Đại biểu Quốc hội nêu cách giúp Hà Nội thu hút nhân tài hiệu quả

Nhàđầutư
Đại biểu Trần Thị Thu Đông (đoàn Bạc Liêu) nhất trí với sự cần thiết của dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và cho rằng cơ quan soạn thảo cần chú ý đến cơ chế sử dụng nhân tài để đạt được hiệu quả tốt hơn.
QUANG TUYỀN
11, Tháng 11, 2023 | 09:59

Nhàđầutư
Đại biểu Trần Thị Thu Đông (đoàn Bạc Liêu) nhất trí với sự cần thiết của dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và cho rằng cơ quan soạn thảo cần chú ý đến cơ chế sử dụng nhân tài để đạt được hiệu quả tốt hơn.

Mới đây, Chính phủ vừa trình dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV để xin ý kiến góp ý. Đây là dự án luật có vai trò quan trọng với cả nước nên việc cân nhắc, xem xét trên nhiêu phương diện đang được các đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu và cho ý kiến.

Theo đó, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó, giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều.

Về dự thảo này, thải luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô được đề ra trong các Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Cần quy định rõ về cơ chế sử dụng nhân tài

Trong đó, các đại biểu đặc biệt quan tâm tới định về thu hút nhân tài. Nhiều đại biểu cho rằng, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là mục tiêu lớn của cả nước, đã được thể hiện trong Nghị quyết số 26 năm 2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng , trong Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

tran thi thu dong

Đại biểu Trần Thị Thu Đông (đoàn Bạc Liêu). Ảnh: Trần Quỳnh.

Do đó, vấn về đề thu hút nhân tài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được làm rõ trong Luật Thủ đô. Quy định tại dự thảo luật cần thể hiện tinh thần của các chính sách, định hướng đề ra, đồng thời tạo được cơ sở pháp lý rõ ràng.

Góp ý cho dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Thu Đông (đoàn Bạc Liêu) cho hay, nội dung của Điều 17 hiện hành chưa thể hiện được tính phân hóa trong nhu cầu thu hút nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở các khu vực khác nhau (công - tư) hay ở các lĩnh vực khác nhau (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội; khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng,…) mà vẫn chủ yếu dựa vào những mô tả trừu tượng như "có tài năng đặc biệt", có "phẩm chất, trình độ, năng lực vượt trội",…. Và rất khó để đánh giá các mô tả này ngoài việc dựa chủ yếu vào bằng cấp của ứng viên thuộc diện xem xét.

"Có những cá nhân rất xuất sắc nhưng không hoặc rất khó phù hợp để làm việc trong khu vực công dù cho nhận được ưu đãi tốt đến mức nào. Chẳng hạn như chính sách thu hút các vận động viên có thành tích thi đấu xuất sắc, nghệ sĩ đoạt giải cao tại các kỳ thi khu vực, quốc tế vào làm việc trong khu vực công sẽ có thể không hoàn toàn phù hợp khi họ phải xa rời môi trường tập luyện để có được thành tích cao", đại biểu Trần Thị Thu Đông nói.

Bà và cho rằng, đối với thu hút nhân tài cho khu vực công, ngoài các mô tả về năng lực, trình độ, cần phải đề cập đến những mô tả về thái độ, tinh thần phụng công, thủ pháp, dám nghĩ - dám làm - dám chịu trách nhiệm.

Đồng thời, không nên giữ quy định trường hợp "có tài năng đặc biệt" được ký hợp đồng làm việc hoặc được đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành. Bởi nếu chỉ nêu ra điều kiện, tiêu chí này và cất nhắc vào các vị trí quản lí thì vừa có thể làm giảm động cơ, thời gian phát triển năng lực đặc biệt của ứng viên mà vừa làm hỏng bộ máy quản lý.

Các nội dung của dự thảo mới chỉ đề cập sơ lược về tuyển dụng, thu hút nhân tài mà chưa quy định về các cách thức sử dụng nhân tài sau khi được tuyển dụng. Tình trạng ứng viên có tài năng được tuyển dụng nhưng không có môi trường phù hợp để vận dụng năng lực, cơ chế xin - cho, điều kiện thủ tục đề nghị cấp phép các hoạt động/đề án/đề tài rườm rà, thiếu cơ chế tự làm - tự chịu trách nhiệm,… đã dẫn đến tâm lí chán nản ở không ít cán bộ, công chức trong thời gian vừa qua khiến họ sẵn sàng rời khu vực công.

Dẫn số liệu thống kê của Bộ Nội vụ, đại biểu đoàn Bạc Liêu cho biết, có khoảng 40.000 công chức, viên chức rời khỏi khu vực công trong chưa đầy 3 năm gần đây. Điều này cho thấy chính sách thu hút nhân tài chưa có tính bền vững, chưa "giữ chân" được công chức, viên chức hiệu quả. Do đó, có thể cân nhắc bổ sung các tiêu chí để đánh giá chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu (GTCI). Cụ thể, có bốn tiêu chí quan trọng gồm: Thu hút nhân tài, phát triển nhân tài, giữ chân nhân tài, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân tài và hai tiêu chí cân nhắc là: Kỹ năng/kỹ thuật đào tạo nghề, kỹ năng tri thức toàn cầu.

Cần minh định chế độ thù lao dành cho nhân tài

Theo đại biểu Trần Thị Thu Đông, Thủ đô Hà Nội sẽ trải qua các thời kỳ phát triển khác nhau gắn với những yêu cầu đặc thù về điều kiện phát triển, trong đó có yêu cầu đối với thu hút, trọng dụng nhân tài. Do đó, cần ghi nhận thẩm quyền tự chủ của HĐND TP. Hà Nội trong việc đưa ra chính sách, quy định về thu hút nhân tài theo từng thời kỳ

Nếu đặt quy định về thu hút nhân tài về phần Những quy định chung và tương ứng có quy định về thẩm quyền tự chủ của Chính quyền tại Thủ đô sẽ hợp lý hơn so với việc đưa thẩm quyền tự chủ này vào các điều khoản riêng lẻ ở các phần, các chương. Thủ đô Hà Nội cũng đã có kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô, nhưng các quy định của Nghị quyết cũng không có khác biệt lớn so với khung cơ chế chung toàn quốc về tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức.

Điểm khác căn bản là đãi ngộ về vật chất thu hút ban đầu, được hỗ trợ kinh phí học tập nâng cao năng lực. Nhưng xét theo chênh lệch về mức chi tại Thủ đô so với các địa phương khác cũng chưa hẳn là ưu đãi vượt trội. Vì vậy, chính quyền Thủ đô cần được trao thẩm quyền thự chủ mạnh hơn, sâu hơn trong cơ chế tuyển dụng và sử dụng nhân tài.

Về vấn đề chế độ thù lao dành cho ứng viên tài năng, chất lượng cao, vị đại biểu đoàn Bạc Liêu cho rằng, đây là một trong các yếu tố quan trọng cần được minh định rõ nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực công.

101120230716-z4867620305578_a648c6a38e5fd6b3408c1214e7e4d6dd

Đại biểu Quốc hội phát biểu góp ý ở tổ cho dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Trần Quỳnh.

Ngoài chế độ lương và phụ cấp xét theo vị trí việc làm, cần có quy định về chế độ thù lao dành cho những cống hiến xuất sắc hoặc giá trị do các ứng viên tài năng tạo ra sau khi đã được tuyển dụng. Điều 18 mới chỉ quy định về chế độ tiền lương, thu nhập nói chung.

"Nội dung quy định về chế độ thù lao dành cho nhân tài, nhân lực chất lượng cao có thể đặt ở điều khoản chung về thu hút nhân tài hoặc có khoản riêng trong Điều 18 về chế độ lương, thu nhập.

Hơn nữa, cũng nên có sự tách bạch giữa nhân tài trong khu vực công và nhân tài được thu hút về khu vực tư vì cùng đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô", bà Đông nói thêm.

Theo vị đại biểu này, Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã trao cho HĐND TP.HCM được quyết định thù lao trả cho chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt; mức thu nhập và các chính sách khác để tuyển dụng công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của thành phố. Do đó, đây là kinh nghiệm để dự thảo Luật Thủ đô nghiên cứu và bổ sung cho phù hợp.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ