[Gặp gỡ thứ Tư] Chủ tịch HĐQT Shinec: Làm khu công nghiệp không phải chỉ có cho thuê đất

Nhàđầutư
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, chủ đầu tư khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã tìm ra "lối thoát hiểm" khi chuyển mình từ mô hình truyền thống sang mô hình khu công nghiệp sinh thái và đã đạt được những thành quả nhất định với bước chuyển này.
ĐỖ HOÀNG
20, Tháng 09, 2023 | 07:00

Nhàđầutư
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, chủ đầu tư khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã tìm ra "lối thoát hiểm" khi chuyển mình từ mô hình truyền thống sang mô hình khu công nghiệp sinh thái và đã đạt được những thành quả nhất định với bước chuyển này.

Từ định hướng ban đầu là KCN phục vụ ngành đóng tàu, KCN Nam Cầu Kiền đã tự chuyển sang mô hình khu công nghiệp sinh thái (KCNST) không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn gắn với bảo vệ môi trường.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Shinec, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền (huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) đã chia sẻ với Nhadautu.vn về quá trình chuyển mình xây dựng mô hình KCNST giúp doanh nghiệp vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường.

Chuyển từ phụ trợ đóng tàu sang KCNST

KCN Nam Cầu Kiền định hướng là công nghiệp phụ trợ đóng tàu tại sao doanh nghiệp lại chuyển hướng sang mô hình KCNST?

Ông Phạm Hồng Điệp: Định hướng phát triển ban đầu của chúng tôi là đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp với diện tích hơn 268 ha, phục vụ các ngành công nghiệp đóng tàu cảng, cơ khí và thủ công mỹ nghệ. Ngành đóng tàu ở Hải Phòng vốn rất phát triển nhưng hơn chục năm trước, ngành đóng tàu lao dốc, sản phẩm không tiêu thụ được, thua lỗ kéo dài, nợ nần chồng chất, người lao động không có việc làm. Cơ cấu ngành giảm sút nghiêm trọng, việc thu hút đầu tư ngành nghề phục vụ đóng tàu bị ngưng trệ, nhà đầu tư cơ sở hạ tầng như chúng tôi cũng gián tiếp chịu ảnh hưởng to lớn này.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, Chủ đầu tư KCNST Nam Cầu Kiền

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Shinec - Chủ đầu tư KCNST Nam Cầu Kiền

Từ thực trạng khó khăn trong lĩnh vực tàu thuỷ, trên cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi thế của địa phương, chúng tôi xác định phải thu hút nhà đầu tư thứ phát theo hướng xây dựng KCN xanh, KCNST. Nam Cầu Kiền đã chuyển hướng thu hút các ngành công nghiệp xanh, thân thiện hơn với môi trường. Bước chuyển đó đã tháo gỡ nhiều khó khăn và đem lại nhiều hiệu quả tích cực về nhiều mặt.

Mặc dù không nằm trong danh sách các KCN được thí điểm làm KCNST nhưng Nam Cầu Kiền đã tự chuyển mình trở thành KCNST, vậy Nam Cầu Kiền phải tự hoàn thiện theo tiêu chí này như thế nào?

Ông Phạm Hồng Điệp: Nhận thấy lợi ích về kinh tế - xã hội, môi trường mang lại của mô hình KCNST, nhiều KCN đã bắt đầu tìm hiểu và định hướng chuyển đổi mô hình. Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 82 (nay là Nghị định 35/2022/NĐ-CP) về "Quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế" trong đó có các tiêu chí xác định KCNST. Đây là văn bản pháp lý tại Việt Nam đặt nền móng cho việc chuyển đổi KCN thông thường sang KCNST.

Lúc đó, đã có những dự án được cấp kinh phí lớn từ các chương trình KCNST toàn cầu do Bộ KH&ĐT phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) nhằm triển khai xây dựng KCNST tại các KCN thí điểm chuyển đổi ở Việt Nam.

Do quá mới mẻ, việc triển khai thực hiện KCNST là vấn đề vô cùng khó, đầy thách thức và rủi ro. Ngoài chưa có kinh nghiệm, việc triển khai xây dựng còn liên quan rất nhiều đến chi phí, lợi ích giữa chủ đầu tư KCN và các nhà đầu tư thứ cấp, giữa các doanh nghiệp trong mô hình chuỗi cộng sinh tuần hoàn, giữa khả năng xử lý nguồn thải, khả năng sản xuất năng lượng mới với công nghệ tiên tiến, cơ chế chính sách.

Nhận thức rõ các khó khăn này, mặc dù không nằm trong dự án nhận được sự hỗ trợ chuyển đổi, nhưng CTCP Shinec - chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền, đã quyết tâm đi tiên phong nghiên cứu triển khai thí điểm xây dựng KCNST. Đây là một trong những dự án sẽ thúc đẩy phát triển xanh của Hải Phòng, đặc biệt, nếu thành công sẽ là mô hình điểm để triển khai xây dựng các KCN khác trên toàn quốc.

Nam Cầu Kiền đã học tập, nhận chuyển giao công nghệ để xây dựng mô hình KCNST từ đâu?

Ông Phạm Hồng Điệp: Qua tìm hiểu các mô hình tiên tiến của các nước phát triển, Nam Cầu Kiền đã lựa chọn Mạng lưới Ecotown của thành phố Kitakyushu – Nhật Bản để học hỏi  xây dựng mô hình KCNST. Năm 2019, chúng tôi đã đưa cán bộ phụ trách môi trường sang tham quan học hỏi kinh nghiệm từ Cục Môi trường Kitakyushu – Nhật Bản. Đồng thời, đại diện KCN cùng với lãnh đạo 11 nhà đầu tư trong KCN sang thành phố Kitakyushu tham quan mô hình Mạng lưới Ecotown và một số cơ sở tái chế rác thải, làm việc với Trung tâm giảm thiểu Carbon khu vực Châu Á thành phố Kitakyushu thuộc Cục Môi trường Kitakyushu, nhờ họ chuyển giao công nghệ giúp Nam Cầu Kiền xây dựng KCNST.

Nam Cầu Kiền đã có nhiều hoạt động trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, tổ chức các hoạt động, hội thảo truyền thông, tuyên truyền, kết nối xúc tiến đầu tư cũng như cung cấp các giải pháp chuyển đổi công nghệ xanh cho các doanh nghiệp, từng bước thực hiện cắt giảm vận hành Carbon, góp phần thực hiện hoá mục tiêu Zero Carbon vào 2050 của Việt Nam.

Mô hình KCNST có gì hấp dẫn?

Đầu tư KCNST phải giảm diện tích đất công nghiệp, tăng diện tích cây xanh, cảnh quan, đồng nghĩa nguồn thu từ cho thuê đất giảm đi, vậy Nam Cầu Kiền bù đắp nguồn thu này như thế nào?

Ông Phạm Hồng Điệp: Nguồn thu bị suy giảm một phần trong thời gian ngắn nhưng sẽ hiệu quả trong dài kỳ, chứ không chỉ xét riêng về diện tích đất cho thuê bị giảm. Bởi khi xây dựng KCNST sẽ giúp giảm thiểu đầu tư các công trình và mang tới một môi trường đầu tư có nhiều lợi thế.

Nam Cầu Kiền cung cấp môi trường làm việc lý tưởng cho doanh nghiệp, trọng tâm là tìm kiếm nhiều cơ hội đầu tư gắn với bảo vệ môi trường. Môi trường sản xuất kinh doanh cũng là một yếu tố đánh giá chất lượng sản phẩm mà khách hàng mong muốn. Đây cũng là lựa chọn ưu tiên của Nam Cầu Kiền trong tìm kiếm đầu tư, giá thuê đất đạt mức cao hơn so với thị trường, giá trị bất động sản và dịch vụ hậu mãi khu vực cũng tăng cao, phát triển thêm các nguồn thu phụ….

Chuyển hướng theo mô hình KCN sinh thái, sức thu hút nhà đầu tư thứ phát của Nam Cầu Kiền được cải thiện như thế nào?

Ông Phạm Hồng Điệp: KCNST có sức hút đối với các doanh nghiệp đầu tư vì ngoài các yếu tố về dịch vụ, hạ tầng giao thông thuận tiện, nó còn tạo ra một môi trường kinh doanh bền vững và những lợi ích đặc biệt. Cụ thể, KCNST tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt, đảm bảo các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Việc đầu tư trong một KCN sinh thái sẽ giúp các doanh nghiệp xây dựng hình ảnh bền vững và đáp ứng yêu cầu của khách hàng về môi trường.

Khu vườn Nhật Bản trong KCNST Nam Cầu Kiền

Khu vườn Nhật Bản trong KCNST Nam Cầu Kiền

Chúng tôi có các chương trình trao đổi học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước, kết nối các giải pháp công nghệ, ứng dụng kỹ thuật cho các doanh nghiệp cải thiện sản xuất, cắt giảm CO2, khai thác điện mặt trời để chuyển đổi dần sang năng lượng xanh. Điều này giúp giảm chi phí sản xuất và hoạt động của doanh nghiệp, tạo ra lợi thế cạnh tranh và thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp có mục tiêu tiết kiệm tài nguyên.

Trong KCNST Nam Cầu Kiền đã hình thành nên các vòng tuần hoàn với các chuỗi cộng sinh, việc tổ chức chuỗi cộng sinh được triển khai ra sao?

Ông Phạm Hồng Điệp: Triển khai chuỗi cộng sinh công nghiệp là quá trình xây dựng và quản lý một mạng lưới cung ứng chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và tổ chức trong ngành công nghiệp. Trong đó sẽ có các hoạt động thống kê thông tin, trao đổi kết nối, tìm kiếm thị trường tiềm năng cũng như tìm kiếm mở rộng mạng lưới cộng sinh từng ngành với khách hàng mới hoặc liên kết vùng, liên kết các KCN…

Mỗi vòng cộng sinh đều có những đặc điểm, thế mạnh, tiềm năng khác nhau, việc cần quản lý hiệu quả vòng cộng sinh sẽ xây dựng mối quan hệ và hợp đồng với nhiều đối tác. Tôi cho rằng vai trò của chủ đầu tư KCN rất quan trọng khi vừa giữ vai trò trách nhiệm của mạng lưới cộng đồng doanh nghiệp, vừa tìm kiếm các cơ hội vừa đưa ra những tiêu chí phù hợp nhất để quản lý hiệu quả giúp phát triển KCN, nâng cao thương hiệu.

Các chuỗi cộng sinh trong KCNST đem lại những hiệu quả gì cho nhà đầu tư thứ cấp cũng như đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, thưa ông?

Ông Phạm Hồng Điệp: Triển khai chuỗi cộng sinh công nghiệp mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho các doanh nghiệp và tổ chức trong ngành công nghiệp. Chuỗi cộng sinh giúp tăng cường hiệu quả sản xuất và cung ứng hàng hóa nhờ vào sự hợp sức của từng doanh nghiệp tham gia vào chu trình sản xuất ngành cộng sinh, tận dụng kinh nghiệm, công nghệ sẵn có từng bên, giảm chi phí đầu tư bất động sản của từng dự án riêng lẻ.

Chuỗi cộng sinh công nghiệp giúp giảm thiểu lãng phí trong quá trình sản xuất và cung ứng hàng hóa. Nó giúp giảm thiểu số lượng hàng tồn kho không cần thiết, tránh lãng phí sản phẩm và gia tăng tính cạnh tranh. Nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa các đối tác trong chuỗi cung ứng đã giúp kiểm soát chất lượng của toàn bộ quá trình sản xuất. Chất thải được thu gom, xử lý trong ngày, giúp doanh nghiệp không tốn chi phí đầu tư diện tích lưu chứa và giảm chi phí xử lý.

Chuỗi cộng sinh công nghiệp giúp nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, các doanh nghiệp có thể cung cấp sản phẩm và dịch vụ với chi phí thấp hơn và thời gian giao hàng nhanh hơn. Doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá vào các thị trường lớn trên thế giới với các điều kiện khắt khe sẽ thuận lợi hơn vì đáp ứng các đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện về phát triển bền vững.

Vừa tạo cảnh quan vừa bảo vệ môi trường

KCNST Nam Cầu Kiền không chỉ gắn với kinh tế tuần hoàn mà luôn chú trọng phát triển không gian sinh thái. Điều này giúp giảm thiểu sự phát thải trong sản xuất công nghiệp như thế nào?

Ông Phạm Hồng Điệp: Chúng tôi xây dựng hạ tầng xanh, sinh thái đi đôi với trách nhiệm bảo vệ môi trường tạo động lực cho các doanh nghiệp cùng tham gia. Không gian sinh thái không chỉ trong doanh nghiệp, KCN mà còn kết nối cộng đồng xung quanh, phát triển KCNST không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn gìn giữ môi trường sinh thái khu vực.

Cùng với việc giám sát quản lý tốt các doanh nghiệp, KCN đầu tư hệ thống cây xanh, mặt nước, công trình bảo vệ môi trường, đầu tư khai thác năng lượng xanh, nghiên cứu tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên như tái tạo nguồn nước, tái chế chất thải, đã giúp kiểm soát môi trường tầng thứ cấp hiệu quả. Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo, đồng thời, chúng tôi giám sát chặt chẽ hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu cũng như chất thải.

"Kinh doanh trên đất - Trả lại cho đất" là tiêu chí mà Nam Cầu Kiền theo đuổi, phải chăng hệ thống cây xanh, cảnh quan trong KCN sẽ là sự khẳng định cho việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường?

Ông Phạm Hồng Điệp: Trong KCNST Nam Cầu Kiền hiện có 17 tiểu hệ sinh thái chính thuộc 2 nhóm: trên cạn, thủy vực nội địa được tập trung nghiên cứu với số lượng 1.200 loài sinh vật. Hệ sinh thái trên cạn có hàng loạt các vườn cây xanh cảnh quan, hệ thống cây xanh cách ly và hệ thống cây xanh trong khuôn viên các doanh nghiệp.

Bước vào KCN sẽ cảm nhận không khí trong lành, các tuyến hoa dọc theo tuyến đường cùng cây xanh bóng mát kết nối các công trình xanh trong KCN tạo sự hài hoà giữa "công nghiệp" và "sinh thái". Đây có thể coi là minh chứng về môi trường trong lành, đảm bảo sức khoẻ người lao động trong KCN cũng như cộng đồng dân cư.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ