Minh Phát, Công Thành và câu chuyện về những 'Thánh Gióng' BOT

Nhàđầutư
Nhóm cổ đông họ Đỗ liên tục giành được hai dự án BOT lớn nhất nhì cả nước với tổng mức đầu tư ngoài 20.000 tỷ đồng.
NGHI ĐIỀN
18, Tháng 09, 2017 | 07:00

Nhàđầutư
Nhóm cổ đông họ Đỗ liên tục giành được hai dự án BOT lớn nhất nhì cả nước với tổng mức đầu tư ngoài 20.000 tỷ đồng.

nguyen-thi-cam-tu-minh-phat

 Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, đại diện liên danh nhận GCNĐT dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn tháng 5/2015

Tháng 5/2015, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Công Thành cùng Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) nhận được giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) dự án Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương theo hình thức hợp đồng BOT.

Tổng mức đầu tư của dự án lên đến 14.000 tỷ đồng, trong đó phần vốn BOT là trên 10.000 tỷ đồng. Hai đơn vị liên doanh thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty CP BOT Biên Cương, có vốn điều lệ 1.081 tỷ đồng.

Trong ngành xây dựng cầu đường, Phương Thành Tranconsin là cái tên có truyền thống và đã chứng tỏ được năng lực. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 886 tỷ đồng (trong đó Tổng giám đốc Phạm Văn Khôi sở hữu 95,4%) đã và đang tham gia nhiều gói thầu lớn như QL37 Bắc Giang - Thái Nguyên; QL 38 Hải Dương - Cầu Tràng; Gói thầu số 2 Dự án QL1 đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ; Cao tốc Nội Bài - Lào Cai…

Ở chiều ngược lại, Công Thành lại là đơn vị không mấy tên tuổi. Pháp nhân này chỉ mới thành lập trước thời điểm được cấp phép dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn chưa đầy một năm.

Dù vậy, trong liên doanh BOT Biên Cương, thật bất ngờ là “ông lớn” Phương Thành chỉ sở hữu 5% vốn, 95% còn lại thuộc về Công Thành.

Vì sao tên tuổi lớn như Phương Thành Tranconsin lại chỉ có cổ phần ít ỏi, với tỷ lệ “có cũng như không”, trong khi cái tên kém tiếng hơn nhiều, chưa rõ ràng về năng lực cũng như kinh nghiệm lại nắm giữ gần hết dự án 14.000 tỷ đồng?

Trả lời được câu hỏi trên sẽ hé lộ danh tính của Công ty Công Thành, cũng như góc khuất đằng sau các dự án có liên quan tới nhóm cổ đông họ Đỗ ở doanh nghiệp này.

“Thánh Gióng” BOT

Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Công Thành được thành lập vào tháng 6/2014, với vốn điều lệ ban đầu 3,6 tỷ đồng, do ông Lê Thành Công làm giám đốc, đóng trụ sở tại toà nhà Minh Tâm, đường Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội.

Sau nhiều lần thay đổi cổ đông và vốn góp, vốn điều lệ của Công Thành đến tháng 5/2015 được tăng lên mức 1.566 tỷ đồng, tức là gấp tới 435 lần so với ban đầu.

Trong đó, ông Đỗ Minh Đức và bà Nguyễn Thị Cẩm Tú (trú tại cùng địa chỉ) góp lần lượt 52% và 33%, thành tiền quy đổi tổng cộng là 1.331 tỷ đồng.

Chỉ trong vòng chưa tới một năm, việc đổ hơn nghìn tỷ đồng tăng vốn cho Công Thành cho thấy độ giàu có của những cá nhân này.

Tuy vậy, nhóm cổ đông trên thực tế còn giàu có hơn nhiều, khi sở hữu một doanh nghiệp rất lớn khác cũng hoạt động trong lĩnh vực BOT, là Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng Minh Phát.

Công ty Minh Phát được các ông Đỗ Minh Đức và Đỗ Ngọc Minh thành lập năm 2008, với vốn điều lệ 30 tỷ đồng. Tương tự trường hợp của Công ty Công Thành, cơ cấu cổ đông và vốn góp của Minh Phát liên tục biến động.

Cần phải nói thêm rằng ông Đỗ Ngọc Minh cùng cựu Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Huyền Tâm là các cổ đông sáng lập của Công ty CP Tập đoàn Minh Tâm, một trong những nhóm doanh nghiệp lớn nhất tỉnh Bắc Ninh.

Trở lại với Minh Phát, tháng 3/2014, pháp nhân này tăng vốn lên 889 tỷ đồng. Trong đó, ông Đỗ Minh Ngọc nắm cổ phần chi phối (51%), bà Nguyễn Thị Cẩm Tú sở hữu 26%.

Công ty Minh Phát không có hoạt động gì đáng chú ý cho tới khi được cấp phép dự án nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ năm 2014, cùng với Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) và đối tác quen thuộc - Phương Thành Tranconsin. Các bên thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (MPC).

Dự án nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ có tổng mức đầu tư hơn 6.700 tỷ đồng. Như vậy, nhóm cổ đông họ Đỗ chỉ trong thời gian ngắn đã được cấp phép hai dự án với tổng mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng.

Tương tự tại dự án 14.000 tỷ ở Quảng Ninh, dù gần như “vô danh” khi xếp cạnh các tên tuổi trong ngành cầu đường là Cienco1 và Phương Thành Tranconsin, song Minh Phát lại nắm cổ phần chi phối tại doanh nghiệp dự án MPC (65% vốn).

Sự khăng khít giữa Minh Phát hay Công Thành với Phương Thành Tranconsin là điều không khó để nhận ra. Điều mà doanh nghiệp của nhóm cổ đông họ Đỗ cần có phải chăng không phải là tiền bạc, mà là danh tiếng cũng như uy tín của Phương Thành, qua đó giúp “đánh bóng” hồ sơ năng lực trong các lần xin dự án.

Âm thầm thoái vốn

Đầu tháng 9/2017, ông Đỗ Minh Đức và bà Nguyễn Thị Cẩm Tú đã thoái hết hơn 1.300 tỷ đồng vốn góp, tương đương 85% vốn trong Công ty Công Thành, kéo tỷ lệ sở hữu từ chi phối về 0%. Vị trí tổng giám đốc được thay thế từ ông Trần Tuấn Hưng sang ông Nguyễn Quang Khải.

Trước đó, cuối tháng 6/2017, ông Đỗ Ngọc Minh và bà Nguyễn Thị Cẩm Tú cũng đã thoái hết gần 700 tỷ vốn góp trong Công ty Minh Phát (77% cổ phần), các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong Minh Phát liên tục thay đổi từ đó đến nay. 

Ở một diễn biến liên quan, như Nhadautu.vn đã đưa tin, bà Đỗ Thị Huyền Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Minh Tâm vừa qua cũng đã thoái hết 81% vốn tại đây.

Động thái liên tục rút hết vốn của những người họ Đỗ tại các doanh nghiệp do chính họ thành lập và “chèo lái” không khỏi gợi đến những băn khoăn.

Liệu đây đơn giản là chiến lược tái cơ cấu đầu tư, hay thực chất chỉ là chiêu “ve sầu thoát xác”?

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25180.00 25185.00 25485.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30846.00 31032.00 32001.00
HKD 3185.00 3198.00 3302.00
CHF 27415.00 27525.00 28378.00
JPY 160.64 161.29 168.67
AUD 16085.00 16150.00 16648.00
SGD 18346.00 18420.00 18964.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18198.00 18271.00 18809.00
NZD   14807.00 15308.00
KRW   17.63 19.26
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2290.00 2378.00
NOK   2269.00 2358.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ