Đổi mới thu hút đầu tư nước ngoài - Bài 2: Lấp lỗ hổng thể chế

Nhàđầutư
Sự sôi động, đa dạng của hoạt động đầu tư hay những tồn tại, hạn chế trong việc thu hút, quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài (ĐTNN) cho thấy một thực tế thể chế, chính sách về ĐTNN chưa theo kịp yêu cầu phát triển.
NHÓM PV
27, Tháng 09, 2019 | 10:23

Nhàđầutư
Sự sôi động, đa dạng của hoạt động đầu tư hay những tồn tại, hạn chế trong việc thu hút, quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài (ĐTNN) cho thấy một thực tế thể chế, chính sách về ĐTNN chưa theo kịp yêu cầu phát triển.

sam-xung-viet-nam

Để hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài cần sớm lấp những lỗ hổng thể chế. Ảnh: Phong Cầm

Thể chế, chính sách chưa bắt kịp thực tế

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thu hút được hơn 351 tỷ USD nguồn vốn ĐTNN, đóng góp khoảng 22-23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đây là con số đầy ấn tượng trong hoạt động thu hút ĐTNN. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì những dự án ĐTNN kém chất lượng, xuất phát từ việc thu hút đầu tư dàn trải, thiếu sự quản lý chặt chẽ đã gây ra những hậu quả không nhỏ đối với nền kinh tế và cả cuộc sống người dân.

Sự cố môi trường biển cách đây 3 năm tại bốn tỉnh miền Trung, hay hàng loạt các dự án đội vốn, chậm tiến độ không biết bao giờ người dân mới được hưởng lợi. Tất cả đều có một điểm chung, đó là các dự án ĐTNN kém chất lượng, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về môi trường và thiệt hại cho nền kinh tế.

Thực tế cho thấy, vì tình hình kinh tế Việt Nam lúc bắt đầu mở cửa rất khó khăn, cần có nguồn vốn đầu tư nước ngoài, do vậy, dẫn đến việc mời gọi đầu tư dàn trải, thiếu chính sách, và điều này đã để lại những hậu quả rất lớn về môi trường, về công nghệ lạc hậu…

Bên cạnh bất cập trên, tình trạng chuyển giá ở các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài đang ngày càng phổ biến. Năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã truy thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng.

Gần đây, tình hình thương mại Mỹ - Trung diễn biến căng thẳng đã phát sinh nhiều vấn đề mới, trong đó có hiện tượng đầu tư núp bóng tại Việt Nam. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, 13 mặt hàng của Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Canada, EU đang bị cơ quan chức năng theo dõi vì sử dụng Việt Nam là nước xuất khẩu để lẩn tránh thuế.

Đánh giá hiện trạng này, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới, sẽ siết chặt các hoạt động cấp giấy chứng nhận xuất xứ, đồng thời kiểm tra kỹ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu mà có dấu hiệu vi phạm. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các cơ quan của các nước đối tác trong việc điều tra, thẩm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hiện tượng lẩn trốn nguồn gốc, xuất xứ là hiện tượng rất không lành mạnh, tạo ra sự trốn thuế, lậu thuế, lợi nhuận ảo mà các nhà đầu tư nước ngoài có thể thu được rất lớn, trong khi Việt Nam không những không thu được gì mà còn có thể bị mất niềm tin đối với các nước đối tác.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động phức tạp và khó lường, mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50, trong đó nêu rõ, nguyên nhân của tình trạng trên là do thể chế chính sách về ĐTNN chưa theo kịp những vấn đề phát sinh mới. Lỗ hổng về thể chế đã tạo cơ hội cho những hoạt động ĐTNN không chân chính tồn tại nhiều năm qua.

Dấu chấm hết với các dự án kém chất lượng

Tài nguyên bị bào mòn, ngân sách bị thất thoát, Đảng và Nhà nước đã không thể làm ngơ trước thực tế này khi nghĩ về viễn cảnh đất nước trong tương lai. Nghị quyết số 50 có thể được coi là cửa tử đối với các dự án ĐTNN kém chất lượng. Thay vào đó, cánh cửa sẽ rộng mở với các dự án công nghệ cao, chất lượng cao và hướng tới sự phát triển bền vững.

Mục tiêu Nghị quyết đưa ra là phải hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác ĐTNN có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập đang tồn tại trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác ĐTNN. Tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030.

Chính vì những yêu cầu khắt khe được đề cập trong nghị quyết, mà nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá, Nghị quyết số 50 sẽ mở ra kỷ nguyên mới trong thu hút ĐTNN.

GS-TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đánh giá, đây là một nghị quyết tương đối toàn diện và chắc chắn để tạo tiền đề cho việc phát triển hoạt động ĐTNN theo định hướng mới, có chất lượng hơn, có hiệu quả hơn.

Thời gian qua, để thu hút ĐTNN, không tránh khỏi thực tế, các địa phương đã tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp nước ngoài, đến mức vượt phải khung pháp lý như giảm tiền thuê đất, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hay chấp nhận những việc làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và cuộc sống của người dân. Chính vì vậy Nghị quyết 50 cũng sẽ thắt chặt trong việc sàng lọc, lựa chọn các dự án đầu tư công nghệ cao, không chấp nhận đánh đổi những giá trị bền vững khác.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), quan điểm xuyên suốt thời gian tới sẽ là thu hút đầu tư có chọn lọc, thu hút những dự án có giá trị gia tăng cao, có tính lan toả, ứng dụng công nghệ cao, để hướng tới việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. “Bên cạnh đó, có sự rà soát để tránh chồng chéo pháp luật, làm sao để luật pháp đi vào cuộc sống một cách thuận lợi, đảm bảo tính thực thi”, ông Hoàng cho biết.

Đáng chú ý, Nghị quyết 50 cũng đưa ra yêu cầu phải tăng cường giám sát, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu và các tổ chức cá nhân tham gia thẩm định dự án ĐTNN.

Theo ông Lê Đăng Doanh, muốn như vậy thì cần quy trách nhiệm người đứng đầu, “người nào ký quyết định về đầu tư, người đó phải chịu trách nhiệm về hiệu quả hành chính, hiệu quả kinh tế của dự án đó”.

Theo tinh thần của nghị quyết, những dự án ĐTNN không thực hiện đúng cam kết với Việt Nam sẽ không được hưởng ưu đãi đầu tư. Qua đó có thể thấy, lập trường kiên quyết của Việt Nam trong định hướng mới về thu hút ĐTNN để có thể thu hút nguồn vốn chất lượng hơn. Điều này không những nâng cao hiệu quả môi trường kinh doanh của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài mà cũng là việc cần phải làm vì lợi ích lâu dài của đất nước.

"Việc thu hút, quản lý và hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới. Thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Chính sách ưu đãi còn dàn trải, thiếu nhất quán, không ổn định. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn còn hạn chế; chất lượng, hiệu quả thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài chưa cao. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu; còn thiếu các thiết chế văn hoá, xã hội thiết yếu. Cơ chế và năng lực xử lý tranh chấp hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Hệ thống tổ chức bộ máy và năng lực thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài còn bất cập, phân tán, chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu chủ động và tính chuyên nghiệp".

(Trích nội dung Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ