Đà tăng nóng của vàng, USD và cách ứng xử của Việt Nam

Nhàđầutư
Cho đến nay, tác động của việc tăng giá vàng và tỷ giá USD/VND vẫn chưa cho thấy sự tiêu cực đáng báo động đến nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Tuy nhiên, trong năm 2024, để tránh các tác động tiêu cực tiềm ẩn, cần triển khai nhiều giải pháp nhằm bình ổn hai thị trường này.
PGS-TS. ĐOÀN NGỌC THẮNG - NCS. ĐỖ PHÚ ĐÔNG (*)
20, Tháng 03, 2024 | 07:00

Nhàđầutư
Cho đến nay, tác động của việc tăng giá vàng và tỷ giá USD/VND vẫn chưa cho thấy sự tiêu cực đáng báo động đến nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Tuy nhiên, trong năm 2024, để tránh các tác động tiêu cực tiềm ẩn, cần triển khai nhiều giải pháp nhằm bình ổn hai thị trường này.

Explainer-Gold-Standard

Ảnh minh hoạ: Getty Images

Thực trạng tình hình biến động

Mối quan hệ giữa giá vàng và tỷ giá đã và đang là mối quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Ví dụ, khi nghiên cú tại thị trường Úc với số liệu được thu thập từ năm 1996 đến năm 2014, Haque, Topal và Lilford (2015) khẳng định rằng trong giai đoạn nghiên cứu, nếu giá vàng danh nghĩa tăng lên 1% thì giá trị của đồng USD sẽ giảm tương ứng 0.5% so với giá của đồng AUD. Kết quả tương tự cũng được tìm thấy khi nghiên cứu hai cặp tỷ giá là EUR/USD và GDP/USD/ Dong và cộng sự (2019) khẳng định rằng, tồn tại mối quan hệ ngược chiều giữa giá vàng và giá trị của đồng USD và ngược lại. Hơn thế nữa, mối quan hệ này được chứng minh là xảy ra xuyên suốt trong khoảng thời gian nghiên cứu từ năm 2000 đến năm 2016.

Tuy nhiên, Jain và Biswal (2016) khi nghiên cứu tại Ấn Độ đã phát hiện ra mối quan hệ cùng chiều giữa giá vàng và tỷ giá USD/IRN. Nói cách khác, khi giá vàng tăng, giá trị của đồng USD sẽ tăng lên tương đối so với giá trị của đồng IRN. Tại Việt Nam, Chi và Anh (2013) cũng đã chứng minh được mối quan hệ cùng chiều giữa tỷ giá USD/VND và giá vàng trong nước.

Như vậy, có thể thấy, mối quan hệ giữa giá vàng và giá trị của đồng USD, hay tỷ giá giữa USD và đồng tiền nội địa có mối quan hệ không thống nhất, phụ thuộc vào quốc gia nghiên cứu cũng như các yếu tố vĩ mô của quốc gia đó. Tại Việt Nam, từ đầu năm 2024 đến nay, theo quan sát từ thị trường, mối quan hệ giữa tỷ giá USD/VND và giá vàng có tác động biến thiên cùng chiều. Biểu đồ giá vàng SJC (Hình 1) cho thấy từ đầu năm đến nay, giá vàng SJC bán ra đã tăng 12,24% và chạm mốc 82,5 triệu đồng/lượng vào ngày 13/03/2024.  

Screen Shot 2024-03-19 at 9.57.00 PM

Hình 1: Biểu đồ giá vàng SJC mua vào và bán ra từ ngày 01/01/2024 đến 16/03/2024

Tương tự, tỷ giá USD/VND tại Vietcombank cũng cho thấy xu hướng tăng giá cùng chiều với giá vàng tại Việt Nam (Hình 2). Biểu đồ tại hình 2 cho thấy vào đầu tháng 2/2024, tỷ giá có xu hướng biến động nhẹ, và chạm mốc 24.330 đồng vào ngày 28/01/2024. Tuy nhiên, ngay sau đó, tính đến ngày 10 tháng 03 năm 2024, tỷ giá USD/VND đã liên tục tăng và chạm mốc 24.720 đồng. Theo trang web chính thức của Vietcombank, vào thời điểm cuối ngày 16/03/2024, tỷ giá USD/VND đã chạm mốc 24.890 đồng. 

Screen Shot 2024-03-19 at 9.57.58 PM

Hình 2: Biểu đồ tỷ giá USD/VND từ ngày 01/01/2024 đến 16/03/2024 tại Vietcombank

Như vậy, có thể kết luận, từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng và tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng cùng chiều. Tuy nhiên, đến giữa tháng 03/2024, hai giá trị này bắt đầu có xu hướng không có sự vận động cùng chiều. Giá vàng đã có dấu hiệu giảm từ ngày 11/03/2024, và được dự đoán sẽ tiếp tục đà giảm sau ngày 16/03. Vào ngày 13/03/2024, chỉ trong phiên giao dịch buổi chiều, giá vàng miếng bán ra đã giảm 1,2 triệu đồng/lượng. Đối chiếu với xu hướng tăng giá của tỷ giá USD/VND, có thể thấy, tại thời điểm này, chưa thấy dấu hiệu cho thấy tỷ giá sẽ “hạ nhiệt” tương tự như với xu hướng đang xảy ra đối với thị trường vàng. Bên cạnh đó, mặc dù giá vàng trong nước thường có xu hướng di chuyển cùng chiều với giá vàng thế giới, nhưng thời điểm năm 2024 lại chứng kiến sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Ngày 11/03, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế là 17 triệu đồng/lượng.

Trước đó, chênh lệch trung bình trong 29 ngày của tháng 02/2024 là 16,681 triệu đồng/lượng với mức chênh lệch nhiều nhất là 18,81 triệu đồng. Mức chênh lệch này, nếu tiếp tục được duy trì, có thể sẽ thúc đẩy hoạt động buôn lậu vàng hoặc gây hoang mang trong tâm lí các nhà đầu tư. Do đó, việc tìm hiểu nguyên nhân cũng như đưa ra giải pháp nhằm bình ổn thị trường vàng là một nhiệm vụ cấp thiết của các cơ quan chức năng.

Nguyên nhân cho sự biến động của giá vàng và giá USD

Tính đến thời điểm này, thực trạng của thị trường vàng và tỷ giá của Việt Nam có thể được tóm tắt bằng ba yếu tố sau đây:

(i) Giá vàng và tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng cùng chiều. Tuy nhiên, vào thời điểm giữa tháng 03/2024, mặc dù giá vàng đã có dấu hiệu giảm, nhưng tỷ giá vẫn đang trên đà tăng.

(ii) Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới.

(iii) Giá vàng trong nước có sự chênh lệch lớn so với giá vàng thế giới.

Như vậy, để có thể tìm ra được nguyên nhân lý giải cho 3 thực trạng trên, cần phải phân tích lý giải cho sự tăng giá của giá vàng thế giới. Trên thực tế, giá vàng quốc tế đã tăng vọt từ cuối tháng 02/2024. Đến ngày 11/03, giá vàng đã tăng 6,5% so với cùng kỳ tháng trước, và chạm mức tăng kỷ lục trong vòng 6 ngày liên tiếp.

Bằng việc sử dụng mô hình phân bổ lợi nhuận vàng (GRAM), Trưởng phòng nghiên cứu toàn cầu của Hội đồng Vàng thế giới, Juan Artigas cho rằng, có 4 lý do lý giải cho sự tăng giá đột ngột của vàng ở thị trường quốc tế, bao gồm: Đồng USD yếu đi so với tiền tệ của các thị trường đang phát triển, thị trường tài chính gặp nhiều biến động, các nhà đầu tư tin vào sự sinh lời của thị trường, và lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm.

Các lý giải này nhận được sự đồng tình của nhiều nhà kinh tế học. Với việc nhiều nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ, đang phải đối mặt với tình hình lạm phát cùng với việc lãi suất ngân hàng trung ương liên tục được duy trì ở mức cao để đối phó với lạm phát, vàng đã trở thành tài sản phòng ngừa rủi ro an toàn nhất. Hơn thế nữa, với việc các căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, khiến các biến số kinh tế vĩ mô bị biến động mạnh, vàng đã và đang phát huy vai trò tích trữ tài sản của mình trong bối cảnh bất ổn hiện nay. Theo dự đoán của Hội đồng Vàng thế giới, trong năm 2024, trong trung hạn, vàng vẫn có thể được các nhà đầu tư coi như kênh đầu tư sinh lời và ổn định thay thế cho ngoại tệ và các tài sản khác.

Nói cách khác, giá vàng thế giới tăng do sự kết hợp của các căng thẳng địa chính trị, bất ổn kinh tế vĩ mô, dẫn đến sự thay đổi trong tâm lý nhà đầu tư khi bắt buộc phải tìm kiếm các kênh đầu tư an toàn hơn. Với việc giá vàng thế giới tăng cao, các ngân hàng trung ương thế giới tích cực nắm giữ vàng như một kênh dự phòng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, khiến cho nhu cầu vàng luôn nằm ở mức cao hơn so với lượng cung vàng.

Trong tình trạng đó, cung vàng ở Việt Nam lại chủ yếu dựa vào nhập khẩu vàng từ thị trường thế giới thông qua Ngân hàng Nhà nước. Theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 43 tấn vàng, tăng 12 tấn so với năm 2021. Chính vì lẽ đó, với việc cung vàng trên thế giới đang khan hiếm, cùng với giá vàng cao, cung vàng tại Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực. Ở chiều hướng ngược lại, đối với nhu cầu mua vàng tại thị trường Việt Nam, nhà đầu tư Việt Nam cũng coi vàng là kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại giảm sâu, thị trường bất động sản vẫn đang “đóng băng” do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự phát triển kinh tế vĩ mô. Thêm một yếu tố khác, vào thời điểm đầu năm 2024, do ảnh hưởng của yếu tố văn hóa, với ngày Thần tài vào mùng 10 Tết âm lịch, nhu cầu sở hữu vàng đã tăng đột biến.

Vì vậy, với việc cầu tăng, cung chịu ảnh hưởng từ sự tăng giá vàng thế giới, giá vàng tại Việt Nam cũng đã chứng kiến sự tăng mạnh. Bên cạnh đó, chính việc phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu vàng là lý do chính dẫn đến việc giá vàng trong nước cao hơn so với giá vàng thế giới. Các chuyên gia cho rằng, Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã vô tình tạo ra sự khan hiếm nguồn nhập khẩu vàng vào thị trường trong nước, khiến cho nguồn cung vàng trong nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn nếu nguồn cung trên thế giới trở nên khan hiếm. Với việc đề xuất sửa đổi Nghị định 24, các nhà đầu tư lo lắng rằng có thể giá trị của vàng miếng SJC sẽ giảm, khiến cho nhu cầu đầu tư được thay đổi sang vàng nhẫn. Xu hướng này khiến cho giá vàng miếng và vàng nhẫn đều tăng nhanh chóng và xác lập nhiều cột mốt lịch sử.

Cuối cùng, nguyên do cho việc giá trị đồng USD tăng mạnh so với đồng VND đến từ việc FED lưỡng lự giảm lãi suất. Mặc dù đã đưa ra thông báo sẽ giảm lãi suất trong năm nay, nhưng trên thực tế, FED vẫn chưa có động thái cho thấy sẽ chính thức giảm lãi suất trong đầu năm 2024. Với việc lãi suất ở Mỹ vẫn được neo ở mức cao, chỉ số USD-Index đã đạt mức 104 điểm vào cuối tháng 02/2024, tăng gần 3 điểm so với mức 101,38 điểm vào đầu năm nay. Do đó, giá trị của đồng USD vẫn ở mức cao, khiến tỷ giá USD/VND tăng từ đầu năm 2024 trở lại đây.

Bên cạnh đó, việc tỷ giá tăng vào đầu năm 2024 cũng được lý giải bởi các nguyên nhân trong nước. Theo đó, vào tháng 01/2024, nhập khẩu tăng lên, tăng nhu cầu mua ngoại tệ của doanh nghiệp Việt Nam, từ đó khiến tỷ giá tăng. Hơn thế nữa, với việc lãi suất huy động tiền gửi của ngân hàng giảm, các nhà đầu tư cũng sẽ có xu hướng mua ngoại tệ để đầu cơ, sau khi nhận thấy tỷ giá đang trên đà tăng. Tuy nhiên, so sánh với thời gian cùng kỳ các năm trước, việc tỷ giá tăng vào quý I cũng là một diễn biến bất ngờ do thông thường thời điểm này là thời điểm Việt Nam nhận được nhiều ngoại tệ từ lượng kiều hối, xuất khẩu, FDI. Ngoài ra, theo các chuyên gia, do tồn tại sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế, thị trường đầu tư tự do sẽ có xu hướng mua USD để thay thế vàng.

Tổng hợp những lý do trên, có thể thấy, việc giá vàng và tỷ giá cùng tăng đồng thời là do tác động của việc FED chần chừ trong việc giảm lãi suất, khiến cho vàng và USD trở thành một kênh đầu tư sinh lời tại Việt Nam. Cùng với đó, còn do những yếu tố trong nước, nhu cầu sở hữu vàng và USD của người dân và doanh nghiệp cũng đã tăng đột biến trong 2 tháng đầu năm, khiến cho giá vàng và USD tăng lên theo điều chỉnh cung cầu.

Tác động đến thị trường tài chính trong nước

Trước hết, với thực trạng hiện nay, hậu quả đầu tiên mà Ngân hàng Nhà nước phải đối mặt là nguy cơ đồng VND mất giá so với đồng USD. Để đối phó với tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái chào bán tín phiếu trong bán tín phiếu trong phiên giao dịch ngày 11/03. Hành động này đã thu hút được 15 nghìn tỷ đồng vốn dư thừa. Điều này giúp cho Ngân hàng Nhà nước có thể chủ động điều tiết tỷ giá USD/VND.

Các chuyên gia cho rằng, mức tăng của tỷ giá hiện nay vẫn chưa quá căng thẳng. Bên cạnh đó, khả năng FED sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 06/2024 là rất cao, cùng với việc Việt Nam đang thu hút được số vốn FDI lớn (tăng 9,8% so với cùng kỳ 2 tháng đầu năm 2023), thì giá trị của VND vẫn có thể được kiểm soát một cách chủ động trong năm 2024. Nói cách khác, các chuyên gia cho rằng, giá trị đồng VND mất giá chỉ là ngắn hạn và các hành động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện nay là kịp thời.

Đối với giá vàng, với việc phân tích lý do ở trên, cùng với hiện tượng chênh lệch giữa giá vàng thế giới và giá vàng Việt Nam, việc tồn tại một doanh nghiệp, hoặc một nhóm doanh nghiệp thao túng giá vàng là điều rất khó xảy ra. Chính vì lẽ đó, giá vàng sẽ tác động đến thị trường tài chính Việt Nam theo cơ chế thông thường. Tại Việt Nam, vàng không phải là kênh thanh toán chính thức, các ngân hàng thương mại cũng không huy động và cho vay vàng, nên việc biến động giá vàng sẽ không có quá nhiều tác động đến kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, giá vàng vẫn đang được neo ở mức cao, cùng với việc chênh lệch so với giá vàng thế giới, hiện tượng buôn lậu vàng sẽ có khả năng gia tăng, từ đó tác động đến giá USD trên thị trường tự do. Hiện tượng này phát triển do nhu cầu tham gia kênh đầu tư vàng của người dân, bên cạnh đó cũng do sự độc quyền vàng miếng SJC. Hệ lụy của việc gia tăng buôn lậu vàng là gây thất thoát ngân sách nhà nước, các nhà đầu tư tự do có thể sở hữu vàng kém chất lượng. Các chuyên gia cho rằng, để có thể sớm bình ổn lại giá vàng, việc sửa đổi Nghị định 24 là điều cần thiết, nhằm xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng từ thế giới.

Việc sửa đổi Nghị định 24 nhận được nhiều sự đồng thuận của các chuyên gia kinh tế trong nước. Thực tế cũng đã chứng minh, khi có thông tin về việc sửa đổi sau báo cáo tổng kết Nghị định 24 của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng cũng đã có sự bình ổn vào giữa tháng 03. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có cột mốc thời gian cụ thể cho việc thực hiện sửa đổi, mặc dù ngày 27/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 1426/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, Ban ngành liên quan đề xuất các giải pháp quản lý thị trường vàng.

Cuối cùng, việc giá vàng tăng cao đang khiến các nhà đầu tư tự do cân nhắc về các kênh đầu tư thay thế, điển hình là chứng khoán và bất động sản. Trước thông tin sửa Nghị định 24 nhằm bình ổn nguồn cung vàng, giá vàng thời điểm sau 6 tháng đầu năm được dự báo là sẽ không còn có những đợt tăng mạnh mẽ. Do đó, để tránh tình trạng “Fear of missing out”, các nhà đầu tư thường sẽ cân nhắc lựa chọn kênh đầu tư chứng khoán hoặc bất động sản để có thể thay thế cho kênh đầu tư vàng. Trên thực tế, với các chuyên gia, tại Việt Nam, vàng chỉ là kênh đầu tư mang tính chất phòng thủ, đề phòng rủi ro.

Vì vậy, nếu các nhà đầu tư chuyển đổi sang các kênh khác như chứng khoán và bất động sản, đây có thể được coi là tín hiệu tích cực cho việc phát triển trở lại của các kênh đầu tư này. Dưới góc độ lý thuyết, nhiều nghiên cứu cũng đã chứng tỏ việc vàng tăng giá là cơ hội cho việc phát triển thị trường chứng khoán tại các quốc gia đang phát triển, điển hình như nghiên cứu của Jain và Biswal (2016) tại Ấn Độ và nghiên cứu của El Hedi Arouri, Lahiani và Nguyen (2015) tại Trung Quốc.

Đề xuất giải pháp

Tổng kết lại, cho đến nay, tác động của việc tăng giá vàng và tỷ giá USD/VND vẫn chưa cho thấy sự tiêu cực đáng báo động đến nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Các biện pháp xử lý của Ngân hàng Nhà nước vẫn thể hiện khả năng điều tiết và kiểm soát thị trường tốt. Tuy nhiên, trong năm 2024, để tránh các tác động tiêu cực tiềm ẩn, các giải pháp sau cần được thực thi nhằm bình ổn thị trường vàng và USD tại Việt Nam:

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng đưa ra các đề xuất sửa đổi phù hợp và thực hiện sửa đổi đối với Nghị định 24. Nghị định 24, mặc dù đã thực hiện tốt vai trò của mình trong việc phòng chống tình trạng “vàng hóa”, nhưng lại tạo ra sự độc quyền đối với nguồn cung trên thị trường vàng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu, tiến hành sửa đổi, xóa bỏ việc độc quyền vàng miếng SJC, cũng như trao cho các doanh nghiệp tư nhân khả năng nhập khẩu vàng miếng và nguyên liệu. Việc cấp phép này cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm tình trạng thao túng giá vàng và các tác động xấu lên kinh tế vĩ mô, cũng như mối lo ngại về tình trạng “vàng hóa” của thị trường.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước cần chủ động can thiệp vào thị trường để điều chỉnh tỷ giá. Các biện pháp như điều chỉnh tỷ giá trung tâm và thu hút tiền thông qua phát hành tín phiếu đã phát huy hiệu quả cao. Bên cạnh đó, ở tương lai, nếu tỷ giá tiếp tục tăng trong bối cảnh FED vẫn chưa hạ lãi suất, việc bán một phần ngoại tệ trong dự trữ ngoại hối cũng có thể là một giải pháp cần cân nhắc. Tuy nhiên, giải pháp này, nếu được thực hiện, cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng từ Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan.

Cuối cùng, để có thể kiểm soát được tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng các Bộ, Ban ngành cần có chính sách phù hợp để thúc đẩy sản xuất và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Thúc đẩy xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ mang lại một lượng lớn USD vào thị trường Việt Nam, từ đó giảm được áp lực lên tỷ giá USD/VND. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, các hành động trên vẫn chưa có giải pháp mang tính chiến lược. Điển hình, việc các ngân hàng thương mại đang nắm giữ một số lượng lớn tiền của dân chúng chứng tỏ việc sản xuất đang bị đình trệ, do những ảnh hưởng tiêu cực từ kinh tế vĩ mô năm 2023, khiến cho hoạt động xuất khẩu không được như kỳ vọng.

(*) Khoa Kinh doanh Quốc tế - Học viện Ngân hàng

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ