Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ phát triển nhà ở xã hội

Nhàđầutư
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: Bộ Xây dựng đã đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023.
N.THOAN
04, Tháng 11, 2021 | 10:18

Nhàđầutư
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: Bộ Xây dựng đã đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023.

nguyen-xuan

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp

Chia sẻ thông tin mới đây tại toạ đàm trực tuyến Hạ tầng xã hội Khu công nghiệp do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: Qua đợt dịch COVID-19 bùng phát thời gian vừa qua, trước làn sóng lao động 'chạy' khỏi các thành phố lớn, khu công nghiệp cho thấy việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế.

Để có thêm cơ chế, chính sách, hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, hiện Bộ Xây dựng đã đề xuất gói tín dụng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023.

Theo đó, gói tín dụng 65.000 tỷ đồng sẽ gồm 2 gói nhỏ là gói tín dụng 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Tong đó cấp vốn 14.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho các đối tượng khách hàng cá nhân theo quy định của Luật Nhà ở vay để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở theo quy định; cấp bù lãi suất 1.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định cho các Chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay theo quy định.

Thứ 2 là gói tín dụng 50.000 tỷ đồng theo hình thức Ngân hàng nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho các đối tượng sau được vay ưu đãi: Công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp được vay ưu đãi từ Chương trình để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê. Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng theo quy định của Luật nhà ở.

Về quy hoạch, quỹ đất Bộ Xây dựng đề xuất, trong quá trình quy hoạch khu công nghiệp, UBND cấp tỉnh phải bố trí đất làm nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê (đảm bảo đáp ứng tối thiểu 50% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở) có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ khu nhà ở công nhân, tuy nhiên phải bố trí riêng biệt với khu sản xuất, văn phòng.

Các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân thuê phải đảm bảo đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao,... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân thuê đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động.

Giá thuê, giá bán nhà đối với các dự án nhà lưu trú cho công nhân thuê do UBND cấp tỉnh phê duyệt căn cứ đề nghị của Chủ đầu tư, theo nguyên tắc không được tính các ưu đãi của nhà nước vào giá thuê và bảo đảm lợi nhuận định mức tối đa bằng 10% tổng vốn đầu tư xây dựng và thời hạn thu hồi vốn tối thiểu là 20 năm; Giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua đối với các dự án nhà ở xã hội thực hiện theo pháp luật nhà ở xã hội hiện hành.

Dù đã có những đề xuất khá cụ thể từ Bộ Xây dựng trong ưu đã và xây dựng nhà ở trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, các ý kiến tại toạ đàm cho thấy vẫn còn những cách nhìn nhận rất khác nhau về quan điểm nhà ở trong khu công nghiệp.

Nhà ở trong khu công nghiệp cho công nhân ở hay cả người dân?

ong-linh

TS. Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp

TS. Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm cuối tháng 9/2021 trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 142.000 căn, với tổng diện tích khoảng 7,1 triệu m2, đạt khoảng 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020. Trong đó, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ, với tổng diện tích 2,7 triệu m2.

"Thực tế trên cho thấy, đến hiện tại chúng ta mới chỉ đạt một nửa mục tiêu đề cho năm 2020 về nhà ở xã hội cho người lao động. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng nhà ở xã hội nói chung, nhà ở công nhân nói riêng còn nhiều hạn chế, rất khó khăn", ông Linh nói.

Theo đó, để đạt những mục tiêu đã đề ra, ông Linh đề xuất 2 nhóm giải pháp lâu dài và trước mắt để giải bài toán nhà ở cho người lao động trong thời gian tới.

Cụ thể, nhóm giải pháp lâu dài, cần sửa đổi, bổ sung Luật nhà ở. Trong đó, tách riêng nội dung nhà ở cho người lao động làm việc trong và ngoài khu công nghiệp với tư cách là một đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội thành một Chương quy định về nhà ở cho công nhân.

Đối tượng được thuê nhà ở công nhân là công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp thuê để bố trí nhà ở cho công nhân của doanh nghiệp.

Về chủ thể tham gia đầu tư nhà ở công nhân: Tổng Liên đoàn đề xuất được giao là chủ đầu tư dự án nhà ở công nhân từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn tài chính công đoàn (Bổ sung vào khoản 1 Điều 47 Luật nhà ở).

Bổ sung Tổng Liên đoàn là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở công nhân đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn tài chính công đoàn, theo đó, sửa đổi bổ sung Điều 39 của Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015.

Về giải pháp ngắn hạn, đại diện Tổng liên đoàn cho biết, trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung các quy định nêu trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm đầu tư xây dựng 5-10 khu nhà ở cho công nhân thuê. Tổng Liên đoàn là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở ở công nhân thuộc sở hữu nhà nước do Tổng Liên đoàn đầu tư xây dựng.

Đề xuất bố trí vốn ngân sách Nhà nước đảm bảo phần đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, hạ tầng kỹ thuật, nhà trẻ với số vốn 5.000 tỷ – 10.000 tỷ đồng (mỗi khu có tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng); Tổng Liên đoàn sẽ bố trí khoảng 1.000 tỷ đồng xây dựng nhà văn hóa thể thao, thiết chế sinh hoạt cộng đồng, tạo quần thể tiện ích sinh hoạt chung cho các khu nhà ở cho thuê trên.

Đồng thời cho phép các doanh nghiệp trong khu công nghiệp được thuê nhà trong các dự án trên, không hạn chế số lượng để bố trí cho công nhân của mình ở theo danh sách làm việc tại doanh nghiệp được công đoàn cơ sở và Liên đoàn lao động tỉnh xác nhận; Tổng Liên đoàn được quyền quyết định người thuê nhà ở tại các dự án do Tổng Liên đoàn làm chủ đầu tư đảm bảo cho công nhân, người lao động sớm ổn định chỗ ở, yên tâm làm việc.

ong-tho

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ TN&MT. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ TN&MT cho biết, vấn đề lớn cần giải quyết hiện nay là hạ tầng an sinh cho công nhân khu công nghiệp, giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động. Tuy nhiên, việc phát triển các khu công nghiệp trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, bất cập, trong đó, về nhu cầu về nhà ở của người lao động rất lớn và bức xúc. Thời gian tới cần đánh giá vai trò khu công nghiệp, xem xét lại việc thực hiện quy hoạch cho tới thời điểm hiện tại.

"Nếu bố trí nhà ở cho công nhân vào khu công nghiệp cần có giải pháp rất đồng bộ để triển khai. Quy định hiện hành yêu cầu khoảng cách an toàn cảu khu dân cư và khu công nghiệp là 500-1.000m. Khi quy hoạch cũng phải tính toán xem ảnh hưởng ra sao tới sức khoẻ của người dân sinh sống xung quanh. Chúng a đã mất 20 năm nỗ lực để chuyển khu công nghiệp ra khỏi nội đô. Bây giờ nếu làm nhà ở cho người công nhân trong khu công nghiệp sẽ hình thành đô thị trong khu công nghiệp, xen lẫn đô thị và khu công nghiệp. Làm không cẩn thận có thể phí mất 20 năm nỗ lực vừa qua", ông Thọ cảnh báo.

Ông Thọ cũng đề xuất, cần tiến tới cân bằng trong phát triển khu công nghiệp để giảm áp lực về giao thông, đô thị, môi trường và hạ tầng xã hội; thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo hiệu quả sử dụng đất; hạn chế phát triển khu công nghiệp trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định hoặc bám sát trục đường giao thông huyết mạch.

"Đồng ý với yêu cầu nhà cho công nhân, nhưng cần phải có các giải pháp và nghiên cứu cụ thể đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, đồng bộ giữa các luật liên quan như Luật nhà ở, Luật Đất đai; đảm bảo khoảng cách an toàn giữa bộ phận khu công nghiệp và bộ phận nhà ở", ông Thọ nói.

TS.KTS Nguyễn Xuân Hinh cho biết, nguyên Trưởng khoa Quy hoạch, Đại học Kiến trúc cho rằng, trên thực tế các khu công nghiệp hầu như nằm ngoài ô, xa trung tâm đô thị (trung bình khoảng 30-50km), như vậy tất yếu sẽ hình thành các khu dân cư và dịch vụ ngay kề cận khu công nghiệp và điều đó cũng là cần thiết. 

Ông Hinh cho rằng, mô hình phát triển nhà ở và dịch vụ cho công nhân khu công nghiệp dưới dạng đô thị công nghiệp, khác với mô hình nhà ở công nhân hiện nay, chỉ phục vụ ở cho bản thân công nhân khu công nghiệp. Mô hình quy hoạch đô thị công nghiệp được quy hoạch phát triển cho cộng đồng dân cư đa dạng với nhiều thành phần cư dân, với cư dân là công nhân tại chỗ chiếm đa số. Các cư dân không làm công nhân trong các khu công nghiệp vẫn tham gia cung ứng các tiện ích sống trong khu đô thị. Vì vậy, công nhân có thể đảm bảo mọi nhu cầu về cuộc sống như mua sắm, giải trí, tiện nghi.

Với kiến trúc, kết cấu các khu nhà, TS.KTS Nguyễn Xuân Hinh cho rằng nên khuyến khích bằng quy định, hướng dẫn trong tiêu chuẩn thúc đẩy việc ứng dụng các mô hình giảm giá thành nhà ở. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, có rất nhiều giải pháp thiết kế, thi công khả thi, giải quyết tốt vấn đề này như ứng dụng hệ thống giải pháp khung nhà tiền chế bằng vật liệu mới, tạo môi trường thu hút kinh doanh tốt.

Bản thân nhiều doanh nghiệp tham gia toạ đàm cũng đưa đề xuất Chính phủ phê duyệt cơ chế cho phép doanh nghiệp chuyển đổi đất khu công nghiệp, thương mại dịch vụ, nông nghiệp, khác sang làm khu đô thị nhà ở xã hội; xem xét cấp cho chủ đầu tư nhà ở xã hội các khu đất liền kề hoặc một phần quỹ đất của dự án nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ