Đi lại giữa các tỉnh, thành miền Tây vẫn 'ai ở đâu ở yên đó'

Nhàđầutư
Các tỉnh, thành ở miền Tây Nam bộ đã nới lỏng giãn cách trở về trạng thái bình thường mới nhưng việc đi lại ở đây vẫn bị “khóa cứng” ai ở địa phương nào thì ở yên đó, nhiều doanh nghiệp muốn thu hút lao động ở địa phương lân cận đến nhà máy vẫn không thực hiện được.
AN HÒA
11, Tháng 10, 2021 | 19:36

Nhàđầutư
Các tỉnh, thành ở miền Tây Nam bộ đã nới lỏng giãn cách trở về trạng thái bình thường mới nhưng việc đi lại ở đây vẫn bị “khóa cứng” ai ở địa phương nào thì ở yên đó, nhiều doanh nghiệp muốn thu hút lao động ở địa phương lân cận đến nhà máy vẫn không thực hiện được.

Vẫn mỗi nơi mỗi kiểu

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã ký ban hành Quyết định số 1558/QĐ-UBND áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 19 toàn tỉnh Bạc Liêu kể từ 0h ngày 10/10.

Tuy nhiên, dù nới lỏng giãn cách xã hội, Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu tiếp tục yêu cầu quản lý thật chặt "vòng ngoài", xem đây là nội dung quan trọng hàng đầu trong công tác phòng chống dịch của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, lưu ý tất cả mọi người không được di chuyển vào tỉnh Bạc Liêu khi chưa được sự cho phép của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc người được Chủ tịch UBND tỉnh phân công, ủy quyền.

ra vao tinh rat kho khan

Dù đã "bình thường mới" nhưng việc di chuyển liên tỉnh của người dân miền Tây vẫn bị hạn chế. Ảnh Nhật Hồ

Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu cũng yêu cầu UBND các địa phương tăng cường quản lý đối với đội ngũ lái xe, nhất là lái xe liên tỉnh, đảm bảo tất cả các trường hợp người lái xe bên ngoài vào tỉnh phải được cách ly y tế tập trung, không cho phép cách ly tại nhà đối với các đối tượng này...

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống ven các tuyến đường quốc lộ được kinh doanh phục vụ tại chỗ với các điều kiện: tuyệt đối không được bán phục vụ cho các phương tiện thuộc diện luồng xanh; các cơ sở phải ký bản cam kết về việc chấp hành đóng cửa trong các trường hợp vi phạm, nhất là hành vi vi phạm bán hàng cho xe luồng xanh.

Tương tự như vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời, cho biết tỉnh vẫn thực hiện siết chặt và quản lý người ra, vào tỉnh; người đi/về vùng dịch phải được sự cho phép của UBND tỉnh theo Quyết định số 2609 ngày về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đến hết ngày 15/10.

Tại TP. Cần Thơ dù toàn thành phố đã nới lỏng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường đã ban hành công văn về thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, theo đó, người dân tuyệt đối không được tự ý di chuyển ra khỏi địa bàn thành phố hoặc đến địa bàn có nguy cơ rất cao về dịch COVID-19 cho đến khi có thông báo mới

Từ ngày 2/10, tỉnh Hậu Giang đã chính thức áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 19/CT-TTg. Tuy nhiên, theo quy định của địa phương này thì mọi trường hợp ra, vào tỉnh phải có giấy đi đường do lãnh đạo địa phương cấp.

Trong khi đó, mặc dù tỉnh Sóc Trăng đã trở về trạng thái bình thường mới từ 0h ngày 16/9, nhưng do dòng người từ các địa phương trở về quê quá đông, khó kiểm soát nên địa phương đã thông báo tạm ngưng việc cấp giấy đi đường cho người dân (trừ trường hợp đặc biệt) từ 9h ngày 3/10 cho đến khi có thông báo mới.

Ngày 5/10, UBND tỉnh Đồng Tháp thông báo tổ chức, sắp xếp lại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn Tỉnh trong điều kiện bình thường mới nhưng vẫn củng cố, duy trì 29 chốt kiểm dịch đương bộ và 6 chốt kiểm dịch đường thủy đề kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện tham gia giao thông ra, vào địa bàn Tỉnh.

Doanh nghiệp sản xuất cầm chừng vì thiếu lao động

Trao đổi với Nhadautu.vn, đại diện nhiều doanh ở Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu…cho biết, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 tại khu vực đã được kiểm soát tốt nhưng do trong mấy ngày qua dòng người từ TP.HCM và các tỉnh miền Đông đổ về quê quá đông nên các địa phương chưa kịp “mở’ đã “khóa” chặt các cửa ngõ vào địa bàn để phòng dịch, do đó việc đi lại trong lúc này rất khó khăn không thua gì khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, các hoạt động của doanh nghiệp lại tiếp tục bị “đông cứng”.

tao dieu kien thaun loi giao thong 1

Việc di chuyển con người, lưu thông hàng hóa ở các tỉnh, thành miền Tây vẫn còn hết sức khó khăn. Ảnh Nhật Huy

Đại diện một doanh nghiệp thủy sản có quy mô lớn cho biết, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế vĩ mô thì từ nay đến cuối năm doanh nghiệp có “100 ngày vàng” để phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp xuất khẩu “ngày vàng” để phục hồi sản xuất chỉ khoảng 30 ngày từ nay đến giữa tháng 11.

Lý do là các đơn hàng phục vụ thị trường Tết Dương lịch được khách hàng yêu cầu giao trước trung tuần tháng 11 để sau thời gian đi tàu (hơn 20 ngày) đến được cảng nhập khẩu, khách hàng có đủ thời gian đưa hàng về kho, đưa ra hệ thống phân phối kịp phục vụ cho thị trường Tết dương lịch. Đó là chưa kể đến khó khăn những đơn hàng đã hết thời gian thanh toán theo L/C đã mở đành phải hủy và khó khăn không tìm được hãng tàu vận chuyển đúng thời gian giao hàng đã ký kết.

Theo ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, do hiện nay lao động các tỉnh lân cận chưa đến được nhà máy vì việc đi lại khó khăn nên Công ty Minh Phú có dự định sẽ tuyển dụng từ 3.000 - 5.000 lao động từ TP. HCM và các tỉnh miền Đông vừa trở về địa phương sau khi hết thời gian cách ly phòng dịch vào làm việc tại nhà máy thủy sản Minh Phú Hậu Giang; tuyển dụng từ 2.000 – 3.000 công nhân vào làm việc tại nhà máy thủy sản Minh Phú Cà Mau. Cùng với đó, công ty này cũng đang xúc tiến các thủ tục đầu tư khu nhà ở công nhân tại thị trấn Mái Dầm (Hậu Giang) nhằm giữ chân công nhân làm việc lâu dài cho doanh nghiệp.

Đại diện một doanh nghiệp thủy sản khác cho biết, gần như hiện nay doanh nghiệp nào cũng thiếu lao động và cũng muốn tuyển dụng, giải quyết việc làm cho số lao động mới hồi hương, giúp họ “ly nông, bất ly hương”. Tuy nhiên, để làm được việc này thì các địa phương sau khi tiếp nhận người lao động trở về quê phải cung cấp giúp cho doanh nghiệp danh sách người lao động đang làm công việc gì ở TP.HCM và các tỉnh miền Đông cũng như tay nghề, trình độ, nguyện vọng của họ có muốn tìm việc làm ở quê nhà hay không, qua đó doanh nghiệp mới chọn lựa được lao động thích hợp để tuyển dụng.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ, thông thường một doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ sở, nhà máy đặt nơi này, trụ sở ở nơi khác và chân hàng, công nhân, nguồn cung nguyên liệu nằm ở nhiều tỉnh, thành khác nhau.

“Do đó cho dù tất cả các địa phương đều là bình thường mới nhưng còn “đóng khung” trong địa phương mình, việc đi lại giao lưu hàng hóa, di chuyển con người còn ngăn cách bởi địa giới hành chính thì có thể nói chúng ta chỉ mở cửa cho một cơ sở nào đó thôi chứ chưa phải là “mở cửa” cho doanh nghiệp hoạt động phục hồi sản xuất”, ông Lam phân tích.

Cũng theo ông Lam, tổng hợp từ các địa phương, hiện các doanh nghiệp bắt đầu trở lại sản xuất nhưng mới đạt tỷ lệ từ 30% - 50% số doanh nghiệp trên địa bàn mỗi tỉnh, trong đó số doanh nghiệp có quy mô lao động lớn vẫn chưa nhiều, bình quân 250- 300 doanh nghiệp với công suất 20 – 40% tùy từng địa phương do thiếu lao động và các quy định quản lý khác nhau ở mỗi nơi.

Kết luận cuộc họp trực tuyến vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới về hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; việc lưu thông và giao thông vận tải phải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, không cát cứ, không chia cắt.

Thủ tướng cũng giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp chặt chẽ trong việc tích hợp các nền tảng, chia sẻ các dữ liệu để ứng dụng công nghệ thông tin thật hiệu quả đề tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong di chuyển con người và lưu thông hàng hóa.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành quyết liệt chỉ đạo để việc lưu thông và giao thông vận tải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, cả hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ.

"Các địa phương phải theo điều tiết chung, không ban hành giấy phép con, không cát cứ, không chia cắt. Mở cửa lại nhưng cũng phải thận trọng, không chủ quan, có bước đi, có lộ trình, trước hết thí điểm 1 tuần, sau đó sơ kết, cái gì tốt thì tiếp tục làm, không tốt thì dừng", Thủ tướng lưu ý.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ