Dự án chống ngập 10.000 tỷ sẽ 'hồi sinh'?

Nhàđầutư
TP.HCM đang đề xuất 3 phương án huy động vốn để sớm "hồi sinh" dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng nằm phơi nắng suốt thời gian qua.
LIÊN THƯỢNG
16, Tháng 10, 2023 | 11:50

Nhàđầutư
TP.HCM đang đề xuất 3 phương án huy động vốn để sớm "hồi sinh" dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng nằm phơi nắng suốt thời gian qua.

Long đong dự án ngàn tỷ đồng

Theo đó, tại văn bản số 4852/UBND-DA, chính quyền TP.HCM cho biết, do dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) kéo dài, tổng mức đầu tư theo ước tính của nhà đầu tư có thể tăng từ 9.976 tỷ đồng (mức đầu tư đã được phê duyệt) lên 13.211 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư cuối cùng do phát sinh sẽ được xác định cụ thể sau khi tính toán, rà soát trách nhiệm các bên liên quan trong việc làm chậm tiến độ hợp đồng.

Trước đó, Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group), chủ đầu tư cho biết, dự án gồm 9 hạng mục công trình thi công hoàn thành từ 85-97% tùy theo hạng mục. Đơn cử như khu vực cống Bến Nghé; Tân Thuận; Phú Xuân; Mương Chuối; Cây Khô; Phú Định đã thi công hoàn tất các hạng mục chính, đạt 95%. Các hạng mục khác đều đang dừng thi công.

Khởi công giữa năm 2016, công trình dự kiến hoàn thành dịp 30/4/2018 giúp kiểm soát ngập do triều, ứng phó biến đổi khí hậu cho diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân phía bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM. Tuy nhiên, sau lần tạm dừng từ tháng 2/2018 đến cuối năm 2020 thì đến nay dự án vẫn chưa được thi công trở lại do những vướng mắc giữa nhà đầu tư và UBND TP.HCM về phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành. Hợp đồng này đã hết hạn từ tháng 6/2020.

Để giải quyết vướng mắc của dự án, Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 kiến nghị UBND TP.HCM sớm làm việc với Ngân hàng Nhà nước để dự án tiếp tục thực hiện. Bởi hàng nghìn tỷ đồng thiết bị nằm bất động phơi nắng, phơi mưa không thể hoàn thiện để đưa vào sử dụng.

Dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng đi qua quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè và Bình Chánh, với 6 cống ngăn triều lớn, rộng 40-160m, gồm: Tân Thuận, Bến Nghé, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định. Dự án cũng làm tuyến đê kè ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh, dài 7,8 km.

Đây là dự án được người dân chờ đợi từ rất lâu bởi ở TP.HCM cứ trời mưa lớn hoặc triều cường là nhiều tuyến đường, khu vực bị ngập nặng nề, khiến việc di chuyển khó khăn. Tuy nhiên, do vướng mắc giữa UBND TP.HCM và nhà đầu tư nên dự án đã tạm ngưng từ lâu, chưa đưa vào sử dụng, gây nên sự lãng phí rất lớn.

ava-du-an-chong-ngap-1828

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TP.HCM nằm bất động suốt thời gian dài do vướng mắc về vốn. Ảnh: Nhadautu.vn

Đề xuất vốn "hồi sinh" dự án

Theo UBND TP.HCM, dự án đang vướng mắc về phương án thanh toán bao gồm thanh toán bằng quỹ đất và bằng tiền. Chính quyền thành phố đã và đang thực hiện nhưng chưa hoàn tất do phát sinh vướng mắc trong việc xác định trách nhiệm của các bên liên quan và lãi vay phát sinh vì chưa xác định được thời gian hoàn thành công trình.

Vì vậy, phía thành phố đề xuất 3 phương án huy động vốn để gỡ vướng cho dự án. Trong đó, phương án được UBND TP.HCM cho là khả thi nhất là phương án 3 vì phù hợp với các quy định của pháp luật.

Theo đó, Quỹ đầu tư phát triển TP.HCM (HFIC) sẽ nhận ủy thác khoảng 1.800 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để cho nhà đầu tư vay thực hiện dự án theo quy định của Nghị định số 147/2020/NĐ-CP. Sau khi công trình được nghiệm thu, TP.HCM sẽ thanh toán cho nhà đầu tư theo đúng hợp đồng BT đã ký, sau đó nhà đầu tư sẽ thanh toán nợ với HFIC rồi HFIC sẽ hoàn trả lại ngân sách Thành phố.

Một phương án khác là chính quyền TP.HCM sẽ thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư khối lượng đã hoàn thành song song cả bằng hình thức trả bằng đất và bằng tiền. Đối với phần giá trị thanh toán bằng tiền, thành phố đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn Ngân hàng BIDV chưa thu nợ, tiếp tục cấp vốn để cho nhà đầu tư hoàn thành dự án. Từ đó, hai bên (thành phố và chủ đầu tư dự án) nghiệm thu, thanh toán phần còn lại theo đúng hợp đồng ký kết.

Một phương án nữa cũng được đề xuất là HFIC cho vay để thực hiện dự án từ nguồn vốn hoạt động của quỹ.

Vì vậy, TP.HCM kiến nghị Tổ Công tác Chính phủ thống nhất nguyên tắc chấp thuận các pháp lý đã được chính quyền thành phố báo cáo tại Nghị quyết số 40/NQ-CP (trong đó bao gồm hợp đồng và các phụ lục hợp đồng đã được ký kết trước thời điểm ban hành Nghị quyết 40/NQ-CP). Các thủ tục thực hiện sau Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 1/4/2021 phải được thực hiện đúng theo quy định pháp luật hiện hành và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

TP.HCM kiến nghị Tổ Công tác Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận áp dụng quy định tại điều 32 của Nghị định số 147/2020/NĐ-CP để Thành phố ủy thác cho HFIC cho vay dự án hoặc Chính phủ chấp thuận ban hành quy định để HFIC nhận ủy thác cho vay từ ngân sách Thành phố dựa trên quy định tại Điều 38 Luật Ngân sách nhà nước.

Đến nay dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng, song không thể tiếp tục thi công do thời gian giải ngân khoản vay tái cấp vốn đã hết hạn từ ngày 30/9/2020 nên Ngân hàng Nhà nước dừng giải ngân cho Ngân hàng BIDV để cấp vốn thực hiện dự án.

Trước đó, như Nhadautu.vn đã thông tin, ngày 11/3, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cùng các sở, ngành kiểm tra thực địa các cống ngăn triều thuộc dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). 

Theo ông Cường, tính tới thời điểm kiểm tra, dự án có nhiều thuận lợi như mặt bằng sạch, nguồn vốn đã được ngân hàng chấp thuận chủ trương tháo gỡ... nên có thể sẽ sớm hoàn thành theo kế hoạch.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26797.00 26905.00 28111.00
GBP 31196.00 31384.00 32369.00
HKD 3185.00 3198.00 3303.00
CHF 27497.00 27607.00 28478.00
JPY 161.56 162.21 169.75
AUD 16496.00 16562.00 17072.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 673.00 676.00 704.00
CAD 18212.00 18285.00 18832.00
NZD   15003.00 15512.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3598.00 3733.00
SEK   2304.00 2394.00
NOK   2295.00 2386.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ