'Đến giờ, Bộ Công Thương mới ra dự thảo thông tư 'made in Vietnam' là muộn'

Nhàđầutư
Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Pháp Chính) cho rằng, việc Bộ Công thương giờ mới tiến hành lấy ý kiến góp ý dự thảo thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Việt Nam là muộn so với tình hình kinh tế hiện nay...
HỒNG NGUYỄN
03, Tháng 08, 2019 | 06:56

Nhàđầutư
Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Pháp Chính) cho rằng, việc Bộ Công thương giờ mới tiến hành lấy ý kiến góp ý dự thảo thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Việt Nam là muộn so với tình hình kinh tế hiện nay...

made-in-vietnam-2038

Sau nhiều vụ đột lốt hàng việt, Bộ Công Thương mới tiến hành lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam

Lỗ hổng pháp lý và chuyện gắn nhãn mác “made in Vietnam”

Như Nhadautu.vn thông tin, Bộ Công Thương đang tiến hành lấy ý kiến góp ý dự thảo thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, dự thảo thông tư này được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.

Các phương pháp xác định xuất xứ chủ yếu của thế giới như xuất xứ thuần túy (WO), hàm lượng giá trị khu vực (RVC) hay chuyển đổi mã sản phẩm theo Hệ thống hài hòa mô tả và mã hàng hóa (Hệ thống HS) của Tổ chức Hải quan Thế giới đều được áp dụng trong dự thảo Thông tư.

Xoay quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên Nhadautu.vn, luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Pháp Chính cho rằng, Bộ Công Thương đến giờ mới tiến hành lấy ý kiến góp ý dự thảo thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Việt Nam là muộn so với tình hình kinh tế hiện nay, khi mà hàng hóa sản xuất và tiêu thụ trong nước dần chiếm ưu thế trong tiêu dùng.

Theo luật sư Cường, việc không quy định về điều kiện xác định hàng hóa Việt Nam, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đã vô hình chung tạo điều kiện cho một số tổ chức, doanh nghiệp “lách luật”, tự ý kê khai nhãn mác “made in Viet Nam” nhưng thực chất là hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc.

"Nó cũng phần nào gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các doanh nghiệp sản xuất trong nước hoạt động, kinh doanh hợp pháp. Đồng thời việc gần đây liên tiếp phát hiện các thương hiệu, doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng vẫn ghi nhãn mác “made in Viet Nam” đã phần nào làm mất lòng tin của người tiêu dùng, gây ảnh hưởng đến hoạt động của một số doanh nghiệp chân chính khác", luật sư Cường nói.

Luật sư Cường nhận định, chính về lỗ hổng pháp lý về hàng “made in Viet Nam” mới là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều tổ chức, doanh nghiệp ngang nhiên gắn nhãn mác “made in Vietnam” nhưng thực chất lại là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc hàng hóa có nguồn gốc Trung Quốc, mà điển hình là vụ lùm xùm của tập đoàn Asanzo mới đây.

luat su dang van cuong 2

Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính Pháp

"Tôi cho rằng việc ban hành quy định mới, khỏa lấp lỗ hổng pháp lý này là vô cùng cần thiết. Có thể việc ban hành thời điểm hiện tại là muộn nhưng vẫn cần phải có để đảm bảo quy định chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ hàng Việt Nam. Việc ban hành quy định này góp phần xóa bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm "đội lốt" hàng Việt Nam như đã rải rác xảy ra trong thời gian qua, góp phần thúc đẩy phát triển hàng trong nước một cách công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng", ông nói.

Theo Luật sư Cường, hiện nay, nước ta chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về điều kiện xác định hàng hóa như thế nào là hàng Việt Nam, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam mà chỉ mới có quy định về ghi nhãn hàng hóa theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP; quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BTC của Bộ tài chính; quy định chi tiết về Luật quản lý ngoại thương xuất xứ hàng hóa tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP và quy định về kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu tại Thông tư số 39/2018/TT-BCT của Bộ công thương.

​Theo quy định của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP thì mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa đều phải ghi nhãn hàng hóa trừ một số trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 1 của Nghị định này. 

Điều 10 của Nghị Định này cũng quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung như Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;Xuất xứ hàng hóa; Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa theo quy định. Đồng thời Nghị định này cũng quy định rõ tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết.

Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa. ​Như vậy, theo quy định này, có thể thấy việc ghi nhãn hàng hóa, xuất xứ hàng hóa hiện nay mới chỉ dựa trên sự tự kê khai của tổ chức, cá nhân kinh doanh chứ chưa có quy định cụ thể về việc xác định nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa.

​Còn đối với các quy định về xác định xuất xứ hàng hóa thì mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương.

Với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu, và sau đó lưu thông trong nước, hiện cũng chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn "Sản phẩm của Việt Nam" hay "Sản xuất tại Việt Nam".

​Do đó, luật sư Cường cho rằng, việc ban hành dự thảo về việc xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Việt Nam là cần thiết và phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay.

"Việc quy định các điều kiện để xác định hàng hóa Việt Nam sẽ đảm bảo cơ chế công khai, minh bạch cho các loại hàng hóa, cho các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh, giúp người tiêu dùng có thể nhận diện được các loại hàng hóa theo quy định, đảm bảo chất lượng, phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng cá nhân, giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm "đội lốt" hàng Việt Nam như đã rải rác xảy ra trong thời gian qua", luật sư Cường nhấn mạnh.

Dự thảo mới cần có một số nội dung chính quy định về các điều kiện cụ thể xác định hàng hóa của Việt Nam

Theo luật sư Cường, việc ban hành Dự thảo về việc xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Việt Nam là cần thiết, nó sẽ siết chặt các quy định về xuất xứ hàng hóa Việt Nam, tạo ra cơ chế công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp chân chính không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc "gian lận xuất xứ ", tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng.

Đồng thời quy định này sẽ góp thúc đẩy việc phát triển, sản xuất hàng trong nước có thể cạnh tranh một cách lành mạnh với hàng hóa nhập khẩu, đảm bảo uy tín, chất lượng của hàng hóa “made in Việt Nam”.

Góp ý thêm vào dự thảo, luật sự Cường cho biết, hiện nay, dự thảo này vẫn đang được Bộ Công thương xây dựng và chưa có vản bản dự thảo chính thức.

Theo luật sư Cường, dự thảo này cần có một số nội dung chính quy định về các điều kiện cụ thể xác định hàng hóa của Việt Nam và hàng hóa sản xuất tại Việt Nam và từng trường hợp cụ thể.

"Ví dụ như các trường hợp được coi là hàng hóa của Việt Nam sẽ được áp dụng khi hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam sẽ được coi là hàng hóa của Việt Nam nếu đáp ứng được những tiêu chí tiêu chí nhất định. 

Đối hàng hóa tạm nhập vào Việt Nam để tái xuất, hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh Việt Nam không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên bất kỳ tài liệu, vật phẩm nào chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó", ông nói.

​Ngoài ra, theo luật sư Cường, cần thêm quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục để xác định một loại hàng hóa là hàng Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, các cơ quan thẩm quyền có trách nhiệm quản lý, xác nhận đủ điều kiện.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ