Gói kích thích phục hồi kinh tế hậu COVID 19 - Bài 2: Bao nhiêu nghìn tỷ USD là đủ cho nước Mỹ?

Nhàđầutư
Mặc dù dành hàng tháng để bàn luận với nhiều đề xuất từ các đảng chính trị, nhưng chính quyền ông Trump vẫn chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng cho gói kích thích mới, một 'liều thuốc' vô cùng cần thiết tại thời điểm này cho nền kinh tế Mỹ.
THANH TRẦN
23, Tháng 09, 2020 | 06:46

Nhàđầutư
Mặc dù dành hàng tháng để bàn luận với nhiều đề xuất từ các đảng chính trị, nhưng chính quyền ông Trump vẫn chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng cho gói kích thích mới, một 'liều thuốc' vô cùng cần thiết tại thời điểm này cho nền kinh tế Mỹ.

images676291_ttxvntrump

Dù bận rộn cho cuộc bầu cử, nhưng ông Trump vẫn tích cực trong việc thúc đẩy gói kích thích kinh tế mới.

LTS: Trước nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19, nhiều nước trên thế giới đã và đang tung ra hàng loạt các gói kích thích kinh tế 'khổng lồ' nhằm chặn đà suy giảm. Vậy liệu các gói kích thích kinh tế này có mang lại hiệu quả lâu dài hay chỉ là những biện pháp đối phó tạm thời? Từ hôm nay, Nhadautu.vn sẽ đăng loạt bài về các gói kích thích kinh tế của các nước trong bối cảnh phục hồi hậu COVID-19. Kính mong bạn đọc theo dõi và ủng hộ.

***

Hồi đầu tháng 8, các thành viên đảng Cộng hòa trong Thượng viện Mỹ đã đề xuất dự luật HEALS hỗ trợ tác động đại dịch COVID-19 trị giá 1.000 tỷ USD. Con số này thấp hơn so với 3.000 tỷ USD do Đảng Dân chủ đề xuất, do hai bên đang đàm phán để đi đến một thỏa hiệp.

Tuy nhiên, đề xuất của hai đảng đều bao gồm một điều khoản: Chi trả tác động kinh tế. Tương tự đạo luật CARES hồi tháng 3, lần này Quốc hội Mỹ muốn phát thêm 1.200 USD tiền mặt cho mỗi công dân Mỹ có đóng thuế đầy đủ, hoặc 2.400 USD cho cặp vợ chồng.

Đề xuất của đảng Cộng hòa còn bao gồm thêm khoản tiền 500 USD cho mỗi cá nhân phụ thuộc, ngoài con cái thì còn mở rộng ra cho người phụ thuộc ở mọi lứa tuổi. Đây là điểm mới so với đạo luật CARES. Thời điểm tiền tới tay người dân tùy vào quyết định của Quốc hội Mỹ.

Trước đó, tính đến tháng 6/2020, Bộ Tài chính Mỹ đã phát được tổng cộng 159 triệu khoản hỗ trợ nằm trong gói kích thích hồi tháng 3, chưa đủ 171 triệu như dự kiến. Từ đó đến nay thêm 1,5 triệu khoản mới đã được phát bổ sung.

Theo dự luật HEALS, tiêu chí để một người nhận được đầy đủ 1.200 USD là tổng thu nhập điều chỉnh từ 75.000 USD/năm trở xuống, hoặc 150.000 USD đối với cặp vợ chồng khai báo thuế chung.

Mặc dù vậy, mới đây Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội ủng hộ một gói kích thích kinh tế khổng lồ với "con số cao hơn nhiều" với các khoản chi lớn cho người Mỹ, một kế hoạch hoàn toàn khác so với những gì Thượng viện đã tìm cách đưa ra những ngày gần đây.

Bài đăng trên Twitter của ông và các bình luận sau đó tại một cuộc họp báo có thể điều chỉnh lại các cuộc đàm phán đã bị đình trệ trong hơn một tháng, và gây áp lực mới lên các nhà lãnh đạo của cả hai bên.

Chúng diễn ra vào thời điểm Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đang đối mặt với phản ứng dữ dội từ một số đảng viên Dân chủ Hạ viện, do chính phủ nước này không hành động trong việc tung ra gói kích thích kinh tế mới.

Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch trị giá 1,5 nghìn tỷ USD được công bố trước đó mấy ngày bởi nhóm giải quyết vấn đề lưỡng đảng tại Hạ viện.

Đề xuất bao gồm việc phát thêm 1.200 USD tiền mặt cho mỗi công dân Mỹ có đóng thuế đầy đủ, một điều khoản bị bỏ qua khỏi kế hoạch trị giá 300 tỷ USD mà các đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện đã cố gắng thông qua vào tuần trước, mặc dù không thành công.

"Tôi thích số tiền lớn hơn. Một số đảng viên Cộng hòa không đồng ý, nhưng tôi nghĩ tôi có thể thuyết phục được họ. Tôi muốn thấy mọi người dân Mỹ nhận được tiền", Tổng thống Trump nói.

Không rõ ngay lập tức những bình luận của ông Trump sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc đàm phán lưỡng đảng vốn đã bị đình trệ vào tháng 8. Nhưng có vẻ như mối quan tâm mới của ông đối với một thỏa thuận viện trợ hào phóng có thể mở ra cánh cửa cho một vòng đàm phán mới.

"Chúng ta nên có một thỏa thuận. Mọi người nên được giúp đỡ và họ cần được giúp đỡ càng nhanh càng tốt. Và tôi nghĩ điều đó sẽ xảy ra", ông Trump cho biết.

Không chỉ vậy, đã có thêm một số dấu hiệu tích cực sau đó khi bà Pelosi và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin có cuộc trò chuyện qua điện thoại sau hơn hai tuần bàn luận về gói kích thích mới.

Ngày càng nhiều thành viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện bày tỏ mong muốn chính phủ ra đưa một gói kích thích mới trước khi Quốc hội bắt đầu 'giải lao' vào đầu tháng tới bởi cuộc bầu cử quan trọng.

Trước đó, nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, Quốc hội Mỹ đã thông qua hai dự luật lưỡng đảng để đối phó với đại dịch. Khoản tiền 8,3 tỷ USD đầu tiên được phân bổ cho các tổ chức chăm sóc sức khỏe và nghiên cứu điều trị COVID-19. Khoản thứ 2, trị giá khoảng 100 tỷ USD, được thiết lập cho việc xét nghiệm miễn phí, thiết lập chế độ nghỉ phép khẩn cấp có lương, và tài trợ Medicaid.

Sau đó, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cũng đã gia hạn thời hạn nộp thuế (đối với cả cá nhân và doanh nghiệp) thêm 90 ngày.

Gói kích thích lịch sử trị giá 2.2 nghìn tỷ USD, được Tổng thống Donald Trump ký thành luật, đã cho phép IRS gửi ngân phiếu trực tiếp đến người Mỹ. Đạo luật CARES cũng bao gồm một quỹ cứu trợ doanh nghiệp trị giá 500 tỷ USD, mở rộng thanh toán thất nghiệp, viện trợ cho các bệnh viện và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, và 150 tỷ USD cho chính quyền tiểu bang và địa phương.

Bao nhiêu nghìn tỷ USD là đủ cho nền kinh tế nước Mỹ?

https___cdn.cnn.com_cnnnext_dam_assets_190715084321-nancy-pelosi-steven-mnuchin-split

Các chính trị gia tại Mỹ vẫn đang bất đồng quan điểm về giá trị của gói kích thích kinh tế mới.

Ông Greg Jensen, đồng Giám đốc phụ trách thông tin của Bridgewater Associates, dẫn ước tính của tổ chức này cho rằng gói kích thích mới nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ duy trì đà hồi phục cần đạt quy mô từ 1.300 - 1.700 tỷ USD.

"Quy mô gói kích thích trên phụ thuộc vào các mục tiêu chi tiêu… Gói kích thích này sẽ dùng USD bơm trực tiếp vào nền kinh tế nên hiệu quả mang lại lớn hơn so với việc dùng đồng bạc xanh để ngăn chặn các tác động tiêu cực có thể xảy ra", ông Jensen cho biết trong cuộc phỏng vấn.

Nhận định của ông Jensen được đưa ra khi các thành viên của đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Washington tiếp tục tranh cãi về quy mô và phạm vi của gói kích thích kinh tế mới, trong khi hàng triệu người Mỹ vẫn không có việc làm và các doanh nghiệp phải vật lộn với sự gián đoạn liên tục.

Trước đó, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows cho rằng đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang đạt được "tiến bộ thực sự" trong các cuộc đàm phán nhưng cho biết viện trợ cho các chính quyền địa phương và tiểu bang tiếp tục là điểm mấu chốt lớn nhất.

Với việc các thành phố và bang đang phải đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng về thu nhập từ thuế do hậu quả của đại dịch, đảng Dân chủ đã đề xuất viện trợ gần 1 nghìn tỷ USD. Ông Meadows nói rằng con số đó không "dựa trên thực tế."

Trong khi đó, đảng Cộng hòa sẽ chỉ sẵn sàng hỗ trợ thêm 150 tỷ cho các chính quyền địa phương, ngoài khoản hỗ trợ 150 tỷ USD được phân bổ vào đầu năm nay.

Đảng Dân chủ bắt đầu đàm phán vào mùa hè này với đề xuất tổng thể là 3 nghìn tỷ USD, trong khi đảng Cộng hòa có xuất phát điểm chỉ khoảng 1 nghìn tỷ USD. Chính quyền ông Trump cho biết họ sẽ sẵn sàng hỗ trợ đề xuất trị giá 1,3 nghìn tỷ USD.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói rằng mức tăng khoảng 300 tỷ USD vẫn không đủ và bà sẽ tiếp tục thúc giục các đảng viên Cộng hòa đàm phán với đảng Dân chủ, qua đó tạo ra một gói kích thích mới khoảng 2,2 nghìn tỷ USD.

Ông Jensen cho biết nền kinh tế Mỹ đã được cải thiện kể từ sau đại dịch. Nhưng ông cũng bác bỏ quan điểm rằng sự phục hồi này sẽ vẫn tồn tại mà không cần hỗ trợ tài chính bổ sung, mặc dù có những dấu hiệu đáng khích lệ như tiền gửi ngân hàng tăng mạnh.

Giám đốc thông tin của Bridgewater Associates đánh giá rằng nền kinh tế Mỹ đã phục hồi tốt hơn so với các nền kinh tế toàn cầu nhờ tung ra các gói kích thích tài khóa quy mô lớn.

Đối với các nhà đầu tư, ông Jensen cho biết phản từ các nhà hoạch định chính sách toàn cầu trên cả khía cạnh tài chính và tiền tệ sẽ là chỉ dẫn để theo dõi trong năm tới. Ông cho rằng họ đã bắt tay vào con đường chi tiêu và in tiền "cho đến khi họ không thể".

"Về lâu dài, các nhà hoạch định chính sách chỉ ngừng in và bơm tiền vào nền kinh tế khi xuất hiện vấn đề về lạm phát và tiền tệ", ông Jensen nói.

Trong khi đó, một nhà kinh tế khác cũng cho biết rằng, Mỹ cần khoảng 3 nghìn tỷ USD kích thích tài chính để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch, khi Quốc hội và Nhà Trắng vẫn bế tắc về những gì sẽ bao gồm trong gói cứu trợ tiếp theo.

William Lee, nhà kinh tế trưởng tại Viện Milken, cho biết 3 nghìn tỷ USD nên được chi cho các chương trình như khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường khả năng làm việc từ xa và giúp người thất nghiệp tìm được việc làm trong các công ty có mô hình kinh doanh khả thi.

Nhưng những bất đồng giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa về những chương trình tài trợ đã góp phần vào sự bế tắc trong việc thông qua một dự luật kích thích kinh tế khác ở Mỹ.

Trong một nỗ lực khác nhằm khôi phục dự luật cứu trợ, Thượng viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo sẽ bỏ phiếu về một gói kích thích mới, mặc dù không có khả năng nhận được 60 phiếu cần thiết hoặc nhận được sự ủng hộ trong Hạ viện do Đảng Dân chủ lãnh đạo.

Cần một gói kích thích mới để vực dậy nền kinh tế Mỹ

new-york-city-brooklyn-bridge-and-manhattan-skyline

Gói kích thích mới được kỳ vọng sẽ vực dậy nền kinh tế Mỹ.

Theo số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố, GDP của Mỹ giảm 9,5% trong quý II so với quý đầu tiên, tương đương với mức giảm 32,9% trong cả năm. Đây là mức giảm hằng năm sâu nhất được ghi nhận theo quý kể từ năm 1947. Chi tiêu cá nhân của Mỹ cũng giảm sâu kỷ lục ở mức 34,6% trong cả năm.

Theo BEA, mức sụt giảm GDP trong quý II năm nay của Mỹ cao gấp gần 4 lần con số đỉnh điểm gây ra bởi cuộc khủng hoảng tài chính cách đây hơn 10 năm. Khi đó, GDP Mỹ giảm 8,4% trong quý IV/2008.

Đồng thời, đây cũng là mức giảm kỷ lục của nền kinh tế số một thế giới, dù các chuyên gia được Dow Jones khảo sát cho rằng, con số này có thể lên tới 34,7%. Được biết, mức giảm gần nhất với con số nói trên là vào quý II/2020, khi GDP của Mỹ lao dốc 28,6%.

"Số liệu cho thấy kinh tế bị rơi vào hố sâu và tối thế nào trong quý II. Chúng ta sẽ thoát ra khỏi nó nhưng phải mất rất nhiều thời gian", Mark Zandi, kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics nhận xét.

Suy giảm mạnh trong tiêu dùng cá nhân, xuất khẩu, đầu tư, chi tiêu của chính quyền các bang và địa phương cùng tác động để kéo GDP đi xuống. Trong đó, tiêu dùng cá nhân - thường chiếm khoảng hai phần ba GDP giảm kỷ lục 34,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, FED cũng dự báo tăng trưởng cả năm nay là khoảng âm 11%. Đà lao dốc này của GDP được nhận định có thể tăng áp lực lên Nhà Trắng trong quá trình phê duyệt gói kích thích kinh tế thứ hai.

Mặc dù vậy, bất chấp đại dịch COVID-19 và tình thế bế tắc trong cuộc đàm phán về gói kích thích tại Washington, đà hồi phục của thị trường lao động Mỹ đã kéo dài sang tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 8/2020, mở ra hy vọng cho nền kinh tế Mỹ.

Theo đó, trong tháng 8/2020, nền kinh tế Mỹ có thêm 1,37 triệu việc làm, Bộ Lao động Mỹ cho biết trong ngày 4/9. Tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh hơn dự báo, giảm gần 2 điểm phần trăm xuống 8,4%.

Đây là mức thấp nhất kể từ đợt phong tỏa kinh tế trong tháng 3/2020. Trước đó, các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones đã dự báo rằng, Mỹ sẽ có thêm 1,32 triệu việc làm và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 9,8%.

Bản báo cáo của Bộ Lao động còn chỉ ra rằng sau gần 6 tháng đại dịch COVID-19 hoành hành tại Mỹ, nền kinh tế mới bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. Tại thời điểm này, các cơ sở kinh doanh, công ty vẫn đang chật vật tìm cách duy trì hoạt động khi mà số ca nhiễm vẫn còn cao, nhưng đang dần được kiểm soát.

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đang giảm, song nhiều khu vực vẫn chưa thể tạo ra việc làm khi những người chủ luôn có tâm lý lo sợ bệnh dịch sẽ bùng phát trở lại.

Theo các chuyên gia, do dịch COVID-19 mà tốc độ phát triển nền kinh tế Mỹ đã giảm 30% so với mọi năm, nhưng mọi chuyện đang dần trở lại quỹ đạo khi các tiểu bang đã bắt đầu lên các kế hoạch mở cửa theo từng giai đoạn cũng như dần nới lỏng các giới hạn.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ