Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dự kiến khởi công vào năm 2022

Nhàđầutư
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận vừa kiến nghị Bộ GTVT xem xét, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau với dự kiến khởi công năm 2022 và hoàn thành cơ bản năm 2025.
NGUYÊN VŨ
25, Tháng 03, 2021 | 18:06

Nhàđầutư
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận vừa kiến nghị Bộ GTVT xem xét, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau với dự kiến khởi công năm 2022 và hoàn thành cơ bản năm 2025.

Theo đó, đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được nghiên cứu với điểm đầu tại nút giao Chà Và (TX. Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), cầu Cần Thơ 2 cách cầu Cần Thơ hiện tại khoảng 4,5km về phía hạ lưu; điểm cuối tại nút giao với tuyến tránh Tắc Vân (đường tránh QL1 qua TP. Cà Mau). Toàn tuyến dài 156km, trong đó đoạn qua Vĩnh Long dài 10,54km, Cần Thơ 5,45km, Hậu Giang 20,27km, Sóc Trăng 64,56km, Bạc Liêu 51,89km và Cà Mau 3,38km.

Cụ thể, giai đoạn 1, đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sẽ xây dựng theo quy mô 2 làn xe cao tốc hạn chế, chiều rộng 13,75m, vận tốc 80km/h; đường dân sinh 1 làn xe, nền đường rộng 5m. Ở giai đoạn hoàn thiện, tuyến sẽ được nâng cấp theo tiêu chuẩn 4 làn xe cao tốc rộng 24,75m (4 làn xe cơ giới 3,75m, chiều rộng dải phân cách giữa và dải an toàn 2,25m, chiều rộng dải dừng xe khẩn cấp 6m và chiều rộng lề đất l,5m). Riêng với 30,9km đi trùng với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ xây dựng quy mô 6 làn xe cao tốc, rộng 32,25m; vận tốc thiết kế 100 km/h.

Tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo khẩn trương triển khai dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đồng thời giao UBND tỉnh Cà Mau là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đoạn tuyến Bạc Liêu - Cà Mau, riêng đoạn Cần Thơ - Bạc Liêu đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

cao-toc

Tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau có chiều dài 156km, đi qua các tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Ảnh: canhco.net

Trên cơ sở đó, đơn vị tư vấn đề xuất phân chia dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thành 2 dự án thành phần gồm: Dự án thành phần 1 (đoạn Cần Thơ - Bạc Liêu) đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và dự án thành phần 2 (đoạn Bạc Liêu - Cà Mau) đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Cụ thể, đoạn Cần Thơ - Bạc Liêu dài 107,4km có điểm đầu nối với đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tại nút giao Chà Và kết nối QL1 tại địa phận TX. Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, điểm cuối giao với ĐT978 tỉnh Bạc Liêu tại Km97+630. Do đơn vị tư vấn tính toán đến năm 2025 cầu Cần Thơ mới mãn tải nên xây cầu Cần Thơ 2 sau năm 2025. Vì vậy, đơn vị tư vấn đề xuất đầu tư 92km đoạn Cần Thơ - Bạc Liêu trước năm 2025, còn 15km đoạn nút giao Chà Và và đoạn giao với QL91 đầu tư sau năm 2025.

Đoạn Bạc Liêu - Cà Mau dài 49,41km với điểm đầu giao với ĐT978 tỉnh Bạc Liêu tại Km97+630, điểm cuối tại nút giao với tuyến tránh quốc lộ qua TP. Cà Mau tư vấn kiến nghị đầu tư PPP trước năm 2025.

Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau giai đoạn 1 thực hiện theo hình thức đầu tư công là khoảng 37.611 tỷ đồng cho đoạn nút giao QL91 - đường Nam sông Hậu đến ĐT978 Bạc Liêu; giai đoạn hoàn thiện tổng mức đầu tư 64.036 tỷ đồng.

Từng bước hoàn thiện liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Có thể thấy, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng rộng lớn với nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, nhưng trong nhiều năm qua, hạ tầng giao thông luôn là vấn đề đối với khu vực này. Trong khi cả nước có hơn 1000km thì cả vùng mới chỉ có cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận. Các tuyến trục dọc, trục ngang tại ĐBSCL chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là hệ thống đường bộ, cao tốc chưa hoàn thành tạo thành những điểm nghẽn giao thông.

Cũng chính vì vậy mà từ lâu vùng ĐBSCL chưa có các trung tâm logistics. Khả năng kết nối giữa đường thủy nội địa với đường bộ, đường biển còn có nhiều hạn chế. Đáng chú ý là có hơn 80% hàng hóa xuất khẩu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải chuyển đến các cảng Đông Nam bộ bằng đường bộ và đường thủy nội địa, vận tải ven biển để xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay, việc di chuyển chưa thực sự thuận lợi, những tuyến đường cũ đã quá tải kéo theo việc mất thêm chi phí vận chuyển.

Tại buổi Lễ thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào đầu tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ĐBSCL với 13 tỉnh, thành phố có nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng để xuất khẩu đóng góp vào thành quả chung của đất nước. Tuy nhiên, kết nối hạ tầng giao thông vùng còn là điểm nghẽn rất lớn. Đến nay tuyến cao tốc quan trọng TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ chưa hoàn thành.

“Trong tương lai chúng ta có tuyến cao tốc liền mạch, trên trục chính TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ và tiếp tục sẽ khởi công tuyến Cần Thơ - Cà Mau tạo nên sự kết nối quan trọng với miền Tây Nam Bộ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ sau đó là Cần Thơ - Cà Mau là tuyến đường huyết mạch đối với vùng ĐBSCL. Sau khi hoàn thành tuyến này sẽ tạo nên trục đường xuyên suốt qua các tỉnh, kết nối thuận tiện với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ. Qua đó, mang lại nhiều lợi ích kinh tế, cải thiện đời sống người dân và thay đổi “bộ mặt” cho vùng ĐBSCL. Đồng thời, mở cánh cửa thu hút các doanh nghiệp đầu tư từ lâu đã nghiên cứu thị trường này.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ