[Gặp gỡ thứ Tư] Làm gì để sử dụng hiệu quả dòng vốn FDI?

Nhàđầutư
Một quốc gia muốn tăng trưởng và phát triển, ngoài việc phải thu hút vốn đầu tư nước ngoài, còn phải sử dụng có hiệu quả dòng vốn đầu tư đó.
HOÀNG VĂN
09, Tháng 09, 2020 | 07:05

Nhàđầutư
Một quốc gia muốn tăng trưởng và phát triển, ngoài việc phải thu hút vốn đầu tư nước ngoài, còn phải sử dụng có hiệu quả dòng vốn đầu tư đó.

Với bất kỳ quốc nào, nguồn vốn luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng và cần thiết trong quá trình phát triển kinh tế cũng như giải quyết các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội.

Nguồn vốn để phát triển kinh tế có thể được huy động ở trong nước hoặc từ nước ngoài, nhưng nguồn vốn trong nước thường có hạn nhất định, nên nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng giữ vai trò quan trọng, nhất là đối với những nước đang phát triển như Việt Nam. Bên cạnh việc thu hút dòng vốn FDI chất lượng từ nước ngoài, việc sử dụng có hiệu quả vốn FDI cũng vô cùng quan trọng.

Xung quanh vấn đề này, Nhadautu.vn có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Ngô Minh Kiểm - Vụ trưởng Vụ Chế độ & Kiểm soát chất lượng kiểm toán thuộc Kiểm toán Nhà nước.

Chính sách mở cửa để thu hút FDI trong hơn 30 năm qua của Việt Nam đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức độ cao và mang lại nhiều kết quả tích cực, ông có thể chia sẻ khái quát những kết quả này?

Ông Ngô Minh Kiểm: Số dự án FDI đăng ký mới, bổ sung thêm vốn và các lượt góp vốn tăng nhanh qua các năm, cả về số lượng lẫn giá trị, góp phần giải quyết công ăn việc làm và thúc đẩ̉y tăng trưởng kinh tế.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm ngoái. Trong đó, vốn đăng ký mới là 16,75 tỷ USD, vốn tăng thêm là 5,8 tỷ USD, còn vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần là 15,47 tỷ USD. Tính chung 10 năm, từ năm 2009 đến 2019, vốn FDI giải ngân qua các năm có chiều hướng tăng, tốc độ tăng bình quân đạt 9-10%/năm.       

ngo-minh-kiem

Thạc sĩ Ngô Minh Kiểm - Vụ trưởng Vụ Chế độ & Kiểm soát chất lượng kiểm toán thuộc Kiểm toán Nhà nước. Ảnh: PV.

Ngoài ra, lĩnh vực tham gia đầu tư của các doanh nghiệp FDI hiện khá đa dạng, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực của Việt Nam. Trong đó tậ̣p trung nhiều nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 12 tỷ USD, chiếm 71,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư 1,38 tỷ USD, chiếm 8,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 864 triệu USD, chiếm 5,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Có thể khẳng định rằng khu vực FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam khi đóng góp khoảng 20% GDP, 45% sản lượng công nghiệp, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lớn nhân công xã hội. Đóng góp ngân sách Nhà nước của khu vực FDI vì vậy cũng tăng dần theo thời gian, từ 2,8 tỷ USD trong giai đoạn 1994-2000 lên khoảng 14,2 tỷ USD trong 10 năm từ 2001-2010, riêng năm 2016 là 6 tỷ USD.

Vậy hạn chế trong thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay là gì thưa ông?

Ông Ngô Minh Kiểm: Hạn chế đầu tiên là chưa khai thác được hết tiềm năng và thế mạnh của doanh nghiệp FDI thu hút vào lĩnh vực nhà nước đang có chính sách thu hút, chưa tạo được sự phát triển lan tỏa ra các ngành.

Vì mục tiêu lợi nhuậ̣n, doanh nghiệp FDI thường đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mang lại lợi nhuậ̣n cao, gồm: kinh doanh bất động sản, khai thác tài nguyên nhiên nhiên, gia công, lắp ráp sản phẩm sử dụng nhiều lao động.

Thứ hai, các địa bàn kém phát triển gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư do những hạn chế về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực. Trong khi đó, các vùng có kết cấu hạ tầng tốt, có tỷ lệ lao động được đào tạo cao vẫn tiếp tục là những địa phương có tỷ trọng thu hút vốn FDI cao nhất ở Việt Nam.

Thứ ba, sự chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI chưa như kỳ vọng. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hầu hết các nhà đầu tư FDI vào Việt Nam là từ các nước châu Á, có công nghệ và kỹ thuậ̣t ở mức trung bình. Cụ thể, 80% doanh nghiệp FDI có công nghệ trung bình, 14% công nghệ thấp và lạc hậ̣u, 6% là công nghệ cao.

Các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam thường có các nhà cung cấp truyền thống, rất ít các doanh nghiêp Việt Nam đáp ứng đủ điều kiện cho doanh nghiệp FDI. Thậm chí có doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư tại Việt Nam phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất với tỉ lệ lên tới 95%.

Thứ tư, còn tình trạng chuyển giá, báo lỗ của các doanh nghiệp FDI gây thất thu cho ngân sách. Trong đó, nhiều doanh nghiêp FDI liên tục báo lỗ nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, doanh thu vẫn liên tục tăng trưởng cho thấy có dấu hiệu của hiện tượng chuyển giá như Coca-Cola Việt Nam, siêu thị Metro Việt Nam.

Việc chuyển giá thực hiện theo nhiều hình thức và rất phức tạp - chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản, cung cấp dịch vụ, vậ̣t tư, nguyên liệu; chi trả chi phí lãi vay giữa công ty mẹ ở nước ngoài và công ty con tại Việt Nam; kê khai nhiều tại địa bàn ưu đãi nhưng giảm tại các địa bàn khác - nhưng đến nay chưa có chính sách hữu hiệu để khắc phục tình trạng này.

Thứ năm, tình trạng trục lợi từ chính sách ưu đãi thu hút FDI vẫn diễn ra. Cụ thể, do chính sách ưu đãi thuế có thời hạn, ưu đãi về thời gian miễn giảm thuế có xu hướng thu hút các dự án đầu tư ngắn hạn, thay vì các dự án đầu tư dài hạn và sau khi hết kỳ hạn ưu đãi thuế, doanh nghiệp FDI có xu hướng thay đổi dự án đầu tư hiện tại thành dự án mới về mặt pháp lý, để tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế.

Thứ sáu, ảnh hưởng đến môi trường. Ô nhiễm môi trường nước do nước thải từ KCN trong những năm gần đây là rất lớn, có khoảng 62% các khu công nghiệp (KCN) đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tậ̣p trung nhưng hiệu quả không cao, dẫn đến tình trạng 75% nước thải KCN thải ra ngoài với lượng ô nhiễm cao.

Điển hình là khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương - khu vực tậ̣p trung nhiều KCN và dự án FDI lớn nhất cả nước. Dù tỷ lệ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung ở khu vực này khá cao, nhưng tình trạng vi phạm các qui định về môi trường vẫn thường xuyên xảy ra.

Đa số các doanh nghiệp hiện nay đều dùng các thủ đoạn tương tự nhau, xây dựng hệ thống ngầm kiên cố xả thẳng ra sông, rạch, hoặc lợi dụng thủy triều lên xuống để pha loãng nước thải chưa qua xử lý đưa ra môi trường như Veedan, Công ty Cổ phần Sonadezi Long Thành - Đồng Nai.

Cuối cùng, còn tình trạng dự án FDI chậm tiến độ, doanh nghiệp bỏ trốn gây hệ lụy cho xã hội. Ví dụ, sự việc Công ty Kỹ nghệ J&V bỏ trốn để lại khoản nợ 500-600 triệu đồng, Công ty TNHH Sina imtech ở Hưng Yên nợ BHXH 620 triệu đồng.

Ông có đề xuất giải pháp gì nhằm nâng cao hiệu quả thu hút FDI thời gian tới?

Ông Ngô Minh Kiểm: Về chính sách đất đai, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luậ̣t liên quan đến đất đai phục vụ cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là việc tiếp tục ban hành các văn bản dưới luật để cụ thể hoá ba quyền của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam về đất đai là quyền chuyển nhượng, quyền cho thuê và quyền thế chấp.

Tiếp đó, cần hình thành bộ máy xử lý nhanh chóng và có hiệu quả các vấn đề liên quan đến đất đai trong đầu tư nước ngoài như vấn đề thủ tục cấp đất, đền bù, giải toả, giải phóng mặt bằ̀ng và việc bảo đảm tính ổn định của khu đất được sử dụng cho đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động qui hoạch đất đai dành cho đầu tư nước ngoài, trước hết ở các thành phố lớn và các vùng kinh tế động lực, tiếp theo là các tỉnh trong cả nước. Trong đó, công tác phân vùng, qui hoạch vùng giành cho hoạt động đầu tư nước ngoài cần thống nhất cách thức cấp đất và giải phóng mặt bằ̀ng với khung chi phí phù hợp.

FDI

Bên cạnh việc thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng từ nước ngoài, việc sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư đó cũng vô cùng quan trọng. Ảnh: PV.

Bên cạnh đó, cần chủ động chuẩn bị cơ sở hạ tầng và các yếu tố đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giải phóng mặt bằ̀ng phải đi trước để tạo điều hiện cho các dự án đã cấp giấy phép cho nhà đầu tư thực hiện đúng tiến độ.

Cuối cùng, cần phải có chính sách xử lý đối với các nhà đầu tư ôm đất nhưng không triển khai dự án.

Về chính sách thuế và tài chính, trước hết cần hoàn thiện pháp luậ̣t về chống chuyển giá theo nguyên tắc bảo đảm minh bạch, công bằng - tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước – thông qua việc quy định rõ hình thức bị coi là vi phạm về chuyển giá.

Về phía cơ quan thuế cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế, giá cả các loại hàng hóa của doanh nghiệp làm cơ sở so sánh, rồi xây dựng phương pháp xác định thống nhất tạo điều kiện cho các công ty áp dụng thuận lợi. Cuối cùng, cần quy định chế tài xử lý thích đáng với các hành vi vi phạm...

Các cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về thuế nhằm giải quyết nhanh vấn đề thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài, đảm bảo việc chuyển lợi nhuận về nước thuận tiện, việc góp vốn cũng được thuận lợi dễ dàng.

Theo tôi, chủ động thu hút nhiều hơn nguồn vốn nước ngoài, chúng ta không nhất thiết phải ấn định tỷ lệ nguồn vốn, như vậy mới có thể tranh thủ mọi nguồn vốn chất lượng cho phát triển đất nước. Bên cạnh đó, cần ban hành chính sách thu phí thống nhất để tránh tình trạng thu phí bất hợp lý và không quản lý được, thu phí tuỳ tiện ở các địa phương.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25100.00 25120.00 25440.00
EUR 26325.00 26431.00 27607.00
GBP 30757.00 30943.00 31897.00
HKD 3164.00 3177.00 3280.00
CHF 27183.00 27292.00 28129.00
JPY 159.58 160.22 167.50
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18186.00 18259.00 18792.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 17956.00 18028.00 18551.00
NZD   14666.00 15158.00
KRW   17.43 19.02
DKK   3535.00 3663.00
SEK   2264.00 2350.00
NOK   2259.00 2347.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ