Các ngân hàng Trung Quốc tích cực thu xếp vốn cho nhiều ngân hàng, doanh nghiệp Việt

Nhàđầutư
Không chỉ các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, mà các nhà băng Việt cũng đẩy mạnh việc hợp tác, nhận hỗ trợ nguồn vốn vay từ các ngân hàng Trung Quốc.
HỒ MAI
08, Tháng 09, 2018 | 08:55

Nhàđầutư
Không chỉ các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, mà các nhà băng Việt cũng đẩy mạnh việc hợp tác, nhận hỗ trợ nguồn vốn vay từ các ngân hàng Trung Quốc.

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đã ký kết thỏa thuận hợp tác, nhận các khoản vay được cung cấp bởi các ngân hàng Trung Quốc.

Thông tin từ Tạp chí tài chính uy tín hàng đầu châu Á FinanceAsia mới đây cho biết, Công ty TNHH Phát triển Phú Hưng Khang - công ty con của Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng - vừa ký kết khoản vay hợp vốn trị giá 400 triệu USD, tương đương 9.320 tỷ đồng với các ngân hàng Trung Quốc.

phu my hung

Dự án Khu đô thị Phú Mỹ Hưng tại quận 7, TP.HCM của Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng.

Cụ thể, một nhóm các ngân hàng Đài Loan, Hồng Kông và Trung Quốc Đại lục cùng tham gia thu xếp vốn cho Phú Hưng Khang bao gồm: Mega International Commercial Bank, Taipei Fubon Commercial Bank, Bank SinoPac, Shanghai Commercial & Savings Bank, Taiwan Cooperative Bank, Yuanta Commercial Bank, Chang Hwa Commercial Bank, E.Sun Commercial Bank, Hua Nan Commercial Bank, Land Bank of Taiwan, Taichung Commercial Bank, Taiwan Business Bank. Số tiền thu được nhằm mục đích đáo hạn một số khoản nợ hiện tại, mua cổ phần tài chính và phục vụ nhu cầu vốn lưu động.

Phú Hưng Khang là chủ đầu tư Khu đô thị sinh thái với diện tích khoảng 403,5ha tại xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Mặc dù đi vay một khoản lớn nhưng vốn điều lệ của Phú Hưng Khang hiện chỉ là 100 tỷ đồng. Chủ tịch hiện nay của Phú Hưng Khang hiện là ông Tseng Fan Chih, người không xa lạ với giới đầu tư. Ông hiện cũng là người đại diện theo pháp luật của Phú Mỹ Hưng – chủ đầu tư dự án Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, là liên doanh có 70% vốn từ Đài Loan và 30% từ phía Việt Nam do Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) đại diện cho UBND TP.HCM góp vốn.

Sau khoản cho vay trên, khối lượng cho vay hợp vốn của Việt Nam hiện ở mức 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với mức 3,4 tỷ USD của năm 2017. Đây cũng là mức cao nhất được ghi nhận.

Trong tháng 8 năm nay, trong khuôn khổ sự kiện xúc tiến đầu tư do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Cơ quan Phát triển thương mại Hồng Kông (HKTDC) tổ chức, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và 3 ngân hàng Hồng Kông là Hang Seng Bank Limited, Chong Hing Bank Limited và The Bank of East Asia Limited đã ký thỏa thuận hợp tác đồng tài trợ tín dụng cho Công ty TNHH Union Square (hoạt động trong lĩnh vực bất động sản).

SCB

Ngân hàng Sài Gòn (SCB) cùng ba ngân hàng Hồng Kông hợp tác đồng tài trợ tín dụng cho Công ty TNHH Union Square.

Công ty TNHH Union Square có trụ sở tại tòa Union Square – tòa nhà Vincom Central A cũ được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mua lại từ Tập đoàn Vingroup, địa chỉ tại 171 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.

Công ty TNHH Union Square từng có người đại diện theo pháp luật là ông Ngô Văn An, sinh năm 1977. Ông Ngô Văn An đang giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh (Tiền thân của Công ty Cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl – chủ đầu tư Dự án khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM).

Một doanh nghiệp tư nhân khác cũng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản là Tập đoàn FLC cũng đã có khoản vay từ Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC).

Năm 2017, Tập đoàn FLC có hợp đồng tín dụng số ICBC.DN.2017.7 ngày 28/3/2017 với hạn mức vay là 120 tỷ đồng. Thời hạn vay là 365 ngày, được tính từ ngày giải ngân đầu tiên. Lãi suất được quy định trên từng khế ước nhận nợ, trong đó lãi suất đối với kỳ hạn 3 tháng là 8,5%/năm, đối với kỳ hạn 6 tháng là 8,7%/năm. Khoản vay này dùng để bổ sung vốn lưu động cho FLC. Tài sản đảm bảo vay bằng cổ phiếu.

Thời điểm quý IV/2017, FLC vay ICBC tổng cộng hơn 220 tỷ đồng nhưng đồng thời số tiền mà FLC thanh toán cho ICBC cũng lên tới 120 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/6/2018, FLC đã không còn dự nợ vay tại ICBC.

Theo thông tin từ các báo cáo tài chính thì ICBC là ngân hàng nước ngoài duy nhất cho FLC vay từ thời điểm quý II/2017 đến quý II/2018.

Không chỉ thu xếp các khoản vay cho các doanh nghiệp tư nhân, các nhà băng đến từ Trung Quốc cũng đẩy mạnh hợp tác, thu xếp các khoản vay cho các nhà băng tại Việt Nam.

Tháng 8/2017, thông báo từ Tổ chức Tài chính Quốc Tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, cho biết, tổ chức này sẽ cung cấp một khoản vay hợp vốn trị giá 100 triệu USD cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank). Gói tài trợ do này sẽ giúp TPBank mở rộng các hoạt động cấp vốn dài hạn cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) và các khách hàng cá nhân thông qua các dịch vụ tài chính số.

Gói tài trợ trong 5 năm này bao gồm 60 triệu USD từ IFC, 22,5 triệu USD từ Chương trình Danh mục Đầu tư Đồng Cấp vốn Được Quản lý (Managed Co-Lending Portfolio Program - MCPP) tập hợp các tổ chức đầu tư quốc tế do IFC quản lý và 17,5 triệu USD từ Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC), chi nhánh Hồng Kông.

Tháng 11/2017, Tổ chức Tài chính Quốc Tế (IFC) cũng thông qua khoản tài trợ trị giá 185 triệu USD cho Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).

Gói tài trợ trị giá 185 triệu USD trong 5 năm bao gồm 100 triệu USD từ IFC và 85 triệu USD từ ba ngân hàng quốc tế gồm Ngân hàng Cathay United (Đài Loan); Ngân hàng Công thương Trung Quốc – chi nhánh Hồng Kông và Ngân hàng Kiatnakin Thái Lan.

Tháng 4/2017, tại Đài Loan, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Lào cùng Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostbank) và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã ký kết hợp đồng vay vốn tổng trị giá 115 triệu USD với 8 ngân hàng Đài Loan. Trong đó, LienVietPostbank vay 50 triệu USD, OCB vay 20 triệu USD và VietinBank Lào 45 triệu USD.

VietinBank là ngân hàng bảo lãnh thanh toán và ngân hàng Cathay United Bank của Đài Loan làm đầu mối thu xếp.

vietinbank

VietinBank bảo lãnh cho 3 ngân hàng vay vốn từ các ngân hàng Đài Loan.

Ngoài Cathay United Bank, các ngân hàng còn lại tham gia ký kết là các ngân hàng hàng đầu của Đài Loan bao gồm: Hua Nan Commerical Bank, E. Sun Commercial Bank, Chang Hwa Commercial Bank, First Commercial Bank, Taichung Commercial Bank, Sunny Bank và Jih Sun International Bank.

Đầu mối thu xếp vốn là Cathay United Bank được thành lập từ năm 1975, là một trong số các ngân hàng lớn và uy tín nhất Đài Loan. Cathay United Bank có 165 chi nhánh tại Đài Loan, hơn 10 chi nhánh và Văn phòng đại diện trên thế giới trong đó có hai Văn phòng đại diện tại Hà Nội, TP. HCM và Chi nhánh Chu Lai.

Năm 2015, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là ngân hàng Việt Nam đầu tiên nhận khoản vay 50 triệu USD từ Cathay United Bank

Năm 2017, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng đã ký kết hợp đồng vay hợp vốn trị giá 50 triệu USD với 8 ngân hàng Đài Loan nhằm bổ sung nguồn ngoại tệ trung dài hạn, và đáp ứng một phần nhu cầu vay ngoại tệ của các doanh nghiệp trong nước.

Ngân hàng Cathay United Bank (Đài Loan) đứng ra thu xếp vốn cho khoản vay này và 8 ngân hàng Đài Loan cho vay gồm Cathay United Bank; Hua Nan Commercial Bank; E.Sun Commercial Bank; Chang Hwa Commercial Bank; First Commercial Bank; Taichung Commercial Bank; Sunny Bank và Jih Sun International Bank. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) là ngân hàng bảo lãnh vay vốn. Khoản vay có kỳ hạn 3 năm giúp cải thiện cơ cấu huy động của LienVietPostBank.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ