kinh doanh gỗ ở Bến Thủy, nhưng trên thực tế cũng không phát triển được như trước.

4

Voi kéo gỗ ở Bến Thủy năm 1907

Trong năm 1900, một công ty khác của người Pháp cũng được thành lập ở Bến Thủy để khai thác và kinh doanh gỗ của Lào và An Nam. Đó là công ty Lào (La Laotienne), với số vốn ban đầu là 600.000 franc. Sản phẩm của La Laotienne hầu như cũng cùng loại với sản phẩm của Công ty Lâm sản và Thương mại Trung Kỳ. Nhưng bởi vì là ra đời sau, lại gắn chặt với vùng nguyên liệu Lào, nên La Laotienne cũng đã sớm chứng minh thành công và hiệu quả của mình. Điều này đã làm cho Công ty Lâm sản và Thương mại Trung Kỳ có thêm động lực để cạnh tranh.

Sau 10 năm kinh doanh, cuối cùng đến năm 1910, Công ty Lào cũng phải bán mình cho anh em nhà Mange.

Kỳ sau: SIFA và tham vọng diêm - điện

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24900.00 24980.00 25300.00
EUR 26270.00 26376.00 27549.00
GBP 30688.00 30873.00 31825.00
HKD 3146.00 3159.00 3261.00
CHF 27021.00 27130.00 27964.00
JPY 159.49 160.13 167.45
AUD 15993.00 16057.00 16546.00
SGD 18139.00 18212.00 18746.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 17952.00 18024.00 18549.00
NZD   14681.00 15172.00
KRW   17.42 18.97
DKK   3528.00 3656.00
SEK   2270.00 2357.00
NOK   2259.00 2348.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ