[Gặp gỡ thứ Tư] TS. Võ Trí Thành: Xuất siêu lớn, đừng vội mừng!

Nhàđầutư
TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, không nên chỉ nhìn vào con số xuất siêu lớn để thấy thành tích mà cần nhìn vào con số nhập khẩu giảm mạnh để lo ngại.
N.THOAN
21, Tháng 02, 2024 | 07:25

Nhàđầutư
TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, không nên chỉ nhìn vào con số xuất siêu lớn để thấy thành tích mà cần nhìn vào con số nhập khẩu giảm mạnh để lo ngại.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 1/2024 ước đạt 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 42%; nhập khẩu ước đạt 30,65 tỷ USD, tăng 33,3%; xuất siêu ước đạt 2,92 tỷ USD.

Đây là mức tăng kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ tháng 4/2022. So với mức tăng trưởng âm năm 2023, tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu cũng cho thấy dấu hiệu khởi sắc, mang tới kỳ vọng tươi sáng hơn cho bức tranh kinh tế 2024.

Năm 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu tăng 6% so với 2023, ước kim ngạch 375,8 tỷ USD. Để có thêm góc nhìn về bức tranh xuất nhập khẩu 2024, Nhadautu.vn đã có cuộc trò chuyện với TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranhvề cả cơ hội và thách thức.

Empty

TS. Võ Trí Thành. Ảnh: Trọng Hiếu.

NHIỀU ĐIỂM SÁNG ĐỂ HY VỌNG

Ông đánh giá thế nào về con số xuất siêu 2,92 tỷ USD trong tháng 1/2024 và bức tranh xuất nhập khẩu cả năm?

TS. Võ Trí Thành: Tôi cho rằng có thể dùng từ "hy vọng" cho hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024.

Theo đó, xuất khẩu phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu của thị trường, bối cảnh thế giới thực tế còn nhiều trắc trở nhưng vẫn có những điểm sáng để kỳ vọng.

Cụ thể, nhu cầu của thị trường được thể hiện qua con số tăng trưởng kinh tế. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, tình hình kinh tế thế giới, trong đó có các đối tác lớn của Việt Nam sẽ có những thay đổi so với năm 2023 nhưng nhìn chung là quá trình hồi phục còn nhiều trắc trở và mức tăng trưởng trung bình vẫn còn thấp hơn mức trung bình của chục năm (2012-2022) trở lại đây.

Theo dự báo của IMF (Quỹ tiền tệ Quốc tế) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 là 3,1% - nhỉnh hơn một chút so với 2023. Điều này mang lại hy vọng nhu cầu của thế giới sẽ phục hồi ít nhiều.

Điểm thứ 2 mang tới kỳ vọng là sau thời gian trì trệ, lưu kho của doanh nghiệp giảm và nhu cầu có thể nhúc nhích trở lại. Trong chừng mực nhất định, điều này phản ánh qua Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 1/2024 đã tăng lên trên 50 điểm. Đơn đặt hàng của một số ngành như dệt may, da giầy cũng cho thấy dấu hiệu tốt lên, nhiều doanh nghiệp lớn cho biết đã có đơn đặt đến hàng để hết quý I/2024.

Tuy nhiên, con số kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1/2024 không có nhiều ý nghĩa khi so với cùng kỳ. Có lẽ phải đợi số liệu tháng 2 hoặc quý I/2024, vì năm 2023 Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1, còn năm nay Tết Nguyên đán lại rơi vào tháng 2 (thời gian nghỉ tết kéo dài sẽ ảnh hưởng tới các chỉ số khi so sánh).

Về con số xuất siêu lớn, từ năm 2023 đến tháng 1/2024, xuất siêu là tốt trên góc độ góp phần giúp lành mạnh cán cân thanh toán quốc tế, giảm sức ép lên tỷ giá. Nhưng nếu nhìn sâu vào con số thì lại thấy đáng lo vì nhập khẩu giảm mạnh.

Theo đó, trong 4 nhóm hàng nhập khẩu thì nhóm hàng tiêu dùng chỉ chiếm 7-8%, sau đó là nhóm nhiêu liệu. Hai nhóm còn lại và lớn nhất là đầu vào sản xuất, hàng trung gian nhưlinh kiện, thiết bị máy móc sụt giảm phản ảnh môi trường kinh doanh chưa tốt, ít đơn hàng. Gắn với đó là năng lực sản xuất và cả năng lực xuất khẩu, đầu tư sẽ suy giảm. Điều này đã được thể hiện phần nào qua con số đầu tư tư nhân năm 2023 chững lại.

Về cơ bản, xuất nhập khẩu năm 2024 vẫn có những điểm sáng để hy vọng như đầu tư FDI tiếp tục giữ được đà đi lên (cả cam kết và giải ngân) do bối cảnh dịch chuyển chỗi cung ứng, việc nâng cấp các quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam trong năm 2023 và việc mở rông thị trường thông qua thực thi các FTA... Tiếp đó là nỗ lực cảm thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là gắn với xu thế mới như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh và kinh tế số. Thị trường ấm lên cũng khiến niềm tin dần quay trở lại. Điều này cũng mang tới kỳ vọng đầu tư tư nhân năm 2024 sẽ hứng khởi lên một chút.

Dự báo năm 2024 xuất siêu sẽ không lớn như năm ngoái. Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% thể hiện sự thận trọng nhưng để đạt được vẫn cần sự nỗ lực rất lớn.

CHUYỂN ĐỔI XANH ĐÃ LÀ "CƠM ÁO, GẠO TIỀN"

Một trong những vấn đề đặt ra cho xuất khẩu ngay từ năm 2024 là chuyển đổi xanh. Đây có thể là vấn đề sống còn của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Trong bối cảnh hiện tại, ông có cho rằng, xuất khẩu càng thêm khó?

TS. Võ Trí Thành: Chuyển đổi xanh hiện nay đã không chỉ còn là chuyện của những cam kết chính trị ở tầm chiến lược quốc gia mà nó đang trở thành đòi hỏi của thị trường, được dẫn dắt bởi thị trường và là vấn đề sống còn, là "cơm áo, gạo tiền" của doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo đó, vấn đề chuyển đổi xanh có mặt ở rất nhiều các hiệp định, cam kết của các quốc gia, như các hiệp định thương mại tự do (FTA) chất lượng cao, EVFTA (EU - Việt Nam)… Tuy nhiên không phải chỉ vì cam kết phải thực thi mà hiện chuyển đổi xanh đã trở thành lối sống, thành xu hướng tiêu dùng hiện đại.

Đã có rất nhiều thị trường đòi hỏi sản phẩm phải xanh, an toàn, nhân văn, chưa nói đến cá tính. Xu hướng này ngày càng gia tăng và trở nên mạnh mẽ bởi sự tăng nhanh của tầng lớp trung lưu và giới trẻ.

Chuyển đổi xanh hiện nay đã không chỉ còn là chuyện của những cam kết chính trị ở tầm chiến lược quốc gia mà nó đang trở thành đòi hỏi của thị trường, được dẫn dắt bởi thị trường và là vấn đề sống còn, là "cơm áo, gạo tiền" của doanh nghiệp xuất khẩu.

TS. VÕ TRÍ THÀNH

Để đáp ứng xu hướng này, rất nhiều nước đòi hỏi trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cả chuỗi cung ứng đều phải đáp ứng những tiêu chuẩn cao, tiêu chuẩn mới về xanh, tuần hoàn, chứ không chỉ thuần túy là vệ sinh an toàn thực phẩm. Các mô hình kinh doanh đòi hỏi phải đáp ứng yêu cầu tiết kiệm nguyên vật liệu, tài nguyên, ít khí thải, tăng độ bền của sản phẩm…

Chuyển đổi xanh với Việt Nam vừa là thách thức nhưng vừa là không gian, cơ hội tạo động lực phát triển mới. Bắt đầu từ năm nay và đặc biệt 1-2 năm tới, các nước phát triển bắt đầu thực hiện áp dụng các quy tắc mới này và chúng ta buộc phải chuẩn bị để đáp ứng.

Nền tảng chính là ESG - một bộ chỉ số trong những thước đo về sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đi cùng với việc đáp ứng bộ chỉ số ESG là yêu cầu về đo lường, báo cáo phát thải, tham gia thị trường mua - bán carbon... Điều này cũng đòi hỏi chuẩn bị tầm nhìn chính sách tương ứng với các tiêu chuẩn mới.

Hiện nay đứng về cam kết chính trị, chiến lược chúng ta đã có, cũng đã và đang thực hiện chuyển đổi xanh. Tuy nhiên thực tế còn khá chậm và cần đẩy nhanh hoàn thiện các khung khổ pháp lý liên quan tới tiêu chí xanh, kinh tế tuần hoàn, tài chính xanh... gắn với nỗ lực đáp ứng tiêu chí của các nước là thị trường xuất khẩu chính.

Ông có cho rằng, khái niệm tài chính xanh ở Việt Nam hiện còn khá mơ hồ và không được chú trọng đúng mức?

TS. Võ Trí Thành: Việt Nam đã có những sản phẩm tài chính xanh, như trái phiếu xanh, tín dụng xanh… Bộ Tài chính cũng đã có hướng dẫn về trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững. Ngân hàng Nhà nước cũng có những quyết định về phát triển ngân hàng xanh. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có hướng dẫn, đào tạo về cổ phiếu xanh, ESG… Tuy nhiên, hiện nay quy mô tài chính xanh còn khá nhỏ.

Một bên là áp lực quốc tế, một bên là đòi hỏi của thị trường, xu hướng chuyển đổi xanh là tất yếu. Nhưng để chuyển đổi xanh, tài chính xanh thực sự có ý nghĩa như kỳ vọng thì những việc phải làm còn ngồn ngộn ở phía trước. Từ chính sách, cơ chế, tiêu chí thế nào là xanh cho đến nguồn lực ở đâu. Bên cạnh đó còn phải có sự phối hợp với các tổ chức quốc tế, hài hòa hóa các tiêu chuẩn quốc tế, quy chuẩn và công nhận lẫn nhau về sản phẩm…

Để làm được những điều này, đòi hỏi phải rất quyết đoán, quyết liệt. Có nhiều điều mới mà cả mình và thế giới còn đang phải tìm hiểu, học hỏi để làm. Nếu không thay đổi cách thức quản trị, không tạo ra được môi trường để cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, cộng với đó là một hệ thống động lực cho bộ máy thì rất khó.

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ