Cụm liên kết ngành - một cách thức thu hút FDI hiệu quả

Nhàđầutư
Việt Nam đã phần nào bỏ lỡ cơ hội thu hút FDI sau khủng hoảng châu Á 1997-1998. Với VN-US BTA, sáng kiến Việt - Nhật sau đó và nhất là việc gia nhập WTO 2007, sóng FDI đã thực sự trở thành bộ phần hữu cơ của nền kinh tế VN. Song tác động FDI mang lại còn xa so với kỳ vọng.
TS. VÕ TRÍ THÀNH
03, Tháng 09, 2020 | 06:40

Nhàđầutư
Việt Nam đã phần nào bỏ lỡ cơ hội thu hút FDI sau khủng hoảng châu Á 1997-1998. Với VN-US BTA, sáng kiến Việt - Nhật sau đó và nhất là việc gia nhập WTO 2007, sóng FDI đã thực sự trở thành bộ phần hữu cơ của nền kinh tế VN. Song tác động FDI mang lại còn xa so với kỳ vọng.

Vấn đề thu hút FDI có chất lượng, cả về tạo giá trị gia tăng, lan tỏa công nghệ, kỹ năng cao, và phát triển bền vững, đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

Xây dựng khu công nghiệp và khu kinh tế được VN xem như một giải pháp hữu hiệu trong thu hút đầu tư nói chung và đặc biệt là FDI. Hàng trăm khu công nghiệp, hàng chục khu kinh tế cửa khẩu và khu kinh tế được thành lập. Chúng góp phần có ý nghĩa đối với công cuộc công nghiệp hóa và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng chưa tạo được đột phá trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Có không ít điều phải bàn, song có vấn đề là việc hính thành và phát triển cụm liên kết ngành (industrial clusters - CLKN) như một cách thức tạo dựng mạng sản xuất, chuỗi giá trị cùng nâng cao năng lực công nghiệp hỗ trợ và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp VN, nhất là trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng và sự chuyển hướng chiến lược sang thu hút FDI có chất lượng.

Một định nghĩa CLKN được biết đến nhiều là của GS. Michael Porter. Theo đó, CLKN là ‘nơi tập trung về địa lý (quần tụ) của các công ty có liên kết với nhau, các nhà cung cấp được chuyên môn hóa, các nhà cung cấp dịch vụ, công ty trong các ngành có liên quan, và các tổ chức liên quan (như trường đại học, các cơ quan tiêu chuẩn và hiệp hội ngành hàng) cùng cạnh tranh nhưng cũng cùng hợp tác” (Porter, 1998). Quan niệm địa giới có thể thay đổi trong một thế giới “phẳng” hơn nhờ tiến bộ công nghệ và trong kỷ nghuyên số. Song bản chất nhất của CLKN vẫn là sự kết nối hiệu quả của tất cả các bên liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng và nổi lên cùng với đó là vai trò của công ty tiên phong/đầu đàn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Thu hút FDI có chất lượng, công ty đầu đàn không chỉ là chuẩn bị đất sạch, nguồn nhân lực tốt, những ưu đãi thích hợp có tính cạnh tranh quốc tế cao, mà còn rất cần tư duy, chính sách tốt để phát triển CLKN.

FDI

Cụm liên kết ngành - một cách thức thu hút FDI hiệu quả

Lý do cần chính sách CLKN có nhiều. Trước hết đó là khả năng CLKN tạo ra các ngoại ứng tích cực nhờ lan tỏa công nghệ, phân bổ lao động tinh tế, tiếp cận vốn tốt hơn và cả “thương hiệu CLKN” mang lại.. Lợi ích còn được nhân lên do sự tích tụ mạng kết nối các bên liên quan. Tuy vậy, CLKN cũng có thể có tác động tiêu cực như “hiệu ứng khóa chặt” (lock-in effect; kìm hãm cạnh tranh, đóng khung vào CLKN và công nghệ hiện hữu, cản trở CLKN hay công nghệ mới phát triển). Song rủi ro tiềm tàng nhất là không dễ có được chính sách CLKN phù hợp. Cả lý luận và thực tiễn đều ủng hộ cho chính sách công nghiệp song phải đáp ứng những “chuẩn mực” khắt khe (Pham Thi Thu Tra & James Riedel, 2011). Thực thi chính sách CLKN cũng là vấn đề vì tính phức hợp của cả hành động chính sách và phối hợp chính sách do rất nhiều bên liên đới. Hành vi trục lợi, câu kết nhóm đặc quyền cũng là một trở ngại lớn.

Hiện trên thế giới tất cả các nhóm nước đều quan tâm phát triển CLKN, từ các nước OECD đến các nước đang phát triển với hàng trăm chương trình cho nền kinh tế mình. Thành công nhiều, thất bại cũng không ít. Theo đúc rút thực tiễn, các điều kiện cơ bản để giúp phát triển có hiệu quả các CLKN bao gồm: (i) có các công ty đầu đàn/tiên phong (FDI, nhất là các công ty đa quốc gia MNCs và cả trong nước); (ii) mạng lưới các công ty cung ứng hoạt động hữu hiệu (có được công nghiệp hỗ trợ phát triển); và (iii) các nền tảng kinh tế với những nhân tố sản xuât cơ bản như nguồn nhân lực, công nghệ, khả năng tiếp cận vốn, môi trường kinh doanh và kết cấu hạ tầng cơ bản. Trên những nền tảng này, các mối liên kết và quan hệ hợp tác, cạnh tranh, cung ứng, tiêu thụ và sản xuất của các doanh nghiệp quần tụ tại CLKN sẽ được định hình và phát triển; tạo nên mạng lưới các công ty cung ứng, phục vụ và đáp ứng được nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ đầu vào cho sản xuất để sản xuất ra sản phẩm và dịch vụ cuối cùng phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

Một vấn đề cũng rất quan trọng là các cơ chế khuyến khích, động lực để các bên liên quan kết nối với nhau và thường xuyên được tăng cường. Các mối liên kết này phải thu hút được sự tham gia tích cực, hữu hiệu của các tổ chức R&D, giáo dục, hiệp hội ngành hàng,... Để hình thành và tăng cường các mối liên kết trên thực tế, cần có sự điều phối và định hướng nhất định từ chính sách phát triển kinh tế và phát triển ngành, trong đó có công nghiệp hỗ trợ, chính sách công nghệ - giáo dục, phát triển doanh nghiệp, chính sách phối hợp tác giữa ba khu vực Nhà nước - Tư nhân - Viện nghiên cứu, trường đại học... cũng như giúp tạo dựng được nguồn vốn xã hội. Những trọng trách này đặt lên vai công tác quản lý nhà nước của chính phủ và các cấp chính quyền địa phương.

Nghiên cứu của CIEM (2013) đã chỉ ra những thông điệp chính sách CLKN cơ bản nhất:

Can thiệp chính sách có thể giúp định hướng phát triển CLKN song không thể tạo dựng CLKN ở tất cả các giai đoạn phát triển của chúng. CLKN thướng nảy sinh một cách “tự nhiên” và phát triển dưới tác động của các lực lượng thị trường cũng như các yếu tố ảnh hưởng khác như điều kiện kinh tế, địa lý, chính trị-xã hội.

Can thiệp chính sách có thể rất quan trọng và có hiệu quả cao trong giai đoạn đầu của vòng đời CLKN (ví dụ như thông qua các sáng kiến nhằm thu hút các công ty đầu đàn hoặc phát triển các mối liên kết dọc/ngang giữa các doanh nghiệp và các định chế như trường đại học, trung tâm R&D). Về cơ bản đó chính là giai đoạn mà phần lớn CLKN được kết nói với mục tiếu phát triển SMEs.

Chính sách CLKN cần phải thực tế, khôn khéo (“các hạt giống” của CLKN được hình thành trước khi kích hoạt chính sách CLKN), tỉ mỉ, kiên nhẫn và linh hoạt. Gov’t should identify the already existing clusters and the potential “seeds”.

Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, trên hết là SMEs là bộ phận cấu thành quan trọng của chính sách CLKN.

Ở Việt Nam, nhìn nhận dưới góc độ CLKN, nhiều làng nghề, các khu công nghiệp, khu kinh tế, với quá trình chuyên môn hóa và quần tụ của các hoạt động sản xuất kinh doanh tương tự và liên kết nhau, được hình thành và phát triển một cách tự nhiên chứ cơ bản không phải dưới sự can thiệp có chủ ý ban đầu của Chính phủ và chính quyền địa phương. CLKN du lịch, dầu khí được hình thành, phân bổ tại các vùng được thiên nhiên ưu đãi, ví dụ như Cụm du lịch miền Trung, Cụm dầu khí vùng Đông Nam Bộ hay Cụm nông sản vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Quan sát cũng cho thấy, các cụm ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu thường tập trung nhiều ở phía Nam, nhất là khu vực xung quanh thành phố Hồ Chí Minh (ví dụ như dệt may, da giầy, điện tử,...); trong khi đó, các cụm ngành công nghiệp nặng, sử dụng nhiều vốn thường có xu hướng tập trung ở phía Bắc, khu vực xung quanh Hà Nội và các tỉnh lân cận (ví dụ cụm cơ khí ô tô, xe máy, điện tử điện lạnh,..).

Một nguyên nhân chủ yếu của sự phân bổ này có lẽ là do nhân tố lịch sử, bắt nguồn từ xu hướng thiên về sản xuất công nghiệp nặng thay thế nhập khẩu và vai trò thống lĩnh của các DNNN trong lĩnh vực này từ thời kỳ kế hoạch hoá tập trung ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa; trong khi đó, miền Nam đã nổi lên như một trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu năng động kể từ khi cải cách kinh tế và mở cửa thị trường. Chính vì vậy, khu vực miền Nam cũng là nơi tập trung nhiều của các cụm dịch vụ phục vụ xuất khẩu như logistics, cảng biển.

Tuy nhiên, các CLKN hiện hữu vẫn thiếu tính bền vững, sự kết nối còn lỏng l o, tác động liên kết đối với các doanh nghiệp trong cụm và bên ngoài cụm hạn chế. Bên cạnh đó, hỗ trợ cho các hoạt động liên quan đến liên kết, tích tụ công nghiệp, chuỗi giá trị, mạng sản xuất... còn chưa được sự quan tâm, hỗ trợ đúng mức của chính quyền, hiệp hội ngành hàng. Còn thiếu các chương trình cụ thể, lâu dài, bền vững tác động thật sự hữu ích đến doanh nghiệp.

Nhiều năm trước Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM) được sự hỗ trợ của UNIDO đã hoàn thành Đề án “Phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo mạng liên kết sản xuất và hình thành chuỗi giá trị”. Bức tranh chung về CLKN ở VN đã được hình dung; nhiều chính sách CLKN và cả kiến nghị về mặt tổ chức thực thi đã được đặt ra. Dù có thể chưa hoàn hảo, rất tiếc Đề án đã không được nhìn nhận thấu đáo, quan tâm thật sự để có thể đi vào cuộc sống thực tiễn. Và hôm nay, mọi việc dường như lại bắt đầu, trong bối cảnh một thế giới luôn chuyển động và không chờ đợi bất cứ quốc gia nào.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25175.00 25177.00 25477.00
EUR 26671.00 26778.00 27961.00
GBP 31007.00 31194.00 32152.00
HKD 3181.00 3194.00 3297.00
CHF 27267.00 27377.00 28214.00
JPY 159.70 160.34 167.58
AUD 16215.00 16280.00 16773.00
SGD 18322.00 18396.00 18933.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18215.00 18288.00 18819.00
NZD   14847.00 15342.00
KRW   17.67 19.30
DKK   3582.00 3713.00
SEK   2293.00 2380.00
NOK   2270.00 2358.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ