Hàng ngàn doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ chờ giải thể

Kinh doanh ế ẩm do dịch bệnh và người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu vào các mặt hàng không thiết yếu khiến nhiều doanh nghiệp thương mại rơi vào khó khăn dẫn đến phải đóng cửa, chờ thủ tục giải thể.
LÊ HOÀNG
12, Tháng 08, 2020 | 08:12

Kinh doanh ế ẩm do dịch bệnh và người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu vào các mặt hàng không thiết yếu khiến nhiều doanh nghiệp thương mại rơi vào khó khăn dẫn đến phải đóng cửa, chờ thủ tục giải thể.

661d9_dong_cua_2

Kinh doanh khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Ảnh minh họa: Lê Hoàng.

Hơn 8.000 đơn vị bán buôn, bán lẻ rời thị trường

Chị K. Oanh cuối tháng 6 rồi quyết định trả lại mặt bằng thuê trên tuyến đường Huỳnh Văn Bánh, TPHCM, sau khi tìm không ra được nhà đầu tư nhận chuyển nhượng kinh doanh cho shop quần áo thời trang của chị.

Theo chị K. Oanh, từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, doanh thu kinh doanh tại cửa hàng thời trang của chị không đủ chi phí trả tiền thuê mặt bằng kinh doanh và tiền thuê nhân viên bán hàng,...

Tuy nhiên, do cứ mãi lo tìm nhà đầu tư nhận sang nhượng lại cửa hàng có vốn đầu tư lên đến hơn 800 triệu đồng (gồm cả vốn đầu tư trang trí cửa hàng) mà việc kinh doanh tại cửa hàng càng thua lỗ sâu hơn.

"Nếu tôi có kinh nghiệm và dứt khoát hơn trong việc cắt lỗ ngay khi dịch bệnh xảy ra thì tình hình sẽ không lún sâu vào nợ nầng nhiều như hiện nay", chị K. Oanh chia sẻ sau hơn một năm bỏ công việc làm thuê tại một doanh nghiệp gia công hàng may mặc, tự mở cửa hàng kinh doanh do mình làm chủ.

Giấc mơ khởi nghiệp không thành, giờ đây chị K. Oanh còn gặp không ít thách thức trong hành trình tìm việc làm trở lại khi mà phần lớn các doanh nghiệp, công ty cũng đang gặp nhiều thách thức phía trước dẫn đến phải thu hẹp sản xuất kinh doanh do bị ảnh hưởng dịch Covid-19 quay trở lại lần nữa.

Chị K. Oanh không phải là trường hợp cá biệt gặp khó khăn trong hoạt động mua bán giữa thời dịch bệnh này. Tình trạng các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, trung tâm dịch vụ đóng cửa hiện hữu trên khắp các tuyến đường, từ khu trung tâm cho đến khu vực vùng ven của TPHCM. Nhiều cửa hiệu vẫn đang mở cửa kinh doanh nhưng treo biển sang nhượng ngay cửa ra vào. Hoạt động mua bán, thương mại tại nhiều thành phố lớn khác cũng rơi vào tình trạng ảm đạm.

Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ chờ giải thể là nhiều nhất. Cụ thể, trong thời gian trên cả nước có đến hơn 8.100 doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ chờ giải thể (chiếm 37,2%). Kế đến là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (2.512 doanh nghiệp, chiếm 11,5%); xây dựng (2.356 doanh nghiệp, chiếm 11,8%)...

Tính chung, trong 7 tháng đầu năm nay số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể là 21.802 doanh nghiệp. Con số này giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể của 7 tháng hàng năm trong giai đoạn 2015-2019 có mức trung bình là tăng 3,8%.

Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao

Đáng chú ý, theo cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong vòng 7 tháng đầu năm cũng tăng cao.

Cụ thể, theo dữ liệu lịch sử của cơ quan này, tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của 7 tháng hàng năm trong giai đoạn 2015-2019 không có sự đột biến với mức trung bình là 28,1%.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn 7 tháng đầu năm 2020 là 32.722 doanh nghiệp, tăng 41,5% với cùng kỳ năm 2019.

Đây là một trong những mức tăng cao nhất về số lượng đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong các kỳ 7 tháng giai đoạn 2015-2020, thể hiện sự ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 đến việc tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo thống kê thì trong 7 tháng đầu năm 2020, đa số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động ngắn (kể từ thời điểm đăng ký thành lập đến nay).

Cụ thể số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động từ 5 năm trở xuống là 16.203 doanh nghiệp (chiếm 49,5%); số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động từ 5 đến 10 năm là 9.084 doanh nghiệp (chiếm 27,8%) và số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động từ 10 năm trở lên là 7.435 doanh nghiệp (chiếm 22,7%).

Một điểm đáng lưu ý là so với cùng kỳ năm 2019, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh ở tất cả 17 lĩnh vực như kinh doanh bất động sản (tăng 98,5%); nghệ thuật, vui chơi và giải trí (tăng 69,9%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 71,4%); giáo dục và đào tạo (tăng 64,1%); dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.932 doanh nghiệp, tăng 60,2%),... đây là các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19.

Ngoài ra, trong 7 tháng đầu năm 2020, trên cả nước có hơn 26.650 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, đây là những doanh nghiệp không còn kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký, qua kiểm tra của cơ quan thuế thì không tìm thấy và không liên lạc được. Những doanh nghiệp này có thể đang hoạt động, đã chuyển địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan nhà nước hoặc đã ngừng hoạt động nhưng không đăng ký.

(Theo Thời Báo Kinh tế Sài Gòn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ