Gói kích thích phục hồi kinh tế hậu COVID 19 - Bài 3: Hàn Quốc 'chịu chi' để sớm vượt qua khủng hoảng

Nhàđầutư
Cho đến nay, Hàn Quốc đã tung ra các gói kích thích trị giá khoảng 277 nghìn tỷ won (tương đương 231 tỷ USD) để chống lại sự sụp đổ kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch. Trong khi đó, chính phủ nước này cũng sắp chi tiếp hàng chục tỷ USD cho các kế hoạch đến năm 2025.
THANH TRẦN
24, Tháng 09, 2020 | 06:45

Nhàđầutư
Cho đến nay, Hàn Quốc đã tung ra các gói kích thích trị giá khoảng 277 nghìn tỷ won (tương đương 231 tỷ USD) để chống lại sự sụp đổ kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch. Trong khi đó, chính phủ nước này cũng sắp chi tiếp hàng chục tỷ USD cho các kế hoạch đến năm 2025.

moon-jae-in1

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để bàn luận và sớm tung ra các gói kích thích phục hồi kinh tế.

LTS: Trước nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19, nhiều nước trên thế giới đã và đang tung ra hàng loạt các gói kích thích kinh tế 'khổng lồ' nhằm chặn đà suy giảm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại, tạo thêm công ăn việc làm và tái khởi động các hoạt động xã hội. Liệu các gói kích thích kinh tế này có mang lại hiệu quả lâu dài hay chỉ là những biện pháp đối phó tạm thời? Nhadautu.vn khởi đăng đăng loạt bài về các gói kích thích kinh tế của một số nước trên thế giới từ 22/9/2020 như một kênh tham khảo, để các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà quản lý và bạn đọc có thêm thông tin học hỏi cách khắc phục kinh tế thời hậu đại dịch. 

***

Mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp bàn về các chính sách kinh tế, thảo luận về các gói kích thích mới, bao gồm gói ngân sách bổ sung thứ tư, nhằm giảm bớt tác động của đại dịch COVID-19.

Trước đó, chính phủ Hàn Quốc và đảng Dân chủ cầm quyền cũng đã đồng ý theo đuổi khoản ngân sách bổ sung thứ tư trị giá hơn 7,8 nghìn tỷ won (6,6 tỷ USD), phần lớn trong số đó sẽ được tài trợ bằng trái phiếu kho bạc, một phát ngôn viên của đảng Dân chủ cho biết.

Cho đến nay, Hàn Quốc đã tung ra các gói kích thích trị giá khoảng 277 nghìn tỷ won (tương đương 231 tỷ USD) để chống lại sự sụp đổ kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch.

Ngân sách bổ sung thứ tư trị giá 7,8 nghìn tỷ won (6,6 tỷ USD) chủ yếu nhằm mục đích hỗ trợ các thương gia nhỏ và những người tự kinh doanh trước tác động kinh tế của đại dịch COVID-19.

Đợt tăng tài khóa bổ sung được đưa ra chưa đầy một tháng sau khi các cơ quan y tế Hàn Quốc thắt chặt các quy định về giãn cách xã hội để ngăn chặn làn sóng lây lan mới, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng sự suy giảm kinh tế của quốc gia có thể sâu hơn dự kiến.

Chủ trì cuộc họp hội đồng kinh tế khẩn cấp, Tổng thống Moon Jae-in cho biết khoản ngân sách bổ sung thứ tư là gói cứu trợ "được điều chỉnh riêng" dành cho khu vực kinh doanh chịu thiệt hại nặng nề nhất do virus bùng phát trở lại.

Ông Moon nói, sự bùng phát mới đã "nhanh chóng gây tác động xấu lên mọi hoạt động kinh tế và trì hoãn tốc độ phục hồi kinh tế".

Đặc biệt, các thương gia nhỏ và những người làm nghề tự do đang là bộ phận cảm nhận rõ rệt nhất những tác động của việc dịch bệnh bùng phát, trong khi họ cũng đang phải gánh chịu tổn thất thu nhập và chi phí thuê nhà tăng cao.

Kể từ cuối tháng trước, các nhà hàng và quán ăn nhỏ hơn ở khu vực Seoul đã được yêu cầu hoạt động đến 9 giờ tối và chỉ được phép mang đi và giao hàng từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau. Đối với các chuỗi cà phê nhượng quyền, tiệm bánh và tiệm kem, chỉ cho phép hình thức mang đi và giao hàng trong giờ hoạt động.

Đây là lần đầu tiên sau 59 năm chính phủ Hàn Quốc phân bổ thêm 4 gói ngân sách trong một năm tài chính.

Khoảng một nửa gói ngân sách bổ sung thứ tư, tương đương 3,8 nghìn tỷ won, sẽ được chi cho các thương gia nhỏ và những người kinh doanh tự do. Trong đó, chính phủ có kế hoạch cung cấp 3,2 nghìn tỷ won tiền mặt cho 2,91 triệu thương gia nhỏ và người làm việc tự do.

Theo kế hoạch, một thương gia nhỏ có doanh thu hàng năm từ 400 triệu won trở xuống sẽ nhận được 1 triệu won tiền mặt nếu thương nhân đó bị mất thu nhập, Bộ Kinh tế và Tài chính cho biết.

Mỗi quán cà phê Internet, cơ sở thể thao trong nhà và trường luyện thi sẽ nhận được 2 triệu won. Đối với các nhà hàng, quán ăn nhỏ hơn và những thương gia khác bị rút ngắn giờ làm việc, họ sẽ nhận được 1,5 triệu won mỗi người.

1,4 nghìn tỷ won khác sẽ được sử dụng để hỗ trợ các công ty bị ảnh hưởng nhằm duy trì 1,19 triệu việc làm.

Vào tháng 5, chính phủ cũng đã cung cấp khoảng 1,5 triệu won cho mỗi khoản trợ cấp của 500.000 người lao động tạm thời hoặc tự do bị mất việc làm do đại dịch COVID-19.

Đối với 500.000 công nhân này, họ sẽ được nhận thêm 500.000 won mỗi người mà không cần làm thủ tục sàng lọc. Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ trợ cấp 1,5 triệu won mỗi người cho 200.000 người lao động tạm thời hoặc tự do khác, sau khi tiến hành các thủ tục sàng lọc.

Trong khi đó, để giúp đỡ 550.000 hộ gia đình có thu nhập thấp bị mất việc làm, chính phủ sẽ cấp quỹ cứu trợ khẩn cấp. Số tiền phát sẽ dao động từ 400.000 won đối với hộ gia đình một người đến 1 triệu won đối với hộ gia đình có bốn thành viên trở lên.

Chính phủ cũng sẽ trợ cấp tiền hóa đơn điện thoại 20.000 won mỗi người cho tất cả những người từ 13 tuổi trở lên. Bộ Kinh tế và Tài Chính cho biết khoảng 46,4 triệu người sẽ đủ điều kiện để được trợ cấp hóa đơn điện thoại.

1,1 nghìn tỷ won khác sẽ được chi cho các hộ gia đình chăm sóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học. Bộ cho biết 200.000 won / trẻ em sẽ được cung cấp.

Được biết, gói ngân sách bổ sung thứ tư sẽ được tài trợ chủ yếu bằng 7,5 nghìn tỷ won trái phiếu nhà nước mới. Ngoài khoản ngân sách bổ sung thứ tư, chính phủ cũng sẽ đưa ra một biện pháp kích thích trị giá 4,6 nghìn tỷ won để hỗ trợ nền kinh tế, Bộ trưởng Tài chính Hong Nam-ki nói với các phóng viên.

Bốn gói ngân sách bổ sung dự kiến ​​sẽ đưa tỷ lệ nợ trên GDP của Hàn Quốc lên 43,9% trong năm nay, so với mức dưới 40% trước đại dịch. Đầu tháng 9, Viện Phát triển Hàn Quốc, một tổ chức tư vấn do nhà nước điều hành, đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế của quốc gia này xuống còn 1,1% trong năm nay.

Tầm nhìn dài hạn của chính phủ Hàn Quốc

20200826000638_0

Chính phủ và đảng cầm quyền của Hàn Quốc đã thúc đẩy nhanh chóng các gói ngân sách bổ sung cho các kế hoạch đến năm 2025.

Chính phủ và đảng cầm quyền của Hàn Quốc mới đây đã đồng ý phân bổ hơn 20 nghìn tỷ won (16,85 tỷ USD) ngân sách nhà nước năm 2021 để tài trợ cho gói kích thích "Thỏa thuận mới của Hàn Quốc", các quan chức cho biết.

Họ cũng cam kết sẽ duy trì chính sách tài khóa mở rộng hiện tại trong suốt năm tới, chuẩn bị cho tình trạng kinh tế suy thoái kéo dài. Quyết định được đưa ra trong cuộc họp được tổ chức tại Quốc hội giữa chính phủ và Đảng Dân chủ cầm quyền của Hàn Quốc để đưa ra dự luật ngân sách nhà nước cho năm tới.

"Không thể dự đoán khi nào đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc và nền kinh tế toàn cầu có thể phục hồi. Khi chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có, chìa khóa để phục hồi kinh tế đó chính là tài chính", Hạ nghị sĩ Kim Tae-nyeon, lãnh đạo đảng Dân chủ cầm quyền của Hàn Quốc cho biết.

Trong khi yêu cầu chính phủ mở rộng ngân sách liên quan đến kiểm dịch, quan chức đảng cũng nhấn mạnh rằng các chương trình kinh tế như Thỏa thuận mới, tăng trưởng cân bằng và trợ cấp cho thanh niên cần được tăng cường.

"Chính thế hệ trẻ đã phải chịu đòn nặng nề nhất từ ​​COVID-19", Hạ nghị sĩ Kim nói, đồng thời kêu gọi tăng cường các chương trình đào tạo việc làm và trợ cấp dân cư cho thanh niên.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Hong Nam-ki cam kết sẽ nỗ lực hết sức cho các hoạt động tài khóa mở rộng nhằm khởi động nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

"Chính phủ sẽ xem xét và điều chỉnh các biện pháp sau COVID-19 theo từng bước với các tình huống mới nhất. Kế hoạch cho ngân sách nhà nước năm tới sẽ tìm cách tạo ra và bảo vệ 2 triệu việc làm, đồng thời hỗ trợ tiêu dùng tư nhân và đầu tư công", ông Hong nói.

Bộ trưởng Tài chính đặc biệt tập trung vào "Thỏa thuận mới" của Hàn Quốc, gói kích thích kinh tế giữa kỳ của chính quyền Moon Jae-in nhằm khởi động nền kinh tế đang bị đình trệ và tạo sức mạnh cho các động cơ tăng trưởng mới.

Chương trình, được công bố vào đầu năm nay, đặt mục tiêu bơm 160 nghìn tỷ won vào nền kinh tế và tạo ra 1,9 triệu việc làm vào năm 2025, đồng thời tạo cơ sở cho tăng trưởng kinh tế dài hạn. 20 nghìn tỷ won khác sẽ được chi để hỗ trợ những người trẻ tìm việc làm.

Hạ nghị sĩ Cho Jeong-sik, trưởng nhóm hoạch định chính sách của đảng cho biết: "Chúng tôi hiện có đủ khoảng trống cho các chính sách cần thiết vì mức độ lành mạnh về tài chính của quốc gia này tốt hơn so với Mỹ, Nhật Bản, Đức và các nền kinh tế quan trọng khác".

Chờ đợi sự phục hồi kinh tế nhờ vào các gói kích thích 'khổng lồ'

5-Best-cities-to-visit-in-south-korea-seoul

Chờ đợi sự phục hồi kinh tế nhờ vào các gói kích thích 'khổng lồ'.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc đã giảm 3,3% trong quý II, mức giảm sâu nhất trong 22 năm kể từ quý I/1998 (-6,8%).

Nối tiếp mức giảm 1,3% trong quý I, kinh tế Hàn Quốc đã tăng trưởng âm hai quý liên tiếp. Kinh tế toàn cầu co hẹp là nguyên nhân dẫn đến hiệu suất yếu kém của kinh tế Hàn Quốc, giáng một đòn mạnh vào xuất khẩu quốc gia.

Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 16,6% trong quý II, mức giảm lớn nhất trong 56 năm qua. Tỷ trọng xuất khẩu đóng góp cho GDP giảm 4,1%. Nếu không tính đến xuất khẩu, kinh tế Hàn Quốc trong quý II tăng trưởng 0,8%.

Tuy nhiên, Hàn Quốc phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu với các mặt hàng chủ lực như ô tô, điện thoại thông minh, tàu thủy, chíp bán dẫn. Doanh số bán hàng trên thị trường quốc tế giảm mạnh đã khiến xuất khẩu của Hàn Quốc giảm theo.

Dù vậy, ngân sách bổ sung và gói hỗ trợ khẩn cấp của chính phủ cũng đã góp phần thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tránh để nền kinh tế lao dốc hơn nữa, nhà nghiên cứu Bae Min-geun từ Viện nghiên cứu kinh tế LG cho biết.

Mặc dù vậy, vẫn có ý kiến lo ngại kinh tế Hàn Quốc đã bước vào thời kỳ suy thoái khi tăng trưởng âm hai quý liên tiếp. Chính phủ dự đoán nền kinh tế sẽ phục hồi trong quý III sau khi chạm đáy trong quý II, nhận định hiện tượng các quốc gia đóng cửa kinh tế do virus sẽ không còn tiếp diễn, và sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong quý II sẽ rất có lợi cho nền kinh tế Hàn Quốc.

Đa số ý kiến cho rằng kinh tế Hàn Quốc sẽ khởi sắc trong quý III và quý IV năm nay. Tuy nhiên, có nhiều quan điểm trái chiều về tốc độ phục hồi, bởi Hàn Quốc là nước phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu, nhưng thị trường Mỹ và châu Âu đang hồi phục chậm hơn so với bề ngoài.

Đáng lo ngại hơn, nhiều ý kiến lo lắng về một làn sóng tiếp theo của COVID-19. Do đó, chi tiêu chính phủ là không đủ để đảm bảo phục hồi kinh tế.

Mới đây, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MTIE) đã công bố số liệu cho thấy, xuất khẩu của nước này ghi nhận tháng giảm thứ sáu liên tiếp trong tháng 8/2020, giữa lúc sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 trên toàn cầu tiếp tục kìm hãm các hoạt động kinh doanh.

Số liệu của MTIE cho biết, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 8/2020 chỉ đạt 39,6 tỷ USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2019. Con số này vẫn khả quan hơn đôi chút so với dự báo của thị trường.

Theo kết quả thăm dò của Yonhap Infomax, đơn vị thông tin tài chính của hãng tin Yonhap, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 8/2020 ước tính đã giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của Hàn Quốc trong tháng 8/2020 chỉ ở mức 35,5 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái, qua đó Hàn Quốc đạt thặng dư thương mại 4,12 tỷ USD trong tháng trước. Hàn Quốc đã ghi nhận 98 tháng liên tiếp kim ngạch xuất khẩu đạt cao hơn nhập khẩu trong tháng 4/2020, trước khi xu hướng này đảo ngược vào tháng 5/2020.

Tính theo phân khúc, xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc trong tháng 8/2020 đạt 8,2 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. Chất bán dẫn chiếm 20% tổng xuất khẩu của nước này. Trong khi đó, xuất khẩu ô tô giảm 12,8% giữa bối cảnh các dây chuyền sản xuất lớn tại Hàn Quốc cắt giảm hoạt động trong tháng 8/2020.

Xuất khẩu thiết bị di động trong tháng 8/2020 giảm 31,7%. Xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ giảm 44% khi nhu cầu toàn cầu giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Xuất khẩu tàu biển trong tháng trước cũng sụt giảm mạnh ở mức 31,5%.

Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc - đối tác thương mại hàng đầu của nước này - trong tháng trước giảm 3% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản giảm lần lượt 0,4%, 2,5% và 20,7%.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24550.00 24560.00 24880.00
EUR 26323.00 26429.00 27594.00
GBP 30788.00 30974.00 31925.00
HKD 3099.00 3111.00 3212.00
CHF 27288.00 27398.00 28260.00
JPY 161.63 162.28 169.90
AUD 15895.00 15959.00 16446.00
SGD 18115.00 18188.00 18730.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 17917.00 17989.00 18522.00
NZD   14768.00 15259.00
KRW   17.70 19.32
DKK   3538.00 3670.00
SEK   2323.00 2415.00
NOK   2274.00 2365.00
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ