Cựu sếp BIDV khai bị ông Trần Bắc Hà gây sức ép

Nhiều cựu cán bộ BIDV Hà Thành nói họ nhận ra việc cấp hạn mức tín dụng cho Công ty Trung Dũng là sai. Nhưng dưới sức ép của ông Trần Bắc Hà, họ phải cho doanh nghiệp này vay tiền.
HOÀNG LAM
28, Tháng 10, 2020 | 06:44

Nhiều cựu cán bộ BIDV Hà Thành nói họ nhận ra việc cấp hạn mức tín dụng cho Công ty Trung Dũng là sai. Nhưng dưới sức ép của ông Trần Bắc Hà, họ phải cho doanh nghiệp này vay tiền.

Ngày 27/10, TAND Hà Nội tiếp tục xét hỏi các bị cáo liên quan vụ án xảy ra tại BIDV, Công ty CP chăn nuôi Bình Hà và Công ty TNHH thương mại và du lịch Trung Dũng.

Hôm nay, HĐXX tập trung thẩm vấn nhóm cựu cán bộ BIDV chi nhánh Hà Thành và bị cáo Đoàn Hồng Dũng (cựu Giám đốc Công ty Trung Dũng) về việc cấp tín dụng cho doanh nghiệp này khiến BIDV thiệt hại hơn 863 tỷ đồng.

Làm ăn thua lỗ vẫn được vay 700 tỷ

Bị cáo Ngô Duy Chính (cựu Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành) khai bắt đầu quan hệ làm ăn với Công ty Trung Dũng từ năm 2007. Ban đầu, công ty đề xuất hạn mức vay vốn ngắn hạn cho việc kinh doanh thép. Trong giai đoạn hợp tác, phía Trung Dũng luôn trả nợ đúng hạn, kể cả đối với các khoản nợ lớn.

Năm 2011, Công ty Trung Dũng đề nghị tái cấp hạn mức tín dụng. Chi nhánh BIDV đã xem xét hồ sơ. "Dù có một số điều kiện chưa đầy đủ nhưng ở cấp chi nhánh, chúng tôi đã đề xuất để hội sở xem xét", bị cáo Chính khai.

ngo-duy-chinh

Bị cáo Ngô Duy Chính. Ảnh: Hoàng Lam.

Theo bị cáo, thời điểm đó Trung Dũng vẫn được xếp hạng A (nhóm khách hàng có uy tín). Chi nhánh lúc đó chưa nhận ra nguy cơ rủi ro tiềm ẩn nên vẫn đề xuất cấp hạn mức.

“Bị cáo có tham khảo báo cáo thanh tra về việc Trung Dũng đang có dư nợ ở thời điểm đó không?” Trả lời chủ tọa, Ngô Duy Chính khai BIDV Hà Thành nhận được kết luận thanh tra. Nhưng Trung Dũng là đơn vị kinh doanh thép nên cần vốn quy mô lớn. Một số ngân hàng khác cũng cấp hạn mức tín dụng lớn cho Trung Dũng nên chi nhánh Hà Thành thực hiện đề xuất cho vay.

Thừa nhận việc cho vay là sai, bị cáo khai việc cấp hạn mức tín dụng do sức ép từ ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch BIDV, đã chết trong khi bị tạm giam). Công ty dùng thủ đoạn gian dối trong việc bán và giao hàng cho doanh nghiệp khác nên ông Chính cho rằng đó là lý do "chi nhánh không kiểm soát được dòng tiền".

Bị cáo Nguyễn Xuân Giáp (cựu Phó giám đốc BIDV Hà Thành) cũng thừa nhận bản thân có sai phạm khi đồng ý cấp hạn mức tín dụng cho Công ty Trung Dũng. Trong đó, ông Giáp đã ký phê duyệt 13 văn bản đồng ý giải ngân cho doanh nghiệp.

"Doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ điều kiện vay nhưng vì sao bị cáo vẫn phê duyệt?". Nghe HĐXX truy hỏi, bị cáo Giáp giãi bày bản thân cũng chịu áp lực do ông Trần Bắc Hà. Ông Hà bút phê yêu cầu chi nhánh cho Trung Dũng vay vốn nên bị cáo phải thực hiện.

Ông Trần Bắc Hà viết thư riêng đề nghị cho vay vốn

Trong vụ án này, bị cáo Đoàn Hồng Dũng (cựu Giám đốc Công ty Trung Dũng) bị VKS cáo buộc bị cáo cùng vợ bán tài sản thế chấp, chiếm đoạt của BIDV hơn 263 tỷ đồng.

Khai trước tòa, ông Dũng cho biết giai đoạn 2007-2011, công ty Trung Dũng đều trả nợ đầy đủ, đúng hạn cho BIDV chi nhánh Hà Thành. Sau đó, doanh nghiệp được cấp hạn mức tín dụng 700 tỷ đồng nhưng do hoạt động kinh doanh khó khăn, công ty phải trả nợ cho nhiều đối tác nên tiền bị thất thoát.

Cựu Giám đốc Công ty Trung Dũng nói không quen biết ông Trần Bắc Hà. Thẩm phán lập tức truy vấn "không quen biết vì sao ông Trần Bắc Hà lại viết công văn riêng gửi chi nhánh Hà Thành. Trong hàng vạn khách hàng, vì sao ông Hà chỉ viết thư riêng cho Trung Dũng?"

Nghe HĐXX truy hỏi, bị cáo Dũng im lặng và lý giải: "Quan hệ với ông Hà thì bị cáo chưa đến lượt".

doan-hong-dung

Bị cáo Đoàn Hồng Dũng. Ảnh: TTXVN.

Ông Dũng cũng thừa nhận có sai phạm khi bán tài sản đã được thế chấp gây thiệt hại cho BIDV hơn 263 tỷ đồng. Song bị cáo lý giải khi doanh nghiệp đề nghị nhà băng mở thư bảo lãnh tín dụng (L/C) để đảm bảo thanh toán, ông Dũng đã thế chấp tài sản bằng toàn bộ số hàng hóa hợp tác kinh doanh với Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Theo thỏa thuận, số tiền có được từ việc kinh doanh thép phải được chuyển vào tài khoản của BIDV. Tuy nhiên, năm 2012, do hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, Công ty Trung Dũng chịu nhiều áp lực trả nợ cho các đối tác nên Đoàn Hồng Dũng đã chiếm đoạt hơn 263 tỷ để thanh toán nợ.

Tại tòa, đại diện của BIDV đã yêu cầu HĐXX tuyên doanh nghiệp này phải bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt của ngân hàng. Theo đó, ngoài 263 tỷ nói trên, Công ty Trung Dũng còn dư nợ hơn 600 tỷ không có khả năng thanh toán.

Trong vụ án, VKS cáo buộc vợ chồng bị cáo Đoàn Hồng Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn (Giám đốc Công ty Hà Nam) có hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, toàn bộ số phôi thép liên quan hoạt động hợp tác kinh doanh giữa Công ty Trung Dũng và Công ty TISCO là tài sản đảm bảo thế chấp cho BIDV chi nhánh Hà Thành. Việc bán phôi thép phải được ngân hàng đồng ý.

Tuy nhiên, do áp lực phải trả nợ, Công ty Trung Dũng đã bán tài sản lòng vòng qua các đối tác, trong đó có Công ty Hà Nam. VKSND cáo buộc bị cáo Dũng và vợ đã chiếm đoạt hơn 263 tỷ đồng của BIDV từ số tiền bán thép.

(Theo Zingnews.vn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24580.00 24605.00 24925.00
EUR 26271.00 26377.00 27542.00
GBP 30600.00 30785.00 31733.00
HKD 3104.00 3116.00 3217.00
CHF 26884.00 26992.00 27832.00
JPY 159.53 160.17 167.59
AUD 15865.00 15929.00 16416.00
SGD 18063.00 18136.00 18675.00
THB 664.00 667.00 694.00
CAD 17891.00 17963.00 18494.00
NZD 0000000 14617.00 15106.00
KRW 0000000 17.67 19.28
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ