Doanh thu tăng vọt, không ngừng bành trướng vẫn thua lỗ triền miên: Lotte có chuyển giá?

Nhàđầutư
Trong suốt 10 năm kinh doanh tại Việt Nam, Lotte Mart chưa năm nào có lãi và ghi nhận khoản lỗ lũy kế vào khoảng 2.000 tỷ đồng trong khi doanh thu vẫn tăng trưởng đều đặn 1.000 tỷ đồng/năm.
HỒ MAI
22, Tháng 05, 2017 | 17:06

Nhàđầutư
Trong suốt 10 năm kinh doanh tại Việt Nam, Lotte Mart chưa năm nào có lãi và ghi nhận khoản lỗ lũy kế vào khoảng 2.000 tỷ đồng trong khi doanh thu vẫn tăng trưởng đều đặn 1.000 tỷ đồng/năm.

Lỗ nghìn tỷ vẫn liên tục mở rộng kinh doanh

Theo báo cáo tài chính năm 2016 của Lotte Shopping (Hàn Quốc) thuộc Tập đoàn Lotte Group, tính đến 31/12/2016, Công ty CP Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam - đơn vị sở hữu hệ thống Lotte Mart - có tổng tài sản gần 470 tỷ won (tương ứng 9.400 tỷ đồng); vốn điều lệ 3.934 tỷ đồng nhưng tổng vốn chủ sở hữu chỉ còn hơn 500 tỷ đồng, còn lại hơn 8.900 tỷ đồng là nợ phải trả.

Chi nhánh của Lotte Shopping - Công ty CP Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam (tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Trung tâm Lotte Shopping Việt Nam) nhận được giấy phép đầu tư vào Việt Nam cuối năm 2006, hoạt động dưới hình thức liên doanh với Công ty Minh Vân theo tỷ lệ góp vốn 80:20 nghiêng về nhà đầu tư Hàn Quốc. Sau đó, Lotte Việt Nam xin chuyển thành công ty 100% vốn nước ngoài thông qua việc mua lại 20% vốn điều lệ của của Minh Vân.

lotte mart

 Trong suốt 10 năm kinh doanh tại Việt Nam, Lotte Mart chưa năm nào có lãi, tổng số lỗ lên tới gần 2.000 tỷ đồng

Lotte Mart bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2007. Trong suốt 10 năm kinh doanh tại Việt Nam, Lotte Mart chưa năm nào có lãi, tổng số lỗ lên tới gần 2.000 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2007, Lotte Mart lỗ 45 tỷ đồng; năm 2009 báo lỗ 217 tỷ và lỗ 324 tỷ vào năm 2010. Trong khi đó, năm 2009, doanh thu công ty tăng trưởng 20 lần lên hơn 600 tỷ đồng. 

Đỉnh điểm thua lỗ của Lotte Mart là năm 2015 khi công ty có doanh thu 4.154 tỷ đồng nhưng lỗ vượt 500 tỷ đồng.

Duy nhất trong giai đoạn 2012 - 2013 số lỗ của Lotte bất ngờ giảm xuống 51 tỷ đồng. Năm 2014, công ty cũng lỗ 166 tỷ đồng. 

Trong 4 năm gần đây, doanh thu của Lotte tăng trưởng 1.000 tỷ mỗi năm, năm 2016 vượt mức 5.100 tỷ đồng. Dù đạt doanh thu 5.137 tỷ đồng năm 2016 nhưng công ty vẫn lỗ tới 261 tỷ đồng.

Dù thua lỗ triền miên song công ty mẹ là Lotte Shopping vẫn liên tục cho mở rộng kinh doanh tại Việt Nam thông qua các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) nhằm phủ sóng 60 trung tâm mua sắm khắp cả nước đến năm 2020.

Tính đến nay, Lotte đã khai trương 13 trung tâm thương mại, vị trí đắc địa tại nhiều thành phố lớn như TP. HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hà Nội, Vũng Tàu, Cần Thơ, Nha Trang… 

Lotte còn mua lại Trung tâm thương mại Ciputra Hanoi Mall nhằm thực hiện kế hoạch mở rộng và phát triển mảng bán lẻ tại thị trường Việt Nam.

Từng dính nghi án rửa tiền ở Việt Nam

Năm 2016, tờ Korea Herald của Hàn Quốc đưa tin, gia tộc sở hữu Tập đoàn Lotte Group của Hàn Quốc bị nghi ngờ dùng một công ty ma tại Việt Nam để rót tiền vào quỹ đen.

Theo nguồn tin từ công tố viên, công ty ma này đặt trụ sở tại Luxembourg, có tên Coralis SA. Đây từng là công cụ mà Kim Seon-yong, người con thứ ba của cựu Chủ tịch Tập đoàn Daewoo Kim Woo-jung, dùng để trốn thuế.

Năm 2009, Lotte Asset Development mua lại Coralis SA từ Kim Seon-yong với giá 60,24 triệu USD để mua đất và giấy phép phát triển dự án khu mua sắm Lotte Center Hanoi, do Lotte E&C là nhà thầu thi công.

Lotte Shopping và Hotel Lotte sau đó mua 45% cổ phần Coralis từ Lotte Asset Development.

Lotte Group đã đầu tư khoảng 400 triệu USD vào dự án 65 tầng này, hoàn thành vào tháng 9/2014.

Tuy nhiên, Coralis SA đã ghi nhận khoản lỗ ròng lên tới 55,1 tỷ won (47,7 triệu USD) vào năm 2015. Số liệu làm dấy lên nghi hoặc lãnh đạo Lotte đang tìm cách giấu tiền bằng cách “thổi phồng” khoản lỗ.

lotte

Lotte bị nghi ngờ dùng công ty ma tại Việt Nam để rót tiền vào quỹ đen

Có giả thiết khác cho rằng Lotte E&C có thể đã khai khống chi phí xây dựng nhằm giúp Lotte Shopping và Hotel Lotte giấu tài sản.

Các cáo buộc trên nảy sinh trong bối cảnh Lotte bị các công tố viên của Hàn Quốc điều tra làm rõ hành vi tham nhũng, tiến hành thỏa thuận nhóm bất hợp pháp và biển thủ.

Coralis không phải là công ty duy nhất của Lotte bị nghi ngờ dùng làm vỏ bọc che giấu cho các quỹ đen. Năm 2010, công ty con của Lotte đã đầu tư nguồn vốn thành lập Công ty LHSC tại đảo Cayman, trong khi đó Lotte tiếp tục theo đổi mua lại công ty mua sắm Lucky Pie tại Trung Quốc. Các công tố viên nghi ngờ LHSC đã trả quá số cổ phần cho Lucky Pie để che giấu tài sản.

Không chỉ vậy, Lotte liên tục thành lập các công ty tại các thiên đường trốn thuế ở nước ngoài như đảo Cayman và thường xuyên thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập. Theo một thông tin trên báo chí, Ủy ban thương mại và công tố viên đã xác định 5-6 công ty ma đã tham gia vào các phi vụ của Lotte.

Liệu Lotte có chuyển giá, trốn thuế?

Việc Lotte Group có dùng Việt Nam là thị trường trốn thuế hay không còn chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, tình trạng thua lỗ triền miên nhưng vẫn tiếp tục tăng trưởng và mở rộng hàng năm của Lotte Goup có dấu hiệu giống với nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như CocaCola, PepsiCo hay thậm chí là nhiều cái tên như Metro, BigC, Houlon, Keangnam... đã được cơ quan thuế đưa vào tầm ngắm để thanh tra chống chuyển giá. 

CocaCola đến đầu tư tại Việt Nam từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Gần 20 năm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, CocaCola liên tục khai lỗ. 

Cách để CocaCola dù liên tục mở rộng mạng lưới kinh doanh, bán hàng tốt, nhưng vẫn lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu là hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao.

Chỉ riêng trong năm 2010, công ty đã báo cáo lỗ 188 tỷ đồng, tương đương 8,98 triệu USD ở thị trường Việt Nam. Lũy kế, con số thua lỗ mà doanh nghiệp báo cáo lên tới 180 triệu USD trong thập kỷ vừa qua.

Ngay sau khi bị lùm xùm nghi án chuyển giá, bắt đầu từ 2013 và 2014 CocaCola đã báo lãi lần lượt là 150 triệu USD và 357 triệu USD.

Đến Việt Nam đầu tư từ năm 1991 nhưng phải đến 16 năm sau (năm 2007), PepsiCo mới có lãi với tổng thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp là 58 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2008, PesiCo lại kêu lỗ 58 triệu đồng. Đến năm 2009 doanh nghiệp này khai lãi 141 tỷ đồng. Bước sang năm 2010, lũy kế tính đến ngày 31/12/2010, PepsiCo lỗ 1.206 tỷ đồng.

Câu chuyện lỗ lãi của Pesico thay đổi liên tục qua từng năm để rồi theo thống kê từ năm 2009 cho đến 2013 Pepsico chỉ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là 40,2 tỷ đồng. Cũng giống như trường hợp của CocaCola, dù khi liên tục kêu lỗ nhưng PepsiCo vẫn liên tục khai trương các nhà máy mới với vốn đầu tư nhiều triệu USD.

chuyen gia

Doanh nghiệp chuyển giá nhằm giảm lợi nhuận để tránh thuế 

Chuyển giá, nói nôm na là giảm lợi nhuận để tránh thuế. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, ngoài nguyên nhân muốn tối đa hóa lợi nhuận, việc chuyển giá từ các doanh nghiệp theo các chuyên gia có thể do chính hệ thống thuế của Việt Nam thiếu ổn định và doanh nghiệp phải gánh nhiều khoản chi phí phiền hà.

Và câu hỏi đặt ra là Việt Nam liệu có là môi trường bắt buộc người ta phải tính tới chuyển giá như là một cách đầu tư hiệu quả và để tồn tại không?

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25100.00 25120.00 25440.00
EUR 26325.00 26431.00 27607.00
GBP 30757.00 30943.00 31897.00
HKD 3164.00 3177.00 3280.00
CHF 27183.00 27292.00 28129.00
JPY 159.58 160.22 167.50
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18186.00 18259.00 18792.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 17956.00 18028.00 18551.00
NZD   14666.00 15158.00
KRW   17.43 19.02
DKK   3535.00 3663.00
SEK   2264.00 2350.00
NOK   2259.00 2347.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ