Đà Nẵng đón sóng FDI sau đại dịch - Bài 1: Điểm sáng thu hút FDI

Nhàđầutư
Với hàng loạt chính sách, cơ chế tạo môi trường đầu tư thông thoáng, trong những năm qua, Đà Nẵng dần trở thành "điểm sáng" thu hút FDI ở khu vực miền Trung. Sau đại dịch COVID-19, thành phố tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư để đón sóng FDI, tạo cú hích phục hồi nền kinh tế.
NGUYỄN TRI
20, Tháng 06, 2022 | 10:24

Nhàđầutư
Với hàng loạt chính sách, cơ chế tạo môi trường đầu tư thông thoáng, trong những năm qua, Đà Nẵng dần trở thành "điểm sáng" thu hút FDI ở khu vực miền Trung. Sau đại dịch COVID-19, thành phố tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư để đón sóng FDI, tạo cú hích phục hồi nền kinh tế.

Nhiều năm qua, qua nhiều hoạt động xúc tiến, các diễn đàn, toạ đàm với các nhà đầu tư, Đà Nẵng đã kết nối được với nhiều nhà đầu tư lớn từ các nước. Sau những cam kết ban đầu, hàng loạt dự án FDI đã cho "quả ngọt", góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đầu tàu của miền Trung.

"Gieo" cam kết, "gặt" thành tựu

Là 1 trong 8 dự án được UBND TP. Đà Nẵng trao Giấy chứng nhận đầu tư tại chương trình Tọa đàm mùa xuân 2019, Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine do Tập đoàn Universal Alloy Corporation (UAC) của Mỹ đầu tư tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư lên đến 170 triệu USD.

Dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào vận hành. Nhà máy có tổng diện tích 16,7 ha; công suất thiết kế đạt 12.470 tấn hệ mét/năm. Trong giai đoạn 1, nhà máy được xây dựng trên diện tích 10,9 ha với mặt bằng khu sản xuất rộng 4,7ha; quy hoạch thành các phân khu sản xuất những bộ phận chi tiết dùng trong ngành hàng không vũ trụ, sản xuất nguyên liệu thô và lắp ráp bằng vật liệu hợp kim nhôm.

Đại diện Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Vietnam (UACV) rất hài lòng khi chọn Khu Công nghệ cao Đà Nẵng làm nơi đầu tư vì thời gian qua, công ty đã nhận được sự hỗ trợ, hợp tác, kết nối rất tốt từ chính quyền TP. Đà Nẵng.

"Nơi đây có những điều kiện rất tốt về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, cũng như sự hỗ trợ của chính quyền. Thành phố có môi trường đầu tư rất thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nói chung và UAC nói riêng. Chúng tôi đã nhận rất nhiều ưu đãi như miễn tiền thuế đất, thời gian thuê đất, đóng thuế doanh nghiệp, đặc biệt là sự thông thoáng trong thủ tục hành chính. Mặc dù đại dịch gây nhiều khó khăn, tuy nhiên, thời gian qua, công ty vẫn đảm bảo duy trì sản xuất", đại diện UACV nói. Hiện, đơn vị này đang tính toán lại tình hình tài chính, từ đó, xem xét đầu tư giai đoạn 2 của dự án trong thời gian tới.

da-nang-don-song-FDI-1

Từ các hoạt động xúc tiến, các diễn đàn, toạ đàm, Đà Nẵng đã kết nối được với nhiều nhà đầu tư lớn từ các nước. Ảnh: Nguyễn Tri.

Mới đây, Tập đoàn Mikazuki Nhật Bản cũng chính thức đưa vào hoạt động Khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Da Nang Mikazuki tại bãi biển Xuân Thiều (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Dự án được xây dựng trên diện tích 13 ha với tổng mức đầu tư 3.900 tỷ đồng, gồm nhiều hạng mục từ lưu trú, nhà hàng… đến giải trí biển và giải trí trong nhà. Đây là khu nghỉ dưỡng đầu tiên được Tập đoàn Mikazuki - thương hiệu nghỉ dưỡng hàng đầu Nhật Bản đầu tư tại Đà Nẵng. 

Ngay khi đưa Khu nghỉ dưỡng trên đi vào hoạt động, Tập đoàn Mikazuki sẽ tiếp tục triển khai đầu tư thêm nhiều dự án mới tại Đà Nẵng, như: khu phố đêm xung quanh tổ hợp nghỉ dưỡng và cầu đi bộ giúp khách tại Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa....

"Cho đến thời điểm hiện tại, số vốn mà Mikazuki rót vào dự án đã vượt xa dự tính ban đầu. Mikazuki sẽ biến dự án này trở thành minh chứng điển hình cho việc đầu tư thành công của doanh nghiệp Nhật Bản vào Đà Nẵng, cố gắng đưa hình ảnh Đà Nẵng quảng bá rộng rãi tại Nhật Bản", ông Yoshimune Odaka, Chủ tịch Tập đoàn Mikazuki chia sẻ.

Theo Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng, từ năm 2017 đến nay, thành phố đã tổ chức Diễn đàn đầu tư vào năm 2017, Tọa đàm mùa xuân vào các năm 2018, 2019, cùng hàng loạt sự kiện xúc tiến lớn nhỏ trong và ngoài nước để thu hút dòng vốn FDI vào các lĩnh vực mũi nhọn. Tại Diễn đàn đầu tư năm 2017, Tọa đàm mùa xuân năm 2019, Đà Nẵng đã trao 26 Thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư và Quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án.

Trong số các dự án trên, nhiều dự án lớn đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh như: Dự án Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine; Dự án Nhà máy sản xuất đèn báo hiệu ô tô Key Tronic Việt Nam; Dự án Mở rộng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Mabuchi Motor; Dự án Mikazuki Spa & Hotel Resort; Dự án Mở rộng nhà máy sản xuất dụng cụ thể thao...

da-nang-don-song-FDI-2

Tập đoàn Mikazuki Nhật Bản vừa đưa vào hoạt động Khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Da Nang Mikazuki tại bãi biển Xuân Thiều (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Ảnh: Nguyễn Tri.

Bên cạnh đó, nhiều dự án khác đang triển khai xây dựng theo tiến độ như: Dự án Sản xuất và lắp ráp ô tô GAZ TD; Dự án Nhà máy chế tạo, gia công các loại ống xả; Dự án Mở rộng Nhà máy sản xuất, lắp ráp và kinh doanh xe ô tô Nissan...

Điểm đến đầu tư đáng tin cậy

Nhiều nhà đầu tư lựa chọn Đà Nẵng bởi môi trường đầu tư thông thoáng với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp. Ông Jeon Chang Hyun, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH ICT Vina Đà Nẵng, nhìn nhận Đà Nẵng có nhiều ưu đãi đầu tư và lợi thế về điều kiện môi trường và tiềm năng đầu tư so với các địa phương khác trên cả nước. Nguồn cung nhân lực của thành phố trong lĩnh vực hoạt động của công ty rất phong phú với các sinh viên tốt nghiệp từ hơn 25 trường đại học, cao đẳng và đào tạo nghề. Bên cạnh đó, Khu công nghệ cao Đà Nẵng có các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp về miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng hạ tầng, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhập khẩu rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Ông Kevin Loebbaka, Giám đốc điều hành của Công ty TNHH UAC Việt Nam khẳng định, đơn vị đã lựa chọn Đà Nẵng là điểm đến đầu tư sau khi thực hiện khảo sát khắp khu vực Đông Nam Á. Trong quá trình chuẩn bị và triển khai thực hiện dự án đầu tư, công ty nhận được sự quan tâm hỗ trợ sâu sát của chính quyền thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, thành phố còn cung cấp những giải pháp về chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp đơn vị dễ dàng đáp ứng các yêu cầu của ngành công nghiệp hàng không trên thế giới.

Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp Đà Nẵng, lũy kế đến thời điểm hiện tại, Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung và các Khu Công nghiệp (KCNC, KCNTTTT và các KCN) có 507 dự án, trong đó có 129 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 1.853 triệu USD. Tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, KCNC, KCNTTTT và các KCN thu hút đầu tư thêm 2 dự án FDI có vốn đầu tư đăng ký là 5,04 triệu USD.

da-nang-don-song-FDI-3

Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine do Tập đoàn Universal Alloy Corporation (UAC) của Mỹ đầu tư đã hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào vận hành. Ảnh: Nguyễn Tri.

"Các dự án FDI đi vào hoạt động đã góp phần bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, cơ cấu nguồn vốn đầu tư những năm gần đây tiếp tục dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng của khu vực tư nhân và giảm tỷ trọng đầu tư từ khu vực nhà nước, đóng góp vào tăng trưởng GDP, thu ngân sách nhà nước và gia tăng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu. Tác động lan tỏa xuất khẩu từ những doanh nghiệp có quy mô lớn này tạo ra cú hích mạnh mẽ tác động tới kết quả xuất khẩu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác ở Việt Nam", ông Sơn đánh giá.

Tính từ đầu năm đến nay, TP. Đà Nẵng cấp phép mới 11 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 6,064 triệu USD (cùng kỳ năm 2021 có 17 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 141,977 triệu USD); trong đó, có 9 lượt dự án FDI tăng vốn (thêm 1,267 triệu USD); 10 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các tổ chức kinh tế với giá trị 0,99 triệu USD. Lũy kế đến ngày 15/5, trên địa bàn thành phố có 920 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 3,020 tỷ USD.

Theo bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP. Đà Nẵng, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đổ vốn vào Đà Nẵng chủ yếu đến từ quốc gia như: Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc… Trong đó, Nhật Bản là nước có nhiều doanh nghiệp đầu tư ở Đà Nẵng nhất với 232 dự án, tổng vốn đầu tư gần 01 tỷ USD. Kế đến là các nhà đầu từ Singapore với Dự án bia Heineken tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, sau đó đến Mỹ, Hàn Quốc.

Hiện, Đà Nẵng đang ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 như: công nghiệp ICT, công nghệ số, công nghệ nano, công nghệ sinh học, vật liệu mới, các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, ưu tiên xúc tiến đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững. “Ngoài ra, chính quyền cũng mong muốn thu hút đầu tư vào các ngành dịch vụ chất lượng cao, góp phần đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường”, bà Phương nói.

Kỳ tới: Trở lực của Đà Nẵng

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ