Doanh nghiệp không 'mặn mà' trong việc đầu tư nhà ở xã hội tại Quảng Ngãi

Nhàđầutư
Nhiều nhà đầu tư bất động sản hiện nay không "mặn mà" với việc phát triển nhà ở xã hội tại Quảng Ngãi bởi việc đầu tư loại hình này không mang đến lợi nhuận như các hình thức đầu tư nhà ở thương mại, đất nền thương mại...
THÀNH VÂN
22, Tháng 08, 2022 | 15:15

Nhàđầutư
Nhiều nhà đầu tư bất động sản hiện nay không "mặn mà" với việc phát triển nhà ở xã hội tại Quảng Ngãi bởi việc đầu tư loại hình này không mang đến lợi nhuận như các hình thức đầu tư nhà ở thương mại, đất nền thương mại...

Chậm phát triển nhà ở xã hội

Tính đến tháng 6/2022, tại Khu kinh tế (KKT) Dung Quất và các khu công nghiệp (KCN) Quảng Ngãi có 201 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 69.000 lao động. Từ đó cho thấy, nhu cầu về nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp ở địa phương là rất lớn.

Đơn cử, xã Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh) hiện có 2 KCN là VSIP Quảng Ngãi và Tịnh Phong với trên 35.000 lao động, nhưng hiện tại vẫn chưa có nhà ở xã hội cho công nhân. Trong khi đó, Tịnh Phong mới chỉ có 295 nhà trọ, 1.998 phòng trọ - số lượng này không thể đáp ứng đủ nhu cầu cho người lao động thuê.

Để giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn KKT Dung Quất đã đầu tư xây dựng các khu nhà ở đưa vào sử dụng để phục vụ cho công nhân lao động đang làm việc tại doanh nghiệp. Song việc này chỉ mới dừng lại ở việc doanh nghiệp đầu tư xây dựng và bố trí chỗ ở cho công nhân để phục vụ cho doanh nghiệp của chính mình, chứ chưa có doanh nghiệp xây nhà cho công nhân thuê, mua. 

Có thể kể đến như: Dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên tại Đông Trà Bồng của Công ty TNHH MTV Công nghiệp tầu thủy Dung Quất đã đầu tư 105 căn đáp ứng cho 1.000 người; dự án Khu nhà ở phục vụ cho công nhân và chuyên gia của Công ty TNHH công nghiệp nặng Doosan Vina Việt Nam đầu tư 343 căn đáp ứng cho 1.100 người; dự án Khu nhà ở công nhân thuộc dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đã đầu tư 403 căn đáp ứng cho 1.612 người; dự án Khu nhà ở cán bộ công nhân viên Nhà máy lọc dầu Dung Quất đầu tư 484 căn đáp ứng 1.024 người… 

nha-o-cong-nhan

Rất nhiều công nhân phải thuê ở các phòng trọ gần chỗ làm. Ảnh: Thành Vân.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang thực hiện đầu tư dự án Nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Vạn Tường thuộc xã Bình Trị (huyện Bình Sơn), với quy mô sử dụng đất dự án 87.500m2, tổng số căn hộ là 532 căn (tương đương 74.480 m2 sàn). Dự án do liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại An Tâm và Công ty TNHH Doosan Enerbility Việt Nam làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư khoảng 320 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn có 2 dự án đang lập thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư là dự án nhà ở xã hội trong khu đô thị mới Phú Mỹ, phường Nghĩa Chánh (TP. Quảng Ngãi) và dự án nhà ở xã hội Trường Xuân Quảng Ngãi, tại xã Tịnh Hà (huyện Sơn Tịnh). Hai dự án này dự kiến xây dựng khoảng hơn 1.000 căn hộ.

Mặc dù vậy, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động tại KKT, các KCN trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất chậm. Như dự án Nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Vạn Tường được cấp chủ trương đầu tư vào tháng 6/2019, đến nay vẫn còn loay hoay trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hay các dự án khác cũng mới trong quá trình lập thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, năm 2019, tỉnh Quảng Ngãi đã chấp thuận việc giao 2ha đất ở xã Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh) cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để xây nhà ở cho công nhân. Theo kế hoạch, dự án sẽ triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 để giúp người lao động an tâm sản xuất, tuy nhiên vì một số vướng mắc nên dự án vẫn chưa thực hiện. 

da26d5b04b2f8071d93e

Khu ký túc xá Hoà Phát Dung Quất (KKT Dung Quất). Ảnh: Báo Kinh tế đô thị.

Khó thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội

Thời gian qua, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã quan tâm, chú trọng đến việc phát triển nhà ở dành cho người thu nhập thấp, nhất là nhà ở cho công nhân tại KKT Dung Quất và các KCN, các vị trí đã được quy hoạch nhà ở cho người lao động làm việc tại các KKT, KCN chưa có nhà đầu tư đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay thủ tục đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn phức tạp, nhiều điều kiện ràng buộc, thu hồi vốn chậm, vốn vay ngân sách còn hạn chế... nên nhà đầu tư chưa quan tâm đúng mức.

Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi cho biết, đối với các đô thị, KKT Dung Quất và các KCN của tỉnh đa phần các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Do đó các doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà ở để phục vụ nhu cầu của công nhân.

Đồng thời, nhu cầu nhà ở công nhân chưa được các doanh nghiệp quan tâm, phối hợp nên đã gây rất nhiều khó khăn cho tỉnh trong công tác khảo sát điều tra, đánh giá nhu cầu thực sự của người lao động về nhà ở để có cơ sở điều chỉnh bổ sung quy hoạch, kế hoạch xây dựng nhà ở cho phù hợp với thực tế.

Đặc biệt, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội không mang đến lợi nhuận như các hình thức đầu tư nhà ở thương mại, đất nền thương mại (quy định pháp luật khống chế tiêu chuẩn thiết kế, loại nhà ở, mức trần giá bán, cho thuê, cho thuê mua, lợi nhuận định mức, đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội) và chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội hiện nay chủ yếu tập trung vào việc giảm giá thành nên đối tượng thụ hưởng chính là người mua, thuê, thuê mua. Vì vậy, theo quy luật kinh doanh, việc thu hút các nhà đầu tư tự nguyện bỏ vốn đầu tư nhà ở xã hội là rất khó khăn.

Theo ông Hồng, hiện quy định về quy trình, thủ tục đầu tư... đối với dự án nhà ở xã hội giữa pháp luật về đầu tư và pháp luật nhà ở chưa có sự đồng nhất, dẫn đến lúng túng trong quá trình thực hiện. Trong đó, về mặt pháp lý, tồn tại nghịch lý là nhà ở xã hội nhưng thực hiện chính sách pháp lý tương tự như nhà ở thương mại, điều này khiến tiến độ thực hiện các dự án kéo dài, thủ tục pháp lý phức tạp hơn, không thu hút các nhà đầu tư và nhất là nguồn vốn vay hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện những dự án nhà ở xã hội này chưa triển khai được.

Do đó, Sở Xây dựng Quảng Ngãi đã đề xuất Bộ Xây dựng cần nghiên cứu cơ chế, ban hành chính sách riêng về việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân KCN theo hướng ưu tiên, bố trí quỹ đất và các thiết chế ở KCN, coi nhà ở công nhân là hạ tầng thiết yếu tại KCN. Đồng thời, chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phải có trách nhiệm đầu tư nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh vừa đã phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn. Theo đó, giai đoạn 2021-2030, Quảng Ngãi dự kiến giao 2.157ha đất để xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị và 39,81ha để triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội…

Tổng nguồn vốn mà Quảng Ngãi cần huy động để hoàn thiện xây dựng nhà ở giai đoạn 2021-2025 là hơn 53.162 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách cần bố trí là hơn 3.620 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là hơn 67.307 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách cần bố trí là hơn 2.337 tỷ đồng. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ