Các dự án liên kết vùng giữa Đà Nẵng và Quảng Nam đang triển khai như thế nào?

Nhàđầutư
Trong 5 năm qua, tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đã phối hợp triển khai có hiệu quả trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội. Nổi bật là công tác liên kết, hợp tác nhiều dự án lớn như: Dự án khơi thông sông Cổ Cò, dự án Làng Đại học Đà Nẵng...
THÀNH VÂN
26, Tháng 04, 2022 | 12:04

Nhàđầutư
Trong 5 năm qua, tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đã phối hợp triển khai có hiệu quả trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội. Nổi bật là công tác liên kết, hợp tác nhiều dự án lớn như: Dự án khơi thông sông Cổ Cò, dự án Làng Đại học Đà Nẵng...

Nhiều dự án có kết quả tích cực

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đã phối hợp triển khai có hiệu quả trong nhiều dự án liên kết giữa hai địa phương. Đối với dự án khơi thông sông Cổ Cò có tổng chiều dài 28km; đoạn qua tỉnh Quảng Nam có chiều dài 19,7km, đoạn qua thành phố Đà Nẵng có chiều dài 8,3km. Trên tuyến sông quy hoạch 15 cầu, phía Đà Nẵng đầu tư 3 cầu, phía Quảng Nam đầu tư 12 cầu.

Đến nay, tình hình triển khai thực hiện đoạn qua TP. Đà Nẵng, theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt và hợp đồng đã ký kết, thời gian hoàn thành công trình 540 ngày kể từ ngày khởi công công trình, dự kiến hoàn thành ngày 10/6/2022. Trong quá trình thực hiện dự án, một số nội dung phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với thực tế.

Đoạn qua tỉnh Quảng Nam từ Km0 – Km19+070 được chia làm 2 đoạn. Trong đó, đoạn từ Km0 – Km14+00 (nạo vét luồng 14km, xây dựng cầu Nghĩa Tự, cầu Ông Điền) được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước với tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2018 – 2022, hiện nay đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và trình hồ sơ thẩm định thiết kế để thực hiện các bước tiếp theo.

Đoạn từ Km14+00 – Km16+00 và Km16+00 – Km19+070 đang triển khai thực hiện; tuy nhiên, do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên chỉ triển khai thi công được một phần. Hiện nay, đang tiếp tục triển khai trong dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Hội An bằng nguồn vốn vay ADB có tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào năm 2023.

Tỉnh Quảng Nam đã triển khai lập quy hoạch kiến trúc cảnh quan dọc hai bên bờ sông phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông, du lịch và quy hoạch chung 2 địa phương; phê duyệt nhiệm vụ và dự toán thiết kế đô thị (1/2.000) tuyến ven biển, tuyến ven sông Cổ Cò từ thị xã Điện Bàn đến thành phố Hội An. Đã đầu tư xây dựng 3/12 cầu. Nạo vét luồng đảm bảo chuẩn tắc sông cấp IV, dự kiến hoàn thành vào năm 2022 – 2023. 

song-co-co

Sông Cổ Cò đoạn qua tỉnh Quảng Nam.

Đối với Dự án Làng Đại học Đà Nẵng đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 38,95ha phần đất quy hoạch trên địa bàn Đà Nẵng và tiếp tục giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại. Phần diện tích đất quy hoạch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đang chỉ đạo triển khai kế hoạch và xây dựng khu tái định cư đáp ứng nhu cầu tái định cư cho toàn bộ diện tích quy hoạch cần giải tỏa.

Tuy nhiên, do nhu cầu kinh phí lớn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng với diện tích, quy mô và số hộ dân bị ảnh hưởng tương đối lớn nên Dự án triển khai chậm.

Sau khi Bộ GD&ĐT được bố trí nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 trong năm 2020, UBND TP. Đà Nẵng đã có nhiều văn bản đề nghị Trung ương tiếp tục bố trí nguồn vốn triển khai thực hiện dự án nhằm bảo đảm tiến độ. Đồng thời, Đà Nẵng đã bố trí vốn, triển khai các dự án động lực, trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016 – 2020 và giai đoạn 2021 – 2025 nhằm đảm bảo sớm đưa Dự án Làng Đại học Đà Nẵng đi vào hoạt động.

Đối với tuyến đường sắt du lịch Đà Nẵng – Hội An, liên danh các nhà đầu tư HBCI – ABC – INEKON đã báo cáo đề xuất dự án. Tuy nhiên, do hướng tuyến nhà đầu tư đề xuất không phù hợp với quy hoạch chung khu vực ven biển từ thị xã Điện Bàn đến TP. Hội An; chưa nêu rõ các lợi ích của dự án có thể mang lại cho phát triển kinh tế - xã hội của thị xã Điện Bàn, TP. Hội An và tỉnh Quảng Nam; hình thức đầu tư do nhà đầu tư đề xuất là BT kết hợp BOT nên thiếu tính khả thi và chưa phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, sẽ tích hợp phương án phát triển giao thông vận tải. Sở GTVT Quảng Nam sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu, đề xuất nội dung này trên cơ sở khớp nối với quy hoạch xây dựng Đà Nẵng vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với các tuyến xe buýt nhanh BRT, việc triển khai tuyến xe buýt nhanh BRT kết nối Sân bay Đà Nẵng với TP. Hội An đi qua tuyến đường Lê Văn Hiến, Trần Đại Nghĩa (Đà Nẵng) và tuyến đường Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo (Quảng Nam) không triển khai được do không thể bố trí làn xe đi riêng.

Hiện nay, Sở GTVT Đà Nẵng đang nghiên cứu triển khai tuyến Đà Nẵng – Hội An theo hướng áp dụng một số tiêu chí của tuyến xe buýt nhanh BRT và đã thống nhất với Sở GTVT Quảng Nam về khung tiêu chí, chất lượng dịch vụ các tuyến xe buýt liền kề, hành trình chạy xe, điểm dừng nhà chờ của tuyến xe buýt Đà Nẵng – Hội An.

Ngoài ra, hai địa phương đã phối hợp khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng tam giác Đà Nẵng- Hội An- Điện Bàn; tăng cường quảng bá, hợp tác sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn cho nông dân và doanh nghiệp, phối hợp quảng bá, phát triển du lịch… 

IMG_4656

Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Kết luận số 26-KL/TUQN-TUĐN ngày 27-4-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng.

Tăng cường hợp tác

Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Kết luận số 26-KL/TUQN-TUĐN ngày 27/4/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về hợp tác, hỗ trợ giữa 2 địa phương diễn ra vào chiều 25/4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, trong thời gian qua, công tác phối hợp giữa hai địa phương rất tốt, đặc biệt là trong việc chia sẻ thông tin, thực hiện các hội nghị, hội thảo, qua đó có tiếng nói đồng thuận. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc phối hợp của hai địa phương trên nhiều lĩnh vực chưa thực sự đi vào chiều sâu.

“Thời gian tới hai địa phương cần tiếp tục hợp tác để thúc đẩy trên nhiều lĩnh vực, như: khớp nối một số tuyến đường giao thông, đẩy mạnh hợp tác lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch sinh thái kết hợp bảo vệ rừng”, ông Thanh nói.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, thời gian tới hai địa phương sẽ tập trung phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như: phối hợp phát triển du lịch về đêm, xúc tiến đầu tư quảng bá sản phẩm du lịch của hai địa phương, mở rộng kết nối giao thông, phối hợp thực hiện các dự án liên quan đến lĩnh vực hạ tầng giao thông… 

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhìn nhận, thời gian qua, Đà Nẵng và Quảng Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt, góp phần vào sự phát triển chung.

Về các nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Quảng cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cơ bản thống nhất 15 nhiệm vụ hợp tác giữa 2 địa phương đã nêu và ghi nhận 14 kiến nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đối với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng.

“Hai địa phương cần nghiên cứu định hướng trong quy hoạch phát triển, trong đó phát huy lợi thế của mỗi bên, tiếp tục bổ sung một số nội dung hợp tác cụ thể; phối hợp bảo đảm an ninh trật tự vùng giáp ranh, góp phần ổn định phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu bổ sung liên kết, hỗ trợ trong phát triển kinh tế”, ông Quảng đề nghị.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cho biết, những kết quả đạt được đã góp phần thúc đẩy sự phát triển bứt phá đi lên của Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, tạo nên vị thế và uy tín ngày càng cao đối với cả nước và trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

“Đây chính là sự nỗ lực rất lớn, sự kế thừa và phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn của các thế hệ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân 2 địa phương trong quá trình xây dựng, phát triển quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng sẽ cùng nhau kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương liên quan sớm phê duyệt Đề án phát triển tổng thể Đại học Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Đồng thời, bổ sung bố trí nguồn vốn trung hạn để triển khai thực hiện Dự án Làng Đại học Đà Nẵng; đề nghị Trung ương sớm đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường QL.14G, QL.14B và QL.14D (giai đoạn 2021 – 2025).

Ngoài ra, giải quyết những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng dự án khơi thông sông Cổ Cò để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ