Đằng sau làn sóng người miền Tây ồ ạt trở về quê

Nhàđầutư
Sau khi TP. HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An-Trung tâm công nghiệp nới lỏng giãn cách, một làn sóng người dân ồ ạt di chuyển về quê. Riêng tại các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ trong 4 ngày qua đã có đến hàng trăm ngàn người dân trở về quê hương mình.
AN HÒA
04, Tháng 10, 2021 | 22:54

Nhàđầutư
Sau khi TP. HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An-Trung tâm công nghiệp nới lỏng giãn cách, một làn sóng người dân ồ ạt di chuyển về quê. Riêng tại các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ trong 4 ngày qua đã có đến hàng trăm ngàn người dân trở về quê hương mình.

Địa phương chạy “sấp mặt” lo miếng ăn, chỗ cách ly

Chia sẻ với Nhadautu.vn, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lậu cho biết, chỉ trong ngày 2/10, có khoảng 20.000 người dân địa phương từ TP.HCM và các tỉnh lân cận tự phát trở về địa phương; ngay trong đêm, các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh đã phải chia nhau đến các chốt để sắp xếp, ổn định tình hình.

Tính đến ngày hôm nay, chỉ riêng tỉnh Sóc Trăng đã có trên 30.000 người tự phát về quê, địa phương đã kích hoạt tất cả các khu cách ly nhưng cũng chỉ đáp ứng được ngần ấy, nếu bà con mình tiếp tục kéo nhau về quê thì nguy cơ “vỡ trận” hệ thống y tế, thiếu cơ sở cách ly là khó tránh khỏi.

Dong nguoi tro ve que

Các địa phương "rối bời" vì cùng lúc phải đón hàng chục ngàn người hồi hương. Ảnh NH

“Khó khăn của Sóc Trăng cũng là khó khăn của các tỉnh, thành khác trong khu vực, trước tình hình đó, các địa phương trong vùng đã cùng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có sự chỉ đạo các tỉnh, thành gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An siết chặt kiểm soát không để người dân tự ý rời khỏi địa bàn. Việc ban hành quy định này không chỉ giúp các địa phương trọng điểm phát triển công nghiệp giữ chân được người lao động mà còn giảm quá tải tiếp nhận người dân ồ đạt trở về quê cho các tỉnh, thành ở miền Tây”, người đứng đầu chính quyền tỉnh Sóc Trăng đề xuất. 

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Thế Trung Chủ tịch UBND xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong 3 ngày qua, Xã đã tiếp nhận trên 200 người dân trở về quê; địa phương đã mượn cả 2 điểm trường để bố trí cách ly. Do cùng một lúc mà phải tiếp nhận, xét nghiệm sàn lọc, lo ăn, ở cho một số lượng người rất đông như thế đã là “quá tải” đối với năng lực của đơn vị hành chính cấp xã. Chỉ riêng việc lo ăn uống cho trên 200 người, Xã đã phải lo “sấp mặt”, một phần nhờ các nhà hảo tâm trợ đóng gốp, một phần phải “mua ghi nợ” để lo bữa ăn cho bà con.

Cùng một lúc phải đón hàng chục ngàn người trở về địa phương, khó khăn của tỉnh Sóc Trăng cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương khác như Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau…

Nỗi lo phía sau làn sóng người dân hồi hương

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, 94% doanh nghiệp trong cả nước đang gặp khó khăn. Tỷ lệ này tại 19 tỉnh thành phố phía Nam lên đến 98%. Phần lớn các doanh nghiệp cho biết, họ khó có thể trụ thêm 3 – 6 tháng tới, nếu tình hình không được cải thiện.

anh tien tam

Cả cộng đồng dang tay đón đồng hương trở về. Ảnh Tiến Tầm

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế (VIAC), từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, bình quân một tháng có đến 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Trên phương diện lao động và việc làm, trong quý III/2021, có 2,4 triệu lao động mất việc, đằng sau 2,4 triệu người lao động mất việc cũng là sinh kế của ngần ấy gia đình. Đó là một con số khủng khiếp, rung lên hồi chuông báo động cho chính sách an sinh, đe doạ sự bình yên của xã hội và của mỗi gia đình.

Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL năm 2020 do Phòng Thương mai và Công nghiệp Việt Nam và Trường chính sách Công và Quản lý Fulbright cho biết, trong giai đoạn 2009 – 2019, vùng ĐBSCL có 1,1 triệu người xuất cư, lớn hơn dân số của một số tỉnh trong vùng. Do đó mà tỷ lệ tăng dân số của vùng này gần bằng 0% trong hơn một thập kỷ qua, trong khi tỷ lệ tăng dân số bình quân cả nước cả nước là 1,14%/năm. Nguyên nhân chính của tình trạng xuất cư cao là do khu vực này thiếu việc làm hoặc việc làm cho thu nhập thấp hơn nhiều so với vùng công nghiệp phát triển như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…

“Những kết luận rút ra từ nghiên cứu này là hơn ba thập kỷ qua, mô hình kinh tế truyền thống tập trung vào sản xuất nông nghiệp thay vì kinh tế nông nghiệp, số lượng thay vì chất lượng, manh mún hơn là tích tụ ruộng đất, phân mảnh thay vì liên kết thành chuỗi cung ứng ...Mặc dù ĐBSCL đã thành công trong việc thoát đói, giảm nghèo, nhưng vùng đất này vẫn chưa đem lại được sự thịnh vượng cho phần lớn người dân của mình”, Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năn 2020 đã nhận định.

Trước khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, dòng người lao động xuất cư theo “chốn cũ quay về” bỏ lại biết bao dự định, kỳ vọng về một cuộc bức phá đổi đời ở nơi đất khách. Chặng đường phía trước của người dân trong cuộc hồi hương bất đắc dĩ sẽ là những lo toan về “miếng cơm, manh áo”, chuyện học hành và tương lai của các con, để một thế hệ nối tiếp bớt phần cơ cực.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26797.00 26905.00 28111.00
GBP 31196.00 31384.00 32369.00
HKD 3185.00 3198.00 3303.00
CHF 27497.00 27607.00 28478.00
JPY 161.56 162.21 169.75
AUD 16496.00 16562.00 17072.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 673.00 676.00 704.00
CAD 18212.00 18285.00 18832.00
NZD   15003.00 15512.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3598.00 3733.00
SEK   2304.00 2394.00
NOK   2295.00 2386.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ